Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

ĐCSVN đang mỗi ngày một phân hóa hay đang bị thuần nhất hóa?


ĐCSVN đang mỗi ngày một phân hóa hay đang bị thuần nhất hóa?

HNTW 7Cách đây 3 năm, trả lời câu hỏi của chị Phạm Thị Hoài trước khi Talawas ngừng hoạt động về 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì, tôi cho giải quyết vấn đề một đảng hai phái Lãnh đạo và Cầm quyền, độc quyền chia nhau quyền hành quyền lợi, là hệ trọng nhất. Từ đó đến nay, nhất là từ sau Hội Nghị TW 6, trong  ĐCSVN lại còn mọc thêm một phái  thứ 3 gọi là phái Trương Tấn Sang, khiến nhiều người cho là ĐCSVN sắp tan vỡ thành nhiều mảnh vì mỗi ngày một bị phân hóa, không còn khả năng giải quyết được bất cứ vấn đề nào, từ vấn đề sửa đổi Hiến Pháp được đưa ra bàn cãi từ 3 năm nay, đến những vấn đề bức thiết hơn, như làm sao ngăn được tham nhũng tràn ngập và kiếm đâu được giải pháp để cứu vãn nền kinh tế đang xuống dốc.
Tôi thì nghĩ ngược lại :  ĐCSVN đang có cơ bị thuần nhất hóa bởi một nhân vật trong số 3 chóp bu trong đảng. Nhân vật này đang thực hiện ý đồ biến ĐCSVN  thành công cụ của riêng mình trong sự chinh phục mọi quyền hành để  trở thành một lãnh đạo duy nhất, vừa là Chủ tịch Đảng, vừa là Chủ tịch Nước. Nếu nhân vật này thành công, ĐCSVN sẽ chỉ là công cụ cầm quyền của một lãnh tụ độc tài và chế độ CSVN sẽ biến tướng – không còn là chế độ “Một đảng Hai phái” -  trở thành một chế độ độc tài cá nhân như cả chục chế độ độc tài khác trên thế giới, bất luận cộng sản hay tư bản.
Câu hỏi cần được đặt là trong trường hợp này, để đi đến dân chủ, chống lại một nhà độc tài  có dễ dàng hơn là phá đổ một cơ chế độc tài tập đoàn kiểu CSVN ?
Để trả lời câu hỏi, tôi thấy cần phải tìm hiểu ai là nhân vật đang tìm cách bình thường hóa ĐCSVN và ai (hay phái nào) đang kiếm đủ mọi cách chống lại để giữ nguyên tình trạng “độc đảng đa phái” ?
Theo tôi :
Người đang tìm đủ mọi cách để thôn tính, thuần nhất, bình thường hóa ĐCSVN là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thủ lãnh phái Cầm quyền.
Người muốn giữ nguyên tình trạng “một đảng 2 phái”, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thủ lãnh phái Lãnh đạo bảo thủ.
Phái ” Lãnh đạo “, từ khi Đổi mới, bị mất nguồn lợi chính đến từ chế độ tập trung bao cấp, đồng thời những người cầm đầu lại toàn là những người gốc Bắc hủ lậu, giáo điều, lú lẫn, lẩm cẩm, không thích ứng được với kinh tế thị trường trong khi phái Cầm quyền, gồm những người miền Nam, được sự hỗ trợ của những nhà kinh tế miền Nam cũ, biết lợi dụng kinh tế thị trường tạo ra tiền của để lấy nó làm lợi khí củng cố quyền hành, mua chuộc Công an, quân đội và lôi kéo các đầu lãnh địa phương, bất kể Nam Bắc, đứng về phe mình. Đó là lí do vì sao phe Cầm quyền đã thắng thế trong các HNTW 6 và 7 : có tiền chui đâu cũng lọt. Vì vậy nhiều người gọi phái này là phái “Lợi ich”, dưới sự chi phối của giới tư bản tài phiệt trong nước, cấu kết với tư bản nước ngoài.

Kinh tài của mỗi phái đều đến từ tham nhũng nhưng khác nhau về nguồn gốc : Tham nhũng của phái Cầm quyền bắt nguồn từ các nhà kinh doanh tài phiệt nước ngoài, các “đại gia” trong nước, Việt kiều di tản cũng như Việt kiều các nước Đông Âu đem tiền về kinh doanh trục lợi… Tất cả những thành phần tài phiệt này được gọi chung là các nhóm lợi ích và dính tới cái gọi là Quốc doanh. Tham nhũng trên bình diện lớn này ít đụng đến ngưiời dân thường. Trái lại tham nhũng của phái Lãnh đạo là tham nhũng kiểu “gà què ăn quẩn cối xay” của các cường hào ác bá, bóc lột dân nghèo, chiếm hữu đất ruộng của người dân biến thành đất xây dựng, trước là xây nhà xây cửa cho mình, sau là đầu cơ bán đi bán lại gấp 5 gấp 10 lần,  gây ra những thảm cảnh như những vụ Văn Giang, Đoàn Văn Vươn… chỉ xẩy ra ở miền Bắc.
Bởi vậy không lạ gì TBT Nguyễn Phú Trọng là người muốn giữ nguyên điều 4 Hiến pháp trong bản Hiến pháp mới để thể chế hóa cái gọi là “quyền Đảng lãnh đạo” cho phe phái mình, thực ra chỉ là độc quyền chiếm hữu đất đai, độc quyền cho Tàu thuê đất rừng đầu nguồn, khai thác tài nguyên, quyền buôn lậu qua biên giới… Và nếu thắng thế sẽ từ đó đi ngược thời gian trở lai chế độ tập trung bao cấp, thời huy hoàng của “Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội”, độc quyền vơ vét, nắm giữ hết tiền của người dân trong tay bè phái mình.
Khi cho ra đời bản Dự thảo đầu tiên sau khi âm mưu hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng trong HNTW6 bị thất bại, Tổng Trọng yên chí là Đồng chí X sẽ không hẹp hòi gì mà không chấp nhận giữ nguyên  tình trạng (statu quo) “Một đảng 2 phái” và chấp thuận thể chế hóa nó trong “Điều 4 được sửa đổi” của  bản Hiến pháp mới để mỗi phái có lối làm ăn riêng không ai đụng tới ai.
Nhưng Đồng chí X đã nuôi ý định từ trước, lại thêm vụ TW 6, quyết tâm “nhổ cỏ thì nhổ tận rễ” tiêu diệt cho bằng được phe ” lãnh đạo “, thưc hiện ý đồ của mình là nắm luôn cả 2 chức vị chủ tịch Nước, chủ tịch Đảng, thống nhất Đảng với tham vọng trở thành một Đặng Tiểu Bình hay một Putin Việt Nam.
Nghị quyết của Quốc hội hỏi ý dân về Sửa đổi HP “không có điều gì cấm kỵ” là cú đầu tiên đánh vào Điều 4 của Phú Trọng.
Và chắc chắn là trong số những nhân sĩ ký kiến nghị bãi bỏ Điều 4, có nhiều người nhận được sự hỗ trợ ngầm hay sự xúi giục của phe Nguyễn Tấn Dũng.
Thời gian hỏi ý dân được gia hạn cho tới 30 – 9 – 13 cũng là một  thất bại lớn cho phái lãnh đạo. Chắc chắn là sau thời gian đó, khó mà điều 4 còn được giữ nguyên vẹn trong bản Dự thảo HP mà không bị đổi nghĩa. Hiện nay trong bản Dự thảo thứ 3, Điều 4 đã bị sứt mẻ nhiều rồi.
Bị phe NTD tấn công đủ mọi phía, phe NPT thấy, nếu chỉ bám vứu vào cái phao điều 4  “Đảng lãnh đạo” có thể xì lúc nào không hay thì quá bấp bênh, nên nghĩ ra diệu kế là lập lại ban Nội chính Trung Ương với người đứng đầu là ông vua Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Chủ đích lập ban Nội chính là để che giấu sự tham nhũng cho phe phái mình, bới móc tham nhũng của phe đối thủ. Nhưng Ban Nội chính (Internal Affairs Commission) của một đảng, theo đúng nghĩa chỉ có thẩm quyền xem xét những chuyện trong nội bộ đảng như xem xét một đảng viên của mình có làm gì phạm nội quy của đảng không, để cảnh cáo hay khai trừ ra khỏi đảng, chứ có thẩm quyền gì về tham nhũng, là một tội phạm vào luật pháp chung của cả nước, chỉ có Tòa án mới có quyền xét xử. Và nếu người phạm tội là một công chức, chỉ có thanh tra chính phủ mới có quyền điều tra. Ông Bá Thanh lấy quyền gì mà có thể thay quan tòa, thay thanh tra chính phủ (đều tuân theo mệnh lệnh của NTD) được ? Ông Bá Thanh, một phần vì quá ham chức lớn, một phần cũng muốn tự bảo vệ mình cũng có chút dính lứu vào những vụ đất đai Đà Nẵng, có biết đâu rằng ra đất Bắc sẽ bị hoàn toàn cô lập mất hết vây cánh, sẽ phải sống chết với phe Lãnh đạo và nếu một ngày kia phe Tấn Dũng thắng, sẽ bị kết tội là tiếm dụng chức vụ thì chỉ có nước sớm về chầu tổ chứ không phải là về vinh quy bái tổ.
Trong Hội nghị Trung Ương 7,  NTD lại còn bồi thêm cho phe Nguyễn Phú Trọng một nhát dao nữa là người được bầu vào bộ Chính trị lại không phải là Nguyễn Bá Thanh mà là Nguyễn Thiện Nhân, tay chân của Nguyễn Tấn Dũng. Cú này của NTD thật là tuyệt hảo vì Nguyễn Thiện Nhân là người độc nhất có chân trong bộ Chính trị được Mỹ đào tạo, tất nhiên là được lòng Mỹ nếu một ngày kia được “Chủ tịch Nước” NTD cho làm thủ tướng với một bà Chủ tịch QH là Nguyễn Thị Kim Ngân !
Phản ứng cuối cùng của phe Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị TW 7 là cho thành lập những ban Nội chính địa phương khắp nơi trong nước. Đó chỉ là cách để kiểm điểm còn có những ai theo phe phái mình. Chắc chắn là nhiều người lừng chừng đứng nhìn ai thắng thì theo, bị cưỡng ép vào các ban nội chính địa phương, sẽ cố tìm cách lẩn tránh, chả dại gì chui đầu vào tròng lỡ một ngày kia phe NTD lên thì chỉ có nước chết.
Từ nay đến Đại Hội 12 sẽ còn nhiều Hội nghị TW nữa. Nhưng với chính sách dùng tiền bạc quyền thế mua chuộc, tuyệt đại đa số 175 TW ủy viên đã ngả theo Nguyễn Tấn Dũng. Tay chân còn lại của NPT trong bộ Chính trị cũng sẽ theo đuôi ban chấp hành TW nếu còn muốn sống để lãnh sổ hưu.
Nếu mọi sự đều diễn tiến đúng như sự toan tính của NTD thì sau Đại Hội 12, hay sớm hơn nữa, người vừa làm chủ tịch Nước vừa làm chủ tịch Đảng sẽ là Nguyễn Tấn Dũng. ĐCSVN sẽ được thuần nhất để không còn 2 phái và sẽ hoàn toàn nằm trong tay chủ tịch nước để chỉ là  công cụ cầm quyền của chủ tịch nước. Sẽ không còn sự đối kháng giữa 2 chức vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ vì Thủ tướng chỉ là người được Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Đảng ủy nhiệm thành lập nội các và điều hành đảng cầm quyền. Chức vị Tổng Bí thư Đảng nếu còn tồn tại sẽ nằm trong tay thủ tướng hay do thủ tướng chỉ định. Nhưng tất nhiên là dưới quyền Chủ tịch Đảng.
Nói tóm lại, nếu Nguyễn Tấn Dũng thắng cuộc, chế độ cộng sản Việt Nam về hình thức sẽ giống những chế độ Chủ tịch, Tổng thống, bán Tổng thống ” dân chủ giả hiệu ” như ở đa số các nước độc tài Cộng sản hay “Tự do” trên thế giới bây giờ.
Cũng có người phản biện : vậy còn phe Trương Tấn Sang vứt đi đâu ?
Tôi có thể trả lời : Tùy theo giai đoạn và bản lĩnh của TTS.
Ít nhất là trong giai đoạn đầu, TTS tuy được nhiều cảm tình của người dân nhưng không có phe cánh nên bắt buộc sẽ phải hợp tác với NTD một khi phái “Bắc Kỳ” Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa… bị tiêu diệt. Có thể sẽ có sự phân chia đổi chác lẫn nhau chức vị như giữa Putin và Metvêđép. Đừng nghĩ là sự thi nhau bêu xấu địch thủ mình trên 2 blog “Quan Làm Báo” và “Tư Sang nham hiểm” phản ảnh đúng sự  đấu đá nhau một mất một còn giữa Ba Dũng và Tư Sang như giữa 2 phái Nguyễn  Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng vì dầu sao cũng chỉ là sự đấu đá giữa 2 cá nhân cùng một phái.
Nhưng mọi người đều rùng mình, ớn lạnh trước viễn tượng mọi quyền hành đều nằm trong tay một nhân vật nổi tiếng là đã tạo ra những hệ thống kinh tài tham nhũng, chuyên dùng Công an đàn áp những người bất đồng chính kiến, chuyên tạo ra những đạo luật trấn áp trí thức, bức tử IDS, bịp miệng báo chí…  Đối với nhiều người, những vụ nóng hổi mới đây  như sử án nặng  hai em Kha Uyên để răn đe giới trẻ bị coi là thiên về TTS, như bắt giam blogger Trương Duy Nhất bị coi là thân cận với Bá Thanh, sẽ trở thành thường xuyên nếu Nguyễn Tấn Dũng thắng cuộc nắm mọi quyền hành. Nhân vật này đa nghi như Tào Tháo. Chế độ CSVN bị nhân vật này thao túng sẽ trở thành một chế độ độc tài tư bản dã man không còn một chút lí tưởng, chả khác gì những chế độ độc tài còn hiện hữu ở các nước Châu Mỹ La Tinh hay ở các nước Phi Châu hiện nay.
Tôi thì nghĩ sự xuất hiện trong Đảng một lãnh tụ độc tài độc chiếm mọi quyền hành, triệt tiêu những “đồng chí” bị nghi ngờ là đối nghịch với mình là thường tình trong mọi chế độ  cộng sản và đảng chỉ có thể chuyển hóa được bằng cách đó. Điển hình là ĐCSTQ của Đặng Tiểu Bình và đảng “Nước Nga Thống nhất” của Putin, hậu thân của ĐCSLX. Chế độ Putin hiện thời cũng chỉ là giai đoạn thứ 2 trên con đường chuyển hóa của Cộng sản Mác-Lênin mà giai đoạn thứ 1 là chế độ CSTQ từ thời Đặng Tiểu Bình tới giờ. Còn phải qua nhiều giai đoạn nữa mới đi đến một chế độ độc tài cá nhân version “Tư bản” như Hàn Quốc và Đài Loan dưới thời Bắc Chánh Hy và Tưởng Kinh Quốc trước khi đi tới một chế độ tương đối dân chủ như hiện nay ở những nước này. Nói tóm lại, không có con đường tắt đi thẳng từ chế độ chuyên chính cộng sản đến chế độ dân chủ mà không phải qua con đường tư bản độc tài như Hàn Quốc như Đài Loan đã từng trải qua.
Kết lun
Tình trạng ĐCSVN, một đảng với 2 guồng máy “lãnh đạo”, “cầm quyền” chồng chéo lên nhau với 3 lãnh tụ độc quyền phân chia nhau quyền hành, đã kéo dài quá lâu làm kinh tế trì trệ, chính trị tắt nghẽn. Chậm còn hơn không, ĐCSVN bắt buộc phải chuyển hóa như ĐCS của 2 nước đàn anh là Trung Quốc và Liên Xô sau khi sụp đổ.
Nhưng điều kiện cần và đủ để có được một sự chuyển hóa tích cực là từ trong nội bộ Đảng phải nẩy sinh ra một lãnh tụ độc tài khôn khéo như Elsin hoặc Đặng Tiểu Bình hay ít ra là như Hồ Cẩm Đào.
Nếu được quyền lựa chọn một lãnh tụ “độc tài’ trong số 3 chóp bu của ĐCSVN, đa số mọi người sẽ đều chọn Trương Tấn Sang, tuy có thể giữa NTD và TTS chỉ là bên tám lạng bên nửa cân.
Nhưng người có vẻ đang nắm được mọi ưu thế và có thời cơ để khống chế Đảng để triệt tiêu phe Nguyễn Phú Trọng trước rồi vô hiệu hóa Trương Tấn Sang sau, lại là Nguyễn Tấn Dũng.
Theo sự ước đoán của tôi :
Từ nay đến trước Đai hội 12, phe NPT sẽ bị loại trừ và ĐCSVN sẽ hoàn toàn bị Nguyễn Tấn Dũng khống chế. TTS sẽ bị cô lập hóa và bị bỏ xó nếu từ nay tới đó không tạo cho mình đủ vây cánh và biểu lộ ý chí đứng về phía nhân dân.
Tới Đại hội 12, nếu Trương Tấn Sang biết tạo được vây cánh cho mình từ những phần tử tiến bộ trong Đảng và công khai đứng về phía những người đòi hỏi nới rộng dân chủ, Nguyễn Tấn Dũng bắt buộc sẽ phải đứng chung với TTS nhưng sẽ tìm cách vô hiệu hóa TTS trong chức vị Chủ tịch QH hay thủ tướng bù nhìn kiểu MetvêĐép.
Trong trường hợp này, TTS sẽ phải chứng tỏ cho mọi người thấy có đủ bản lãnh hay không :
-  Nếu là chủ tịch Quốc Hội thì phải đòi cho được có đa nguyên trong Quốc Hội thông qua Mặt trận Tổ Quốc, một vài phong trào và tổ chức dân sự như Phong trào Con đường Việt Nam… cộng với những nhân sĩ độc lập và những nhân vật cụu tù nhân hay được đương nhiên giảm án, cho tự do ứng cử. Những thành phần này phải chiếm ít nhất là 40% số ghế trong QH chứ không phải chỉ là con số lố bịch 10% như trong QH hiện nay.
- Nếu là Thủ tướng Chính phủ thì phải đòi cho được có đa nguyên trong chính phủ : nghĩa là ĐCSVN chỉ là đảng cầm quyền hành pháp và số bộ trưởng đảng viên không được quá 60%. 40% số ghế còn lại phải dành cho các đại biểu thuộc những thành phần khác trong QH. Không được kiêm Hành pháp và Lập pháp cùng một lúc : đã có chân trong chính phủ thì phải từ chức đại biểu QH hay ủy nhiệm cho người khác.
- Nếu có bản lãnh hơn nữa và nếu biết dựa vào nhân dân, TTS trong cương vị Thủ tướng cũng có thể quật lại, lái chế độ theo thể chế Đại nghị và vô hiệu hóa NTD trong chức vị Chủ tịch Nước “ngồi chơi xơi nước”.
Nói tóm lại cuộc chiến vòng 2 sẽ là giữa Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.
© Phong Uyên
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến