Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

ĐÃ CÓ 12.898 NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (KN 72)



KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo), chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, xin trình bày với Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số kiến nghị, đồng thời mong mỏi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước thẳng thắn nói lên ý kiến để nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội. Dự thảo chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực. Kiểm soát bên trong giữa các nhánh quyền lực nhà nước bằng các cơ chế đối trọng kiềm chế lẫn nhau, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không thể vượt quá giới hạn được ấn định. Kiểm soát từ bên ngoài đối với công quyền được thực hiện bởi nhân dân với vai trò quan trọng của xã hội dân sự mà tiền đề là các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình,...
Hiến pháp phải mang tính chính đáng được đo bằng nhiều tiêu chí. Thứ nhất, hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc; đồng thời đoàn kết toàn dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển bền vững của dân tộc. Thứ hai, hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước. Thứ ba, hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo tinh thần đó, trước mắt chúng tôi kiến nghị 7 điểm như sau.
Kiến nghị thứ nhất về Lời nói đầu và về Chương I
Lời nói đầu của Dự thảo không làm rõ mục tiêu của hiến pháp và chủ thể quy định hiến pháp. Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Một bản hiến pháp tốt phải hạn chế sự lạm quyền của những người cầm quyền, tạo dựng khuôn khổ cho các sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá diễn ra một cách an bình và hiệu quả. Hiến pháp cũng phải hướng đến hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Lời nói đầu cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành hiến pháp là nhân dân.
Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Lời nói đầu của Dự thảo không đáp ứng được các yêu cầu trên nên chúng tôi đề nghị bỏ và thay bằng:
Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân,  vì một xã hội dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai, chúng tôi, nhân dân Việt Nam, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này.
Trong Chương I, cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân đòi hỏi phải tôn trọng ý của dân tộc. Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền. 

Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.

Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.

Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận.

Kiến nghị thứ hai về quyền con người

Một mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền đương nhiên của con người. 

Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp hiện hành, nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ (Điều 20). Dự thảo còn quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều 49,…). Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, ... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta.

Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập.

Kiến nghị thứ ba về sở hữu đất đai

Chế độ sở hữu tư nhân về đất đai đã tồn tại từ lâu trên đất nước ta. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội. Điều 57 Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm.

Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. 

Dự thảo còn “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất, trong đó lại mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đây là một sự thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn xã hội. 

Vì thế chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảotrở lại như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Có thể quy định như sau: “Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư.”

Thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự thảo.

Kiến nghị thứ tư về tổ chức Nhà nước

Tổ chức bộ máy Nhà nước phải phân biệt rạch ròi các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác. Tất cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật. Các nhánh quyền lực ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không thể bị chi phối bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân duy nhất nào, nghiêm cấm mọi sự độc quyền quyền lực. Đặc biệt, hệ thống tư pháp phải được bảo đảm trên thực tế quyền xét xử độc lập, chỉ dựa vào Hiến pháp và luật. Tòa án Hiến pháp phải được thành lập, có chức năng phán quyết, chứ không phải là tư vấn, kiến nghị như chức năng của Hội đồng Hiến pháp được quy định trong Dự thảo.

Kiến nghị thứ năm về lực lượng vũ trang

Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp

Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới.

Kiến nghị thứ bảy về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Việc lấy ý kiến đóng góp của toàn dân về sửa đổi Hiến pháp là một việc hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, phải được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, không thể tắc trách, lấy lệ. Vì vậy, thời hạn lấy ý kiến của nhân dân chỉ trong vòng ba tháng là quá ngắn, dễ dẫn đến tình trạng làm một cách hình thức cho qua chuyện. Vì vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.*

Sửa Hiến pháp theo tinh thần của các kiến nghị nêu trên sẽ phát huy dân chủ và hoà hợp dân tộc – những đòi hỏi hết sức bức xúc của nhân dân trong giai đoạn trước mắt, cũng như cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.

Chúng tôi tha thiết mong mỏi đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Kiến nghị này bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ thư điện tử:
kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com
Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2013
* Chú thích: Theo tinh thần đó, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận.
 DANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 
Số người ký tên đến đợt 31: 12.898
Kính thưa quý độc giả,
Để bảo vệ cho những người tham gia ký tên, hạn chế việc chính quyền sử dụng các thông tin cá nhân để làm phiền, gây áp lực lên người ký tên, Bauxite Việt Nam chỉ  đăng tải tên, nghề nghiệp và tỉnh/thành phố nơi cư trú, vì vậy có rất nhiều người trùng tên trong cùng một địa phương, những trường hợp đó chúng tôi xin được đánh số thứ tự sau tên.
Mặc dù chỉ đăng hạn chế thông tin  như vậy, nhưng nhiều trường hợp vẫn bị chính quyền phát hiện và gây áp lực, một số trường hợp đã thông báo cho BVN biết, một số trường hợp không chịu được sức ép phải xin rút tên.
Xin quý độc giả thông báo cho chúng tôi biết nếu bị làm phiền bởi chính quyền do ký tên vào Kiến nghị góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 được đăng trên BVN.
Bauxite Việt Nam
Để ký tên vào Lời kêu gọi này, xin đồng bào trong và ngoài nước gửi e-mail về địa chỉkiennghisuadoihienphap2013@gmail.com, ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, chức danh (nếu có) địa chỉ và số điện thoại (máy bàn, di động).
Đây là một cuộc sinh hoạt trọng đại mà việc đóng góp ý kiến của dân để thay đổi Hiến pháp 92 là “không có vùng cấm”, nên từ đợt đăng ký sau, nếu cần, chúng tôi sẽ công khai tất cả thông tin về người đã ký vào Kiến nghị (địa chỉ cụ thể, cơ quan làm việc, số điện thoại) trừ những bạn nào có yêu cầu không công bố. Còn đối với những người đã ký, nếu ai không cần giữ kín thông tin cá nhân thì xin gửi e-mail báo cho chúng tôi.
Danh sách dưới đây đã được rà soát để loại bỏ trùng tên.
Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến