Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Lại VTV1



Xích Tử - Đài truyền hình VTV1 của đảng lại lải nhải những bình luận thiếu hiểu biết, mị dân và ngu dân nhằm phục vụ tuyên truyền cho sửa đổi Hiến pháp.

Trong một phóng sự phát 19 giờ tối 8/4/2013  nhằm minh họa cho cuộc họp trong ngày của Ủy ban dự thảo sủa đổi Hiến pháp 1992, nhà đài đã khai thác tối đa hình ảnh một bà tổ trưởng dân phố phải đến tận các hộ vào ban đêm, ngoài giờ làm việc để phát và thu phiếu góp ý, đồng thời phỏng vấn một vài “nhân dân” đã được mồi chài phát biểu suy nghĩ về cách làm này, từ đó đi đến nhận xét và bình luận khái quát rằng, đây là lần đầu tiên phiếu lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp được phát đến tận hộ gia đình trên cả nước; nhờ vậy, việc lấy ý kiến còn lớn hơn cả trưng cầu ý dân, vì người dân ngoài việc bày tỏ đồng ý/không đồng ý, còn được viết nhận xét của mình với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình.

Cùng với việc công bố số lượng 44 triệu lượt ý kiến của nhân dân tổng hợp đến ngày 32/3/2013, cách thông tin của cái loa ngốn tiền của nhân dân nhiều nhất đó chứng tỏ một cách làm ngây ngô, hợm hĩnh, kệch kỡm và xảo trá đến vô sỉ.

Rõ ràng, con số 44 triệu là không thể kiểm chứng được và đã bị nhiều người nghi ngờ. Đơn cử như trường hợp tôi khi quan sát và làm một khảo sát nhỏ: tại cơ quan gần trăm con người, không có tổ chức họp góp ý; hỏi 05 gia đình ở gần nơi cứ trú, không có góp ý; hỏi hơn mươi người bạn thường gặp gỡ quán cóc, không có góp ý. Vị chi, gấn 150 người lớn, chẳng có ai được một lần tham gia việc trọng đại ngày. Lấy đâu ra tỉ lệ gần 80% công dân như kết quả tổng hợp?

Về chuyện đài VTV1 tối 8/3/2013, có thể xem như một kiểu tuyên truyền hóa rồ khi cố tình bày tỏ vai trò minh họa phục tùng ý đảng đến mức làm lộ sự ngu dốt của các nhà báo, bộc lộ quá thật thà mục đích thông tin mị dân và ngu dân của mình.

Quá dễ dàng để thấy ngay sự thiếu hiểu biết của nhà đài khi so sánh “lấy ý kiến nhân dân” với “trưng cầu ý dân”. Về thuật ngữ cố định (referendum/plebiscite) và cách giải thích chiết tự, hai hoạt động này chỉ là một. Trong thông lệ chính trị thế giới, hoạt động này thường được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín, không bắt buộc, với các chủ thể là công dân và kết quả chỉ có ý nghĩa tham khảo, song rất quan trọng. Do tính chất tham khảo, trưng cầu ý dân có giá trị bắt buộc thấp hơn hình thức phúc quyết toàn dân về những vấn đề lớn của đất nước như đã được ghi trong Hiến pháp 1946 của Nước VNDCCH.

Công dân, khi tham gia ý kiến qua cuộc trưng cầu, vốn là hoạt động dân chủ, lại là phiếu kín nên không lo và không bị bất cứ sự kỳ thị, trù dập nào của các thế lực có lợi ích không phù hợp với ý kiến của công dân đó.

Khác với cách làm trên, cuộc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam lần này là một hoạt động bắt buộc; người dân bị ép phải có ý kiến bằng phiếu góp ý mà cả hình thức mẫu cũng như cách phát, thu không còn dành cho người trả lời phương án lựa chọn nào: không thể và không dám chọn không đồng ý vì phiếu phải được ký tên mà nếu không ký thì khi tổ trưởng dân phố lúc thu phiếu cũng đã biết ngay thái độ của người điền phiếu; không thể không thực hiện việc góp ý vì đã việc góp ý đã được “nghĩa vụ hóa”. Giống như trong các cuộc bầu cử, những người không đi bầu sẽ bị gọi tên liên tục qua hệ thống loa công cộng ngay từ đầu buổi chiều trong ngày; hoặc tổ bầu cử sẽ mang phiếu đến tận nhà; hoặc tổ bầu cử bầu thay không cần thẻ cử tri. Rủi cho ai nếu sau những nỗ lực ấy mà vẫn từ chối đi bầu thì không biết bao nhiêu chuyện nhiêu khê sẽ giáng xuống. Nhờ vậy, Việt Nam là nước kỷ lục về tỉ lệ người dân đi bầu đến 100%.

Về hình thức mẫu phiếu lấy ý kiến, như đã thấy, tại TP. Hồ Chí Minh, người ta chỉ ghi một phương án đồng ý.

Một chi tiết khác làm căn cứ cho sự so sánh hơn của việc lấy ý kiến theo nhận xét của đài là sự tham gia của cả nhà. Đúng là dân chủ Việt Nam. Trong khi trưng cầu dân ý, theo thông lệ nói trên, chỉ hạn chế trong đối tượng công dân, tức là những người có quyền tham gia bầu cử, là cử tri; bởi, trưng cầu ý dân là tham khảo ý dân đối với những vấn đề cực kỳ hệ trọng của đất nước. Khi đài nói cả nhà cùng tham gia góp ý, té ra cuộc lấy ý kiến mở rộng chủ thể đến cả nam phụ lão ấu cha con chồng vợ cháu chắt trong gia đình. Có lẽ nhờ vậy mà sau khi thu sổ với chữ ký của chủ hộ, người ta chỉ cần cộng gộp toàn bộ dân cư của tất cả các hộ trên địa bàn vào đó là có thể có ngay 44 triệu ý kiến.

Suy cho cùng, người ta bắt buộc nhân dân, mượn nhân dân để làm nên việc cho mình trong một qui trình không cho dân cái quyền gì hết. Còn nhân dân, trong vai trò chính trị đích thực của mình thì nói như Nguyễn Khải, trải qua nhiều chế độ chính trị, không có chế độ nào xem thường, lợi dụng nhân dân như chế độ này.

Cũng vì xem thường như thế nên trong những ngày này, ngoài sự hài hước, kệch kỡm ngày càng sâu thêm do cuộc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp, người dân còn được hưởng cú lừa của đảng, nhà nước về việc tăng giá xăng dầu. Quyết định tăng được giải thích là do giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước Đông Nam Á khác, nhất là Campuchea và Lào, dẫn đến buôn lậu; hơn nữa, quỹ bù lỗ để bình ổn giá mặt hàng này đã hết. Vài ngày sau, thấy vô lý và biết bị hớ về chuyện buôn lậu, ông Vũ Đức Đam họp báo giải thích lại là tăng giá không phải để chống buôn lậu. Song ngay trong bản tin thời sự tối cùng ngày, VTV1 lại phát phóng sự về hiện tượng giảm buôn lậu xăng qua biên giới Việt Nam – Campuchea.

Sự lúng túng đó cuối cùng đã bị phanh phui qua sự so sánh giá xăng dầu của một cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đăng tải trên boxitvn.blogspot.com, rằng, giá xăng dầu Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á. Và đó là sự thật, thậm chí, trong những ngày này, giá xăng Việt Nam còn cao hơn so với một số bang của Mỹ.

Sự giả dối, xem thường nhân dân đã trở thành chiến lược. Một Hiến pháp còn có thể làm được bằng cách mượn tạm vai trò của nhân dân thì cái giá xăng và vô số những việc khác nữa có nhằm gì.

Xích Tử

Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến