PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng
Văn Việt: Vụ luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan từ khi được nhà phê bình văn học Chu Giang khởi động phê phán tại Hội nghị lý luận phê bình lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 05/6/2013, và sau đó là một loạt bài cũng của ông đăng trên Văn nghệ TP HCM, đã bùng phát một làn sóng tranh luận chưa từng thấy trên báo chí chính thống và phi chính thống, trong nước và ngoài nước (google ngày 21/4/2014 cho biết với từ khóa “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, có đến gần 50.000 kết quả). Ông Nguyễn Văn Lưu thẳng thắn: “Vì vậy chúng tôi cấp thời đề nghị phải lập tức đình chỉ việc giảng dạy của cô giáo Nhã Thuyên – dù là giảng dạy hợp đồng. Đồng thời hủy bỏ luận văn, hủy bỏ học vị Thạc sĩ của tác giả luận văn, xem xét lại tư cách của người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Nguyễn Thị Bình và trách nhiệm của Hội đồng chấm luận văn này.”
Lời “đề nghị” trên của ông Nguyễn Văn Lưu đã được thực hiện vượt mức: Đỗ Thị Thoan bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy, bằng thạc sĩ bị hủy bỏ; PGS TS Nguyễn Thị Bình cũng bị cho thôi việc.
Cơ sở pháp lý – tạm gọi như vậy – của những biện pháp hành chính nói trên là kết luận của Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập một cách bí mật, hiểu theo nghĩa không có đối thoại, “tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ” (Trần Đình Sử).
Nay, lần đầu tiên toàn văn bản phản biện của một thành viên Hội đồng thẩm định ấy, PGS TS Phan Trọng Thưởng, được công bố. Nhờ vậy, lần đầu tiên công chúng mới có điều kiện xem xét một cách thực chứng cơ sở học thuật của (một thành viên) Hội đồng thẩm định khi đi đến kết luận về luận văn của Đỗ Thị Thoan. Văn Việt mời gọi độc giả tranh luận với tác giả bản phản biện, coi đó là một hoạt động bình thường trong một xã hội dân chủ.
VanVN.Net – Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến khác nhau về luận văn thạc sĩ của học viên Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên), ngày 12-2-2014, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận văn này. Đây là việc bình thường ở các cơ sở đào tạo sau đại học hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các cơ sở đào tạo. Để bạn đọc hiểu rõ hơn thực chất luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan về đề tài: “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa”. VanVN.Net xin đăng toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS.TS Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập.
PGS.TS. Phan Trọng Thưởng: Dựa trên quy cách của một bản nhận xét luận văn và những yêu cầu do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề ra, tôi có một số nhận xét sau đây về luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan. (Tất cả những đoạn để trong ngoặc kép hoặc in nghiêng đều trích dẫn nguyên văn từ luận văn).
1. VỀ LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Theo tác giả luận văn, “chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”. Dòng chính được coi là “có quyền năng chi phối tác động, quyền năng hình thành qui phạm, hình thành thiết chế; còn Dòng ngầm có vai trò “giải qui phạm và phá hủy thiết chế, nhất là khi thiết chế đó bộc lộ xơ cứng và bảo thủ diễn ra ngay trong dòng chính như một qui luật của vận động”.