Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

VN phản đối TQ đâm tàu cá




Tàu cá bị hư hại
Thuyền trưởng Trần Văn Trung nói tàu Trung Quốc
 đã đâm thẳng vào hông tàu của ông
Hà Nội trao công hàm phản đối Trung Quốc, cáo buộc các tàu Trung Quốc đâm vào một tàu cá Việt Nam 'đe dọa tính mạng của ngư dân'.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu xác nhận tin báo chí trong nước đã đưa về chuyện tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm vào tàu cá QNg 90917 TS làm hỏng mạn tàu khiến các ngư dân lo sợ cho tính mạng của họ.
Sự việc xảy ra hôm 20/5 khi tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang trên đường trở về từ Hoàng Sa, hòn đảo Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm hồi năm 1974.
Phản ứng một tuần sau khi xảy ra sự việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao BấmLương Thanh Nghị nói:
"Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.
"Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
"Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển.
"Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các vụ việc tương tự."

'Thổi phồng tình hình'

Vào ngày 28/05, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa có phản hồi với Người Phát ngôn Hồng Lỗi nói rằng “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa và không được có những hành động làm phức tạp và thổi phồng tình hình và đe dọa sự ổn định và an ninh tại Biển Nam Trung Hoa”.
“Những cáo buộc của Việt Nam đối với Trung Quốc là hoàn toàn không đúng với những gì diễn ra trên thực tế. Thuyền đánh cá Việt Nam đã vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (quần đảo Hoàng Sa) và tiến hành các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp Trung Quốc.
“Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam có các biện pháp hiệu quả nhằm giáo dục ngư dân của mình ngưng các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp,” ông Hồng Lỗi nói thêm.
Tìm kiếm áo phao
"Chiếc tàu này tiếp tục tấn công quyết liệt bằng cách lao thẳng vào hông tàu Quảng Ngãi."
Báo Tiền Phong
Trước đó truyền thông Việt Nam đã đưa tin về sự cố mới nhất trên Biển Đông.
Báo Tiền Phong nói tàu Việt Nam bị hại do ông Trần Văn Quang làm chủ và ông Trần Văn Trung làm thuyền trưởng, cả hai đều là người xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tàu chở 15 ngư dân, về cập bến Sa Cần thuộc huyện Bình Sơn vào tối 21/5 "với nhiều về thương", theo Tiền Phong.
Báo này dẫn lời thuyền trưởng Trần Văn Trung nói sự việc xảy ra chiều 20/5 khi tàu đang trên đường trở về Quảng Ngãi sau gần 20 ngày đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa.
"Cách vùng biển Quảng Ngãi khoảng 130 hải lý thì gặp đoàn tàu ghi chữ China gồm 16 chiếc đi thành hai tốp. Mỗi chiếc đi cách nhau khoảng 3 hải lý. Đoàn tàu này hướng mũi sang tàu tôi và bắt đầu cản đường.”
Tiền Phong thuật lại: "Chiếc tàu sắt mang số 264 bắt đầu tách ra và đâm thẳng vào đuôi tàu ngư dân Quảng Ngãi. Ngư dân dưới khoang bắt đầu hò hét và kiếm áo phao".
"Chiếc tàu này tiếp tục tấn công quyết liệt bằng cách lao thẳng vào hông tàu Quảng Ngãi."
Sau khi bị cú đâm thẳng của tàu sắt Trung Quốc, tàu Việt Nam bị nứt vỡ bên thân phải dài 17m cùng một số thiệt hại khác.
Đây không phải lần đầu tiên ngư dân Việt Nam cáo buộc bị Trung Quốc sách nhiễu và cản trở.
Hôm 25/3, Việt Nam nói một tàu hải quân Trung Quốc đã nổ súng vào tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển mà hai nước hiện đang có tranh chấp, làm cháy khoang tàu.
Phía Trung Quốc sau đó ra thông cáo bác bỏ việc bắn hư hại tàu cá Việt Nam mà nói tàu hải quân Trung Quốc chỉ 'bắn hai loạt pháo sáng vào bốn tàu cá Việt Nam’ sau khi các tàu cá này không có phản ứng gì trước các động thái dùng còi hụ, hô lớn và vẫy cờ của của phía Trung Quốc yêu cầu ngừng đánh bắt và ra khỏi vùng biển ‘thuộc chủ quyền Trung Quốc’.
Việc bắt tàu cá đòi tiền phạt hay cầm giữ ngư dân, nhất là ngư dân Quảng Ngãi hành nghề trong vùng biển Hoàng Sa, đã xảy ra nhiều lần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến