Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NHỮNG CƠN GIÓ BỎNG RÁT ĐẦU HÈ



Dân Dương Nội biểu tình ngày 23/5
Mới đầu tháng 5, vừa vào hè mà người dân đã rát mặt bởi những cơn nắng nóng khủng khiếp. Cái bỏng rát vật lý tạt vào đời sống chật vật của mùa kinh tế khủng hoảng, suy thoái, kiệt quệ. Và thêm những vết bỏng rộp trong tâm hồn những người đang khắc khoải, cồn cào mong sự thay đổi…
Mấy hôm nay, mọi người tạm quên những ồn ào, thị phi quanh hội nghị TW7; quên rằng Hiến pháp vẫn giữ nguyên sau khi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tâm trí, tiền bạc của hàng triệu công dân tham gia góp ý thay đổi; quên rằng một mùa hè đỏ lửa và bão tố đang kéo đến…để tập trung vào người hùng không chân tay Nick Vujicic đến từ Úc. 

Nick là anh hùng. Những gì anh làm là kỳ tích. Đương nhiên rồi. Thông điệp anh mang đến Việt nam là tốt đẹp, nhân văn. Đương nhiên rồi. Phải cám ơn và tán thán Nick.

Nhưng có lẽ ồn ào nhất là Nick có nói về ông Hồ Chí Minh như giới tuyên giáo hay nói là bị dịch sai, dịch thiếu? Những kỳ tích như Nick đã làm được có thấy ở những người khuyết tật ở Việt nam hay không? Lại nữa, ban tổ chức không cho dịch câu nói về Chúa cũng được chia sẻ trên mạng. Và nhiều bạn đã dẫn chứng sự thật đó bằng vốn tiếng Anh không tồi của mình. 

Chợt nhó đến trò chơi của truyền hình Mỹ cách đây không lâu vào Việt Nam để làm chương trình truyền hình thực tế gì gì đó…Họ phải nhớ và ghép thành bài hát mà nước chủ nhà giới thiệu. Bài hát đó là bài “Ca ngợi đảng cộng sản”. Hình như câu đầu tiên là: “đảng CSVN quang vinh, ánh sáng soi đường đưa ta…” (quên rồi). Cuối cùng các bạn Mỹ vẫn hoàn thành được cuộc “sát hạch này”. Sau đó các bạn được đưa đến giới thiệu về cái hồ B52 trong làng Ngọc Hà – một chứng tích chiến tranh giữa Viêt Nam và Mỹ. 

Với tư cách chủ nhà đứng ra tiếp khách thì đây là một chủ nhà thô lỗ, ngạo mạn. Không thể bắt khách nhớ về một thất bại của họ trong một cuộc đối kháng đã xa với chính chủ nhà. 

Với tư cách người làm văn hóa thì chủ nhân này đã bỏ lỡ một cơ hội giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam (hay ít ra là thủ đô Thăng Long cổ kính có hàng ngàn năm lịch sử). Khách ra về mà không hề biết thêm gì về đất nước mà họ tới, có thể chỉ một lần.

Với tư cách tuyên truyền viên thì người này xứng đáng bị đuổi việc vì những gì anh ta hướng dẫn đoàn khách thực hiện đã gây làn sóng bất bình và phẫn nộ với khán giả coi chương trình đó.

Thực tế công tác tuyên truyền của nhà nước Việt nam đã phát sản từ lâu. Giờ thì tuyên truyền tràn ngập cả các chương trình giải trí, văn hóa, từ thiện…để trở thành phản tuyên truyền. 

Bỏ qua chuyện đó để thấy kỳ tích của Nick và niềm cảm hứng đến những người khuyết tật Việt Nam vượt qua nỗi tuyệt vọng. Xin tán thán Nick. 

May mắn là Nick được sinh ra và lớn lên ở một đất nước tự do, giàu có nên anh được hỗ trợ nhiều từ cộng đồng để phát huy hết khả năng có thể. Còn người khuyết tật Việt nam phải phát huy hết khả năng có thể để mưu sinh, tồn tại, sống tự lập và tử tế đã là một kỳ tích. Liệu Nick có được biết điều này không? 

Sự tuyệt vọng lúc này không chỉ của riêng những người khuyết tật, mà là của chung người dân Việt, vì như nhiều người nói, dân Việt đang bị rất nhiều những khuyết tật về tâm hồn. Một Việt Nam bệnh tật. Một chính quyền bệnh hoạn. Còn kinh khủng hơn sự khuyết tật về thể xác nhiều, Nick à. 

Khi báo chí kêu gọi chia sẻ những thông điệp nhân văn mà Nick đem đến với người Việt, thì nơi đây, chính quyền đang công khai có những hành xử tương phản lại những gì Nick truyền đạt. Sự phản ứng của cộng đồng mạng không phải với Nick và những gì anh đem đến mà phản ứng chính vì sự tương phản này.

Chỉ trong vòng 8 ngày, chính quyền đã sử dụng gần 100 năm tù để kết án 16 người đang tuổi hoa niên rực rỡ và đẹp đẽ nhất. Chỉ vì sự đấu tranh bất bạo động của họ với một xã hội xấu xa và một chính quyền mục nát.

1. Đầu tháng trên mạng đã xôn xao vụ xử án hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sắp diễn ra. Những người tin tưởng và ủng hộ hai em thì thấp thỏm chờ đợi một cái án như các vụ án tương tự trước đó, chừng 4, 5 năm tù cho tội 88. Mình thì thấp thỏm nỗi lo về những ứng xử trước tòa của hai người còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm sống, chứ đừng nói bản lĩnh chính trị cần thiết để đương đầu với hệ thống hành pháp, tư pháp chối bỏ cách hành xử văn minh nhân loại. Cuối cùng Uyên, Kha đã vượt qua “kỳ sát hạch” lớn lao mà các em không muốn, làm nên một kỳ tích.

Chị Kim Liên, mẹ Nguyên Kha kể là hồi hai em mới bị bắt, chị mua hai cây sầu riêng đem về trồng vườn nhà. Để nhìn cây mà nhớ đến con. Để hy vọng mùa bói quả “hai đứa sẽ về”. Mùa bói quả của sầu riêng, như chị nói, là 3 năm. Cuối cùng Uyên bị kết án 6 năm, Kha 8 năm. Vậy là sẽ hai mùa cây sầu riêng trổ bông thì may ra…Biết đâu có thể còn sớm hơn mùa bói quả??? 

2. Ngay sau phiên tòa Uyên, Kha và phiên tòa phúc thẩm xử 14 thanh niên Công giáo và Tin lành với nhiều phản ứng bất bình từ dân chúng. Tổng cộng số năm tù dành cho họ là hơn 80 năm. Xấp xỉ tuổi của đảng CS. Họ ôn hòa hơn những người CS hoạt động bí mật hồi tiền khởi nghĩa vì họ chỉ đấu tranh với những bất công xã hội bằng hình thức bất bạo động. Họ làm nên kỳ tích khi đánh động tâm thức của người dân về quyền được làm người tử tế.

Bà Nguyễn Thị Hóa (áo tím) bị đâm kim
3. Mẹ của anh Nguyễn Đình Cương, người bị đưa ra xét xử tại tòa án Vinh ngày 23/05/2013, bà Nguyễn Thị Hóa đã bị một nữ an ninh dùng kim tiêm (hóa chất?) vào bên cạnh sườn để ngăn cản không cho bà vào tham dự phiên tòa gọi là xét xử công khai. Đây có phải là một trong những “kỳ tích” chống lại nhân dân của chính quyền?
Vậy nên giữa những event nhân văn (tương tự như việc Nick đến VN) của các tập đoàn, công ty thường là với ý định tốt, nhưng gieo trên mảnh đất “lắm người nhiều ma” này bỗng trở thành bão tố của những bất bình, tranh luận, chán nản, khó chịu…

Người Việt sẽ nhớ một thông điệp của Nick: "Người Việt hãy giúp đỡ người Việt" và "đừng để người khác khiến bạn nản lòng". Cám ơn Nick.

Nhưng chúng tôi còn phải tri ân những thanh niên như Uyên, Kha, 14 thanh niên thành Vinh, Minh Hạnh, Đoàn Văn Chương…vì họ đã lập được kỳ tích là “vượt qua sợ hãi” để sống có lý tưởng. 

Đúng vậy, sống có lý tưởng như họ thực sự là một kỳ tích ở Việt Nam, không khác mấy với kỳ tích của Nick là chiến thắng số phận kém may mắn. Uyên, Kha và nhiều thanh niên khác không để bạo quyền làm họ nản lòng đâu, Nick yên tâm nhé…

TÀU CÁ QUẢNG NGÃI BỊ TRUNG CỘNG TẤN CÔNG TRÊN BIỂN HOÀNG SA

Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị húc vỡ ở Hoàng Sa

Trở về đất liền trong tình trạng tàu bị gãy vỡ nhiều chỗ, ngư dân Quảng Ngãi cho hay, họ đã bị những con tàu Trung Quốc tấn công trên vùng biển Hoàng Sa. 

Theo lời kể của ông Trần Văn Quang ở xã Phổ Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), khi tàu mang của ông trên đường từ vùng biển Hoàng Sa về Quảng Ngãi chiều ngày 20/5 thì bị đoàn tàu phía trước có ghi chữ "China" vây quanh gần khu vực đảo Tri Tôn. Trong đó, con tàu mang số hiệu 264 đã ba lần tông vào tàu cá của ông khiến nó suýt lật chìm ở vùng biển Hoàng Sa.

Phía đuôi tàu cá của ông Quang bị hư hỏng nặng. Ảnh: Trí Tín.

Tàu của ông Quang trở về bến Sa Cần lúc 21h đêm 21/5 trong tình trạng hư hỏng. Đồn biên phòng Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã tiến hành lập biên bản kiểm tra dấu vết trên tàu, ghi lời khai của các ngư dân.

Theo hồ sơ ban đầu, tàu của ông Quang gãy be tàu, 4 đà ngang và ca bin, ba bóng đèn pha bị vỡ toác. Thiệt hại ước tính 100 triệu đồng.

Trước vụ việc này, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi đã báo cáo đến Cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản để có giải pháp kiến nghị các Bộ ngành Trung ương có giải pháp can thiệp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân khi hành nghề trên vùng biển xa bờ.


Trí Tín

Hiện trạng tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi

Tàu cá của ông Quang trở về cập bến trong tình trạng hư hỏng.

‘Đảng chưa ra khỏi cái bóng của mình’

Nguyễn Thị Hường
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:07 GMT – thứ sáu, 24 tháng 5, 2013
Sau những cuộc “lấy ý kiến nhân dân” rầm rộ, và với những bản báo cáo choáng ngợp như 20 triệu lượt ý kiến của nhân dân, 28,000 hội thảo hội nghị góp ý hiến pháp từ các cấp các ngành, có lẽ Đảng Cộng sản nghĩ đó là đủ để tạo cái vỏ bọc dân chủ cần thiết cho dự thảo Hiến pháp của họ.
Nhưng trong thực tế, những con số đó không thuyết phục được ai về tính dân chủ của cuộc sửa đổi Hiến pháp và cũng chẳng nói lên điều gì về “nguyện vọng của đa số nhân dân”.
Cho đến nay Việt Nam vẫn không có truyền thông độc lập, không có các tổ chức dân sự tự do cũng như các tổ chức đối lập nên không có kiểm soát và phản biện rộng rãi trong quá trình “lấy ý kiến” nhân dân.
Kết quả cuộc thu thập các ý kiến về sửa đổi Hiến pháp do Đảng Cộng sản tiến hành khó có thể được coi là trung thực.
Kiến nghị 72 và khảo sát trên mạng của trang Cùng viết Hiến pháp – những ý kiến và khảo sát độc lập – phản ánh những nguyện vọng trái ngược so với những gì Đảng Cộng sản đang cố níu kéo, đặc biệt là về điều 4, về vai trò của quân đội cũng như về quyền tư hữu đất đai và bản chất của chế độ chính trị.
Tất nhiên, nói về số lượng thì Đảng Cộng sản, với vị thế độc quyền lãnh đạo cả bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, với nguồn ngân sách và nhân lực khổng lồ do nhân dân đóng thuế nuôi, áp đảo những khởi xướng độc lập của những nhóm trí thức ít người và và không có phương tiện cũng như môi trường chính trị tự do để vận động cho quan điểm của họ hay thực hiện những cuộc khảo sát độc lập mang quy mô rộng lớn hơn để rộng đường dư luận.
Chúng ta đang thấy một cuộc cạnh tranh về tư tưởng hiến pháp và chính trị trong đó xã hội đang lép vế trước thiểu số cầm quyền.

Phúc quyết và sửa hệ thống

Tôi vẫn cho rằng nếu không có một cuộc phúc quyết hiến pháp minh bạch, dân chủ thì mọi sửa đổi Hiến pháp chỉ là vô nghĩa, tốn tiền bạc của nhân dân một cách vô ích.
Tôi nhấn mạnh yếu tố “minh bạch” và “dân chủ” bởi tôi biết rằng có những người quan ngại rằng một cuộc phúc quyết hiến pháp trong tình trạng không có tự do chính trị như hiện nay có thể củng cố quyền lực và tính chính danh của chế độ thay vì thực sự phản ánh ý nguyện của nhân dân một cách trung thực. Nhưng chúng ta cần phân biệt giữa nguyên tắc và phương thức tiến hành.
Về mặt nguyên tắc, chúng ta cần thống nhất rằng phúc quyết Hiến pháp là điều kiện để Hiến pháp thực sự là khế ước xã hội qua đó nhân dân trao quyền cho nhà nước. Có những Hiến pháp dân chủ mà không quy định phúc quyết hiến pháp, đúng vậy.
Nhưng đó là những quốc gia đã có dân chủ, Quốc hội hay cơ quan lập hiến trong thể chế chính trị của họ do nhân dân bầu ra qua bầu cử tự do, công bằng, đại diện cho quốc dân và chịu trách nhiệm trước quốc dân của họ. Đó là điều Việt Nam chưa có.
Và phúc quyết Hiến pháp là một cơ hội trong thời điểm hiện tại để nhân dân Việt Nam bày tỏ nguyện vọng về những vấn đề chính trị căn bản nhất của quốc gia.
Sau khi thống nhất về nguyên tắc như vậy, việc tổ chức như thế nào để cuộc trưng cầu dân ý được minh bạch, dân chủ, là điều quan trọng cần bàn. Những người lãnh đạo thức thời trong Đảng Cộng sản nên ngồi lại cùng giới trí thức, đảng viên cấp tiến, và cả những tổ chức đối lập, để bàn thảo và thương lượng những điều kiện tiến hành cuộc phúc quyết Hiến pháp.
Đó là cách khôn ngoan để họ vừa có thể đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa giữ thế chủ động và thể diện để có cơ may bảo đảm vị thế chính trị của họ trong tương lai. Vị thế chính trị của họ trong tương lai chỉ có thể dựa vào sự đồng thuận của nhân dân mà thôi.
Tất nhiên, thay đổi Hiến pháp không phải là tất cả những gì Việt Nam cần. Chẳng ai ngây thơ đặt niềm tin vào những điều kỳ diệu nào đó mà một cơ chế hiến pháp dân chủ sẽ tự động mang lại cho Việt Nam.
Đất nước cần rất nhiều cải cách trên nhiều phương diện, giáo dục, kinh tế, y tế; cần những người có tâm, có tài, có trách nhiệm để thực hiện các cải cách đó một cách khôn ngoan và hữu hiệu. Pháp luật chỉ là một phần của những gì Việt Nam cần mà thôi.
Tuy vậy, đất nước nào cũng cần một hệ thống pháp luật chuẩn mực, một cơ chế nhà nước dân chủ quy định trong bản Hiến pháp để tiến hành những cải cách khác một cách hiệu quả với sự đóng góp của những người hiền tài. Như nhiều người đã nói: vấn đề của Việt Nam là vấn đề cơ chế, là “lỗi hệ thống.” Mà viết lại Hiến pháp chẳng phải là tổ chức lại hệ thống quyền lực nhà nước đó hay sao?

Cơ hội đoàn kết

Sửa đổi hiến pháp còn có thể là cơ hội để những người Việt Nam cả trong lẫn ngoài đảng, cả giới lãnh đạo lẫn đối lập, cả trí thức và người dân thường suy nghĩ sâu sắc về những nguyên tắc và giá trị nền tảng kết nối chúng ta như một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia, lên tiếng thể hiện sự đồng thuận về những giá trị và nguyên tắc đó và hiến định chúng.
Nếu vẫn còn sự bất đồng về những hệ giá trị căn bản nhất – chất keo gắn bó chúng ta với tư cách là những thành viên của cùng một cộng đồng, liệu những lời kêu gọi đoàn kết, hòa hợp, phát triển, có thực hiện được hay không?
Điều gắn bó người Việt chúng ta là gì? Là một ý thức hệ ngoại lai hay những giá trị tư tưởng nhân bản, bao dung, như sự tổng hòa tam giáo đồng nguyên là một niềm tự hào và là một ví dụ? Là rập khuôn giáo điều an phận hay tinh thần ham học hỏi và dám “ra biển lớn”?
Là một thể chế chính trị tập quyền áp đặt hay một cơ chế hạn chế quyền lực nhà nước, một xã hội dân sự đầy khí lực và một hệ thống khuyến khích người tài tham gia quản trị quốc gia?
Chúng ta có dám “vượt qua cái bóng của chính mình” bằng việc mạnh dạn gỡ bỏ những gì đang làm trì trệ sự phát triển và hoà nhập quốc tế của quốc gia, và đặt nền tảng là những nguyên tắc mới, những hệ giá trị cầu thị mới trong bản khế ước xã hội – Hiến pháp?
Chúng ta sẽ làm thế nào để bước cái bước tiến “vượt qua cái bóng của chính mình” đó mà không lặp lại những sai lầm lịch sử gây thêm chia rẽ, thù hận hay nghi kỵ giữa người Việt lẫn nhau? Không một cá nhân hay một nhóm người nào trong xã hội có thể áp đặt câu trả lời cho những câu hỏi quá lớn đó.
Đó phải là một câu trả lời đồng thanh, tập thể, sau một cuộc thảo luận công khai, tự do, bởi toàn thể công dân Việt Nam qua một cuộc trưng cầu ý dân dân chủ và minh bạch.
Hiến pháp không chỉ là một điều luật thông thường.
Có học giả đã nói rằng Hiến pháp là một bộ luật chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam đừng cho rằng họ có thể làm ngơ trước những đòi hỏi về chính trị của người dân Việt Nam thể hiện qua những cuộc thảo luận trên truyền thông xã hội và các kiến nghị về Hiến pháp.
Làm ngơ trước những đòi hỏi về Hiến pháp đồng nghĩa với việc làm ngơ trước những đòi hỏi ôn hòa về chính trị. Mà ý dân là nền tảng của quyền lực chính trị của một chế độ.
Đảng Cộng sản Việt Nam có sự lựa chọn giữa một cải cách ôn hòa và củng cố vị thế chính trị của họ thông qua việc cải tổ hiến pháp, hoặc tiếp tục thách thức sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân, vốn chỉ bùng phát khi giới lãnh đạo mà họ từng kỳ vọng không còn lắng nghe họ nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cô Nguyễn Thị Hường, nghiên cứu sinh Luật, Đại học Indiana, Hoa Kỳ.Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cô Nguyễn Thị Hường, nghiên cứu sinh Luật, Đại học Indiana, Hoa Kỳ.

Thu hồi đất: Dự thảo hiến pháp lại “thụt lùi sâu sắc”

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
23-5-2013
Khi Chủ nhiệm ủy ban pháp luật quốc hội Phan Trung Lý xuất hiện với bộ mặt căng đầy “vẫn thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội”, người ta lại có thể nhận ra một sự thụt lùi sâu sắc về mặt tư duy, không khác mấy từ ngữ tương tự mà người Mỹ thường dùng để ám chỉ những quốc gia vi phạm nhân quyền một cách tệ hại.

Vỡ làng!

1Với tiêu đề hiếm có trên, Nông nghiệp Việt Nam – một tờ báo “lề phải” nhưng đã có nhiều bài phản biện xã hội sắc sảo, trong số ra ngày 22/5/2013 đã chuyển tải những dòng phóng sự quá đỗi đau xót đến người đọc.
Tam Cường (Tam Nông, Phú Thọ) là một điển hình cho sự “vỡ làng” đau đớn ấy. Người già ở đây bảo cuộc cải cách ruộng đất dù đã trôi qua hơn nửa thế kỷ vẫn còn âm ỉ đau khổ thì nay vấn đề ruộng đất lại gây ra cho Tam Cường những đau khổ, day dứt không kém.
Năm 2008, Cty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí lấy đất làm nhà máy cồn nhiên liệu sinh học ở địa bàn 3 xã Cổ Tiết, Văn Lương và Tam Cường với tổng diện tích 51 ha, phần nhiều trong đó là đất hai lúa thuộc diện “bờ xôi, ruộng mật”. Dù nhiều người dân của xã Tam Cường kịch liệt phản đối, yêu cầu chuyển dự án lên đồi rừng tránh lấy đất hai lúa của họ nhưng không được đáp ứng. Người dân yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân về giá cả nhưng cũng không được chấp nhận mà chỉ áp đền bù ở mức 15 triệu đồng/sào. Gần 100 hộ dân ở khu 3 của thôn Tự Cường kiên quyết phản đối chuyện lấy đất. Dự án vẫn tiếp tục. Nhiều đoàn thể đến từng nhà dân vận động ký vào biên bản “Hỗ trợ bồi thường tái định cư” mà họ gọi là ký đối soát. Việc ký đối soát được thực hiện cả ngày lẫn đêm.
Lão nông Phạm Công Lưu ở Khu 3 bảo: “Chưa bao giờ quê tôi tan nát như thế này. Trước giặc Pháp đóng ở Gành, các vùng khác theo tề, riêng dân Tam Cường mỗi người hai cây tre góp nhau rào làng kháng chiến đến lúc thắng lợi. Tình yêu Tổ quốc nói đâu xa, từ chính tình yêu con sông, cái suối, gốc đa, giếng làng, yêu bà con chòm xóm. Giờ quê tôi ăn cưới chia hai dãy mâm, bên phản đối bán đất, bên nhận tiền đền bù. Lắm đám cỗ cưới ế sưng vì bà con không thèm đến, đám ma vắng lạnh phải huy động cả đoàn thể đi để cho người chết đỡ tủi. Anh em không nhìn mặt nhau, bố con từ nhau cũng chỉ vì người nhận đền bù, người không chịu. Ông trưởng họ đồng ý bán đất, cả họ từ mặt…”.

Quốc hội?

Cùng với “vỡ làng”, một tan vỡ khác cũng vừa xảy đến, nhưng lần này ứng vào niềm tin đối với những người đại diện cao nhất của Quốc hội.
Trong những ngày đầu của kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 khóa XIII vào tháng 5/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp (DTSĐHP) của cơ quan dân cử cao nhất này bất ngờ tung ra một “phán quyết”: việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội là cần thiết.
Ngay trước kỳ họp Quốc hội trên, trong bản dự thảo mới nhất của Luật đất đai sửa đổi, Bộ tài nguyên và môi trường vẫn đưa ra hai phương án về vấn đề thu hồi đất đối với các dự án 2phát triển kinh tế xã hội. Phương án thứ nhất giữ nguyên quan điểm thu hồi đất cho các dự án kinh tế, xã hội. Phương án thứ 2 không quy định việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội nhưng lại chia các dự án vào các nhóm được thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phục vụ an ninh, quốc phòng. Theo đó, các dự án như làm khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới… do Thủ tướng hoặc Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư … đều được nhà nước thu hồi đất.
Nhưng lại có nhiều ý kiến lo ngại rằng luật mới như vậy vẫn để ngỏ “cửa” cho những cuộc chạy chọt dự án cho các nhà đầu tư sau này.
Trên tờ báo điện tử Dân Trí, ông Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, đã một lần nữa vạch rõ: Dự án phát triển kinh tế xã hội là một khái niệm không mạch lạc. Đã gọi là dự án xã hội, hoặc kinh tế – xã hội kết hợp thì thường sẽ thấy được mục đích vì lợi ích công cộng.
Theo ông Võ, chỉ cần tách ra nhóm dự án vì mục đích thuần túy kinh tế; và cần loại bỏ hoàn toàn các dự án kinh tế ra khỏi cơ chế Nhà nước thu hồi đất.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ nói thẳng: Phần chúng ta cần chống lại, không chấp nhận là cơ chế Nhà nước thu hồi đất cho lợi ích riêng của nhà đầu tư. Việc Nhà nước có quyền rút quyền lợi, tài sản của người này đưa cho người khác thì xã hội đó thực sự không phải là một xã hội văn minh, dân chủ và công bằng; ở đó tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng của quản lý và khiếu kiện của dân.
Kiểu dự án đó không thể được xếp là vì mục đích công cộng. Đó là vì mục đích “kiếm ăn” ở một khu dân cư nào đó, khu đô thị nào đó.
Do giá đất đai trong đô thị rất cao, tiềm năng thu lợi lớn nên nhà đầu tư mong muốn Nhà nước thu hồi đất để giao cho mình. Lợi dụng quyền thu hồi đất của Nhà nước để phục vụ lợi ích kinh tế đơn thuần của nhà đầu tư trong trường hợp này là không đúng.
Song nhiều cuộc tranh luận và lấy ý kiến cử tri về trường hợp “các dự án kinh tế xã hội” như trên dường như đều bị “thu hồi” chính kiến.
Như để tránh cái “không đúng” liên quan đến tình trạng thu hồi đất tràn lan mà ông Đặng Hùng Võ và nhiều cử tri khác bức xúc, Dự thảo hiến pháp lại quy định “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”.

Thụt lùi sâu sắc!

3Từ nhiều năm qua, “theo quy định của pháp luật” vẫn là một cụm từ trừu tượng đến mức luôn có thể làm phát sinh vô số vi phạm hết sức cụ thể ở các địa phương.
Một trong những vi phạm điển hình đã được đưa lên bản đồ nhân quyền thế giới là vụ cưỡng chế trái phép đất của gia đình “Người nông dân nổi dậy” Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, gây nên một chấn động đủ lớn và cũng đủ làm nên một dấu mốc về phản ứng của nông dân đối với chính quyền, tính từ sau cuộc “cách mạng” Thái Bình năm 1997.
Chỉ sau vụ việc Đoàn Văn Vươn, các nhà lập pháp và cả hành pháp mới bắt buộc phải xem xét đến khả năng điều chỉnh Luật đất đai theo hướng sở hữu cá nhân, thay cho điều được gọi là “sở hữu toàn dân” luôn bị khép chặt.
Thực ra, đã có một hy vọng cho dân chúng và đặc biệt cho tầng lớp nông dân áo mộc khi Luật đất đai được hứa hẹn đổi khác theo hướng đa sở hữu tích cực, cũng như đem lại sắc thái công bằng hơn và dĩ nhiên làm giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết làn sóng khiếu tố đất đai – vốn đang mỗi lúc một dâng cao và quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, bầu không khí công dân – đang manh nha hơi hướng tự do, bỗng trở nên hụt hẫng vào những ngày gần diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5/2013, khi những lời hứa hẹn vụt trở nên thâm trầm đến mức khó hiểu.
Không còn mấy quan chức nhắc đến câu chuyện “đa sở hữu”.
Thay vào đó, khi chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý – xuất hiện với bộ mặt căng đầy cùng phát ngôn “vẫn thu hồi đất cho các dự án kinh tế xã hội”, người ta lại có thể nhận ra một sự thụt lùi sâu sắc về mặt tư duy, không khác mấy từ ngữ tương tự mà người Mỹ thường dùng để ám chỉ những quốc gia vi phạm nhân quyền một cách tệ hại.
Không có một cải cách xứng đáng nào được đưa ra liên quan đến Luật đất đai. Trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, Dự thảo hiến pháp vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu.
Xem ra, Đoàn Văn Vươn và những người thân của mình đã phải đi tù một cách uổng phí. Cũng sau hình ảnh không thể quên của người nông dân này, hình như các cơ quan hữu trách vẫn chưa rút ra được một bài học nào về trách nhiệm trong hành xử với giai tầng nông dân trong cái xã hội đầy tiềm ẩn động loạn này.
Chỉ có một sự kiện dường như mang tính ngẫu nhiên và có thể an ủi phần nào cho dư luận: trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ phát đi một văn bản về hoàn thiện 7 nhóm vấn đề của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, rất đáng chú ý là một đề xuất của cơ quan hành pháp này: “Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế xã hội””.
Tất nhiên, khi các đại biểu quốc hội chưa bấm nút thông qua, bất kỳ một đề nghị nào, dù của Chính phủ hay từ phía Ủy ban DTSĐHP, cũng chỉ mang tính số ít.
Nhưng lẽ nào vào lần này, Quốc hội muốn “phản công” Chính phủ?

Hai phe!

Trong khi những người đại diện cho dân chúng vẫn mải mê với cuộc tranh luận thiếu lối ra, câu chuyện bị o ép thu hồi đất đai ở xã Tam Cường ở tỉnh Phú Thọ và những nơi tương tự 4vẫn không ngừng tái hiện.
“Phản đối ư?” – báo Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi.
Rồi tờ báo này cũng tự tìm ra câu trả lời đắng ngắt: những gia đình có công nông bị giữ xe, bảo phải ký vào biên bản đền bù đất mới cho chạy nhưng chạy được mấy hôm lại phạt, phải bán xe. Những cây xăng mi ni đều bị lập biên bản và bắt đình chỉ nếu không ký vào biên bản nhận đền bù. Các giấy tờ liên quan đến chính quyền rất khó được giải quyết.
Như con ông Phạm Công Lưu ở khu 3 đi đăng ký kết hôn không được giải quyết, sau đó phải về cơ quan đăng ký. Như con những nhà xin giấy tờ đi học bị phê thẳng vào hồ sơ gia đình không chấp hành chủ trương đường lối của địa phương. Trong đại hội Hội Người cao tuổi xã có ba đảng viên trên 70 tuổi bị đuổi ra khỏi hội trường vì không ký. Đến ngay cả ông Hoành, ông Lý đi bệnh viện huyện cũng bị bác sĩ hỏi gia đình đã ký bán ruộng chưa. Loa phóng thanh ra rả suốt ngày rằng những người không ký bán ruộng là kẻ xấu, là thoái hóa biến chất, là lầm đường lạc lối…
Do phản đối chính sách lấy đất ruộng 2 đảng viên bị khai trừ, 18 đảng viên bị cảnh cáo (nhiều người 50-60 năm tuổi đảng, bệnh tật), 3 đại biểu hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm, 1 trưởng khu bị cách chức, 1 cán bộ khuyến nông bị bãi nhiệm, 1 Chủ tịch Hội Người cao tuổi bị cách chức…, mấy người bị giam trên huyện. Tất cả cũng đều từ lý do phản đối chuyện dự án lấy đất ruộng của mình.
Gia đình anh Hán Văn Thanh ở khu 3 thôn Tự Cường là một điển hình về chia rẽ đến nỗi chia cả bàn thờ, chia cả ngày giỗ cha, giỗ mẹ. Anh bảo: “Nhà tôi có mười anh em giờ chia hai phe, bố tôi, mẹ tôi tôi cúng, bố anh mẹ anh anh cúng. Cùng cha mẹ mà nay ra ngõ không nhìn mặt nhau. Nhớ thời bầm bủ tôi còn sống vẫn thường khuyên con cái rằng: “Củ sắn chia đôi, bắp ngô bẻ nửa, nhà ta anh em đông nhưng no đói phải đùm bọc nhau” mà đau lòng!””.

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Kêu gọi thả thanh niên Công giáo


Cập nhật: 08:50 GMT - thứ tư, 22 tháng 5, 2013
Các tổ chức nhân quyền nói bản án dành cho các nhà hoạt động công giáo thể hiện xu hướng đàn áp ngày một tệ hơn của chính phủ Việt Nam đối với tự do ngôn luận
Bốn tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế vừa ra kiến nghị yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động theo Công giáo trước thềm phiên phúc thẩm tại Vinh ngày thứ Năm 23/5.
Bản kiến nghị được đại diện của bốn tổ chức bảo vệ nhân quyền và tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ gồm Article 19, Electronic Frontier Foundation, Front Line Defenders, Medial Legal Defence Initiative ký tên và gửi đến Chính phủ Việt nam vào ngày 22/5.
Bốn tổ chức này, thông qua bản kiến nghị đã bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về phiên tòa phúc thẩm đối với các thanh niên Công giáo -- Hồ Đức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Duyệt, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Đình Cương, Nguyễn Xuân Anh, Thái Văn Dung và Trần Minh Nhật.
Tám nhà hoạt động trẻ này nằm trong số 14 người Công giáo bị xử tù hồi tháng 1/2013 vì tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Những người này bị khép án từ 3 đến 13 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm kéo dài hai ngày 8/1 và 9/1.
Ba bị cáo Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa và Lê Văn Sơn lãnh mức án cao nhất là 13 năm tù giam và 5 năm quản chế cho mỗi người.
"Chúng tôi đặt nghi vấn về tính chính danh của phiên tòa sắp tới này, đồng thời lên án cách đối xử bị cho là ngược đãi những nhà hoạt động kể từ khi họ bị bắt," kiến nghị của các NGO viết.
"Bản án dành cho các nhà hoạt động này là một phần của các cuộc đàn áp ngày càng tệ hơn những công dân đang thể hiện quyền tự do biểu đạt của mình ở Việt Nam."

Không cho dự phiên tòa

Bốn tổ chức nói trên đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động công giáo, xóa bỏ bản án của họ đồng thời tôn trọng các quyền được quy định trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký với tư cách thành viên.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam lập tức trả tự do cho những nhà hoạt động đang bị giam cầm, xóa bỏ bản án của tất cả 14 người. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải đảm bảo sức khỏe cho các nhà hoạt động trong thời gian bị giam cầm, đảm bảo thủ tục xét xử công bằng, điều tra và bắt những người sách nhiễu họ chịu trách nhiệm."
Trả lời phỏng vấn BBC, ông Hồ Văn Lực, em trai ông Hồ Đức Hòa, nói gia đình đang bị lực lượng công an cản trở không cho dự phiên tòa.
"Công an người ta tụ tập các nhà xe lại, thông báo không được đưa đón người đi dự phiên tòa," ông Lực dẫn lời từ các nơi cung cấp dịch vụ cho thuê xe mà ông đã tìm tới nói.
Ông Lực cũng nói ngay cả các tuyến xe buýt cũng đã bị cảnh báo không được chở người nhà bị cáo và sẽ bị phạt nếu phát hiện ra chở người mang theo băng-rôn trong xe.
"Nhà xe cũng nói công an sẽ tăng cường đứng ở các trạm xe buýt để kiểm tra có người tham dự phiên tòa không," ông nói thêm.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho Lê Văn Sơn, Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật và Nguyễn Đình Cương là ông Hà Huy Sơn cho hay sáng 22/5 ông đã gặp cả bốn thân chủ tại Trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An.
"Oanh, Nhật, Cương sức khỏe có thể tham gia phiên tòa ngày mai. Riêng Sơn nói bị đau đầu, đau bụng," ông cho biết.

Một công dân- đảng viên khuyên "Đảng CS Việt Nam cần phải rất tỉnh táo nếu muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước"

Xin trân trọng đăng bài này của ông Vũ Duy Phú để bạn đọc xa gần, nhất là những người đang giữ trọng trách đối với đất nước, tham khảo, theo nguyện vọng của ông. BVN có mạn phép tác giả bổ sung thêm một đôi câu trong dấu ngoặc vuông; mặt khác cũng phải nói rõ, khái niệm “đảng ta” không nằm trong nhận thức của chúng tôi cũng như của nhiều cộng tác viên trang mạng.
Bauxite Việt Nam

Vũ Duy Phú - Cần thừa nhận Chủ nghĩa Mác – Lê đã lỗi thời. Nếu có điều gì chúng ta còn vương vấn, nuối tiếc, đó là những lý tưởng tốt đẹp, nhưng siêu hình, những lý thuyết rất hay, nhưng viển vông, không thể thích hợp với thực tiễn Loài Người hiện nay trên thế giới và trong nước. Lịch sử và hiện tại cũng chứng minh rằng, sự lãnh đạo của một đảng cộng sản cũng không phải là một điều kiện nhất thiết, tiên quyết để một đất nước giành và giữ được độc lập, xây dựng được cuộc sống hoà bình, ấm no, giàu có, hạnh phúc!

- Do kéo dài thể chế độc quyền toàn trị chỉ thích hợp với thời chiến, nên điều đó đã dẫn đến sự tha hoá đội ngũ đảng viên và lãnh đạo, trước kia là căn bệnh “sùng bái cá nhân”, nay là bệnh khuất phục trước uy quyền của các cấp uỷ đảng ở mọi cấp, mọi nơi. Từ tha hoá lãnh đạo, dẫn đến tha hoá toàn đảng, lan ra toàn xã hội. Căn bệnh nan y này không thể dùng liều thuốc tự giác, thân ái “phê bình và tự phê bình”, bằng cải cách nửa vời để khắc phục được nữa. Liều thuốc hiệu quả truyền đời của Loài Người là chọn lọc tự nhiên trong “cạnh tranh sinh tồn” một cách hoà bình và trí tuệ, chừng nào tất cả mọi người chưa trở thành Thánh hay Phật.

- Đảng Cộng sản, do xuất xứ giai cấp công nông của mình, thực tế chỉ đại diện và vượt trội về lòng căm thù bóc lột, sự bất bình đẳng xã hội, lòng yêu nước cao độ [lòng yêu nước cao độ thì chưa chắc, hay đúng hơn, chỉ có những đảng viên vốn từ chủ nghĩa ái quốc mà giác ngộ CS là có lòng yêu nước cao độ, còn những nhân vật chóp bu như Trần Phú, Hà Huy Tập và nhiều người nữa... ăn phải bả Stalin, lăm le làm cách mạng thế giới, tự xưng mình là vô Tổ quốc thì lòng yêu nước buổi đầu nếu có về sau cũng đã mờ nhạt không đáng nói đến nữa: Bên kia biên giới là nhà - Bên ni biên giới cũng là quê hương – BVN]..., nhưng chưa đại diện đầy đủ cho trí tuệ tài năng toàn xã hội. Hơn thế, do thể chế độc đảng toàn trị, “hôn phối cùng huyết thống” (chỉ tập trung chọn lọc đề cử nhân tài lãnh đạo trong nội bộ đảng) nên đội ngũ lãnh đạo ngày càng sút kém, vì thế càng không đại diện đầy đủ cho trí tuệ sức mạnh toàn dân tộc. Chính vì vậy, bên cạnh những thành tích do mặt mạnh của đảng tạo ra (chiến đấu và chiến thắng địa chủ và quân xâm lược [vì sự ủy nhiệm của Nga Xô và Trung Cộng – BVN]...) , thì khi chuyển sang xây dựng hoà bình, cũng do xuất xứ giai cấp của mình (từ người lao động ít học, chưa từng quản lý xã hội và sản xuất kinh doanh là chủ yếu), nên đã vi phạm khá nhiều khuyết tật và sai lầm (như đấu tranh giai cấp một mất, một còn, khác ta là địch, CCRĐ, đánh Nhân văn Giai phẩm, triệt phá công thương nghiệp tư nhân, hợp tác xã cao cấp, chia tách, nhập tỉnh, và địa giới hành chính bừa bãi, ngăn sông cấm chợ, triệt phá nhà cửa của tư sản, chiến lược quy hoạch nhiều thiếu sót, sai lầm, các chính sách chế độ mất lòng người, [đốt sách, đốt phá các di sản văn hóa tàn bạo – BVN], văn hoá - giáo dục - KHKT trì trệ, công nghiệp hoá mấy chục năm mà vẫn luẩn quẩn như hiện nay...) Đó là do Đảng chưa nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, lại không tôn trọng sử dụng nhân tài do chính đảng đào tạo ra và nhân tài nói chung của đất nước.

- Cần phải nhắc đến cái nền tảng xã hội và tri thức phong kiến thuộc địa rất thấp vốn có của Việt Nam, và di sản nặng nề của mấy cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài mà đảng ta đang thừa hưởng. Cần phải tính đến bối cảnh thế giới đang rất phức tạp và VN đang bị thua thiệt. Nên chỉ với trí tuệ bó hẹp trong nội bộ (dù đảng có nắm đến hết các chức vụ nhà nước), lại mang đặc điểm rất chủ quan kiêu ngạo cộng sản... thì Đảng kiểu cũ này hoàn toàn không đủ sức để vực dậy một đất nước nhiều khó khăn khuyết tật và trong hoàn cảnh quốc tế như hiện nay.

Hiện nay Đảng chỉ tồn tại được, một mặt, bằng thành tích, vinh quang và lòng tin của dân có được từ quá khứ và nhờ nền chuyên chính độc tài ngày một tăng lên của mình, mặt khác, do vì Đảng chưa cho phép các lực lượng đối lập phát huy vai trò của chúng.

Với tất cả cái vốn liếng cơ đồ tóm lược nói trên, đảng ta chỉ có thể nói là vẫn còn đủ điều kiện để lãnh đạo đưa đất nước tiến lên nhanh nhằm đuổi kịp và đứng ngang hàng với các cường quốc năm châu, nếu đảng ta không tiếp tục tự ru ngủ, u mê, mà sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để tự làm một cách thắng lợi cuộc đại cách mạng chỉnh đốn bản thân mình.
Cuộc đại cách mạng hoà bình đại tu lột xác Đảng nên bao gồm:

LỐI RA CÓ LỢI NHẤT CHO ĐẤT NƯỚC, CHO DÂN TỘC: XÓA SỔ DỰ ÁN BAUXITE


Kính chuyển lại các Anh Chị bài viết trước đây để hy vọng cái gì đến sẽ đến

LỐI RA CÓ LỢI NHẤT CHO ĐẤT NƯỚC, CHO DÂN TỘC  
LÀ ĐÌNH CHỈ VÀ TIẾN TỚI XÓA SỔ DỰ ÁN 
BÔ XÍT TÂY NGUYÊN


Tô Văn Trường
Tài nguyên được xem là vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Trong điều kiện của nước ta, việc khai thác nguồn khoáng sản bô xít dồi dào còn tiềm ẩn để phát triển kinh tế có thể xem như là một cố gắng của Đảng và Chính phủ nhằm tăng thu ngân sách, đầu tư cho Xã hội với nhiều vấn đề nổi cộm về Giáo dục, Y tế, An sinh còn thiếu vốn liếng trầm trọng hiện nay.
Khi con người tác động vào tự nhiên bao giờ cũng có 2 mặt được và mất. Đây là bài toán “trade off” đánh đổi,  đòi hỏi phải làm sao cho cái được lớn nhất và cái mất là ít nhất. Làm việc thì đương nhiên có thành công và có thất bại, có công và kể cả có tội hay gọi là “lỗi” cho nhẹ. Việc khai thác bô xít đòi hỏi phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học, cụ thể hóa việc khai thác tài nguyên một cách thiết thực, hiệu quả, phải gắn liền quy hoạch chiến lược và quy hoạch ngắn hạn một cách toàn diện, chặt chẽ vì cuộc sống của nhân dân và cũng vì thế hệ  tương lai của con cháu chúng ta. Thực tế cho thấy sau thời gian dài thực thi, dự án thí điểm bô xít Tân Rai-Nhân Cơ đã bộc lộ hết các bất cập về chính trị kinh tế xã hội và môi trường, việc tính toán chưa được cẩn thận, toàn diện và trong cách tiếp cận với các ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân còn nhiều khuyết điểm, hạn chế.    

Có thể nói dự án bô xít là một dự án gây chia rẽ sâu sắc nhất trong lòng người dân Việt Nam chính vì nó liên quan đồng thời cả ba vấn đề sinh tử của đất nước: kinh tế, môi trường và quốc phòng an ninh. Ấy là chưa kể văn hóa Tây Nguyên bị bào mòn, bị xâm hại đến thế nào. Lối ra rẻ nhất và cũng là có lợi nhất cho đất nước là đình chỉ và tiến tới xóa sổ dự án bô xít Tây Nguyên.

Quả thật, chuyện dự án bô xít Tây Nguyên gây nên sự bức xúc trong nhân dân, đã lên đến đỉnh cao trào và là phép thử thực sự cho tiến trình dân chủ của đất nước. Nhiều chuyên gia, nhân sỹ, trí thức và đông đảo nhân dân ở trong và ngoài nước đã đồng loạt kiến nghị Đảng và Nhà nước dũng cảm dừng dự án khai thác bô xít Tây Nguyên dựa trên nhiều phân tích sâu sắc ở các góc độ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường rất khách quan và thuyết phục. Kiến nghị đó được sự đồng thuận và nhất trí rất cao của nhân dân. Kết quả thăm dò của Diễn đàn kinh tế Việt Nam VNR500 và báo Dân Trí có đến 96% người dân đồng ý dừng dự án bô xít Tây Nguyên. Đấy là con số sống động phản ánh ý dân, lòng dân không thể bỏ qua trong một xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền.

Những bài học nóng hổi tính cách mạng, khẳng định bản lĩnh, vai trò lịch sử và tấm lòng vì nước vì dân của những người đứng đầu nhà nước vẫn còn đó. Quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ ngay trước thời điểm nổ sung đã ấn định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương trung thực, dũng cảm, khẳng định trách nhiệm sắt đá với công sức và xương máu của nhân dân, của chiến sỹ bộ đội đã được hậu thế ghi tiếng thơm mãi mãi vào sử sách. Người dân luôn nhớ Tổng bí thư  Trường Chinh đột phá tư duy, dám lật ngược vấn đề, truy đến cùng những hạn chế của mình và hệ thống bấy lâu nay để vạch lối thoát cho Đảng, cho đất nước - viết lại Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ VI và quyết liệt tổ chức đổi mới, sau đó khẳng khái bàn giao lại cho thế hệ kế cận. Ngày nay toàn Đảng nhớ ơn ông, coi ông là ví dụ sinh động về con người vì nước vì dân, vượt lên hạn chế bản thân, hạn chế thời đại để phản tỉnh kịp thời trước tụt hậu và bế tắc của hệ thống, đưa đất nước sang trang mới và hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chia tay đỉnh cao quyền lực thanh thản, ung dung.

Sau những chuyến đi thị sát tình hình, nghe báo cáo cụ thể từ các chuyên gia, các địa phương, Thủ tướng đã có quyết định sáng suốt tuyên bố quyết định không làm cảng Kê Gà. Nỗ lực giải quyết hậu quả và trọn vẹn vấn đề bô xít là một cố gắng được trông đợi của nhiều tầng lớp nhân dân bởi tính hệ trọng của nó. Trong tình hình khó khăn hiện nay, còn rất nhiều vấn đề khác cần đến sự tỉnh táo, quyết liệt và nỗ lực vì nước vì dân như thế của Thủ tướng.

Nếu bây giờ dừng dự án bô xít được và mất gì? Dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây nguyên, thì Nhà nước (tức là tất cả mọi người dân Việt Nam) đành phải chịu thiệt hại phải trả tiền đã đầu tư. Đấy là khoản mất không mà người ta đã không tính toán cẩn trọng gây ra, nhưng cả dân tộc phải chịu và nên chịu. Thà chịu đau, nhưng còn hơn là sẽ phải chịu tổn thất nhiều hơn rất nhiều do lỗ, do tổn hại môi trường, an ninh quốc gia, và lòng tin của người dân. Cái mất là mất tiền đã đầu tư vào dự án, làm thất vọng những người trong cuộc, ủng hộ dự án, kể cả đối tác và quyền lợi của một số nhóm lợi ích. Cái được mà ai cũng nhận thấy là được lòng dân, không tiếp tục đổ tiền, lãng phí  tiền thuế của dân vào một dự án không hiệu quả về kinh tế, tác động xấu đến môi trường, bất an về xã hội, phá hỏng nền văn hóa Tây Nguyên. Cái được ở đây còn là dịp để Đảng và Chính phủ dẹp loạn tham mưu và làm ẩu của nhóm người không nghĩ đến quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Rà soát mục tiêu phát triển dự án, nếu quyền lợi dân tộc và đất nước được minh bạch và bảo đảm thì cũng là dịp cho những người lãnh đạo được vẻ vang với nhân dân.

Cách đây 3 năm trong bài “Được và Mất” dựa trên các luận cứ phân tích  khoa học và thực tế, tôi đã kết luận “Lối ra rẻ nhất và cũng là có lợi nhất cho đất nước cho dân tộc là đình chỉ và tiến tới xóa sổ dự án bô xít Tây Nguyên.”. Cái gốc cuối cùng vẫn phải là dân chủ hóa xã hội để mỗi quyết định quan trọng của đất nước được đưa ra đều phải có chất lượng dựa trên một quy trình khoa học, chuẩn mực. Thiết nghĩ lúc này, việc cần làm không phải là  tập trung phê phán ai, mà trên hết hãy tin tưởng và khích lệ Đảng và Chính phủ cùng xã hội một lần nữa cầu thị và trách nhiệm, cùng nhau nhìn thằng vào các kết luận độc lập trên các mặt khoa học và công nghệ, kinh tế và tài chính, văn hoá và xã hội đã được vạch ra, làm rõ quyền lợi trước mắt và lâu dài của dân tộc và đất nước, của đồng bào Tây Nguyên để kịp thời điều chỉnh lại đúng đắn dự án phiêu lưu đã qua đồng thời sửa chữa, hoàn thiện lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội sao cho thực sự bền vững, hiệu quả đáp ứng mong đợi của nhân dân cho giai đoạn từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

T.V.T

Bài đăng phổ biến