Trước buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, có kêu gọi đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước gây quan ngại (CPC).
Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có đối thoại nhân quyền lần thứ 17 vào ngày 12/4 này ở Hà Nội. Buổi điều trần tại Hạ viện được tổ chức trước đó một ngày, vào thứ Năm 11/4.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói cần đưa Việt Nam quay lại danh sách CPC, trong khi truyền thông trong nước có bài lên tiếng đả kích.
Trả lời trong buổi phỏng vấn với đài Talk Radio news ngày 10/4 trước thềm buổi điều trần, ông Smith nói ông và các đồng nghiệp đang tìm kiếm một phản hồi mạnh mẽ hơn từ chính phủ Hoa Kỳ trước tình hình nhân quyền tại Việt Nam:
“Chúng tôi đang gây sức ép tối đa để có đươc sự phản hồi từ chính phủ, đặc biệt là chính quyền Tổng thống Obama về vấn đề nhân quyền ngày một xấu đi ở tất cả mọi mặt tại Việt Nam,” ông Smith nói.
Ông Smith gọi các cuộc đàn áp tôn giáo tại Việt Nam là có tính “hệ thống”, dẫn đến những trường hợp “đánh đập, tra tấn và tống giam” đối với những người theo Phật giáo, Công giáo hay các tín ngưỡng khác.
'Thiếu hiệu quả'
Vị dân biểu này cho rằng những cuộc đối thoại về nhân quyền lâu nay giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thiếu hiệu quả, đồng thời nói cần có những bước đi cụ thể hơn nhằm trừng phạt tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
“Đã có những buổi đối thoại về nhân quyền giữa đại diện Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặc dù có một vài tác động nhất định, hầu hết thời gian đây chỉ là “nói cho vui”, để rồi sau đó cả hai bước đi với lời bình luận rằng chúng tôi đã có đối thoại, thế là hết.”
Cùng ngày 10/4, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) cũng ra thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam tận dụng cuộc đối thoại sắp tới để tiến tới những bước cải thiện cụ thể về nhân quyền mà cụ thể là “trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt việc khủng bố các blogger, những người khiếu kiện đất đai và các nhà hoạt động ôn hoà khác.”
“Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp tiến hành những phiên toà chính trị trong bối cảnh nước này tìm cách che đậy sự bất đồng ngày càng lên cao,” ông Brad Adams, giám đốc chi nhánh Châu Á của HRW bình luận.
HRW dẫn số liệu cho thấy trong năm 2012, đã có ít nhất 40 người bị kết tội và tuyên án tù trong các phiên toà mà tổ chức này cho là không đạt tiêu chuẩn về tiến trình xét xử công bằng.
Cũng theo HRW, chỉ trong một tháng rưỡi đầu năm nay, đã có thêm ít nhất 40 người khác bị buộc tội trong các phiên tòa chính trị.
“Hoa Kỳ cần tận dụng cơ hội này để nói rõ rằng Việt Nam phải nghiêm túc trong vấn đề cải thiện nhân quyền, nếu không muốn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc ảnh hưởng đến mối quan hệ với Hoa Kỳ,” thông cáo của tổ chức này viết.
'Vở kịch lố'
Trong khi đó tờ Công An Nhân dân ngày 10/4 đã có bài viết đả kích về buổi điều trần nhân quyền sắp diễn ra ở Hoa Kỳ.
Bài viết với tựa đề “Vở kịch lố điều trần về nhân quyền” của nhà báo Đăng Trường gọi những người sẽ tham gia điều trần là những “nhân vật có lý lịch không thể xám hơn”, đồng thời cho rằng họ là những “kẻ cộm cán trong đám phản động, lưu vong ở nước ngoài, có bản lý lịch xám xịt chuyên câu kết với một số đối tượng cơ hội chính trị trong nước và các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động chống phá Việt Nam.”
Ông Trường cũng gọi những nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam mà HRW đề cập đến là “người có hành vi phạm pháp, bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
Bài viết dẫn lời của bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nói “trong những năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, các cơ chế này nhằm giám sát các trường hợp liên quan đến nhân quyền trên khắp thế giới, bao gồm cả sự phù hợp của các Chính phủ với các hiệp ước cốt lõi về nhân quyền.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét