Phạm Chí Dũng
Độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội. Ngay trước mắt, giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã có thể bắt đầu nghĩ đến một khả năng “hòa hợp hòa giải” với chính thể, để cùng giữ cho đất nước này tránh thoát khúc quanh đầy tai biến trong những năm tháng tới.
Ba ngày sau
Chuyến đi của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến Washington vào cuối tháng 7/2013 đã “gặt hái” được một kết quả gián tiếp nhưng tức thì: chỉ ba ngày sau kết thúc hội đàm Obama - Sang, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Luật nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR 1897 với số phiếu áp đảo.
Có vẻ đúng như báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng – đã định hướng, một “chương” mới cho quan hệ Mỹ - Việt đang mở ra.
HR 1897 cũng là văn bản đầu tiên xác nhận mối liên đới giữa hai nhà nước với nhau, thay cho cuộc hội đàm Sang - Obama khá ngắn ngủi mà đã không hiển lộ bất cứ kế hoạch triển khai chi tiết nào, ngoài bản tuyên bố chung với hình thức khá giống một thông cáo báo chí.
Chỉ có điều, báo chí quốc tế lại đã không làm tròn phận sự của mình. AP, CNN, AFP hay nhiều hãng truyền tin khác đã tỏ ra thờ ơ một cách đáng bị khiển trách, lồng trong bầu không khí trầm mặc tại sân bay quân sự Andrew không thảm đỏ và cũng không có cả đội danh dự.
Một phát ngôn có tính an ủi “hướng về tương lai” hóa ra lại thuộc về John Kerry – cựu binh Mỹ ở chiến trường Nam Việt Nam và cũng là người đã không ít lần bác bỏ bản dự luật nhân quyền Việt Nam do Hạ nghị viện chuyển qua Thượng nghị viện.
Bữa ăn trưa Kerry - Sang ngồn ngộn những tính từ ngoại giao và làm đầy đặn cho dạ dày xã giao, nhưng không khỏa lấp được hương vị của hai bản dự luật nhân quyền đang lan tỏa.
Giới quan chức Việt Nam có lẽ vẫn băn khoăn: liệu vào năm sau (2014), Ngoại trưởng Mỹ có thể một lần nữa không quan tâm đến Luật nhân quyền Việt Nam?
“Triệt buộc”
Hình như người Mỹ đã tính toán sao cho hợp lý vào trước, trong và nhất là sau chuyến đi của ông Sang đến Nhà trắng. Phái đoàn nghe nói đông đến 200 người của Chủ tịch nước Việt Nam, ngoài việc được đón tiếp ngang cấp đại sứ ở sân bay, đã không có cơ hội bước lên diễn đàn để “tôn giáo vận” và cao hơn nữa là “địch vận” trong lòng Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Năm chức sắc tôn giáo của Việt Nam cũng bởi thế đã không hiển minh được chính kiến của họ về “thực tế sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam”.
Y Ky Ê Ban – mục sư Tin Lành trong cơ số chiếm trọn một chiếc máy bay – là một minh họa điển hình. Sau chuyến đi lặng lẽ và âm thầm trở về thành phố sương mù ngầy ngật mùi cà phê Ban Mê Thuột, ông mục sư này đã cho một tổ chức truyền thông xã hội biết rằng trong suốt những ngày ở nước Mỹ, ông đã không tiếp xúc với bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào người Mỹ hay người Việt lưu vong.
Cũng có nghĩa là đã không có một cuộc “điều trần” nào của phái đoàn ông Trương Tấn Sang trước Ủy ban về tự do tôn giáo và Ủy ban đối ngoại của Hạ nghị viện Hoa Kỳ – một trạng thái không giống với nghị trình đã được phía Việt Nam và cả các dân biểu tranh đấu cho tự do nhân quyền của Mỹ lập trình chu đáo trước đó.
Có thể Chris Smith – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ – đã “đi đêm” với Tổng thống Barak Obama về việc không cần nghe một lời thanh minh nào thêm từ phía Việt Nam.