Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Chỉnh đốn Đảng phải sửa các “lỗi hệ thống”

Đại tá – nhà báo Nguyễn Phúc Lành
Hà Nội, tháng 4-2012
Việc TƯ ra nghị quyết 04 và chỉ thị 15 của BCT “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã đáp ứng lòng mong mỏi của các Đảng viên, nhất là đảng viên lâu năm.  Nhưng còn nhiều vấn đề đáng bàn để nghị quyết thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Tôi xin nêu mấy ý kiến về nguyên nhân và giải pháp, mong được trao đổi rộng rãi.
I. Nguyên nhân:
Sự thật là Đảng đã hiểu sai và làm sai với khái niệm về “đảng cầm quyền”, đã để Đảng đứng trên dân tộc và nhân dân, những biểu hiện tình trạng đó như sau:
1- Đã tạo ra một hệ thống chính trị lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, cường quyền, độc quyền, đặc quyền đặc lợi…Ví dụ: Bộ Chính trị lại quyết định phá hội trường Ba Đình là trụ sở của Quốc hội; hoặc như vụ cưỡng chế đất đai ở Hải phòng, lại là ông Thành, Bí thư Thành ủy đứng ra giải quyết cả các sai phạm về dân sự, hình sự…
2- Đảng tự coi là siêu chính phủ, siêu quốc hội: Những việc như sinh đẻ có kế hoạch, chống AIDS, xây dựng văn hóa giao thông, khen thưởng cấp nhà nước … thì lại do Ban Bí thư ra chỉ thị.
Trên thế giới, mỗi nước có một nguyên thủ quốc gia nhưng ở VN thì có 4 nguyên thủ (Chủ Tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng), trong đó Tổng bí thư có quyền cao nhất, đi nước ngoài tự quyền ký hiệp định với nhiều điều khoản lợi người hại ta. Về nhân sự cấp cao thì Đảng đã chỉ định ai làm chủ tịch nước, ai làm chủ tịch quốc hội, nhưng quốc hội thì sáu tháng sau mới tiến hành “bầu ra”các nhân sự đó.
3- Quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay là quan hệ giữa chủ và tớ, thống trị và bị trị: ngày 26-3-2012, ông Cường, báo cáo viên của Ban Tuyên huấn TƯ đến nói chuyện ở CLB Thăng Long có nói: Đảng ta coi nhân dân như củ khoai tây, đã khiến các cụ ngồi nghe phải phản ứng. Vậy ông Cường nói có sự chỉ đạo nào của “trên” không?
Còn người nông dân VN, cách đây 80 năm khi đi theo Đảng, họ được Đảng nêu khẩu hiệu hứa hẹn “người cày có ruộng”, vậy mà đến nay, người nông dân vẫn là người làm thuê có thời hạn (20 năm). Hơn nữa đất thuê có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, lúc khiếu kiện thì công an xua đuổi, bắt bớ… Dân mất đất, vô nghề nghiệp kéo nhau ra thành phố tìm việc thì vẫn là kiếp làm thuê…
Người công nhân làm thuê cho chủ tư bản nước ngoài bị áp, bức bóc lột nặng nề, họ đấu tranh với chủ, không những Đảng ta không bênh vực, lại còn cho công an bắt bớ giam cầm (mới đây nhất: anh kỹ sư Lê Văn Tạch phát đơn kiện Toyota Việt Nam đưa ra bán cho dân VN những xe có lỗi kỹ thuật, mất an toàn. Tòa án của Đảng đã không xem xét lỗi của phía Toyota mà đã kết luận anh Tạch “làm phiền” tổng giám đốc Toyota và xử anh Lê Văn Tạch thua kiện).
Người trí thức có đầu óc suy nghĩ độc lập (tiêu biểu như các vị Hoàng Tụy, Nguyễn quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc…) hễ cứ có ý kiến nào khác với “trên” là bị liệt vào hạng “phản động” hoặc là “bị thế lực thù địch lợi dụng”. Ông Nguyễn Văn Hưởng, thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nay là cố vấn cho thủ tướng đã nói thẳng “phản biện là phản động”(! ?).
Một vấn đề hết sức bức xúc là: nhân dân phản đối TQ xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc ma, bắn giết ngư dân, cắt cáp tàu ta…thì công an “nhân dân” lại bắt bớ, đánh đập, giam hãm, vu cáo là theo “thế lực thù địch” và gây rối trật tự (trong khi không có bất kỳ bằng chứng nào đáng gọi là “gây rối”). Vậy “thanh bảo kiếm của Đảng” đứng về phía nhân dân hay đứng về phía Trung Quốc, kẻ đã trắng trợn đưa ra dã tâm độc chiếm biển Đông?
4- Đảng càng nắm quyền thì bộ máy càng gia đình trị (dân ta đã khái quát bằng công thức 5C: con cháu các cụ cả), cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, chạy chức chạy quyền…Càng cố kết quyền lực tuyệt đối thì càng tham nhũng tuyệt đối, nên càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, càng nặng. Càng cải cách hành chính thì càng hành là chính một cách tinh vi khắc nghiệt hơn. Hậu quả là khoảng cách giàu nghèo càng rộng càng xa.
5- Càng nắm quyền lực thì càng độc quyền: độc quyền kinh tế (mệnh lệnh cho lãi suất ngân hàng, độc quyền quản lý vàng, độc quyền điều hành tập đoàn siêu lớn, độc quyền điện nước xăng dầu…); độc quyền văn hóa xã hội: độc quyền thông tin, độc quyền ngôn luận, độc quyền báo chí, thậm chí độc quyền yêu nước, độc diễn trong bầu cử các chức vụ tối cao. Ngay trong nội bộ Đảng cũng thể hiện rõ sự độc đoán thông qua 19 điều cấm đảng viên (mà trong đó có những điều vi phạm Hiến pháp, vi phạm Điều lệ Đảng). Có đảng viên đã cay đắng nói rằng: Đảng ta đã biến đảng viên thành tín đồ chỉ biết tụng kinh cầu nguyện, trên đầu lúc nào cũng có vòng kim cô (trừ các lãnh đạo các cấp của đảng).
Một số tình hình không bình thường nói trên cho thấy rõ là đến nay Đảng đã tự tha hóa, tự chuyển hóa để chỉ còn phục vụ cho một nhóm lợi ích. Đảng đã tự đánh mất mình, tự mất tín nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc, hoàn toàn không phải do thế lực thù địch nào chống phá.
Dưới đây, xin đưa ra một số giải pháp, mong muốn Đảng thật sự chỉnh đốn để thực hiện di chúc của Bác Hồ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
II. Giải pháp
1- Phát động toàn dân xây dựng Đảng: ngày nay, chỉ cần các vị lãnh đạo của Đảng chịu khó vi hành ra các chợ, quán xá bình dân hoặc nơi đỗ xe ôm, xe tắc-xi, lân la hỏi chuyện thì dân sẽ nói ngay ông Tấn Dũng có nhà thờ họ ở Kiên Giang hoành tráng thế nào, ông Sinh Hùng có mấy biệt thự, cổng nhà Bí thư Thành ủy Hải Phòng thế nào, quan to nào có con đi học bên Tây… Không thể cấm tiệt các mạng Internet, điện thoại di động, đài báo nước ngoài loan những tin đó, nên nhiều việc động trời trong cung cấm dù có muốn giấu cũng không thể giấu được với người dân. Tất nhiên, những người dân tốt, những đảng viên, cán bộ (nhất là cán bộ về hưu) đều nóng lòng, sốt ruột muốn xây dựng góp ý với Đảng chứ đâu muốn nói lung tung. Nhưng muốn nhân dân thực sự đóng góp ý kiến thì phải có một số tiền đề:
+ Cấp trên phải công khai nói thật, nói hết các vấn đề tồn tại của bản thân, của Đảng bộ mình. Thực hiện đúng câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
+ Phải bảo vệ người dân nói thật, nói thẳng, không dọa nạt, khống chế, trả thù.
+ Có định kỳ để nhân dân góp ý kiến phê bình, chất vấn, gắn dân với Đảng, Đảng với dân.
2- Ban hành luật về lãnh đạo của Đảng: Trong thời đại nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức xã hội đều đã có luật, vậy không có lý gì Đảng cầm quyền hoạt động mà không được điều chỉnh bằng luật.
Theo tôi, luật về đảng cần có mấy vấn đề quan trọng căn bản như sau :
a/ Quan hệ với nhân dân (thông qua tổ chức Mặt trận):
Nên tách Mặt trận Tổ quốc thành một khối riêng vì Mặt trận là trung tâm của các tầng lớp không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, trong ngoài nước…thay mặt nhân dân tham gia công việc của nhà nước, tương đối độc lập. Chủ tịch Mặt trận không nhất thiết là ủy viên TƯ Đảng, tốt nhất là một nhân sỹ có uy tín. Mặt trận có quyền phản biện, có quyền giám sát v.v… để đề cao vai trò của nhân dân. Mặt trận là đại diện của toàn dân nên Đảng là một bộ phận trong Mặt trận, cùng phối hợp với Mặt trận phát huy mọi trí tuệ, sức lực của toàn dân cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh…
Mọi tổ chức của Đảng phải bảo đảm quyền dân chủ thực sự của dân đã ghi trong Hiến pháp; mọi chủ trương chính sách phải tranh thủ ý kiến của dân thông qua các hội quần chúng rộng rãi, khi cần có thể trưng cầu dân ý hoặc họp kiểu Hội nghị Diên Hồng…
Đổi mới luật bầu cử để  thực hiện “dân cử, dân chịu trách nhiệm”, tránh kiểu “Đảng cử dân bầu”, hiệp thương hình thức. Cần tổ chức cho dân trực tiếp bầu Chủ tịch nước.
Giải quyết mâu thuẫn chính quyền và nhân dân, tuyệt đối không coi dân là địch để tiến hành đàn áp bắt bớ trái luật. Phải nói rõ trách nhiệm cá nhân về các chủ trương, mệnh lệnh trong khi giải quyết các sự cố chính trị.
b/ Quan hệ với Quốc hội:
Tạo cơ chế để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, không phải là tổ chức ‘vỗ tay’ theo mọi sự ‘chỉ tay’ của Đảng. Cần tăng tỉ lệ ứng viên đại biểu quốc hội do các hội quần chúng, các tổ chức xã hội dân sự giới thiệu, không đòi hỏi Đảng viên phải chiếm tuyệt đại đa số trong quốc hội như hiện nay, để quốc hội thực sự là đại diện cho gần 90 triệu nhân dân.
c/ Quan hệ với Nhà nước pháp quyền:
Trong tổ chức Nhà nước pháp quyền có 2 bộ phận:
+ Bộ máy Nhà nước.
+ Các tổ chức xã hội dân sự.
- Bộ máy Nhà nước: cần tinh giản gọn nhẹ, tuyển dụng công chức nhất thiết phải thông qua các cuộc thi chặt chẽ để tránh chạy chức chạy quyền. Quy định chức năng trách nhiệm rõ ràng công khai cho từng chức danh. Làm rõ trách nhiệm quyền hạn, ranh giới giữa bộ máy Đảng và Nhà nước, chống hiện tượng Đảng lấn sân bao biện theo lối ‘siêu chính phủ’.
Phó thủ tướng, bộ trưởng một số bộ không nhất thiết là đảng viên.
- Các tổ chức xã hội dân sự: Cần để người dân được tự đứng ra lập các tổ chức với  nguồn lực tự thân để giải quyết các nhu cầu của cộng đồng mà Nhà nước vì bận quá nhiều việc, phải giải quyết quá nhiều việc lớn quan trọng nên không quan tâm được hết. Nhà nước chỉ cần quản lý sao cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động không trái Hiến pháp, pháp luật. Không bắt buộc thành viên các tổ chức xã hội dân sự phải là Đảng viên. Đảng không nên kì thị, định kiến, ngăn cản việc thành lập các tổ chức đó, thêm nữa phải lắng nghe các tổ chức đó phản ánh những thông tin, những tín hiệu phê phán những chính sách không phù hợp thực tế và bất lợi cho cộng đồng (Hiện nay, số cán bộ về hưu khá đông, còn có sức khỏe, có trình độ, có tâm huyết, rất thuận cho sự ra đời và phát triển của xã hội dân sự).
3- Đổi mới Hiến pháp: Cần hết sức tránh ‘ám ảnh’ rằng Hiến pháp là công cụ của nhà cầm quyền, nhất là của đảng cầm quyền, chỉ có người dân mới phải tuân thủ Hiến pháp…Cần mạnh dạn sửa đổi những bất hợp lý trong Hiến pháp, ví dụ như quy định không công nhận quyền sở hữu đất của tư nhân. Quy định đó đã gây nhiều cản trở cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân một thời gian dài, hiện cũng đang gây bất ổn trong xã hội.
4- Sửa đổi Điều lệ Đảng:
+ Quy định rõ hoạt động chất vấn thành một điều trong nhiệm vụ đảng viên.
+ Tổ chức cho đại hội Đảng trực tiếp bầu Tổng bí thư.
+ Tổ chức cho đại hội trực tiếp bầu Ủy ban kiểm tra, quy định quyền hạn Ủy ban kiểm tra ngang với Ban CHTW để có đủ thẩm quyền kiểm tra từ Tổng bí thư đến các tổ chức Đảng các cấp.
+ Thêm điều khoản về bắt buộc công khai tài chính vào chương 11 .v.v..
Mong muốn thiết tha của tôi là làm sao qua chỉnh đốn lần này, Đảng sẽ trở lại chính mình, trở lại là Đảng đích thực của chủ tịch Hồ Chí Minh, không còn một bộ phận “không nhỏ”nào chạy theo quyền lực, lợi lộc riêng để đối đầu với nhân dân; không còn bộ phận nào bán rẻ đất nước, bán rẻ lợi ích chính đáng của dân tộc, và để bản thân tôi không còn phải xấu hổ với người xung quanh vì mình là đảng viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến