Cập nhật: 13:03 GMT - thứ bảy, 13 tháng 4, 2013
Chính quyền Việt Nam sẽ xem xét có nên thay đổi quốc hiệu ‘Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ để trở lại quốc hiệu cũ là ‘Việt Nam Dân chủ Cộng hòa’ hay không, báo chí trong nước đưa tin.
Đây là vấn đề mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp đó sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị trung ương 7 sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ đề liên quan
Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì việc sửa đổi này là ý kiến của nhiều người dân trong đợt góp ý cho Hiến pháp hiện đang diễn ra.
Bên cạnh vấn đề quốc hiệu, trong bản báo cáo tổng hợp các góp ý cho Hiến pháp được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm thứ Sáu ngày 12/4, Ủy ban này cũng nhắc đến một loạt đề xuất khác của người dân về một số chủ đề nhạy cảm khác như sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của quân đội và thu hồi đất đai.
‘Ý kiến khác nhau’
Các vấn đề này được nhìn nhận là ‘còn nhiều ý kiến khác nhau’ nên sẽ được để ngỏ để Quốc hội và Đảng quyết định.
Theo đó, đối với từng vấn đề sẽ có hai phương án: giữ nguyên như trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi hoặc sửa lại theo góp ý của người dân.
Về Quốc hiệu được nêu trong điều 1, phương án 2 mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề xuất là:
“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”
Báo Dân Trí dẫn báo cáo của Ủy ban này phân tích rằng việc giữ nguyên quốc hiệu ‘xã hội chủ nghĩa’ có mặt lợi là khẳng định ‘mục tiêu phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội’ đồng thời không cần phải thay đổi quốc huy và con dấu. Mặt khác, đối với người dân thì cách gọi ‘Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ đã rất quen thuộc.
Còn cách gọi ‘dân chủ cộng hòa’ phù hợp với tình hình thực tế của đất nước là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ và có khả năng đoàn kết dân tộc cũng như thân thiện hơn với cộng đồng quốc tế, cũng theo báo cáo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp được báo Dân Trí dẫn lại.
Với cách phân tích như vậy, có thể thấy Ủy ban này gián tiếp thừa nhận quốc hiệu ‘xã hội chủ nghĩa’ gây chia rẽ người dân Việt Nam và bị cộng đồng quốc tế ác cảm.
Trong một cuộc trao đổi gần đây với BBC, một đại biểu Quốc hội cũng lên tiếng cho biết quan điểm cá nhân của ông ủng hộ việc Việt Nam nên trở lại với chế độ "dân chủ, cộng hòa."
Đại biểu BấmDương Trung Quốc nói với BBC Việt ngữ: "Rõ ràng bản hiến pháp năm 1946 được xây dựng trên một nền tảng có một sự đồng thuận rất cao khi lựa chọn chế độ dân chủ cộng hòa.
"Còn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội tôi nghĩ vẫn là mục tiêu có thể đặt ra, nhưng nó phải hết sức thực tiễn vì đó là mô hình chưa hề có.
"Vì thế tôi đề nghị, tôi mong muốn là ta trở lại với chế độ dân chủ, cộng hòa," đại biểu đồng thời là nhà sử học nói.
Tuy nhiên, về điều 4 khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản vốn gây tranh cãi, báo cáo của Ủy ban này cho biết ‘tuyệt đại đa số ý kiến người dân tán thành’.
Ý kiến của nhân dân về điều 4 này, có chăng, là viết gọn lại thành ‘Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’ thay vì phải diễn giải rõ về bản chất và tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, theo Ủy ban này, người dân cũng yêu cầu Hiến pháp viết rõ trong điều 4 này là ‘Đảng chịu sự giám sát của nhân dân’ và sự lãnh đạo của Đảng ‘chịu sự lãnh đạo của nhân dân’.
Tuy nhiên ý kiến làm rõ cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân có thể giám sát Đảng đã bị Ủy ban này bác bỏ với lập luận rằng quy định Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật đã là điều kiện đủ để dân giám sát Đảng, cũng theo Dân Trí.
Trung thành với ai?
Ở điều 70 quy định về sự trung thành của quân đội, báo cáo tổng hợp ý kiến của người dân cho thấy có hai luồng ý kiến tán thành và phản đối việc quy định ‘lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam’.
Tuy nhiên ở luồng ý kiến tán thành cũng yêu cầu sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong sự trung thành của quân đội là với Tổ quốc, nhân dân trước rồi mới đến Đảng.
Về vấn đề này, trong một trao đổi với BBC gần đây, Giáo sư BấmĐàm Thanh Sơn đang giảng dạy tại Hoa Kỳ, thành viên khởi xướng nhóm "Cùng viết hiến pháp" bên cạnh Giáo sư Ngô Bảo Châu, trong một thư góp ý của mình gửi tới Quốc hội Việt Nam cho rằng:
“Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ dân chủ, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.
Ông không tán thành bản dự thảo hiến pháp của chính quyền nói: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”.
Giáo sư nêu lý do: "Theo tôi, các lực lượng vũ trang của Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với đất nước và nhân dân Việt Nam, do đó quy định như trong Hiến pháp hiện hành là đủ.
"Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, do đó đặt cụm từ “Đảng cộng sản Việt Nam” lên trước hai từ “Tổ quốc” và “nhân dân” như trong dự thảo là không hợp lý."
"Trưng cầu dân ý đã được nêu lên từ lâu nhưng chưa được thực thi vì chưa có luật, vì vậy hãy nhanh chóng có luật về trưng cầu dân ý và đó là công cụ để đo được quyền phúc quyết của người dân khi bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi xong và để lấy ý kiến của người dân"
Đại biểu Dương Trung Quốc
Về việc thu hồi đất được quy định ở điều 58, báo cáo tiếp thu ý kiến người dân cũng đề xuất không tiếp tục thu hồi đất với cả ‘dự án phát triển kinh tế-xã hội’ và bổ sung quy định ‘thu hồi phải công khai, minh bạch, công bằng và do luật định’, báo Pháp Luật TPHCM cho biết.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng tiếp thu ý kiến đóng góp về nguyên lý ‘vô tội’. Theo đó bị cáo ‘được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án’.
Có một thực tế ở Việt Nam là các nhân vật bất đồng chính kiến đang bị cáo buộc ‘chống Nhà nước’ mặc dù vẫn chưa ra tòa hoặc chưa bị tòa tuyên án thì đã bị các cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước khẳng định là ‘có tội’.
Một điểm đáng lưu ý nữa mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng tiếp thu là quy định ‘Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý’ để bảo điểm quyền lập hiến của nhân dân.
Về điểm này, trong cuộc trao đổi với BBC, Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nói:
"Phải có thời gian để chúng ta sửa đổi Hiến pháp một cách hoàn thiện hơn, và trước khi có thể sửa đổi bản Hiến pháp một cách căn bản, thì nên giải quyết một vấn đề đã được đặt ra trong các bản hiến pháp trước đây. Đó là quyền trưng cầu dân ý.
"Trưng cầu dân ý đã được nêu lên từ lâu nhưng chưa được thực thi vì chưa có luật, vì vậy hãy nhanh chóng có luật về trưng cầu dân ý và đó là công cụ để đo được quyền phúc quyết của người dân khi bản dự thảo Hiến pháp được sửa đổi xong và để lấy ý kiến của người dân.
"Thì chắc chắn bản Hiến pháp sắp tới sẽ đảm bảo tính bền vững, vì nó kế thừa nền tảng vững chắc của chế độ dân chủ, cộng hòa được xác lập từ năm 1945 và nó cũng không thay đổi định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu chúng ta còn mong muốn," ông nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét