Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Hai đám tang tiễn người "dưng"

Phương Bích - Mới cuối tháng trước, mình vừa đưa tiễn một người “dưng”. Một cuộc tiễn đưa của rất nhiều người dưng với một người, không ồn ào nhưng lại rất nhiều nước mắt tiếc thương.

Còn hôm nay, mình lại đi đưa tiễn một người “dưng” khác, người chưa một lần gặp mặt nhưng biết đến qua mạng – mẹ của Paulus Lê Sơn, chàng thanh niên công giáo xứ Thanh, người từng nhiều lần lặn lội ra tận Hà Nội vào những ngày chủ nhật của mùa hè năm ngoái, chỉ để được tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, người đã bị chính quyền bắt đưa đi biệt tích hơn nửa năm nay mà không ai biết lý do.

Trong đời mình chưa bao giờ chứng kiến một đám tang nào buồn đến thế. Mình và những người bạn ở Hà Nội đi từ 4 giờ sáng cho kịp giờ viếng. Vậy mà đến nơi, thấy ngỡ ngàng khi giữa một vùng làng mạc tương đối trù phú, cuộc đưa tiễn người đàn bà xấu số lại lặng lẽ một cách lạ thường. Chỉ vài chục người ra vào âm thầm, không có mấy tiếng khóc. Trong số vài chục người ấy, mình không biết ai là người thân, ai là người dưng. Chòm xóm yên ắng, ngay cả khi đưa người bạc mệnh ra nghĩa địa, có lẽ không đầy vài chục người đi sau quan tài.

Từ nhà ra nghĩa địa hơn một cây số. Mình đi guốc cao gót nên bàn chân bắt đầu sưng phồng lên, nhưng nhìn cái dúm người nhỏ nhoi đi sau quan tài, mình lại cố gắng bước theo. Chỉ có tiếng khóc thê lương của hai người em gái, vài đôi mắt đỏ hoe của những người thân khác. Dưới cái nắng gắt đầu mùa, em gái của người xấu số ngất lên ngất xuống vì khóc nhiều, mỗi lúc tỉnh lại giãy lên đành đạch gọi tên chị, đòi theo.

Lễ hạ huyệt kết thúc nhanh chóng. Mọi người tản mát ra về. Người nhà cảm ơn, mời khách ở lại dùng cơm. Khách cũng đáp tạ rồi xin kiếu từ. Làng xóm vẫn yên ắng. Xe lướt qua tấm biển đỏ treo trên đường làng, ghi dòng chữ” Thành công, thành công, đại thành công”...Mọi người trên xe tự hỏi: họ đã thành công cái gì thế nhỉ? Sự thờ ơ, lạnh lẽo của tình làng nghĩa xóm hay sự cô lập những người công giáo?

Nghe mọi người kể trước đây nơi này là một vùng thuần công giáo, người dân sống thành một cộng đồng gắn bó. Rồi trải qua những cuộc bể dâu, người công giáo còn lại không nhiều, bị cô lập và đối xử tệ bạc, luôn là cái gai trong mắt chính quyền.

Những người bạn công giáo kể, ở những vùng thuần công giáo, nếu đám tang của người đơn thân như mẹ Paulus Lê Sơn, thì có đến cả làng sẽ đi đưa tiễn.

Nhưng mình lại day dứt với câu hỏi: Công giáo hay Phật giáo, hay người không theo đạo nào như mình có quan trọng gì không? Có người cũng đã hỏi, rằng tại sao mọi người chỉ lên tiếng đấu tranh về việc bắt giữ Bùi Hằng một cách trái pháp luật, mà không lên tiếng cho những thanh niên khác cũng bị bắt vì tham gia biểu tình? Mình cũng thấy xấu hổ và bất lực về điều này. Liệu có đúng là có yếu tố tôn giáo ở đây không?

Không! Mình có thể khẳng định được rằng mình không hề quan tâm và phân biệt người tham gia biểu tình là ai, theo tôn giáo nào, làm nghề gì, danh phận của họ là gì. Trước khi họ là ai đó, đơn giản họ là con người. Chỉ là mình chưa có thời gian để tìm hiểu và lên tiếng. Mình vẫn canh cánh bên lòng một điều, là mình sẽ viết về những cảm nhận chân thành nhất của mình, về những người bạn công giáo mà mình rất yêu mến và kính trọng họ. Có khi nó chẳng xa xôi và cao siêu gì, vì nó hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống quanh mình đấy thôi. Mình cũng chẳng sợ cái từ “nhạy cảm” mà người ta hay dùng để đe dọa hoặc biên bạch cho nỗi sợ hãi của họ. Chỉ đơn giản là khi nói về những điều thuộc về lĩnh vực này, mình nên hiểu rõ và cẩn trọng để tránh xúc phạm đến tình cảm này mà thôi.

Điều đau xót và gây phẫn nộ nhất là hoàn cảnh thương tâm của mẹ con Paulus Lê Sơn. Chỉ biết từ khi chàng trai này bị bắt đi một cách vô cớ, mẹ của cậu hoàn toàn cô độc trong suốt quá trình lâm bệnh nặng, rồi từ giã cõi đời mà không một lần được gặp lại con trai. Không ai biết lý do tại sao, con người ta lại có thể đối xử với nhau một cách tàn bạo đến vậy. Mình phải dùng từ tàn bạo thay vì tàn nhẫn vì điều không tưởng này.

Trên đường trở về, mình cứ nghĩ đến Paulus Lê Sơn đang bị giam cầm ở đâu đó, liệu cậu ấy đã biết sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa không? Nỗi đau này sẽ khiến cậu ấy trở thành con người như thế nào?

Trong đám tang Đinh Vũ Hoàng Nguyên có rất nhiều người chưa từng gặp mặt, chưa từng chuyện trò trên mạng vẫn lặn lội đến chia buồn và tiễn đưa. Vậy mà ở đây, những con người cả đời sống tắt lửa tối đèn cạnh nhau mà đến cái câu nghĩa tử là nghĩa tận cũng chả có ý nghĩa gì. Cái gì đã tạo nên đạo đức và văn hóa sống tồi tệ đến vậy?

Phương Bích




Mother in The Dream...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến