Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) “bắt giam” hòn đá

 “Bắt giam” hòn đá

Sau khi thu hồi hòn đá của một hộ dân, chính quyền huyện Chư Sê (Gia Lai) đã cho làm chiếc lồng sắt để... giam hòn đá nặng hàng tấn và đặt tại trụ sở UBND huyện.

“Bắt giam” hòn đá
Hòn đá bị giam trong lồng sắt - Ảnh: Tiến Thành (CTV)
 
Như Thanh Niên số ra ngày 2 và 3.4 đã thông tin, chỉ vì lấy 3 hòn đá trong rẫy của mình về nhà để chơi, bà Trần Thị Sắc và ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, huyện Chư Sê bị khốn khổ đủ đường.

 
Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!
Ông Ksor Hiền, một người dân huyện Chư Sê
Các cơ quan chức năng địa phương đã quy cho ông Dũng và bà Sắc khai thác khoáng sản trái phép rồi tiến hành cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá này. Trong đó, chỉ có hòn đá của bà Sắc là chính quyền thu hồi thành công, còn 2 hòn đá của ông Dũng thì cưỡng chế bất thành.
Điều lạ lùng là mặc dù cưỡng chế bất thành 2 hòn đá của ông Dũng, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn giao cho UBND xã H’bông... quản lý. Đến nay, không hiểu chính quyền xã “quản lý” ra sao mà 2 hòn đá của ông Dũng đã biến mất, không còn tại nhà ông này.
Còn hòn đá thu hồi của bà Sắc, dù đã đem về đặt trong khuôn viên UBND huyện, nhưng huyện Chư Sê vẫn cho làm một lồng sắt kiên cố để “nhốt” hòn đá có khối lượng trên 3 m3, nặng hàng tấn này.
Nhiều người dân khi đi ngang đây đã không khỏi buồn cười rồi râm ran bàn tán vì lần đầu tiên chứng kiến chính quyền làm lồng sắt giam... đá. Ông Ksor Hiền, một người dân ở huyện Chư Sê, cười khà khà nói: “Mình thấy lạ hung! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!”.
Trong chiều qua, dù chúng tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, để nghe giải thích từ phía huyện về việc “giam” đá nhưng ông này không nghe máy.
Quy trình “cưỡng chế” chưa phù hợp
Trước sự phản ứng của dư luận địa phương về việc cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá, trên trang web của UBND huyện Chư Sê, đã cho “trích dẫn” báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai nhằm chứng minh việc cưỡng chế là đúng pháp luật: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 3 hòn đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại luật Khoáng sản”.
Thế nhưng, trong báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành, không hề có nội dung trên. Chiều 12.5, ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Chúng tôi không hề có báo cáo với nguyên văn như trên trong báo cáo ngày 16.4.2012. Trong quy trình tạm giữ 2 hòn đá tại nhà ông Dũng cũng có những vấn đề chưa phù hợp”. Cũng theo ông Du, trong báo cáo, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để mất 2 hòn đá tại nhà ông Dũng.
Đến nay, theo ông Phạm Duy Du, UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa có ý kiến cuối cùng về vụ cưỡng chế đá tại huyện Chư Sê.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu Sở TN - MT báo cáo lại để xem xét kỹ chính quyền thiếu sót cái gì, dân sai cái gì trong vụ việc này. Từ đó, UBND tỉnh mới có quyết định cụ thể, hợp lý trong giải quyết”.
Chưa làm rõ giá trị hòn đá
Trong thời gian qua, trên địa bàn Tây nguyên rộ lên phong trào sưu tầm, chơi đá cảnh như các loại thạch anh, opan, đá hóa thạch. Nhưng giá trị của các hòn đá bị cưỡng chế cho đến thời điểm này cũng chưa rõ ràng. Chị Hương, một người chuyên sưu tầm đá ở TP.Pleiku, cho biết: “Tôi đã đến tận nơi xem đá. Nhưng khi chưa bóc tách được lớp ngoài thì rất khó định giá. Có thể nó chỉ có giá trị trong xây dựng! Hoặc nếu nó là đá opan thì cũng không quý lắm, chỉ độ trên dưới 30 triệu đồng/tấn nếu đá tốt”.
Không thể tùy tiện tịch thu đồ vật của dân
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Võ Hồng Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Định, cho rằng muốn tạm giữ đồ vật gì thì phải lập biên bản và căn cứ theo điều khoản nào. Tương tự, khi tịch thu bất cứ một đồ vật, tài sản gì từ nhà người dân, chính quyền phải có quyết định tịch thu và quyết định đó dựa trên điều khoản, văn bản luật cụ thể chứ không được tùy tiện. Muốn tạm giữ và tịch thu đá nhà ông Lê Hùng Dũng và bà Trần Thị Sắc, cần phải xem lại hành vi tìm được đá trong phần đất hợp pháp của người dân có phải là khai thác khoáng sản trái phép hay không và đã được điều chỉnh trong luật Khoáng sản chưa rồi mới có căn cứ thực hiện đúng các thủ tục hành chính tiếp theo như lập biên bản, tịch thu...
Trần Thị Duyên (ghi)
Trần Hiếu

Vụ cưỡng chế 2 hòn đá: Người sưu tầm đá lo lắng

Như Thanh Niên đã thông tin, với 2 hòn đá được đưa về từ vườn nhà, ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, H.Chư Sê (Gia Lai) đã bị chính quyền huyện này đến đòi "tạm giữ đá", khiến dư luận không đồng tình về cách thực thi pháp luật.
Phong trào sưu tầm, trưng bày các loại đá rộ lên từ những năm gần đây. Nhiều gia đình đã bỏ tiền, bỏ công để được sở hữu những hòn đá có vân, có màu đẹp. Ngoài đá, các tay sưu tầm còn lặn lội tìm mua các khúc gỗ hóa thạch. Họ cho rằng ngoài giá trị về trưng bày làm cảnh, đá còn có tác dụng về phong thủy, giúp cho gia chủ hanh thông, sức khỏe. Tại Tây nguyên, nhiều người bỏ tiền tỉ để mua các loại đá có giá trị như thạch anh trắng, thạch anh tím hay ô ban... Một số tay chơi đá ở Pleiku (Gia Lai) cho biết 2 hòn đá của ông Dũng chính là loại đá được nhiều người sưu tầm săn tìm, có tên là casidol.
Sau vụ tạm giữ 2 hòn đá của ông Dũng, nhiều người sưu tầm đá ở Gia Lai có chung tâm trạng là sợ bị thu hồi bởi chính quyền đã nói rằng: đây là khoáng sản, là tài sản quốc gia. Ông Lê Đình Huấn, Phó chủ tịch UBND H.Chư Sê, khẳng định tính hợp pháp của việc kiểm tra, tạm giữ 2 hòn đá tại nhà ông Dũng. “Huyện đã có chỉ đạo bằng văn bản nghiêm cấm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Trước đó, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra các cơ sở khai thác để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Huấn nói.
 
Ông Dũng (người mặc áo trắng) phản đối vụ tạm giữ đá - Ảnh: C.T.V
Việc kiểm tra, chấn chỉnh trong hoạt động khai thác khoáng sản là đúng pháp luật nhưng với những hòn đá nhỏ lẻ như trên, có lẽ cần xem lại cách làm của chính quyền H.Chư Sê. Bởi lẽ, 2 hòn đá này được phát hiện ngẫu nhiên tại nhà ông Dũng, được ông đưa về nhà ngắm chơi nhưng chính quyền lại cho là khai thác khoáng sản trái phép.
Ngày 2.4, ông Phạm Duy Du, Giám đốc Sở TN-MT Gia Lai, bày tỏ quan điểm: “Việc khai thác, vận chuyển, chế biến, buôn bán khoáng sản (đá) phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng chưa khi nào kiểm tra những viên đá cảnh, đá phong thủy mà nhiều người sưu tầm ở Gia Lai có được. Còn riêng với 2 viên đá của ông Dũng, theo quy định của pháp luật, rõ ràng ông Dũng chưa đúng vì không xin phép cơ quan chức năng khi lấy đá, đưa về nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là 2 viên đá được phát hiện ngẫu nhiên từ đất của gia đình và đưa về làm cảnh đã lâu, không có mua bán bất hợp pháp, có lẽ cũng cần có sự nhẹ tay”.
Với cách làm như chính quyền H.Chư Sê, thì tất cả những người sưu tầm đá cảnh, đá phong thủy có lẽ đều vi phạm pháp luật, cần phải kiểm tra và xử lý (?!).
Cần kiểm định 2 hòn đá
Liên quan đến vụ việc chính quyền H.Chư Sê (tỉnh Gia Lai) lập biên bản và tiến hành cưỡng chế 2 tảng đá do người dân đào được trong vườn nhà từ nhiều năm trước, chiều 2.4, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), cho biết luật Khoáng sản quy định, khoáng sản trong lòng đất là tài sản của quốc gia. Người dân đào được khoáng sản, kể cả trong vườn nhà mình vẫn phải có trách nhiệm thông báo và nộp lại cho cơ quan hữu trách địa phương. Người đào được khoáng sản cũng không được yêu cầu nhà nước trả tiền theo trị giá của khoáng sản đó. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhà nước sẽ tiến hành xác định và chi trả cho người dân chi phí đào bới, vận chuyển và hoàn nguyên môi trường.
Trong trường hợp 2 tảng đá nêu trên đang nằm trong lòng đất, đang được đào lên hoặc vừa mới đào lên khỏi mặt đất mà cơ quan hữu trách phát hiện thì việc lập biên bản và tạm thu hồi là hoàn toàn đúng.  “Trường hợp 2 tảng đá này đã được đào lên từ nhiều năm trước và trưng bày trong nhà dân thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Khoáng sản. Hiện tôi chưa nắm rõ nội tình vụ việc nên tôi chưa thể đưa ra bình luận gì về việc cưỡng chế của chính quyền H.Chư Sê”, ông Thuấn nói. Theo ông Thuấn, cơ quan hữu trách cần lấy mẫu 2 tảng đá đem đi phân tích để xác định chính xác đó là loại khoáng sản gì. Nếu địa phương yêu cầu, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẵn sàng thực hiện việc giám định 2 tảng đá này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, để biết các hòn đá được người dân phát hiện trong lòng đất đó có phải là khoáng sản quý hay không, phải tiến hành kiểm định. Cơ quan thực hiện việc kiểm định là Sở Khoa học - Công nghệ hoặc cấp cao hơn nếu như sở không đủ điều kiện để kiểm định. Sau khi kiểm định, nếu là khoáng sản quý thì đó là tài sản của quốc gia và sẽ trích một tỷ lệ phần trăm giá trị của tài sản đó cho người phát hiện theo quy định của pháp luật.
Cưỡng chế là quá vội vàng
Qua thông tin và hình ảnh trên báo chí, tôi chưa thể xác định được loại đá mà hộ dân ở Chư Sê bị cưỡng chế là loại đá gì. Muốn xác định được đặc tính, tên gọi, thành phần... thì phải mất một quá trình xét nghiệm công phu chứ không thể nhìn bằng mắt thường mà phán đoán. Nhưng cho dù đó là đá quý, thuộc tài sản nhà nước thì chính quyền địa phương cũng không nên tiến hành cưỡng chế một cách đường đột mà phải thông qua thỏa thuận, thương lượng với người khai thác, xin mẫu vật để đi xét nghiệm, sau khi có kết quả rõ ràng mới tiến hành các bước tiếp theo như luật định. Việc chính quyền địa phương vội vàng cưỡng chế mà không giải thích rõ cho dân hiểu là chưa đúng, có thể sẽ gây hoang mang và bất bình cho dư luận.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch Hội Khoáng sản
Nói là đá quý, nhưng nó chỉ quý đối với những người có thú chơi đá cảnh, cây cảnh hoặc duy tâm một chút gọi là đá phong thủy, hoàn toàn không phải “quý” theo tiêu chuẩn của nhà nước hoặc theo định nghĩa khoáng sản. Đối với trường hợp cưỡng chế 2 hòn đá ở Chư Sê, nếu đúng thật sự là đá quý thì phải có kết luận xét nghiệm của cơ quan chức năng và tiến hành theo đúng quy định pháp luật. Còn chính quyền địa phương chỉ nhìn bằng mắt thường rồi “phán” đây là tài sản quốc gia để thu hồi thì tôi nghĩ đây là lạm quyền và cố tình tìm cách làm khó dễ người dân.
 Ông Nguyễn Văn Lãng - nguyên Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM
Với kinh nghiệm chơi đá cảnh hơn 30 năm, tôi nhận định 2 hòn đá mà chính quyền H.Chư Sê cưỡng chế của dân chỉ là đá cảnh bình thường, không phải đá quý hiếm có giá trị lớn hay tài sản quốc gia gì cả. Loại đá này được bán rất nhiều ở Bảo Lộc, Đắk Nông. Nó chỉ có giá trị đối với những người đam mê đá cảnh do có hình dáng, màu sắc đẹp, nguyên khối, nhưng trị giá cũng chỉ tầm vài chục triệu, không thể đến mức cả tỉ đồng như nhiều người đồn thổi. Có thể vì những tin đồn này mà chính quyền địa phương “quan trọng hóa” vấn đề và đến tận nơi để cưỡng chế, như vậy khiến nhiều người nghĩ rằng họ tìm cách để “cướp đá” của dân. Về phía người chơi đá cảnh, kinh nghiệm của tôi từ trước đến nay là mua đá từ những khu vực đã được cấp phép khai thác, việc mua bán giao dịch cũng phải có hợp đồng thỏa thuận rõ ràng để tránh phát sinh tranh chấp sau này.
Ông Phan Chánh Tâm  - GĐ Công ty TNHH Thiên Vạn Sài Gòn
Q.Thuần - H.Trọng
(ghi)
Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến