Quốc hội Việt Nam đồng ý phê chuẩn vị trí phó thủ tướng với hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh vào sáng 13/11.
Ông Phạm Bình Minh sẽ kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao, trong khi dự kiến ông Nguyễn Văn Nên sẽ được bầu để thay ông Vũ Đức Đam làm Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Như vậy hiện Việt Nam có 5 phó thủ tướng. Ba người còn lại là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh.
Mặc dù việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ là thủ tục, giới quan sát chú ý số phiếu bầu của các đại biểu như chỉ dấu về vị trí của hai chính khách trẻ trong Đảng.
Ông Phạm Bình Minh được 427 phiếu đồng ý và 42 phiếu không đồng ý, còn ông Vũ Đức Đam được 421 phiếu đồng ý và 48 phiếu không đồng ý.
Tổng số phiếu bầu tại Quốc hội sáng 13/11 là 469 phiếu hợp lệ và 2 phiếu không hợp lệ.
Nó cho thấy cả hai ông đều nhận được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội.
Nhưng việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận được đa số phiếu ủng hộ, thậm chí cao hơn một chút so với ông Vũ Đức Đam, được đánh giá là một bất ngờ.
Phụ trách ngoại giao
Hôm 11/11, khi giải thích trước Quốc hội về đề nghị tăng số lượng phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói khóa 12 lẽ ra gồm 5 phó thủ tướng, trong đó một người trực tiếp làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
“Nay xét thấy có đủ điều kiện, Thủ tướng trân trọng đề nghị Quốc hội phê duyệt một phó thủ tướng để phân công trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giúp Thủ tướng theo dõi công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế,” Thủ tướng Dũng phát biểu.
Việc để ông Minh có trách nhiệm nhiều hơn về đối ngoại đặt ra câu hỏi liệu nó có ra chỉ dấu gì về sự dịch chuyển chính sách ngoại giao của Việt Nam từ nay đến 2016.
Một điều chắc chắn là trong cương vị mới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ có quyền lực đối ngoại tập trung hơn, mặc dù ông sẽ chưa có ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của Đảng như ông Phạm Gia Khiêm trước đây.
Từ 2006 đến 2011, ông Phạm Gia Khiêm là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao, và là thành viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực.
Từ Đại hội Đảng XI năm 2011, trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản không có người của Bộ Ngoại giao.