Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ý nghĩa của Diễn đàn Xã hội Dân sự

Với Diễn đàn xã hội dân sự, người dân Việt Nam có thêm một kênh để bàn luận các vấn đề của đất nước

Phạm Chí Dũng: Lần đầu tiên ở Việt Nam hình thành một diễn đàn chính thức, công khai và có tầm cỡ về chủ đề hoạt động dân sự được biết trước mắt với tên gọi “Diễn đàn Xã hội Dân sự”.
Nhóm khởi xướng Diễn đàn Xã hội Dân sự vẫn là những trí thức phản biện độc lập và quen thuộc như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh ở Hà Nội và Tương Lai ở Sài Gòn.

“Nguy biến”

Diễn đàn ra đời sau khi “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được phổ biến vào đúng ngày “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” vang vọng thúc giục vào tháng 9 năm 1945.
Gần bảy chục năm sau “Ngày hăm ba”, “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” được căn cứ vào điều 69 của Hiến pháp Việt Nam về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình, và dựa theo Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký tham gia ngày 24/9 năm 1982.
Gần giống như tình hình nguy cấp của Tổ quốc vào năm 1945, thời gian gần đây đã nổi lên một số tính từ rất đáng lưu tâm đối với hiện tình dân tộc: “nguy kịch” được dư luận và công luận đề cập đến thực trạng nền kinh tế, “nguy hại” được dùng để chỉ các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu và “nguy hiểm” đối với những dấu hiệu ban đầu của hỗn loạn xã hội, hay “tồn vong chế độ” do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm thán trong Hội nghị trung ương 6 và được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần từ đó đến nay.
Tuy nhiên, đã phát sinh một khoảng cách đậm nét về quan niệm “nguy biến” giữa nhóm lãnh đạo theo đường lối “kiên định” với những nhà dân chủ. Nếu nguyên nhân chủ yếu khiến nền chính trị có thể “suy vong” - theo Tổng bí thư Trọng - là tệ nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích, thì với các nhà phản biện độc lập, nguồn gốc tiến bộ xã hội bị triệt tiêu chính là điều 4 Hiến pháp về chế độ một đảng.
Bàn thờ Đặng Ngọc Viết
Xã hội Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm sôi chỉ đợi bùng phát như vụ Đặng Ngọc Viết?
Có lẽ đó cũng là nguồn cơn để diễn đàn "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa” - như ý tưởng chính của bản “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”.

Diễn đàn Xã hội Dân sự Việt Nam ra đời

Ngày càng có nhiều tiếng nói phản biện với Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong một diễn biến cho thấy sự phát triển của phong trào dân sự tại Việt Nam, một số nhà hoạt động dân chủ đã tập hợp lại trong phong trào có tên là ‘Diễn đàn Xã hội Dân sự’.
Diễn đàn này chính thức ra đời vào lúc nửa đêm ngày thứ Hai ngày 23/9 khi bản ‘Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị’ được công bố.
Tròn 130 người ký tên vào tuyên bố này đến từ các vùng miền khác nhau của đất nước và cả từ Mỹ, Pháp, Úc. Trong đó có nhiều thành phần xã hội khác nhau như trí thức, cựu quan chức, nhà văn, nhà báo, thanh niên...

‘Chuyển đổi dân chủ’

Mục đích của diễn đàn này, theo Tuyên bố, là ‘trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa’.
Cũng theo tuyên bố này thì sẽ có một trang mạng của diễn đàn để nhưng người cùng chia sẻ mục đích gửi bài vở, ý kiến tham gia.
“Để vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ,” Tuyên bố viết.
Tuyên bố cũng cáo buộc giới cầm quyền ‘dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước... do muốn bảo vệ và giành thêm lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung của đất nước, của dân tộc’.
Tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng’.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người ký tên vào tuyên bố này, nói với BBC rằng mục đích của diễn đàn mới này là để ‘mọi người tham gia viết bài, bình luận với nhau, tranh luận để nâng cao dân trí là chính’.

Kêu gọi Đảng Cộng sản

Theo ông thì muốn chuyển đổi từ toàn trị sang dân chủ một cách êm thấm đỡ tốn kém nhất cho đất nước thì ‘mọi người cần phải hiểu, chính quyền và người dân cần phải hiểu quá trình như thế nào và phải làm gì’.
“Tất cả mọi người không phân biệt về chính trị, thuộc nhiều đảng phái chính trị khác nhau, thuộc nhiều chính kiến khác nhau đều được hoan nghênh cả miễn là thống nhất ở điểm dân chủ hóa,” ông A nói.
Ông cũng kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng sản vốn đang giữ độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam tham gia vào diễn đàn bởi vì Đảng Cộng sản ‘có vai trò lớn lao trong việc chuyển đổi (dân chủ) này'.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang A cũng cảnh báo chính quyền là ‘sự trấn áp sẽ không mang lại kết quả gì’.
“Cách duy nhất để nhà cầm quyền có thể giữ được tính chính đáng một phần nào đấy của mình và góp phần vào sự phát triển của dân tộc là tham gia cùng với dân tộc chứ không phải đàn áp nhân dân,” ông nói.

TUYÊN BỐ THỰC THI QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ 23-9-2013

Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định tại điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (mà Nhà nước Việt Nam ký tham gia ngày 24/9/1982) quy định cụ thể về quyền bày tỏ quan điểm, quyền hội họp và lập hội: “Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia” (trích điều 19[1]); “Quyền hội họp có tính cách hoà bình phải được thừa nhận” (trích điều 21); “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình” (trích điều 22). Những quy định tương tự cũng có trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc được công bố ngày 10/12/1948 mà mọi quốc gia thành viên đếu phải tôn trọng [2] .

Căn cứ vào những quy định đó, các ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp khác với quan điểm của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Quốc hội lập, đặc biệt là về những điều cơ bản của thể chế chính trị (như Kiến nghị do 72 người ký trực tiếp ngày 19-1-2013, thường được gọi tắt là Kiến nghị 72, Tuyên bố của Hội đồng Giám mục, Tuyên bố công dân tự do, ý kiến trên trang mạng Cùng viết Hiến pháp, và nhiều ý kiến của đồng bào trong và ngoài nước trên các trang thông tin điện tử) là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (dưới đây gọi tắt là Công ước quốc tế). Điều đó cũng đúng với nhiều tiếng nói đòi dân chủ và thực hiện các quyền tự do đã được quy định trong Hiến pháp, gắn liền với yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa nhịp với các hình thức đấu tranh của nông dân bị mất đất, của công nhân đòi việc làm và cải thiện đời sống. Những tiếng nói đó của các tổ chức và nhóm như Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn giáo, nhóm công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, câu lạc bộ NoU, v.v., hoặc của nhiều cá nhân ở trong và ngoài nước mang tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ, đều được bày tỏ một cách ôn hòa, hợp pháp.

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây hoan nghênh ý thức xây dựng của những tiếng nói đó và thấy rằng để phản ảnh yêu cầu của đông đảo nhân dân, cần khởi xướng một Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa. Đó là mục đích hoạt động của Diễn đàn, hoàn toàn phù hợp với hiến pháp của nước ta và Công ước quốc tế. Diễn đàn này mang tên “Diễn đàn xã hội dân sự” và có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm, các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên, với mong muốn xã hội dân sự ở nước ta phát triển đúng với yêu cầu của một nước dân chủ.

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền. Ý kiến khác nhau cần được tranh luận thẳng thắn để tìm chân lý; còn dựa vào quyền lực để cản trở việc công bố, không đối thoại mà chỉ đơn phương phê phán, quy kết, thậm chí dùng nhiều cách ngăn cấm và trấn áp thì không những vi hiến và trái với Công ước quốc tế mà còn không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền.

Việc sửa đổi Hiến pháp đang còn ý kiến khác nhau về những vấn đề cơ bản của thể chế chính trị. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi dự định trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp cuối năm tuy có một số điều chỉnh chi tiết nhưng về cơ bản vẫn duy trì thể chế toàn trị của giới cầm quyền nhân danh Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thực tế ở nước ta cho thấy rõ: thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng; một “bộ phận không nhỏ” trong bộ máy lợi dụng quyền lực (cả quyền cai trị và quyền sử dụng, định đoạt đất đai, tài nguyên, tài sản công) cấu kết với một số nhà kinh doanh làm giàu bằng nhiều thủ đoạn bất minh (cả trong khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân), hình thành các nhóm lợi ích bất chính, xâm phạm quyền lợi của nhân dân, dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo quá bất công ở nước ta. Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị, có phần do tư duy giáo điều, bảo thủ, nhưng phần quan trọng hơn, phổ biến hơn là do muốn bảo vệ và giành thêm lợi ích riêng bất chấp lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. Đó là nguyên nhân gốc rễ khiến nước ta lâm vào khủng hoảng trên nhiều mặt: kinh tế suy giảm nặng và không ổn định, văn hóa suy đồi, đạo đức băng hoại, môi sinh bị tàn phá, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh thua kém nhiều nước trong khu vực, dân mất lòng tin đối với bộ máy cầm quyền; trong khi đó, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị thế lực bành trướng Trung Quốc gia tăng các hành động xâm phạm.

Để vượt qua những thách thức hiểm nghèo đối với đất nước và dân tộc, giải pháp cơ bản là phải cải cách thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, qua đó phát huy sức mạnh hòa giải và đoàn kết dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. ĐCSVN, với vị trí là đảng đang cầm quyền, tự nhận vì nước vì dân, có trách nhiệm thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó một cách chủ động, mở đầu bằng việc sửa đổi Hiến pháp. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống và cũng là phương án tối ưu cho sự chuyển đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa ở nước ta.

Nếu Hiến pháp sửa đổi vẫn duy trì thể chế toàn trị được thông qua và ban hành chính thức thì các thách thức mà đất nước và dân tộc đang đối mặt càng thêm nghiêm trọng dẫn tới hệ quả khôn lường, dân càng thất vọng và bất bình, uy tín của nước ta trong quan hệ quốc tế càng giảm sút. Đó thật sự là tai họa cho đất nước mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền.

Bài đăng phổ biến