Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Việt Nam : Một Hiệp hội bảo vệ dân oan tuyên bố ra mắt

 Bà Lê Hiền Đức (người đeo kính).

 

Trọng Thành
Hôm qua, 30/12/2013, tại Việt Nam, một nhóm bảo vệ người dân khiếu kiện đã truyền đi một bản Tuyên bố thành lập ban vận động Hiệp hội dân oan Việt Nam. Bản Tuyên bố được gửi đến Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Nội vụ. Ban vận động thành lập Hiệp hội dân oan Việt Nam đề cử bà Lê Hiền Đức, 83 tuổi, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, làm Chủ tịch danh dự của hiệp hội.

Việc người dân khiếu kiện về đất đai và nhiều lĩnh vực khác không được chính quyền hồi đáp là một hiện tượng xã hội nhức nhối tại Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Cho đến nay, tại Việt Nam, vẫn chưa có một tổ chức chính thức nào của xã hội dân sự đứng ra hỗ trợ và bảo vệ những người dân oan, trong bối cảnh chính quyền liên tục trì hoãn việc thông qua bộ luật về lập hội. Trả lời câu hỏi của RFI Việt ngữ về sự kiện này, bà Lê Hiền Đức cho biết :
Bà Lê Hiền Đức (Hà Nội)
 
31/12/2013
 
 
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131231-viet-nam-mot-hiep-hoi-bao-ve-dan-oan-tuyen-bo-ra-mat

Dương Chí Dũng tự chống án tử hình

Cập nhật: 14:13 GMT - thứ hai, 30 tháng 12, 2013
Phiên xử Vinalines
Hiện chưa rõ Mai Văn Phúc, người cũng lãnh án tử hình, có kháng án hay không
Ông Dương Chí Dũng, người vừa bị kết án tử hình về tội ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái’ trong phiên tòa cách nay hơn hai tuần, đã tự viết đơn kháng án trong tù.
Ông Dũng là cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines. Ông bị kết tội cùng một số quan chức khác trong Vinalines cùng các cán bộ hải quan và đăng kiểm trong thương vụ mua ụ nổi 83M.
Thương vụ này bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng. Dương Chí Dũng cùng ba quan chức lãnh đạo khác của Vinalines bị cáo buộc đã cùng nhau lại quả và ăn chia số tiền 28 tỷ đồng.
Được biết khi đang ở trong nhà giam ông đã gửi đơn kháng án lên Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam.

‘Đến chết cũng không nhận’

Ngoài ông Dũng ra, hai bị cáo khác cũng muốn được xem xét lại bản án của mình.
Hiện chưa rõ ông Mai Văn Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines vốn cùng nhận mức án giống như ông Dũng với cùng tội trạng, có chống án hay không.
Ông Trần Đình Triển, một trong ba luật sư bào chữa vụ án này ở phiên tòa sơ thẩm, xác nhận với BBC rằng ông đã biết việc Dương Chí Dũng kháng án.
Tuy nhiên ông nói rằng đơn này là do chính ông Dũng viết trong nhà giam chưa tham khảo qua ý kiến luật sư nên bản thân ông cũng chưa đọc và chưa biết nội dung kháng án là như thế nào.
Báo mạng Vietnamnet cho biết nội dung kháng án của ông Dũng là ông ‘không phạm tội tham ô’ và ‘mức án tử hình là quá nặng’.
"
Kể cả đánh chết trong tù tôi cũng không nhận tội tham ô."
Vietnamnet dẫn lời Dương Chí Dũng nói trước Tòa
Trước đó, tại phiên tòa, ông Dũng một mực bác bỏ tội ‘tham ô’ và chỉ nhận có ‘thiếu trách nhiệm giám sát’ trong thương vụ mua ụ nổi.
Vietnamnet dẫn lời bị cáo Dũng nói trước Tòa rằng ‘kể cả đánh chết trong tù tôi cũng không nhận tội tham ô’.
Ngoài ông Dũng ra, hai bị cáo khác cũng nộp đơn kháng án là Trần Hải Sơn, cựu tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines, và đăng kiểm viên Lê Văn Dương.
Trong phiên tòa, ông Trần Hải Sơn được báo chí trong nước cho biết là đã có hành động khắc phục hậu quả một phần cho Nhà nước.
Trong lá đơn được VnExpress dẫn lại, ông Sơn nói ‘đã nhận thức được hành vi là đúng người đúng tội’ và ‘mong muốn được sửa chữa sai lầm và khắc phục hậu quả’.
Bị cáo đề nghị Tòa tối cao giảm nhẹ hình phạt tù cũng như giảm trách nhiệm bồi thường của mình.
Ông Trần Hải Sơn bị tuyên tổng cộng 22 năm tù cho cả hai tội là ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái’ và phải bồi thường 39 tỷ đồng.
Cùng chống án là đăng kiểm viên Lê Văn Dương, cựu đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, người bị tuyên án 7 năm tù về tội ‘Cố ý làm trái’.
Bị cáo Dương cho rằng Tòa kết tội ông như vậy là ‘không thỏa đáng’ vì biên bản đăng kiểm ụ nổi 83M do ông lập ‘phản ánh đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi tại thời điểm kiểm tra về độ tuổi cũng như việc ụ nổi này không thỏa mãn quy phạm của Đăng kiểm Nga’, báo Việt Nam trị́ch đăng đơn kháng án của bị cáo này.

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Con trai Bí thư Lê Thanh Hải lên chức

Ông Hiếu cũng là một đại biểu của hội đồng nhân dân thành phố, cơ quan giám sát chính quyền
Lê Trương Hải Hiếu, con trai lớn của ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vừa lên chức phó chủ tịch một quận trung tâm tại thành phố mà cha ông đang là lãnh đạo cao nhất, báo chí trong nước đưa tin.
Theo đó, chiều thứ Năm ngày 26/12, Ủy ban nhân dân thành phố này đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Hiếu làm phó chủ tịch Quận 1. Ông Hiếu được giao phụ trách mảng kinh tế, theo báo mạng Vietnamnet.
Trang mạng báo Thanh niên cũng có đăng tin này nhưng có vẻ sau đó đã được gỡ bỏ mà không rõ lý do.

Xuất thân cao cấp

Ông Hiếu được thăng chức lên làm phó chủ tịch Quận 1 từ vị trí bí thư phường Bến Thành.
Sinh năm 1981, hiện nay ông Hiếu chỉ mới 32 tuổi và xuất thân trong một gia đình quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cha ông là một trong 16 ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong khi mẹ ông, bà Trương Thị Hiền, là hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố.
Dì ruột của ông là bà Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước.
Việc ông này trở thành phó bí thư Quận 1, một quận quan trọng hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh, ở độ tuổi còn khá trẻ như thế có thể là bước chuẩn bị để cho ông thăng tiến về sau.
Người em trai kế tiếp của ông Hiếu là ông Lê Trương Hiền Hòa hiện là giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, trong khi người em út Lê Tấn Hùng hiện là chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong.

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Đảng CSVN có đang vỡ ra từng mảnh?



Phạm Trần - Trong khi Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cố gượng cười ăn mừng toàn thắng thông qua Hiến pháp mới ngày 28/11/2013 thì họ cũng run sợ trước trận cuồng phong bão kép “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đang âm thầm phá đảng không còn manh giáp bất kỳ lúc nào.

Biến chuyển này đến vào cuối năm 2013, giữa nhiệm kỳ đảng Khóa XI, không còn là chuyện hão huyền hay ảo tưởng trong tàn cuộc rượu của những “thế lực thù địch” hay “những phần tử bất mãn” mà do chính đảng viên gây ra.

Vì vậy từ sau Hội nghị Trung ương 8/XI từ 30/9 đến ngày 9/10/2013, đảng đã dồn mọi nỗ lực và tiền bạc vào công tác học tập Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tất cả Lực lượng võ trang bao gồm Quân Đội, Lực lượng trừ bị dân sự và lực lượng Công An cho đến các cấp đảng và đơn vị hành chính đều được cảnh giác: “Trong bất kỳ tình huống nào, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đều quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” (Nghị quyết Trung ương 8/XI).

Nhưng lực lượng của kẻ thù nào đã hay đang đe dọa sự “toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”?Mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, cũng đều biết chỉ có kẻ thù duy nhất có khả năng “ăn tươi nuốt sống Việt Nam” bây giờ là Trung Cộng, nước láng giềng phương Bắc mà Lãnh đạo hai nước vẫn thường “đồng ca” bài 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tình thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Nhưng tại sao chưa bao giờ có Lãnh đạo nào của Việt Nam, từ thời Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh (1986) cho đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 2011) dám “động đến lỗ chân lông” của Trung Cộng dù đã bị áp chế công khai trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông?

Vì vậy mệnh lệnh thi hành “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết 8 Khóa đảng IX (năm 2003) được lập lại hồi tháng 10/2013 chỉ là “cái mã bề ngoài” nhằm che giấu chủ trương triệt để ngăn chận bằng mọi giá những cuộc nổi loạn từ trong nội bộ đảng và trong nhân dân đang âm thầm bung ra chống đảng.

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Trưởng ban nội chính VN thăm TQ

Ông Nguyễn Bá Thanh được giao trọng trách chống tham nhũng trong Đảng

Ông Nguyễn Bá Thanh, quan chức phụ trách chống tham nhũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đến Bắc Kinh chiều thứ Hai ngày 16/12 trong chuyến thăm chính thức, hãng thông tấn nhà nước của Việt Nam cho biết.
Ông Thanh, Trưởng ban nội chính, dẫn đầu một phái đoàn của Ban Nội chính trung ương đến thăm và làm việc ở thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải, trung tâm kinh tế tài chính của Trung Quốc.
Chuyến đi này của ông Thanh có thể là để học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng từ nước láng giềng có cùng chung thể chế cộng sản.
Ông Thanh đến Trung Quốc trong lúc tòa án Việt Nam đã tuyên mức án tử hình cho hai quan chức cựu lãnh đạo Tổng Công ty hàng hải Vinalines vì tội ‘Tham ô’ và ‘Vi phạm các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Gặp ‘sếp’ an ninh

Tại Bắc Kinh, ông Thanh có cuộc gặp gỡ với ông Mạnh Kiến Trụ, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Ủy ban Chính pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Mạnh là người phụ trách toàn bộ hệ thống an ninh, tình báo và tư pháp của Trung Quốc trong khi ông Thanh là trưởng Ban Nội chính, phó Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Mạnh Kiến Trụ được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói trong buổi tiếp ông Thanh là Bắc Kinh ‘đánh giá cao những thành tựu trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam’.
Về phần mình, ông Thanh được dẫn lời nói ông ‘đánh giá cao những kinh nghiệm về xây dựng đảng’ của Trung Quốc.
Ngoài buổi làm việc với ông Mạnh Kiến Trụ, ông Thanh cũng có buổi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phiên tòa Dương Chí Dũng
Đảng Cộng sản Việt Nam có vẻ đang thể hiện quyết tâm chống tham nhũng
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố cuộc đấu tranh tham nhũng là ‘vấn đề sống còn’ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và phát động một cuộc chiến chống tham nhũng mà trong đó ông hứa sẽ bắt cả ‘hổ lẫn ruồi’.

Việt Nam : Tuyên án tử hình 2 cựu quan chức tham nhũng tại Vinalines

Công an áp giải Dương Chí Dũng sau phiên tuyên án ngày 16/12/2013.
Công an áp giải Dương Chí Dũng sau phiên tuyên án ngày 16/12/2013.
REUTERS/Doan Tan/VNTTX

RFI
Sau hơn hai giờ luận án, chiều ngày 16/12/2013, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình hai bị cáo chính của vụ án tham nhũng tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines là Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines . Ngoài ra, 8 bị cáo khác của vụ án bị tuyên phạt án tù từ 4 năm đến 22 năm.

Sau hơn một ngày nghị án, hôm nay Hội đồng xét xử đã dành cả buổi chiều để tiến hành tuyên án 10 bị cáo trong vụ " Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam Vinalines".
Bản án được hội đồng xét xử trình bày trong hơn hai tiếng đồng hồ. Cho đến 17h30 tòa tuyên án : Bị cáo Dương Chí Dũng phạm tội « Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ». Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Tương tự với hai tội danh như trên ông Mai Văn Phúc bị cùng mức án tử hình.
Tòa cũng tuyên phạt các bị cáo còn lại của vụ án với mức án từ 4 đến 22 năm tù. Các bị cáo phải bồi thường hơn 300 tỷ đồng, trong đó Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Trước đó Viện kiểm sát đã đề nghị mức án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc với vai trò chủ mưu. Theo mô tả của truyền thông trong nước, trước giờ bị tuyên án, bị cáo Dương Chí Dũng vẫn « bình thản », trong khi bị cáo Phúc tỏ ra « khá căng thẳng ».
Phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ ngày 12/12/2013, chỉ tập trung vào những hành vi tham nhũng liên quan đến vụ mua bán vòng vèo chiếc ụ nổi 83M cũ nát của công ty AP của Singapore, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng. Các bị cáo chủ chốt bị buộc tội tham ô vì đã ăn chia 1,66 triệu đô la Mỹ tiền gọi là « lại quả » của công ty AP.
Trong ba ngày xét xử, Dương Chí Dũng Mai Văn Phúc và những bị cáo chính khác của vụ án đều không nhận tội tham ô, phủ nhận khỏan tiền đã chia nhau 1,66 triệu đô la mà bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines đã khai nhận.
Theo hội đồng xét xử bị cáo Dũng và Phúc có vai trò ngang nhau trong việc tham ô, nhưng không thừa nhận hành vi vì thế cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt.
Nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131216-viet-nam-tuyen-hai-an-tu-hinh-trong-vu-an-tham-nhung-tai-vinalines

Hoa Kỳ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh ngày 16/12/2013 tại Hà Nội.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Phó thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh ngày 16/12/2013 tại Hà Nội.
REUTERS/Brian Snyder

Thanh Phương
Hôm nay, 16/12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, Hoa Kỳ sẽ gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải trong bối cảnh căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền ở vùng Biển Đông. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Kerry cũng đã kêu gọi chính phủ Hà Nội tôn trọng nhân quyền và đẩy mạnh cải tổ chính tri và kinh tế.

Theo lời ông Kerry, Hoa Kỳ sẽ cấp thêm một khoản tài trợ 32,5 triệu đôla để giúp các nước Đông Nam Á bảo vệ lãnh hải và bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Riêng Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đôla, trong đó bao gồm 5 chiếc tàu tuần tra sẽ được giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trợ giúp về an ninh hàng hải cho khu vực Đông Nam Á trong hai năm tới sẽ tăng lên hơn 156 triệu đôla.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông John Kerry nhắc lại lập trường của Mỹ « cực lực chống lại mọi hành động mang tính cưỡng ép và gây hấn nhằm xác quyền chủ quyền lãnh hải" và cho biết Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại tình hình trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng việc gia tăng trợ giúp Việt Nam bảo vệ lãnh hải không có liên quan gì đến việc Trung Quốc gần đây thiết lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, mà đây là một kế hoạch đã được dự trù từ trước.
Ngoài vấn đề an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Mỹ hôm nay đã thúc giục chính phủ Hà Nội trả tự do cho các tù chính trị, cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt là tôn trọng các quyền tự do tôn giáo và tự do thông tin trên Internet, đồng thời tiếp tục các cải cách theo hướng kinh tế thị trường tự do.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, những cải tổ về chính trị và kinh tế nói trên rất quan trọng đối với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Việt, cũng như sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi đầy đủ từ hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hoa Kỳ đang đàm phán để ký kết với 11 quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Nguồn:http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20131216-hoa-ky-gia-tang-tro-giup-viet-nam-ve-an-ninh-hang-hai

TÌNH TRẠNG SỨC KHỎE LUẬT SƯ LÊ HIẾU ĐẰNG (16/12/2013)


clip_image001

Định đến bệnh viện thăm Luật sư Lê Hiếu Đằng từ hôm thứ bảy 14/12/2013 nhưng vì có tin anh bị hôn mê cấp cứu không vào thăm được. Chiều chủ nhật hôm qua thì có tin khác lạc quan hơn: Anh Đằng đã tỉnh lại và đã được đưa về phòng riêng tại Khoa ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM).
Sáng nay thứ hai 16/12/2013 tôi quyết định đi xe máy dầu từ quận 9 đến quận 10.
May quá, vừa vào phòng thì gặp ngay chị Hồng vợ anh đang túc trực và anh đang nằm nghỉ, mắt sáng, ra dấu và nói chuyện được. Tôi đề nghị chụp hình anh chị thì anh tỏ vẻ rất vui, ra dấu V. Sau đó còn ngồi dậy ra khỏi phòng đi dạo đến cửa vào có cây Noel vừa được dựng lên chào mừng lễ Giáng sinh sắp đến.

clip_image002

clip_image003

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Vấn đề nhân quyền được nêu lên trước chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Giữa lúc Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry chuẩn bị đi thăm Việt Nam và Philippines trong chuyến công du thứ Tư của ông tới châu Á vào cuối tuần này, giới quan tâm một lần nữa lại nêu bật thành tích nhân quyền mà họ đánh giá là tệ hại của Việt Nam và yêu cầu Ngoại trưởng Kerry chuyển đạt những quan tâm sâu xa về thực trạng nhân quyền và các vụ vi phạm vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.
Tờ báo The Diplomat đã cho đăng một bài báo của hai thành viên của tổ chức Freedom Now mang tựa đề “Đã đến lúc phải có một hướng tiếp cận nghiêm túc về vấn đề nhân quyền Việt Nam.”
Tác giả bài viết là luật sư Jared Genser, đồng sáng lập viên tổ chức Freedom Now, và ông Greg McGillivary, một luật sư hoạt động bất vụ lợi đang giúp Freedom Now trong các vụ án có liên quan tới quyền của người lao động.
Bài báo viết rằng bất chấp Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền trong các quan hệ với Việt Nam, tình hình nhân quyền tại Việt Nam thay vì được cải thiện, còn trở nên xấu đi hơn trong mấy năm gần đây, đặc biệt là những vụ bắt bớ, giam cầm để bịt miệng những tiếng nói bất đồng.
Freedom Now đề nghị trong thời gian ở Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry cần truyền đạt ba thông điệp về vấn đề nhân quyền với nhà chức trách Việt Nam.
Thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ không cổ vũ các quan hệ thương mại với Việt Nam trừ phi có cải thiện đáng kể trong thành tích nhân quyền, kể cả trả tự do cho khoảng 120 tù nhân lương tâm đang còn bị giam giữ tại Việt Nam.
Thứ nhì, Hoa Kỳ sẽ không nới rộng các quan hệ quân sự, trừ phi có cải thiện nhân quyền.
Và thứ ba, Ngoại trưởng Kerry nên thông báo cho Việt Nam biết rằng Bộ Ngoại giao dự tính đưa Việt Nam trở lại danh sách đáng quan tâm về tự do tôn giáo, như theo đề nghị của Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ Đài VOA, Đại diện của Freedom Now, luật sư Patrick Griffith nói rằng tổ chức của ông hy vọng Ngoại trưởng Kerry sẽ coi chuyến đi Việt Nam lần này như một cơ hội để đặt vấn đề một cách nghiêm túc với Việt Nam:
“Ông Kerry có một cơ hội để cho thấy đường hướng của ông – công khai cổ vũ và bênh vực cho các tù nhân lương tâm. Thời còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã phát biểu rất thẳng thắn lúc đang ở thăm Việt Nam trong chuyến công du cuối của bà tới đó. Thật là đáng tiếc là dù vậy, chúng ta vẫn phải chứng kiến các vụ vi phạm tại Việt Nam. Thế cho nên theo tôi, ngoài những tuyên bố công khai, vốn rất hữu ích để cho Việt Nam biết là chính phủ Mỹ thực sự nghiêm túc về các vụ vi phạm nhân quyền, quan trọng hơn là những thông điệp mạnh mẽ và nhất quán mà Ngoại trưởng Kerry cần trực tiếp đề cập với vị tương nhiệm Việt Nam ngay trong lúc ông đang ở Việt Nam. Ông phải khẳng định nhân quyền là một quan tâm lớn của chính phủ Mỹ, và nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền làm người thì điều đó sẽ cản trở những khía cạnh hợp tác khác, chẳng hạn như hiệp định TPP.”
Là một tổ chức nhân quyền chuyên vận động để phóng thích các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, Freedom Now nhắc lại trường hợp Linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, vẫn đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam cầm bất chấp tình trạng sức khỏe yếu kém của ông.
Freedom Now còn nêu lên trường hợp của ba nhà hoạt động bênh vực quyền người lao động là Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã bị tống giam từ bảy tới chín năm chỉ vì đã có hoạt động để tổ chức các nghiệp đoàn lao động tại một xưởng sản xuất giầy dép và phân phát tờ rơi nêu lên những đòi hỏi của công nhân. Luật sư Griffith nói trường hợp của ba nhà hoạt động trẻ tuổi này chỉ là những trường hợp điển hình, và tại Việt Nam còn có rất nhiều tù nhân lương tâm khác đang bị giam cầm, kể cả các blogger, luật sư, nhạc sĩ v...v…Ông nói, nhân cơ hội này, ông muốn gửi đi một thông điệp tới những người tù lương tâm tại Việt Nam:
“Tôi muốn nói với họ rằng câu chuyện của họ thực sự làm chúng tôi cảm phục, và trong tư cách là những người bênh vực quyền lợi của họ, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần làm để tạo điều kiện cho họ được trả tự do. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cho tới khi nào họ được trả tự do. Chúng tôi sẽ không ngưng chiến dịch này lại ”
Đối với chính quyền Việt Nam, ông nói nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia toàn diện vào sinh hoạt của cộng đồng các quốc gia, muốn trở thành một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và giao dịch với thế giới, thì họ phải tuân thủ các luật quốc tế, và các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. LS Griffith :
“Việt Nam cần phải tuân thủ tất cả các luật và tiêu chuẩn quốc tế, kể cả tôn trọng các quyền của công dân nước họ, quyền được tổ chức về mặt chính trị, quyền được chỉ trích chính quyền nếu họ cho là chính quyền đã làm điều sai trái, quyền được tự do phát biểu, tự do viết blog, và quyền được tự do tín ngưỡng. Có không biết là bao nhiêu người đang phải chịu cảnh bị bắt bớ bừa bãi. Điều đó phải chấm dứt, và phải chấm dứt ngay bây giờ. ”
Từ khi ký hiệp định thương mại năm 2001, Hoa Kỳ đã nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giờ đây hai nước đang cùng một số quốc gia khác trong khu vực tham gia thương thuyết để đạt Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
Nguồn: The Diplomat, VOA Interview

Đề nghị án tử hình với Dương Chí Dũng

Ông Dương Chí Dũng và các bị cáo khác tại phiên tòa

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với hai cựu lãnh đạo Vinalines trong ngày xét xử thứ hai của vụ 'đại án tham nhũng' vào hôm 13/12.
Các công tố viên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt hai bị cáo Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines và Mai Văn Phúc, cựu Tổng giám đốc Vinalines án tử hình vì tội 'Tham ô tài sản' và tội 'Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng'.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị các mức án cho tám bị cáo còn lại với các án tù từ 6 tới 28 năm.
Bản luận tội của phía Viện Kiểm sát được báo trong nước dẫn lại nói các bị cáo đã tham ô hơn 28 tỷ đồng và làm thiệt hại hơn 366 tỷ đồng.
Theo đó, ông Dũng cùng đồng phạm bị buộc tội đã cố ‎‎ làm trái quy định của chính phủ, làm trái Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư trong việc phê duyệt dự án sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam và việc mua ụ nổi 83M.

Global Witness: Crédit Suisse coi nhẹ nhân quyền trong vụ Hoàng Anh Gia Lai

Một nhà máy chế biến cao su của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai  (DR)
Một nhà máy chế biến cao su của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (DR)

Thụy My
Trong thông cáo được công bố hôm nay 13/12/2013, tổ chức phi chính phủ Global Witness có trụ sở tại Anh và Mỹ chỉ trích ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ đã làm ngơ vấn đề nhân quyền, khi trở thành cổ đông định chế lớn nhất của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ hai tuần sau khi tổ chức này công bố báo cáo « Những ông trùm cao su ».

Báo cáo chi tiết được công bố ngày 13/05/2013 tố cáo tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thường xuyên san bằng đất đai, phá rừng ở Cam Bốt và Lào để trồng cao su. Báo cáo « Những ông trùm cao su » của Global Witness cũng tiết lộ một loạt các nhà đầu tư quan trọng đang nắm giữ các cổ phần ở Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong đó có CBR Investments, Deutsch Bank và International Finance Corporation (nhánh đầu tư tư nhân của Ngân hàng Thế giới).
CBR Investments có trụ sở ở Thụy Sĩ sau đó đã thoái vốn. Ông Christian Rosenow, giám đốc điều hành của công ty này nói với Global Witness: « Chúng tôi điều hành một quỹ trong đó HAGL là một trong những đầu tư lớn nhất. Sau khi đọc báo cáo, biết được các hoạt động của tập đoàn này tại Cam Bốt không tuân thủ các nguyên tắc về môi trường, xã hội, chúng tôi đã bán toàn bộ cổ phần tại HAGL, chỉ vài ngày sau khi báo cáo được công bố ».
Global Witness phàn nàn, cho dù vụ này đã gây ra nhiều tai tiếng, hôm 28/5 Credit Suisse đã trao đổi các cổ phiếu đang nắm giữ ở HAGL để nắm lấy 10% cổ phần của tập đoàn, trở thành cổ đông lớn thứ nhì sau nhà sáng lập và ông chủ của HAGL là ông Đoàn Nguyên Đức.
Bà Megan MacInnes của tổ chức phi chính phủ Global Witness tuyên bố : « Điều này hết sức đáng ngại. Credit Suisse đã trở thành một cổ đông chính của HAGL ngay đó, trong khi các nhà đầu tư có trách nhiệm lẽ ra phải tẩy chay ».
Thông cáo cho biết, Global Witness đã liên hệ với Credit Suisse vào tháng 6/2013, và được trả lời rằng ngân hàng này buộc phải giữ các cổ phiếu của HAGL trong vòng tối thiểu 12 tháng. Credit Suisse cũng khẳng định đã thực hiện việc thẩm định trước khi mua cổ phiếu, và « lúc đó không thấy có quan ngại nào đặc biệt ». Còn việc hoán đổi trái phiếu thì không có thẩm định trước đó.
Theo Global Witness, hành động trên trái ngược hẳn với quan điểm của Credit Suisse, theo như tuyên bố trước đây của ngân hàng này năm 2011 : « Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các công ty trong lãnh vực công nghiệp mà các hoạt động có thể vi phạm đến quyền của các cộng đồng địa phương hay cư dân bản địa ».
Bà Megan MacInnes nói thêm : « Credit Suisse nói điều hay lẽ phải, nhưng đã tích cực hỗ trợ cho việc chiếm đất ở Cam Bổt và Lào khi tài trợ cho tập đoàn này ». Bà đặt câu hỏi, ngân hàng đã tham gia ký kết Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp), và Các nguyên tắc Ecuador (về các nguy cơ môi trường và xã hội của các định chế tài chính), vì sao lại lợi dụng sự cơ cực của những người bị mất đất và rừng vào tay HAGL ?
Thông cáo nói rằng từ tháng 8/2012 Global Witness đã nhiều lần yêu cầu HAGL điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với luật pháp địa phương, và giải quyết các tranh chấp với các cộng đồng liên quan. Tuy nhiên điều tra của tổ chức này với các dân làng bị ảnh hưởng cho thấy chỉ có rất ít tiến triển trên thực địa. Ngày 13/11/2013, HAGL đã bác bỏ các nhận xét trên, cho rằng các thông tin của Global Witness là « không đáng tin cậy ».
Tổ chức Global Witness kêu gọi Credit Suisse xem lại tiến trình thẩm định, nhằm đảm bảo việc đầu tư theo mô hình phát triển bền vững, hơn là hỗ trợ cho việc chiếm đất và phá rừng.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20131213-global-witness-chi-trich-ngan-hang-credit-suisse-lam-ngo-truoc-nhan-quyen-khi-tro-t

Quốc tế đòi tự do cho Nguyễn Tiến Trung

Ân xá Quốc tế chiếu hình Nguyễn Tiến Trung lên ĐSQ VN ở Paris

Ân xá Quốc tế tại Pháp mở cuộc vận động nhân quyền 10 ngày đòi trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung trong lúc giới ngoại giao quốc tế tiếp tục chú ý đến nhà hoạt động trẻ tuổi hiện bị tù ở Việt Nam.
Theo bà Dominique Curis, từ Ân xá Quốc tế từ Paris thì “nước Pháp là nơi cam kết vì dân chủ và nhân quyền của Tiến Trung bắt đầu khi anh sang du học vài năm trước”.
Vì thế, phân bộ Pháp của Ân xá Quốc tế (Amnesty International France) muốn "cho dư luận nước Pháp thấy chúng tôi cần đáp trả Tiến Trung bằng cách nêu quan điểm và tỏ thái độ vì tự do cho Trung cũng như cho mọi tù nhân lương tâm ở Việt Naam”.
Tổ chức này cũng muốn nêu lên vấn đề vì năm 2013 là Năm quan hệ Pháp – Việt.
“Pháp và Việt Nam đưa ra sáng kiến hồi tháng 7/2013 gọi đó là ‘Năm quan hệ Pháp – Việt’ và chúng tôi hy vọng đây không chỉ là một năm của sự kết nối ngoại giao, kinh tế và văn hóa mà quyền con người cũng sẽ là một phần quan trọng của nó”.
Trả lời câu hỏi từ BBC rằng nếu chính quyền Việt Nam vẫn không có phản ứng và không làm gì thì sao, bà Dominique Curis nói:
“Chúng tôi sẽ tạo ra sức ép để họ cảm thấy quyết định tốt nhất cần có là gì.”
Kể từ khi đưa ra cuộc vấn động hôm 10/12, Ân Xá Quốc tế cho hay đã có 21 nghìn 500 người ký tên qua cách gửi tin nhắn vào trangwww.10jourspoursigner.org.

Gửi lên Thủ tướng Dũng

Ân xá Quốc tế cho biết các yêu cầu này sẽ chuyển cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nhằm kêu gọi ông có hành động giúp Nguyễn Tiến Trung được thả.
Theo nhà văn Pháp ông Marc Levy, một số trong nhân sỹ, trí thức Pháp ký tên thì khi bị đưa ra tòa xử, “Nguyễn Tiến Trung thừa nhận đã kêu gọi dân chủ nhưng bác bỏ ý kiến rằng anh tìm cách lật đổ chính quyền”.
Ông Levy ca ngợi hoạt động lập ra nhóm thanh niên Việt Nam đấu tranh vì dân chủ trong khi du học tại Pháp.
Ông cũng nói qua một thông điệp video rằng “vụ bắt Nguyễn Tiến Trung là một phần của đợt trấn áp nhằm vào giới viết blog và các nhà hoạt động bất đồng chính kiến ở Việt Nam năm 2009”.
“Chính quyền Việt Nam không dung thứ cho bất cứ sự chỉ trích nào. Nước này không có hội đoàn độc lập, nghiệp đoàn, NGO hay đảng phái chính trị nào được cho phép hoạt động và truyền thông hoàn toàn do nhà nước kiểm soát.”

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

THÔNG BÁO CÔNG KHAI TỪ BỎ ĐẢNG


Ghi chú: Chúng tôi nhận được một Email với nội dung Thông báo dưới đây, trong đó tác giả công khai cả số thẻ đảng, số điện thoại và ảnh của mình. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của vụ việc, trong khi chưa có điều kiện xác thực, nên chúng tôi tạm chưa công bố các chi tiết đó cho đến khi có thêm thông tin cần thiết. 
.
BT
.
Bổ sung, 7h50′, 7/12/2013:  Chúng tôi đã xác thực được những thông tin cần thiết về tác giả, nên xin công bố đầy đủ.
.
Theo bổ sung mới của tác giả, đoạn cuối “Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, tôi lại phấn đấu xin vào Đảng”, nay được sửa lại là“Nhưng rồi có thể một ngày nào đó, khi Đảng thực sự hoàn lương, nắm vững ngọn cờ dân tộc, vứt bỏ ngọn cờ CNXH, tôi lại phấn đấu xin vào đảng”.
—-
.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 12 năm 2013

Hưởng ứng lời tuyên bố từ bỏ Đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng và Nhà báo – TS Phạm Chí Dũngtôi, Nguyễn Đắc Diên, Bác sĩ Nha khoa, đảng viên, số hiệu thẻ đảng 3444669, THÔNG BÁO CÔNG KHAI từ bỏ Đảng Cộng sản Việt nam.
 

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Nhà báo Phạm Chí Dũng xin ra khỏi đảng

Nhà báo, nhà văn, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã chính thức viết đơn xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Trong một tâm thư gửi đi từ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay thứ Năm 05/12/2013, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết sở dĩ ông quyết định ra khỏi đảng là vì “Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản”.
Được biết, nguyên là một cán bộ kỳ cựu công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Phạm Chí Dũng là tác giả của nhiều bài phân tích, bình luận được đăng tải trên các website trong và ngoài nước thời gian gần đây.
Dưới đây là nguyên văn bức tâm thư và đơn xin ra khỏi đảng của ông Phạm Chí Dũng mà Đài Á Châu Tự Do có được.

Tâm thư từ bỏ Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Đơn xin ra Đảng


Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Phạm Chí Dũng
TP.HCM ngày 05 tháng 12 năm 2013

Lại thêm người quyết định bỏ Đảng

Ông Phạm Chí Dũng hiện là nhà báo độc lập

Tiếp sau đảng viên kỳ cựu Lê Hiếu Đằng, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng cũng gửi tâm thư từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức tâm thư của ông Dũng mà BBC có trong tay, đề ngày 5/12/2013, viết đây là một "quyết định khó khăn" của ông.
"Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, Đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái."
Ông Phạm Chí Dũng, Tiến sỹ Kinh tế, từng làm cán bộ Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM. Ông là con trai ông Phạm Văn Hùng, cựu Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM.
Lý do khiến ông Dũng quyết định bỏ Đảng được ông giải thích: "Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò 'lãnh đạo toàn diện' trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm".
Ông gọi tình trạng hiện tại ở trong nước là "thảm cảnh" và cho rằng Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm về điều này.
Cùng ngày, ông Phạm Chí Dũng, người vào Đảng CSVN năm 1993, cũng gửi đơn xin ra Đảng tới Đảng ủy Viện Nghiên cứu Phát triển, trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP HCM - nơi ông sinh hoạt.

Đảng và nhóm lợi ích

Tâm thư của ông Phạm Chí Dũng viết: "Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích".
"Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận."
Ông đặt câu hỏi "một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?"
Ông cảnh báo: "Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ".
"Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo."
Khác với ông Lê Hiếu Đằng, người quyết định thoái Đảng sau 40 năm làm đảng viên, ông Phạm Chí Dũng không kêu gọi thành lập chính đảng khác.
Ông chỉ lộ bạch rằng: "Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi".
Hồi năm ngoái ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và sau đó bị tạm giữ sáu tháng để điều tra tội lật đổ. Tuy nhiên công an đã phải đình chỉ điều tra và kết thúc vụ án.
Ông Phạm Chí Dũng cho BBC biết rằng sau ông Đằng và ông, bác sỹ Nguyễn Đắc Diên - một nhà hoạt động xã hội khác ở TP HCM, cũng đã quyết định từ bỏ Đảng CSVN.
Trên thực tế, đã có nhiều người khác thôi không sinh hoạt Đảng và từ bỏ Đảng một cách âm thầm.
Các bài liên quan

Bài đăng phổ biến