Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

GS. TRẦN LÂM BIỀN NÓI TOẠC SỰ THẬT DỰ ÁN 31 TỶ TRÙNG TU CHÙA MỘT CỘT



GS Trần Lâm Biền:
Những chuyện nhập nhèm, vô lối ở dự án Chùa Một Cột

(ĐVO) - "Dự án 31 tỉ là dành cho công tác trùng tu quần thể di tích chùa Một Cột-Diên Hựu và Điện Mẫu. Không phải dành để xây nhà tổ, nhà tăng... Không nhà nước nào cấp tiền cho làm việc đó. Đó là điều hết sức phi lý" - GS Trần Lâm Biền nói về dự án 31 tỉ trùng tu di tích của BQL dự án quận Ba Đình.

GS Trần Lâm Biền
Sau tối hậu thư của trụ trì chùa Một Cột-Diên Hựu Đại đức Thích Tâm Kiên gửi tới UBND TP Hà Nội, BQL dự án quận Ba Đình đã lên tiếng chỉ trích phía nhà chùa "Trời không mưa, sao tượng phật vẫn mặc áo mưa". Còn trụ trì cũng chính thức thừa nhận "mặc áo mưa, đội nón cho tượng phật là để tạo dư luận"..., ép đẩy nhanh tiến độ dự án.

GS Trần Lâm Biền (ảnh bên) đã có những phản ứng gay gắt về lối ứng xử cũng như những hạng mục công trình nằm trong dự án này. 

Nhập nhằng ngay từ cái tên dự án! 

GS Trần Lâm Biền cho biết, chùa Một Cột là một ngôi chùa nhỏ nhưng có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn. Ngôi chùa này luôn được ngành văn hóa quan tâm, nhưng vì nằm trong khu vực nhạy cảm thuộc quần thể di tích quận Ba đình nên buộc các nhà quản lý phải có sự thận trọng.



Trong dự án tu bổ di tích quần thể chùa Một Cột- Diên Hựu, các nhà văn hóa đã xác định 3 di tích trọng điểm là: Chùa Một Cột, chùa Diên Hựu và Điện Mẫu. Đó là 3 di tích lịch sử quan trọng, phải được bảo vệ, sửa chữa phải theo gốc, không có quyền làm sai lệch.

Không bàn số tiền 31 tỉ là nhiều hay ít, đó là số tiền do BQL dự án tự đưa ra chứ chưa được phê duyệt. Tuy nhiên, "dự án 31 tỉ đưa ra cũng phải là phục vụ công tác trùng tu quần thể di tích này chứ không phải để xây nhà ở cho ai đó như giám đốc BQL dự án quận Ba Đình đã nói"- GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Theo GS Biền, nếu theo cách giải thích của BQL dự án, là "31 tỉ chủ yếu đầu tư xây mới nhà Tăng, nhà Tổ, nhà Tam bảo và thay mới, sửa sang nội thất trong hai ngôi chùa..." thì "không nhà nước nào bỏ tiền ra cho làm việc đó. Đó là điều hết sức phi lý!".

"Đó không phải là ưu tiên số 1, không phải sự ưu tiên hàng đầu trong dự án trùng tu quần thể di tích chùa Một Cột - Diên Hựu. Đó chỉ là vấn đề phụ, dự án là phải tập trung vào di tích mà cụ thể là chùa Một Cột- Diên Hựu-Điện Mẫu", GS Biền cho biết.

Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, khi ông được mời tham dự các buổi họp để lấy ý kiến về việc trùng tu, bảo vệ di tích này vấn đề xây mới nhà tổ, nhà tăng... chưa hề được các nhà khoa học nhắc tới. Như vậy, có thể thấy sự nhập nhèm trong dự án này, một mặt khẳng định chùa Một Cột đã được trùng tu, bảo vệ tốt từ năm 2010, cho đến nay không còn hiện tượng ngập, úng, dột nữa.

Việc trùng tu lần này chủ yếu là để xây mới nhiều hạng mục công trình trong quần thể di tích này, vậy BQL dự án lấy tên dự án chùa Một Cột - Diên Hựu liệu có phải đang đánh lừa dư luận? Với dự án này, nhiều người sẽ nhầm tưởng, số tiền 31 tỉ, một số tiền không nhỏ lập ra là để dành cho công tác tôn tạo, trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu, nhưng trên thực tế lại là để xây mới nhà ở cho tăng ni, phật tử. 

Đội nón, mặc áo mưa cho tượng là phản phật, phi phật! 

GS Trần Lâm Biền cũng thẳng thắn phê phán việc trụ trì ngôi chùa cố đội nón, mặc áo mưa cho tượng phật để thu hút dư luận, theo ông, đó là việc làm hết sức "bậy, bạ"..

Dự án 31 tỉ là phải dành cho trùng tu di tích
Dự án 31 tỉ là phải dành cho trùng tu di tích

"Tôi chỉ nói, đầu phật có tóc xoắn ốc đó là chữ Thánh. Chữ Thánh đó chính là Vạn tự, Đức tự và Cát Tường tự. Chữ Thánh đó mang sức mạnh để bảo vệ và thúc đẩy trí tuệ thế mà lại đội nón lên đầu tượng che chữ Thánh đi thì thật báng bổ! Bất cứ người nhà chùa nào cũng không được làm như vậy.

Thứ hai, áo cà sa của Đức Phật là áo nhẫn nhục để chống lại dục vọng đời thường vậy mà lại đem một chiếc áo mưa của đời thường phủ đậy lên chiếc áo cà sa. Liệu đội nón, mặc áo mưa như vậy thì có còn coi đó là phật nữa không? Hay đó là sự phỉ báng để đưa phật vào thể dục vọng và gắn với đời thường, trở lại đời thường?

Tại sao không làm một màn che bên trên để bảo vệ hình ảnh một bức tượng với đầy đủ vẻ đẹp luôn hiện hữu với chúng sinh mà lại lựa chọn cách làm đó?- GS Biền gay gắt.

"Những người làm việc đó là không tôn trọng trí tuệ đức phật, không tôn trọng mục đích chống lại dục vọng của nhà phật. Như vậy, liệu ngôi chùa đó có còn phật không"?- GS Biền đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông cũng cực lực lên án hình tượng cặp đôi sư tử mang kiến trúc Trung Hoa do trụ trì Kiên mang về và đang đặt ngồi "kềnh kễnh" trước cửa chùa. Đôi sư tử đó chắc chắn ngành văn hóa không cho phép!.

GS Biền cũng cho rằng, không nên lầm lẫn chùa Một cột là của riêng ai, mà nó là của toàn dân, biểu tượng của Hà Nội. Đó là một kiến trúc khởi đầu từ một ông vua thời Lý, tư tưởng của chùa là thuộc tư duy cầu no đủ của nông nghiệp. Ý thức gắn với phật đản là ý thức đương nhiên có khi mà đạo phật được tôn trọng. Nhưng tư duy nông nghiệp, cầu no đủ mới là quan trọng nhất.

"Việc dột nhưng không lên đảo mấy viên ngói vặt vãnh mà lại đội nón mặc áo mưa tôi cho rằng là phi phật, phản phật. Ai làm việc đó phải truy cứu. Truy cứu, để nói người ấy là phật đạo rất kém, đi ngược lại với đạo phật, ngược lại với lòng tin của quần chúng. Là một sự đánh lừa quần chúng", GS Biền gay gắt.

GS Biền cho rằng, đó là một ngôi chùa đặc biệt, nằm trong khu vực nhạy cảm nên việc lựa chọn một người đứng đầu ngôi chùa cũng là điều rất quan trọng. Theo ông, chỉ có một vị Hòa thượng mới đủ tư cách làm trụ trì của ngôi chùa này. 

Phước Vũ 
Nguồn: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến