Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nỗi buồn hoa giấy



KuốcKuốc (Danlambao) - Thương gửi các em học sinh khối 12 trường PTTH Nguyễn Hiền, Sài Gòn,

Hôm nay xem qua một clip video trên internet lòng tôi thật sự xúc động. Muốn bắt chước cố nhạc sỹ Thanh Sơn đặt tựa bài viết này là “Nỗi Buồn Hoa Giấy” để tặng các em, biết rằng khoảng cách giữa nhạc và văn là một trời một vực. Mẫu video ấy ghi rõ hình ảnh các em xé nát tài liệu môn lịch sử khi nghe tin môn học này không còn nằm trong các môn thi tốt nghiệp của niên khoá 2013. Hoa giấy bay trong không trung, trắng xoá không gian học đường trong tiếng reo hò mừng vui của các em... gây trong tôi một cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Còn nhớ cách đây khá lâu, khoảng 20 năm, tôi và một anh bạn “room mate” (bạn trọ) có dịp đàm đạo về lịch sử Việt nam trong bữa ăn tối. Vì sinh ra ở Mỹ nên anh ta không biết nhiều về lịch sử Việt Nam, chỉ biết đơn giản người Việt không có nguồn gốc từ người Trung Quốc, người Việt có tiếng nói riêng, văn hoá riêng, v v... Tôi, ngược lại, có cái may mắn được học Sử từ lớp 4 thời Việt Nam Cộng Hòa, nên lập tức câu chuyện nổ ra rôm rả. Tôi nhanh chóng bổ khuyết cho anh ta câu chuyện bi - hùng -tráng của lịch sử dân tộc qua Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ,... Trong ánh mắt của anh kỹ sư tốt nghiệp hạng ưu từ San Luis Obispo đó, trong mươi phút của câu chuyện, tôi nhận ra ngay niềm tự hào dân tộc đột nhiên trào dâng trong khóe mắt long lanh, trong giọng nói và trong hơi thở dâng cao trong lồng ngực anh. Anh ta uống lấy từng lới tôi nói trong một niềm vui khó tả của một người vừa nhận ra mình thuộc một giòng giống vẻ vang, oai hùng và can đảm... Lòng tôi cũng vui lây, tràn ngập niềm tự hào mình là người Việt Nam.

Tôi còn nhớ như in cuốn Việt Sử lớp 4 năm nào kể chuyện hào hùng khí phách của dân tộc từ Hai Bà, Trưng Trắc Trưng Nhị chống Tàu đến Phan Đình Phùng, Cao Thắng chống Pháp sau này... Không có ngọn lửa nào lung linh hơn, oai hùng hơn ngọn lửa thiêng cháy âm ỉ nhưng mãnh liệt trong trái tim tôi từ ngày còn bé, được tự hào là con ông cháu cha của những bậc liệt oanh của lịch sử. Tôi nhìn quanh bạn bè trong lớp. Thằng Kha, mày họ Nguyễn hả, vậy mày là con cháu của vua Nguyễn Huệ. Còn mày, họ Trần hả, vậy mày bà con với Đức Thánh Trần,... và trong tất cả bạn bè đó, oai hùng làm sao, trong suy nghĩ ngây thơ của một cậu học trò lớp 4, tôi nhận ra vóc dáng của Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn,... tất cả bạn bè tôi, đều là con cháu dòng thế phiệt cả, vui thật là vui...

Rồi Việt Cộng tràn tới miền Nam. Tôi phải học Việt sử một cách khác hẳn. Cũng Đinh, Lý, Trần, Lê... nhưng là nhân sinh quan lịch sử, hay nôm na là “lịch sử duới cái nhìn của công nông”. Rồi 3 dòng thác cách mạng, rồi tháng Mười vĩ đại, tháng Tám muôn năm, tháng Tư đại thắng, tháng Hai (3/2) bất diệt... Lần đầu tiên trong đời tôi đuợc biết có kẻ ngỗ ngáo gọi các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là cải lương, không nhìn xa trông rộng... Lần đầu tiên trong đời tôi được biết một dúm thợ phu đóng tàu, một số nhỏ thợ đào mỏ than đã được lịch sử nâng lên thành “giai cấp” và ấn vào tay sứ mạng lịch sử, dẫn dắt dân tộc với “kiến thức tiến bộ về khoa học kỹ thuật và ý thức đấu tranh giai cấp cao nhất”. Lần đầu tiên anh học trò nhỏ là tôi biết cười mỉa vào sách giáo khoa, điều mà không một nhà mô phạm nào mong muốn ở học sinh. Học sử Việt Cộng là cách ngắn nhất làm thui chột tâm hồn yêu nước và niềm tự hào dân tộc của một công dân. 

Hôm nay nhìn hoa giấy bay trắng xoá sân truờng Nguyễn Hiền, lòng tôi chợt se thắt. Cụ Nguyễn Hiền (1234 - 1255), người có tên đặt cho trường của các em, là trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong nền khoa bảng Việt Nam. Là một nhà nho, hẳn Người cũng đau lòng nơi chín suối khi biết các em mừng vui vì không phải thi môn học lịch sử nước nhà. Không một bậc Cha Mẹ, Ông Bà nào vui vì con cháu mình không muốn học thi môn lịch sử của Cha Ông.

Hẳn niềm vui vô tư ấy của các em phải có nguyên do. Thầy cô của các em giành nhau dạy sử, dạy văn lớp 10, 11 nhưng đùn đẩy nhau dạy lớp 12. Không phải vì sử và văn lớp 12 khó, mà là vì sử và văn lớp 12 là thứ sử và văn của lừa bịp và dối trá. Kẻ đắc ý câu “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” lại chính là kẻ gián tiếp bỏ tù nhiều người nhất trong lịch sử Việt Nam. Họ dựng đứng Lê Văn Tám, tô hồng Nguyễn Văn Trỗi, và gọi đó là “yêu cầu của lịch sử” và “hư cấu hiện thực XHCN”. Tự ngàn xưa, thiên chức của Thầy Cô giáo là người khai phóng tâm hồn, chứ chưa bao giờ là “kẻ làm thui chột tâm hồn” lớp trẻ. Một nhà sử học danh tiếng của chế độ, là đại biểu Quốc hội, trong một phỏng vấn với báo chí hải ngoại, gọi những thủ đoạn, ma lanh chính trị của chính quyền là “khôn ngoan chính trị”, dễ dàng gọi những kẻ ma mảnh, luồn lách, ngồi mát ăn bát vàng, dốt nát về kinh bang tế thế là “tinh hoa của dân tộc”, nhưng lại “nhức nhối” khi đánh giá về Phan Thanh Giản... thì niềm vui của các em, không phải học, không phải thi một thứ sử học thối nát ngay từ người viết sử, là niềm vui có thể chia xẻ và dễ dàng thông cảm được. 

Hôm nay nhìn hoa giấy bay trắng xoá sân truờng Nguyễn Thượng Hiền, lòng tôi chợt gợn một niềm tin. Ngọn gió nào thổi tung bay, phấp phới vạn đoá hoa giấy kia có phải là ngọn gió vô tư của trời đất? Hay ấy là ngọn gió thiêng của tâm tư dân tộc? Các em nhỏ của tôi hồn nhiên từ chối học môn sử của tà quyền, hẳn là điềm lành vì Chính sử đang sắp sửa sang trang?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến