Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Luật sư Trần Đình Triển - Vợ ông Nông Đức Mạnh cùng Công ty Cổ phần Chợ Bưởi đã chiếm đoạt chợ Bưởi như thế nào? [*]

NHÂN NGÀY GIỖ TỔ, CẦU XIN TỔ TIÊN PHÙ HỘ CHO ĐẤT NƯỚC CÓ MỘT NỀN PHÁP LÝ ANH MINH
do_thi_huyen_tam.jpg
Bà Đỗ Thị Huyền Tâm, vợ cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh
Hôm nay nhân dân cả nước đốt nén hương nhớ về cội nguồn, tổ tiên của dân tộc. Từ sáng sớm Văn phòng Luật Sư Vì Dân tiếp nhiều người dân, mỗi người 1 cảnh đang rơi vào cảnh tố tụng, bị thu hồi đất, mất chợ, không còn điểm kinh doanh để kiếm sống…Một trong những cảnh éo le đó là:
1. Bà con chợ Bưởi với một tâm trạng bức xúc, lời đầu tiên họ hỏi tôi: “Chúng tôi định đóng quầy, tập trung kéo đến các nơi (cơ quan và cá nhân có thẩm quyền để khiếu nại), luật sư nghĩ sao?”
Tôi khuyên bà con: “Không được làm như vậy dẫn đến mất an ninh trật tự chung mà phải làm đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật”.
Nguồn gốc của sự việc: Năm 2004 Ủy ban nhân dân Quận Tây Hồ ban hành quyết định kêu gọi bà con đóng tiền để xây dựng lại chợ theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tổng số tiền bà con đóng góp đợt 1 hơn 7 tỷ đồng, sau khi xây dựng xong đột nhiên xuất hiện Công ty Cổ phần Chợ Bưởi với 4 thành viên góp vốn: (2 tổ chức và 2 cá nhân)
- Tổng Công ty thương mại Hà Nội với đại diện là ông Chu Xuân Kiên, Tô Thanh Huyền, Trần Thị Thanh Nga, Chu Thị Lâm Hồng.
- Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, đại diện là ông Lê Công Ích.
- Bà Đỗ Thị Huyền Tâm (ghi chú: nay là vợ của bác Nông Đức Mạnh)
- Ông Vũ Hữu Dinh.
Công ty này ra đời sau khi chợ xây dựng xong, đã đẩy bà con ra ngoài, biến số tiền của dân thành tiền hợp đồng thuê điểm bán hàng, nếu không thực hiện thì đe dọa cắt điện, đóng cửa, thu hàng hóa, dân khiếu nại với nội dung: Họ góp vốn cho Nhà nước để xây dựng mà không góp vốn cho Công ty cổ phần. Đây có phải một nhóm lợi ích nấp dưới hình thức Công ty để nhằm chiếm đoạt toàn bộ khu đất là chợ truyền thống có tên tuổi hàng trăm năm nay? Tại sao người khác đến tham gia cổ phần mà nhân dân đóng góp xây dựng chợ lại bị gạt ra ngoài?...
Họ trình bày: Vừa qua họ đã được đồng chí Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội tiếp, nội dung giải quyết dân không đồng tình nên họ căng cờ, biểu ngữ, tụ tập trước cổng UBND TP Hà Nội để phản đối (Tôi khuyên dân không được làm như vậy, nhận lời sẽ có văn bản gửi các cấp để xem xét dấu hiệu sai trái và tham nhũng của một nhóm người muốn thôn tính Chợ Bưởi).
Đây đâu có phải là chuyện riêng của chợ Bưởi, hầu như các chợ truyền thống trên cả nước cũng rơi vào tình cảnh này mà Văn phòng luật sư Vì Dân đã từng thụ lý giúp dân. Các chợ truyền thống trước đây đều do Nhà nước quản lý, đất đai thuộc sử dụng của Nhà nước, dân thuê địa điểm để kinh doanh, nhưng từ khi có chính sách đổi mới về phát triển và quản lý chợ thì hầu như những chợ có đất đai rộng, vị trí thuận lợi đang rơi vào tay tư nhân với hình thức là Công ty cổ phần làm dự án xây dựng, quản lý…Thực chất là một công nghệ chiếm đất, đưa lợi ích cho nhóm, còn Nhà nước lợi lộc không đáng là bao, nhân dân trở thành người đi thuê, làm thuê, chịu mọi thống trị của nhóm chủ chợ.
2. Một chị ở vùng nông thôn đến van la rằng: Con tôi và cháu X yêu nhau, khi cháu X về thăm bà, 2 đứa hẹn hò nhau ra đường làng nói chuyện. Đột nhiên cháu gái bị bệnh tim, ngất (bệnh mãn tính của cháu). Con trai tôi gọi cho 3 người bạn đến để giúp đỡ, cấp cứu và đưa cháu gái về nhà bà. Hai giờ sáng công an đến bắt con tôi với lý do: có đơn kiện của bà cô cho rằng con tôi hiếp dâm cháu gái đó. Trước Tết trời trở rét, tôi mang áo ấm cho con tại trại tạm giữ của công an huyện, nhìn thấy máu mê bê bết, con khóc không nói nên lời. Còn gia đình cháu gái thì đòi chúng tôi đưa 20 triệu thì rút đơn bãi nại. Tôi được biết kết quả giám định pháp y là bé gái còn nguyên vẹn. Ba người bạn bảo con tôi gọi điện, khi đó họ cách đó 200m, chạy lại hô hấp cho bé gái và đưa về nhà bà sao lại bảo con tôi hiếp dâm? Thế mà con tôi bị giam giữ từ trước Tết đến nay chưa thấy Công an huyện tha hay đưa ra truy tố.
3. Sáu, bảy người trong một gia đình cùng đến Văn phòng của tôi trình bày rằng: gia đình họ có một lối đi riêng, đã xây tường ổn định hàng chục năm nay, có giấy tờ hợp pháp thế mà một gia đình hàng xóm khiếu nại đến chính quyền xã và xã ra quyết định phá dỡ hàng rào của nhà chúng tôi cho gia đình hàng xóm sử dụng lối đi chung (mặc dù gia đình họ đã có lối đi riêng). Gia đình tôi khiếu nại thì Ủy ban nhân dân huyện bác bỏ khiếu nại. Gia đình tôi khiếu nại lên UBND thành phố thì đã được UBND thành phố ra quyết định giải quyết khiếu nại khẳng định đất đai là ngõ đi hợp pháp của gia đình chúng tôi và yêu cầu số cán bộ ở cơ sở làm sai phải kiểm điểm. Trên cơ sở quyết định của UBND Thành phố gia đình tôi đã xây lại hàng rào, vừa xây xong, khi cả gia đình đang ăn cơm cùng với thợ thì bị gia đình hàng xóm kéo đến đánh đập, chửi bới. Gia đình tôi chống cự lại và gọi Công an xã, Đội cảnh sát cơ động 113 đến. Thế là sự xung đột đó 2 người gia đình tôi bị thương tích mà lại bị khởi tố, bắt giam 2 người 8 tháng nay, còn gia đình hàng xóm và việc UBND xã ra quyết định phá dỡ tài sản nhà chúng tôi thì không việc gì cả. Với một kết luận điều tra hết sức khó hiểu (kể cả giám định thương tích) cho rằng: không làm rõ được ai là người đánh người gia đình chúng tôi…
Một buổi sáng lắng nghe dân và hàng chục vụ việc như vậy, còn các Văn phòng luật sư khác, những cơ quan tổ chức khác cũng tiếp dân thì biết bao nhiêu vụ dân kêu như thế này?
Luật sư Trần Đình Triển
[*] Tựa đề do Dân Luận đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến