Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

HÀNG NGÀN TỶ ĐỒNG CHO VIỆC LẤY Ý KIẾN VÀO HIẾN PHÁP


Lấy ý kiến dân tốn bao nhiêu ? 

Nguyễn Quang A

Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bắt đầu từ 2-1-2013. Theo Điều 7 của Nghị quyết số 38/2012/QH việc lấy ý kiến kết thúc vào ngày 31-3-2013. Ngày 2-3-2013 chủ tịch Quốc hội khẳng định tiếp thu ý kiến góp ý đến tháng 10-2013.
  
Điểm 2 Điều 8 của Nghị quyết quy định “kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ngân sách nhà nước bảo đảm. ” Phải đợi đến quyết toán ngân sách của năm tài chính 2013 (chắc vào cuối 2014) chúng ta mới biết việc lấy ý kiến tốn bao nhiêu tiền ngân sách. Hiện nay chỉ có thể đưa ra những con số ước lượng về độ lớn. Sai số có thể vài ba lần nhưng cũng có thể cho ta mường tượng về độ lớn của con số đó. Chi phí xã hội có thể lớn hơn chi ngân sách rất nhiều mà dưới đây cũng chỉ điểm qua.

Đến 25-3-2013, theo tổng hợp của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ, đã có 28.014 cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và đã tiếp nhận hơn 15 triệu lượt ý kiến đóng góp. Đến 28-3 các con số đó là 20 triệu lượt và hơn 30 ngàn hội thảo (thế nhưng riêng Hồ Chí Minh đã có trên 40 ngàn cuộc ?) với những kết quả tổng hợp được báo chí đưa tin không giống với khảo sát của trang Cùng Viết Hiến pháp của các Gs. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn và Nguyễn Anh Tuấn hoặc của nhà báo Trương Duy Nhất. Còn đến 31-3-2013 con số đã lên 26 triệu ! 1

Những con số hết sức ấn tượng ! Nếu lấy con số 26 triệu chia cho tổng dân số Việt Nam hiện nay (cứ tính là 90 triệu người) cho ta kết quả 29 lượt ý kiến trên 100 dân (từ mới đẻ đến trên 100 tuổi). Nếu trừ số trẻ em dưới 16 tuổi thì tỷ lên này lên đến 41 lượt ý kiến trên 100 dân trên 15 tuổi. Tất nhiên có các “ chuyên gia ” dự hội thảo, hội nghị và họ có thể góp ý nhiều lần, nhưng trong khoảng gần 3 tháng mà đạt tỷ lệ tham gia và góp ý cỡ 40 % của những người trưởng thành thì quả là kỷ lục.

Mỗi người, ở cơ quan mình, làng mình, tổ dân cư của mình, thậm chí gia đình mình, có thể tiến hành một điều tra nho nhỏ xem đã có bao nhiêu ý kiến đóng góp và tính ra tỷ lệ đóng góp ý kiến. Bất cứ ai đã thử làm vậy có thể đặt ra nghi vấn về con số hết sức ngoạn mục trên.

Thôi chưa bàn đến tính chính xác của con số hơn 26 triệu lượt mà chỉ thử ước tính xem việc góp ý tốn kém bao nhiêu cho xã hội.

Nhiều người dự hội nghị nhưng không có cơ hội phát biểu. Để có một ý kiến chắc cũng phải đọc, phải suy nghĩ hình thành ý kiến và phát biểu (hay viết) ý kiến đó ra. Cứ tính mỗi ý kiến hết 1 giờ, thì hết 26 triệu giờ lao động (tương đương 3,25 triệu ngày làm việc). Tiền công 1 ngày tính rẻ là 100.000 đồng và 3,25 triệu ngày làm việc tốn khoảng 325 tỷ đồng. Khoản này là chi phí xã hội, không phải chi từ ngân sách.

Chi phí để tổ chức một cuộc hội nghị chắc không dưới 5 triệu (tiền phòng, tiền điện, nước, vân vân). Với 30.000 cuộc ít nhất tốn 150 tỷ đồng và khoản này ngân sách phải chi.

Chi phí xử lý 26 triệu ý kiến : tập hợp, chuyên chở, thời gian đánh giá, phân loại. Nếu tính đọc và phân mỗi ý kiến hết 1 phút thì cần 26 triệu phút làm việc. Để xử lý số lượng này trong 10 tuần (suốt cả thời gian lấy ý kiến) cần 1.300 người làm việc ; có lẽ việc xử lý được tiến hành trong tuần cuối tháng 3, trong trường hợp ấy Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải huy động 13.000 người làm việc cật lực (tương đương 3.250 người một tháng và tốn khoảng 16 tỷ đồng [5 triệu/người/tháng]).

Còn nhiều chi phí khác, tổng cộng chi phí có thể lên đến cả ngàn tỷ.

Người ta dự kiến in khoảng 100 trang so sánh dự thảo với hiến pháp hiện hành, đưa xuống từng hộ gia đình xin ý kiến “ đồng ý ” hoặc góp ý cho điều này điều kia. Nếu việc này được tiến hành thì riêng chi phí về giấy và in (tính 10 ngàn/cuốn) cho đủ khoảng 22 triệu hộ sẽ tốn khoảng 220 tỷ đồng, nếu tính thêm “ lợi nhuận ”, chi phí tiền công, chuyên chở, tổng hợp thì sẽ tốn không dưới 1000 tỷ đồng của ngân sách.

Tính sơ sơ như vậy cho thấy có thể tốn nhiều ngàn tỷ đồng cho việc lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Nhiều ngàn tỷ đồng là con số lớn, nhưng vì tầm quan trọng của hiến pháp và nhất là so với chi phí của quốc gia thì đấy có thể là con số nhỏ.

Vấn đề cần bàn là kết quả ra sao. 

Nếu thông qua trưng cầu dân ý và người dân được quyền quyết định đưa ra ý kiến “ đồng ý ” hoặc “ không đồng ý ” trong một cuộc bỏ phiếu kín, không ai biết ai có lựa chọn nào, thì việc tổng hợp kết quả dễ hơn nhiều. Nhưng ngay cả trong trường hợp này nếu không có tranh luận, thảo luận công khai trong thời gian đủ dài trước khi trưng cầu dân ý và không có kiểm phiếu trung thực thì kết quả trưng cầu dân ý cũng chẳng có ý nghĩa.

Nếu tốn kém mà kết quả không phản ánh được trung thực ý kiến của nhân dân thì quả là một sự lãng phí.Nhưng sự nghi ngờ, sự mất lòng tin do số liệu méo mó còn kinh khủng hơn sự lãng phí tiền của rất rất nhiều.
                                                        
1 Theo báo Thanh Niên ngày 4.4.2013, thì số ý kiến thu nhận được đã lên tới 44.459.628. Nhưng theo trang mạng của tỉnh Bình Dương -- http://binhduong.gov.vn/vn/news_detail.php?id=10164&idcat;=17&idcat2;=32 -- thì con số hơn 44 triệu ý kiến đó là của RIÊNG tỉnh Bình Dương !!! (chú thích của Diễn Đàn)

PHỤ CHÚ : Tác giả cho biết bài này đã được một tờ báo của Nhà nước đăng, nhưng thiếu những câu màu đỏ.
Nguồn: Diễn Đàn.org.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến