Dự thảo Hiến pháp đã tập hợp đủ ý kiến nhân dân chưa?
28/05/2013 07:54 (GMT + 7)
TT - Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu nêu ra, bản thân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng băn khoăn tại phiên Quốc hội họp tổ để thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 27-5.
Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho biết: Nghị quyết của Quốc hội nói là lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng, nhưng vướng vào dịp tết mất một tháng, triển khai xuống dưới mất thêm thời gian nữa, rồi lại phải lo tổng hợp báo cáo. Như vậy thực tế thời gian lấy ý kiến nhân dân rất ngắn, lúc đầu có những cuộc góp ý suông vì chưa có tài liệu. Bây giờ cho kéo dài lấy ý kiến đến tháng 9, nhưng dân đang góp ý dựa trên nội dung dự thảo trước đây, còn Quốc hội lại đang thảo luận với dự thảo mới.
“Việc lớn vậy sao làm vội vội vàng vàng?”
|
.
Chia sẻ với thông tin của đại biểu Diệu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Chúng ta xác định Hiến pháp là sản phẩm của nhân dân, Quốc hội sau này có biểu quyết thì cũng thay mặt nhân dân để biểu quyết thôi. Nhân dân là chủ thể Hiến pháp, nhưng việc lấy ý kiến nhân dân quá gấp gáp. Bây giờ cho phép kéo dài đến tháng 9 thì cũng là cách nói thôi, bởi nó cũng trái với nghị quyết của Quốc hội (vì nghị quyết nói là đến hết tháng 3). Tôi đi tiếp xúc cử tri thì người ta cũng nói ý rằng việc lớn như vậy sao ông làm vội vội vàng vàng?”.
Ông Cường đề nghị: “Sau khi Quốc hội chỉnh lý lần này thì nên có cách thức nào đó để lấy thêm ý kiến nhân dân. Nên gửi các báo cáo góp ý nguyên bản của Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, MTTQ VN cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Nếu chỉ coi góp ý của Chính phủ cũng chỉ là một ý kiến thôi thì không đúng, bởi báo cáo của Chính phủ cũng là trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành”.
“Tôi thấy chưa bao giờ Hiến pháp được bàn thảo một cách sôi nổi như hiện nay. Dù có rất nhiều thiện ý trong quá trình lấy ý kiến nhân dân nhưng theo tôi, chúng ta vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định đã tập hợp hết ý kiến” - đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bình luận.
Ông Quốc cho biết bản dự thảo lần thứ ba về Hiến pháp đưa ra vào thời điểm vừa kết thúc thời gian sôi nổi lấy ý kiến nhân dân là bản dự thảo có tinh thần rất cởi mở, nhiều ý kiến khác nhau, đưa ra hai phương án về tên nước. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án cho Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ. Nhưng đến bản dự thảo cuối cùng (dự thảo trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội - NV), tất cả các vấn đề được gọi là nhạy cảm nhất, được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như ban đầu.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thú nhận: “Trước khi phát biểu tôi xin tự kiểm điểm tôi là thành viên của ban biên tập, tham gia hai chương, nhưng khi ra tới bản dự thảo lần này thì không có chữ nào của tôi cả. Tất cả những đề xuất của tôi không được đưa vào”.
Không thu hồi đất cho dự án kinh tế
Góp ý nội dung quy định cho phép Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nói: “Tôi không đồng tình quy định thu hồi đất cho dự án kinh tế - xã hội. Trong lịch sử thì những khi bất ổn, bức xúc xã hội xảy ra nhiều không phải do đói kém, mà là do bất công. Quy định thu hồi đất cho dự án kinh tế sẽ khiến doanh nghiệp thân thiết với chính quyền, gần với chính quyền chứ không gần dân. Thực tế cho thấy bức xúc, bất ổn nhiều nơi xảy ra vừa qua là do cơ chế thu hồi đất. Nếu cứ giữ cơ chế ấy sẽ đẩy người dân về phía đối kháng với chính quyền”.
Không đổi tên nước
Ở những tổ có phóng viên Tuổi Trẻ theo dõi thảo luận, quan điểm cho rằng cần giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chiếm đa số. “Bản chất đi lên chủ nghĩa xã hội chúng ta vẫn giữ, không cứ gì phải quay lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” - chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói. Đại biểu Nguyễn Xuân Tỉ (Bến Tre) cho rằng tên nước đang sử dụng “mấy chục năm nay vẫn phát huy uy tín”. Còn doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo ngại “đổi tên nước thì phải đổi tiền, thay đổi các loại giấy tờ, vừa tốn kém vừa gây xáo trộn lớn trong xã hội”.
|
.
“Nhân dân rất quan tâm đến những quy định liên quan tới thu hồi đất. Tôi đề nghị sửa Hiến pháp lần này ta nên mạnh dạn sửa theo hướng: đảm bảo quyền sử dụng đất là quyền được pháp luật bảo hộ, chỉ trong trường hợp vì mục đích quốc phòng an ninh mới thu hồi, còn khi làm các dự án về kinh tế - xã hội thì nên trưng mua của dân, tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan trong khi thực tế rất nhiều dự án còn chưa xử lý hết, chưa triển khai hết” - đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) phân tích.
Đại biểu Võ Thị Dung cũng cho rằng quy định thu hồi đất như trong dự thảo quy định là chưa phù hợp. “Đất gắn liền với tài sản trên đất. Nhà nước thu hồi đất, nhưng nếu người dân không đồng ý cho thu hồi tài sản trên đất thì sao? Quyền sở hữu tài sản cũng được Hiến pháp bảo hộ. Vậy nên chăng sử dụng quyền trưng mua đất của người dân khi cần làm các dự án kinh tế, xã hội”- đại biểu Dung đề xuất.
Đã có Đảng lãnh đạo, không cần Hội đồng Hiến pháp?
Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), việc thành lập Hội đồng Hiến pháp như dự thảo là không cần thiết. “Ra đời chỉ để kiến nghị thì rất ít tác dụng, chỉ thêm cồng kềnh bộ máy. Hội đồng bầu cử cũng không cần thành lập, lý do là ở các nước đa đảng người ta cần thiết chế này nó tách khỏi nhà nước, không bị chi phối bởi đảng cầm quyền, còn ở ta một đảng lãnh đạo” - ông Cường giải thích.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết ủng hộ phương án 2 như trong dự thảo (quy định Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập). Tuy nhiên cần có quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn rất cụ thể cho thiết chế độc lập này. Đại biểu Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận) cho rằng cơ chế bảo hiến cần thiết nhưng việc giải trình tại sao lập ra hội đồng này thì không rõ.
Nhạt nhòa mô hình chính quyền địa phương
“Nhân dân, đại biểu kỳ vọng rất lớn về những quy định liên quan đến chính quyền địa phương nhưng với dự thảo lần này thì phương án 1 “hẻo quá”, phương án 2 lại trở lại như cũ” - đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét.
Đại biểu Trần Du Lịch phân tích: “Về chính quyền địa phương: phương án 1 đưa quá sơ sài, chẳng khác nào bảo người ta hãy lựa chọn phương án 2 đi - nghĩa là giữ nguyên như cũ. Vấn đề quan trọng nhất của Hiến pháp là sửa đổi mô hình tổ chức hành chính, bắt đầu từ địa phương để tiến hành cải cách hành chính, nếu Hiến pháp không làm được điều này thì không thể cải cách hành chính. Mô hình chính quyền địa phương của ta là sự chế biến mô hình chính quyền địa phương của Xô viết không còn phù hợp, cần nhanh chóng đổi mới. Tôi nói thật là tôi không hiểu được, và riêng chương này tôi thất vọng”.
“Phải làm rõ chính quyền địa phương là ai, nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm như thế nào phải được ghi rõ. Nếu không làm rõ chuyện này trong Hiến pháp thì không có cơ sở để xây dựng mô hình chính quyền đô thị. HĐND một TP lớn như TP.HCM mà không có quyền đặt ra quy định người dắt chó ra đường phóng uế, phạt người phơi đồ lót ra đường thì còn làm được cái gì nữa?” - ông Lịch nói thêm.
Cũng thất vọng về quy định trong chương chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường thời gian qua hay dở thế nào cần phải được tổng kết, làm rõ. “Tổ chức chính quyền là vấn đề cơ bản trong Hiến pháp. Vậy mà dự thảo lần này ghi chung chung như vậy, nhạt nhòa, không thấy rõ gì cả thì tới đây tổ chức thực hiện thế nào? Tôi đề nghị làm rõ mô hình chính quyền địa phương trong Hiến pháp, chúng ta không nên thí điểm mãi như vậy” - bà Hà nói.
L.KIÊN - M.HƯƠNG - V.V.THÀNH
Nguồn: Tuổi trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét