Bắc Trung Nam (Danlambao) - Nhìn lại những chuỗi sự kiện đấu tranh trong những năm gần đây cùng với sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với những người tranh đấu, nhiều người đã hồ hởi lạc quan cho rằng nhân dân đã áp đảo chính quyền và phần thắng nghiêng về phía người dân. Một số khác dựa vào sự leo thang của khủng bố, đánh đập, kết án tù đày bất công cho những người đấu tranh là dấu hiệu nhà nước cộng sản đã ngã vào vòng tay bảo hộ và chọn lựa Trung Quốc làm chỗ dựa cho sự tồn vong thay vì tìm đến với nước Mỹ và các nước trong khối Châu Âu.
Trong hơn mười năm gần đây, những cá nhân, tổ chức và tôn giáo đã nhiều lần công khai đối đầu với nhà nước cộng sản để đòi công lý, công bằng và tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Nỗi cộm về số người tham gia và kết quả đã làm chùn tay tên đao phủ cộng sản là sự kiện Thái Hà, Nhà Chung được Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và một số các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế khởi xướng dẫn dắt giáo dân, thành quả của sự đồng lòng. Bên cạnh đó không ít các tôn giáo khác vì chưa tạo được sức mạnh đoàn kết đã nhận lãnh những đàn áp tàn bạo của chính quyền cộng sản như đạo Cao Đài, Hội Thánh Tin Lành Mennonite trên Tây Nguyên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, các sắc tộc thiểu số phía Bắc và trên Tây Nguyên. Một số cá nhân như linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Lê Công Định, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, nhà giáo Vi Đức Hồi cùng nhiều người, rất nhiều và mới nhất là nhóm ba người của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã bị nhà nước độc tài kết án một cách mù mờ gian trá chỉ với mục đích cách ly họ khỏi đám đông, cô lập và tiêu diệt tiếng nói của họ.
Trong những năm gần đây sự kiện dân oan bị cướp đất, cướp nhà với những dự án của bọn Mafia đỏ đã bùng lên một cách mạnh mẽ như gia đình anh Đoàn Văn Vươn và một số sự kiện khác, họ đã can đảm chống lại lệnh giải tỏa thu hồi đất của chính quyền địa phương và cũng đã và đang bị chính quyền giam giữ hành hạ. Còn nhiều và rất nhiều những sự kiện to nhỏ nói lên sự bức xúc và phẫn uất của người dân Việt Nam khi bị chính quyền côn đồ đàn áp.
Nếu bình tâm và khách quan nhìn lại khúc phim những đấu tranh gần đây, chúng ta thấy tiếng nói của nhân dân và của những người yêu nước công khai đấu tranh chưa tạo được sức mạnh cho chính mình và cho tổ chức để trở thành một đối trọng với sức mạnh và sự tàn ác của nhà nước cộng sản. Rất nhiều sự kiện đã xảy ra nhưng hầu như ít khi có hai sự kiện cùng chung một mục đích. Các tôn giáo đấu tranh đòi công lý. Đúng và hoàn toàn đúng nhưng mục đích đó vẫn được coi như chuyện riêng giữa tôn giáo và chính quyền, người dân Việt Nam thông cảm cho sự đau khổ vì bị đàn áp bất công nhưng sự kiện chưa là của họ, hiểu theo nghĩa đen, để mọi người cùng xuống đường đấu tranh. Những bức xúc của dân oan chưa phải là tiếng nói chung, là lời kêu gọi, là lý tưởng cho toàn dân cùng tham gia, những sự kiện đó được cảm thông, ủng hộ bằng tinh thần nhưng không thể tạo được sự đoàn kết toàn dân. Những cuộc xuống đường chống Trung Cộng lấn đất cướp biển của VN đã đẩy đưa không ít các anh em vào tù hoặc bị đánh đập, dân chúng nhìn họ biểu tình nhưng dường như vô cảm, họ không có nhiều hậu thuẫn và chưa chuẩn bị chu đáo.
Những cá nhân đã công khai đối đầu với chính quyền như một nhân sĩ đã không đạt được nhiều kết quả kêu gọi toàn dân vì mục đích đấu tranh vẫn còn ở bên lề của mục tiêu chính và họ luôn luôn đơn độc. Mục tiêu lý tưởng mà chưa ai dám công khai đối đầu với nhà nước cộng sản nhưng nó là phương tiện là lý do để kết án và nhốt tù họ: đánh đổ chế độ cộng sản độc tài.
Sự can đảm và kiêng cường của những nhà đấu tranh tại VN rất đáng ngưỡng mộ và khâm phục nhưng trong chặng đường họ đi thiếu vắng nền tảng cơ bản là đấu tranh có tổ chức để tạo nên sự đoàn kết một lòng. Họ xứng đáng được vinh danh nhưng buồn nhất là sau đó mọi chuyện lại chìm vào quên lảng của thời gian.