Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Philippines tiếp tục kiện Trung Quốc về Biển Đông

Manila thách thức Bắc Kinh, tiếp tục kiện Trung Quốc về Biển Đông

Trung Quốc kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough Shoal, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough Shoal, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Trọng Nghĩa
Bất chấp phản đối cũng như sức ép từ Trung Quốc, chính quyền Philippines hôm nay 28/03//2014 xác định vẫn theo đuổi vụ kiện Trung Quốc về các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bản ghi nhớ - hay luận chứng cáo buộc Trung Quốc – sẽ được đệ trình lên tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào ngày Chủ nhật 30/03/2014 đúng theo hạn định.

Phát biểu với các nhà báo tại Manila, bà Abigail Valte, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, khẳng định rằng chính quyền Manila vẫn tiếp tục xúc tiến các thủ tục tố tụng, bất chấp những lời cảnh cáo chính thức của Trung Quốc về nguy cơ tổn hại quan hệ song phương.
Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các nước khác trong vùng, từ Philippines, Việt Nam, cho đến Malaysia, Brunei, Bắc Kinh còn dùng sức mạnh lấn chiếm và giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển đảo của nước khác, kể cả những khu vực trên nguyên tắc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của láng giềng, rất xa bờ biển của Trung Quốc.
Sau vụ Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực tế khu vực bãi Scarborough Shoal ở Biển Đông nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Manila vào tháng 01/2013 đã đệ đơn kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nhưng không ngăn được tiến trình tố tụng.
Từ đó đến nay, Trung Quốc vừa tiếp tục lấn lướt Philippines ở những khu vực khác tại Biển Đông đang nằm dưới quyền kiểm soát của Manila – cụ thể là tại bãi Second Thomas Shoal (Trường Sa), nơi có một đơn vị Thủy quân lục chiến Philippines đồn trú - vừa liên tục hù dọa Philippines đòi nước này rút lại đơn kiện.
Thứ Tư 26/03 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lại cảnh cáo Philippines về khả năng quan hệ song phương bị sứt mẻ, nếu Manila vẫn tiếp tục các hành vi «sai trái ».
Tuyên bố khẳng định tiếp tục vụ kiện vào hôm nay của Phủ Tổng thống Philippines là lời đáp trả của Manila. Theo bà Valte, chính quyền Philippines thừa hiểu là phán quyết của tòa án Liên Hợp Quốc có thể không có khả năng thực thi dù chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên một quyết định thuận lợi cho Philippines sẽ củng cố lập trường của Manila.
Trong đơn kiện của mình, Philippines cáo buộc rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng Biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (1.611 km) đều bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà hai bên đều ký kết năm 1982.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140328-philippines-kien-quyet-tiep-tuc-kien-trung-quoc-truoc-toa-an-lhq

Bầu Kiên 'sắp ra tòa'

Ông Nguyễn Đức Kiên đã bị bổ sung thêm nhiều tội danh kể từ khi bị bắt hồi năm 2012
Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB vào giữa tháng Tư, truyền thông trong nước cho biết.
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 28/3 dẫn nguồn tin từ Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội cho biết phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 16/4 và diễn ra trong vòng 15 ngày.
Tuy nhiên, theo một tin khác do báo Người Lao Động đăng tải cùng ngày, thời gian xét xử sẽ bắt đầu vào ngày 17/4 và sẽ tuyên án vào ngày 29/4.
Ông Kiên bị bắt hồi tháng Tám năm 2012 vì tội 'Kinh doanh trái phép'.
Tuy nhiên trong năm 2013, ông bị truy tố thêm các tội danh 'Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Trốn thuế'.
Tội lừa đảo có thể nhận mức án chung thân, trong khi tội cố ý làm trái có mức án cao nhất là 20 năm tù.
Tội kinh doanh trái phép có mức án 2 năm tù và trốn thuế là 7 năm tù.
Mức án cao nhất của khung hình phạt mà ông Kiên có thể phải nhận là chung thân, nếu bị kết tội.

Truy tố bổ sung

Ông Trần Xuân Giá từng nắm vị trí Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư

Hồi cuối năm ngoái, Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã thông báo "vụ án Bầu Kiên sẽ đưa ra xét xử trước Tết Âm lịch".

Nghệ An: SÁNG NAY, 28.3 HÀNG NGÀN NGƯỜI TẬP TRUNG PHẢN ĐỐI CƯỠNG CHẾ



Sáng nay, 28.3.2014, tại Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An, cả ngàn người dân đã vây lấy những người trong đội quân cưỡng chế. Có 03 người được "đưa đi" từ sáng sớm, nhưng dưới áp lực của dân, đã được trả về. 

Vụ cưỡng chế đang nóng lên và cả hai phía chính quyền và người dân đến giờ này vẫn chưa ai dừng lại ... 

Mong, chính quyền Quỳnh Lưu, Nghệ An sớm có cách thức để thoát khỏi những tiền lệ xương máu mà những vùng đất như Tiên Lãng, Văn Giang ... đã từng gặp phải, chưa lâu. 


Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

HÀ NỘI: DÂN LÀNG LẬP BÀN THỜ, QUỲ LẠY TRƯỚC CỔNG ỦY BAN XÃ

Trần Kháng - Việt Cường

26/03/14 07:08

(GDVN) - Cho rằng chính quyền đã bán đất, làm mất lối đi vào miếu của nhân dân, người dân xã Mễ Trì (Từ Liêm) đã tập trung trước cổng UB xã để đòi đất. 

Sự việc trên diễn ra từ đêm ngày 24/3 cho đến tận tối muộn ngày 25/3. Hàng trăm người dân ở hai thôn Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã tập trung trước cổng ủy ban xã Mễ Trì và lập bàn thờ, treo cờ để “đòi đất”.
Hàng trăm người dân xã Mễ Trì lập bàn thờ, ăn bánh mỳ, căng bạt, giữ đường. Hàng trăm người dân xã Mễ Trì lập bàn thờ, ăn bánh mỳ, căng bạt, giữ đường.

Theo người dân phản ánh, do chính quyền xã đã bán đất công của làng cho C.ty Điện lực Từ Liêm. Mảnh đất này là con đường mà hàng trăm năm nay người dân Mễ Trì vẫn sử dụng để đi vào ngôi miếu cổ Bàn Thổ.

Trong khi đó, theo thông báo của UBND xã Mễ Trì, đoạn đường dân sinh từ Miếu Bàn Thổ, xóm 1, thôn Mễ Trì Hạ tới trụ sở UBND xã Mễ Trì đã bị thành phố thu hồi từ năm 2007 để xây dựng Trung tâm vui chơi thể thao xã Mễ Trì – giai đoạn 1 và dự án xây dựng Nhà điều hành sản xuất điện lực Từ Liêm.

Để “qua mắt” xã, đêm ngày 24/3/2014, gần 700 người dân hai thôn trên đã tập trung lại, tổ chức thuê máy xúc san gạt, đổ bê tông con đường từ Miếu Bàn Thổ đến trước cổng ủy ban xã. Sự việc trên đã bị chính quyền địa phương phát hiện.

Đêm 24/3, huyện Từ Liêm đã huy động đông đảo công an, cơ động, CS 113, dân phòng….đến để ngăn cản người dân thi công con đường.

“Họ đến ngăn cản chúng tôi làm đường. Có mang theo cả súng và bắn hai phát lên trời để người dân giải tán”  - bà T, một người dân kể.

Đến khoảng 3h sáng, khi lực lượng chức năng ra về, người dân tiếp tục hoàn thành nốt việc đổ bê tông con đường vào miếu.

6h sáng ngày 25/3, để phản đối việc con đường làng “bỗng nhiên” thuộc về Công Ty Điện lực, hàng trăm người dân tập trung trước cổng ủy ban xã, lập bàn thờ, tổ chức cúng lễ nhằm yêu cầu UBND xã phải trả lại con đường dân sinh trên.

Trước diễn biến phức tạp từ phía người dân, chính quyền xã Mễ Trì đã xuống giải thích, vận động bà con không nên kích động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại khu vực. Tuy nhiên, việc vận động trên không có kết quả.

Chiều 25/3, UBND xã Mễ Trì đã chỉ định bà Nguyễn Thị Hường – PCT phụ trách mảng văn hóa xã hội của xã đứng ra làm việc với báo chí.
Bà Nguyễn Thị Hường – PCT xã Mễ Trì làm việc với báo chí trong chiều 25/3.

Bà Hường cho biết, từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi mảnh đất này để xây dựng Trung tâm vui chơi thể thao xã Mễ Trì và cho Công ty điện lực Thành phố Hà Nội thuê để xây dựng nhà điều hành.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

GS NGÔ ĐỨC THỌ VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN CHO KHOA HỌC VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

.
Giáo sư Ngô Đức Thọ và những cống hiến
cho khoa học và văn hóa Việt Nam 
TS. Trần Trọng Dương
Trong giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam vẫn truyền tụng về các nhà nghiên cứu đầu ngành của thế kỷ XX như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp,… là thế hệ “một đi không trở lại”. Sự ca ngợi ấy cũng là một lối nói, một cách diễn ngôn. Bởi như ta biết, lớp kế cận ngay sau đó là những tên tuổi như Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Huệ Chi,… Nếu như Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Nguyễn Huệ Chi là những đại thụ, là những người xây nền móng của các ngành ngôn ngữ học, khảo cổ học và văn học trung đại, thì Ngô Đức Thọ là người đi “be bờ đắp đập” cho nhiều chuyên ngành khoa học chuyên sâu khác nhau, từ văn tự học, văn bản học, thư tịch học, cho đến sử liệu học, bi ký học, phiên dịch học…  Ở mỗi một mảng chuyên ngành ấy, Giáo sư Ngô Đức Thọ luôn để lại những công trình quan trọng. Bài viết này, sẽ lần lượt điểm ra những cống hiến của giáo sư ở những bình diện trên. 
1.Về văn tự học
Ở Việt Nam hiện nay hầu như không mấy ai biết đến chuyên ngành văn tự học. Nhìn ở mảng nào cũng thấy những khoảng trống mênh mông. Hàng loạt các văn tự cổ từng tồn tại ở Việt Nam đã và đang chết đi, như chữ Chăm cổ, chữ Thái cổ, chữ Quốc ngữ cổ, chữ Nôm Tày, chữ Nôm Dao, chữ Nôm Việt,… và dĩ nhiên là chữ Hán cổ. Trong bối cảnh đó, công trình “Nghiên cứu chữ Huý trên các văn bản Hán Nôm” của Ngô Đức Thọ (1995) đã đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành văn tự học chữ Hán ở Việt Nam. Như lời tựa giới thiệu của giáo sư Hà Văn Tấn: “công trình này đã đặt nền móng cho môn tỵ húy học ở Việt Nam”. Cuốn sách hình thành trên cơ sở luận án tiến sĩ của ông, và là thành quả lao động trong một hai chục năm, trên cơ sở khảo sát hàng vạn văn khắc và thư tịch cổ. Cuốn chuyên luận được in bằng hai thứ tiếng (Việt, Pháp) ngay lập tức đã trở thành giáo khoa thư và sách tham khảo gối đầu giường cho nhiều học giả ở các ngành văn tự học, văn bản học, thư tịch học, sử liệu học… Giới Hán học quốc tế biết đến văn tự học ở Việt Nam chủ yếu vẫn là qua cuốn sách trên. Tiếc rằng, sau gần 20 năm, đây vẫn là cuốn chuyên luận DUY NHẤT về chuyên ngành này. Không biết sau sẽ như thế nào, nhưng nếu như Ngô Đức Thọ là người mở đầu và cũng là người chấm hết cho chuyên ngành văn tự học chữ Hán ở Việt Nam, thì đó là một điều vô cùng đáng tiếc và day dứt!
2. Về văn bản học
Cùng với khảo cổ học, văn bản học là hai ngành khoa học quan trọng bậc nhất trong nghiên cứu khoa học xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia về khảo cổ học hiện nay có thể lên đến vài chục, nhưng chuyên gia về văn bản học hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, giáo sư Ngô Đức Thọ được coi như là cánh chim đầu đàn của chuyên ngành khoa học này với công trình “Cơ sở văn bản học Hán Nôm” (viết chung với Trịnh Khắc Mạnh, nxb KHXH, 2007, 408 trang). Đây cũng là cuốn sách DUY NHẤT hiện nay tại Việt Nam trình bày về hệ thống lý thuyết cũng như các thao tác, quy trình nghiên cứu văn bản học. Cuốn sách cũng đã trở thành giáo trình giảng dạy tại các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại một số cơ quan như Đại học Quốc gia, Học viện Khoa học Xã hội. Từ khi công bố đến nay, chuyên luận này đã có ảnh hưởng lớn lao đến việc phát triển nghiên cứu khoa học. Ở mảng này, giáo sư Ngô Đức Thọ cũng đã công bố một số nghiên cứu khoa học khác quan trọng, ví dụ như “Đi tìm nguồn gốc và năm xuất hiện của văn bản Binh thư yếu lược” (công bố năm 1986), ông đã xác định rằng văn bản “Binh thư yếu lược” là một văn bản giả tạo (ngụy thư) do người sau sáng tác (sớm nhất là vào năm 1869), chứ không phải là một văn bản nguyên gốc của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từ thời Trần. Kết luận về văn bản này là dấu chấm hết cho một nghi án lịch sử.
Có thế nói, mỗi một phát hiện về văn bản học, cũng giống như một phát hiện về khảo cổ học sẽ là một cuộc lật đổ khoa học. Toàn bộ các thành quả nghiên cứu của các ngành khác (như sử học, văn học, triết học, tôn giáo, quân sự học, văn hóa học, địa lý học lịch sử...) sẽ chỉ là những giả thuyết mong manh nếu chưa có giám định của khoa văn bản học. Giáo sư Ngô Đức Thọ với những nghiên cứu của ông về văn bản học đã và đang tạo nên những bước đi vững chãi cho khoa học xã hội ở Việt Nam.
3. Về từ điển học
Với tư cách là một người nghiên cứu về chữ viết cổ truyền (văn tự học), giáo sư Ngô Đức Thọ đương nhiên là người có lợi thế rất lớn trong nghiên cứu và biên soạn từ điển. Ông cũng đã dành công sức cả đời để biên soạn một cuốn Từ điển Hán Việt trên cơ sở ngữ liệu Hán văn Việt Nam (từ Lý Trần cho đến Nguyễn). Đây hẳn sẽ là công trình từ điển có ý nghĩa nhất ở lĩnh vực này, bởi như ta biết các từ điển Hán Việt trước nay chủ yếu là sử dụng các ngữ liệu của Hán văn Trung Quốc, phải đến Ngô Đức Thọ, ngữ liệu của các văn bản văn học, lịch sử, triết học của Việt Nam mới được đưa vào thống kê, phân tích. Tiếc rằng, cuốn sách này cho đến nay chưa từng được cơ quan nào tài trợ xuất bản.
Tuy vậy, giáo sư Ngô Đức Thọ cũng đã có một số công trình từ điển nổi tiếng khác.
Cuốn thứ nhất là “Từ điển di tích văn hoá Việt Nam” do ông chủ biên, được xuất bản lần đầu vào những năm 1990. Cuốn sách này là cuốn từ điển đầu tiên tổng hợp 150 nguồn tư liệu cổ, với 20.000 phiếu lược thuật, 1202 đơn vị di tích, bao gồm: 605 đền, miếu; 132 đình; 454 chùa (am, viện, tháp); 11 Đạo quán:, thuộc nhiều địa phương nước ta: Phía Bắc từ Hà Tuyên đến Hà Tiên bên bờ vịnh Thái Lan. Từ điển này ngay từ khi ra đời đã trở thành một “cơn sốt” trên thị trường sách học thuật. Các cơ quan nghiên cứu, các phòng văn hóa, sở văn hóa các cấp, các nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóa di tích truyền thống đều tìm đọc cuốn sách này. Phong trào khơi nguồn, đi tìm dấu tích văn hóa dân tộc trong quãng 20 năm trở lại đây hẳn có một phần không nhỏ của cuốn từ điển này.
Cuốn thứ hai là “Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919)” cũng do ông chủ biên và viết bài khảo cứu (Văn học, tái bản 2006, 875 trang). Đây thực chất là một cuốn từ điển về gần 3000 vị trạng nguyên, tiến sĩ đã trúng tuyển trong các kỳ thi đại khoa (thi Hội) chính thức do triều đình tổ chức từ thời Lý cho đến thời Nguyễn. Như ta biết trong phần lớn các nhà khoa bảng đó, đều là các quan lại cao cấp, các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nhà y dược học, nhà tư tưởng- chính trị, … Đúng như lời giới thiệu khảo cứu của Ngô Đức Thọ, trước cuốn sách này thì ở Việt Nam “chưa có một bộ sách nào đáp ứng được yêu cầu tra cứu tổng hợp về các nhà trí thức” trong lịch sử 1000 năm của Việt Nam. Vì thế ,cuốn sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, từ khi ra đời cho đến nay, đã được tái bản nhiều lần, đây cũng là một sách công cụ đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ nhà nghiên cứu nào khi nghiên cứu về lịch sử nhân vật, lịch sử khoa cử,… và là cuốn sách có mặt trên mọi giá sách của các gia tộc có truyền thống học vấn.
4. Về sử liệu học, địa lý học lịch sử
Khoa sử liệu học luôn gắn chặt hữu cơ với văn tự học và văn bản học. Sử liệu có khả tín hay không đều phải qua thao tác giám định văn bản (thật/ giả), hiệu điểm văn tự (đính ngoa, cú đậu). Với những đóng góp cụ thể ở hai ngành trên, giáo sư Ngô Đức Thọ chính là người có những đóng góp quan trọng trong ngành sử liệu học ở Việt Nam. Ông chính là dịch giả của cuốn Đại Việt sử ký toàn thư - bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm chính hoà thứ 18 (1697) (nxb. Khoa học xã hội. - 24cm. Tập .1  Hà Văn Tấn hiệu đính, 2009 – 436 trang). Đồng thời là người khảo cứu văn bản học và biên dịch một số tác phẩm sử học quan trọng khác như Hoàng Việt hưng long chí, Văn bia Văn miếu Quốc tử giám – Thăng LongNgô Đức Kế: cuộc đời và sự nghiệp,…
Quan trọng hơn cả, ông là người chủ biên việc nghiên cứu văn bản, biên dịch, chú thích bộ sách Đồng Khánh địa dư chí (hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với Viện Viễn đông Bác Cổ Pháp, nxb. Thế giới. T.1. T2. T3 - 2003. 5000 trang). Đây là một công trình đồ sộ về sử liệu học và địa lý học lịch sử. Hàng nghìn trang tư liệu và bản đồ cổ đã được công bố chú thích, góp phần đẩy mạnh việc nghiên cứu về chủ quyền biển đảo cũng như lãnh thổ, địa giới của Việt Nam trong lịch sử.
5. Biên dịch
Ngoài những chuyên ngành trên, Giáo sư Ngô Đức Thọ còn được biết đến với tư cách là một trong những dịch giả có khối lượng tác phẩm đồ sộ. Các tác phẩm dịch thuật của ông trải trên nhiều lĩnh vực từ văn học, sử học (đã nêu), cho đến Phật học, thiên Chúa giáo, phiên dịch các tài liệu nghiên cứu khoa học.
Về văn học, ông là dịch giả của cuốn Mộng Bá vương (Việt Nam khai quốc trí truyện) của tác giả Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm (nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, 1990), là đồng dịch giả của cuốn Hậu Thuỷ hử  (3 tập, tác giả Thi Nại Am, La Quán Trung, nxb. Văn học. 1994), Hoàng Việt Long hưng chí – bộ Tiểu thuyết lịch sử  của Ngô Giáp Đậu (nxb. Văn học, 1993. – 445 trang).
Về Phật giáo, ông là đồng dịch giả của  bộ Thiền uyển tập anh (Anh tú Vườn Thiền)- tác phẩm văn học- lịch sử Phật giáo sớm nhất (Nxb. Văn học, 1993. - 249tr),  Lục tổ đàn kinh của Huệ Năng đại sư (nxb.Văn học, 1992. – 206 trang) ; Lời giáo huấn của Phật Đà của Walpola Rahula (Nxb Tôn giáo, 1999).
Về thiên chúa giáo, ông là dịch giả của sách Tây Dương Gia Tô bí lục : Ghi chép những chuyện kín của đạo Gia Tô Tây Dương của Phạm Ngô Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am... (Knxb., 1999 , 332 trang).
Ông còn là dịch giả/ đồng dịch giả của một số sách nghiên cứu như Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứcủa giáo sư Trần Ích Nguyên (Đài Loan) (nxb. Lao động - Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2008. – 291 trang); Nghiên cứu về khuyên phát tâm bồ đề  của Pháp sư Diễn Bồi (Nxb. Hà nội, 1994. – 297 trang).
Ngoài những tác phẩm của các lĩnh vực trên, giáo sư Ngô Đức Thọ còn tham gia biên soạn nhiều bộ sách khác. Số liệu đến nay chưa thống kê thực đầy đủ, nhưng với những gì chúng tôi biết, số lượng trang in của các công trình trên lên đến trên dưới 10.000 trang xuất bản. Những đóng góp đồ sộ của ông đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam hẳn là công sức bền bỉ trong suốt cuộc đời lao động khoa học nhọc nhằn. Những sai sót ở trong đó không phải là không có. Nhưng về cơ bản, ông xuất hiện như một nhà khoa học đa năng, người trấn giữ trọng trách, người đặt nền ở các lĩnh vực văn tự học, văn bản học, từ điển học, sử liệu học. Chỉ nguyên điều đó thôi đã khiến ông có một vị trí trang trọng ở bất kỳ một hội đồng khoa học nào.
Chính vì vậy chúng tôi thấy rằng giáo sư Ngô Đức Thọ xứng đáng được nhận “Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh”.
Nhưng xét cho cùng, sự nghiệp trước tác chính là giải thưởng lớn nhất mà ông đã tự dành cho mình!
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2013
TS. Trần Trọng Dương

Bài đăng phổ biến