Biển Đông: Căng thẳng gia tăng
RFA 14.04.2012
Biển Đông một lần nữa lại nổi sóng, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa; cả giữa Trung Quốc với Việt Nam và giữa Trung Quốc với Philippines.
Nếu tại Hoàng Sa, tuần này Bắc Kinh một mặt đưa tàu du lịch ra quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền, một mặt đe dọa các công ty dầu khí quốc tế muốn hợp tác với Việt Nam; thì tại Trường Sa sự việc trầm trọng hơn khi tàu hải giám Trung Quốc ngăn chận tàu chiến của Philippines.
TQ tổ chức du lịch Hoàng Sa
Bất chấp những phản đối của Việt Nam, đầu tuần này Trung Quốc đã cho thực hiện chuyến đi thử nghiệm 3 ngày của tàu du lịch nước này đến các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trả lời câu hỏi của Mặc Lâm Đài Á Châu Tự Do trước những hành động ngang ngược này của Trung Quốc, Luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố HCM nhấn mạnh:
“Theo tôi thì trước hết ta phải thấy rõ cái bản chất của Trung Quốc, tức là một nước lớn và luôn luôn có chủ trương bành trướng lãnh thổ cũng như là đi khuất phục những dân tộc nhỏ khác, vì vậy mà mình thấy cái bản chất này, và bản chất này cho tới bây giờ vẫn không thay đổi.
Từ đó chúng ta mới có một chiến lược và sách lược cho phù hợp. Nếu chúng ta cứ khẳng định đó là “bạn vàng” hay là “đồng minh chiến lược” thì dứt khoát chúng ta sẽ không quyết tâm trong việc chống lại chính sách bành trướng xâm lược của Trung Quốc.”
Cảnh báo Ấn Độ, Nga
Sau khi đe dọa việc công ty dầu khí ONGC của Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí tại thềm lục địa Nam Trung Bộ Việt Nam, tuần này Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga là hãy tránh xa khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là việc hợp tác thăm dò với PetroVietnam tại các lô 05.2 và 05.3.
Trước những hành động hung hăng của Trung Quốc, phản ứng của Việt Nam vẫn như thường lệ.
Tuyên bố với báo chí tại Hà Nội, ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng chuyến du hành vừa kể của tàu du lịch Trung Quốc là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời ông Nghị kêu gọi “Trung Quốc không nên có các hành động nào thêm nữa làm phức tạp thêm tình hình”.
Về chuyện phía Trung Quốc ngăn cản các công ty dầu khí Ấn Độ và Nga hợp tác với Việt Nam, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố “các dự án này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Và “Việt Nam cam kết có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng và hợp pháp của các đối tác nước ngoài làm ăn tại Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do là Việt Nam cần phải làm gì ngoài việc đưa ra những lời chống đối mang tính ngoại giao, Thạc sĩ Hoàng Việt giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
“Về mặt chủ quyền thì chúng ta vẫn cứ phải khẳng định là khu vực này là nơi đang tranh chấp vì sẽ tránh được việc mặc thừa nhận với quốc tế. Tuy nhiên vấn đề là Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách để tránh thẩm quyền của tòa án quốc tế. Có lẽ chúng ta cũng phải đưa lên những diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc cũng như Philippines đã làm chẳng hạn và tôi nghĩ rằng đấy là biện pháp hữu hiệu nhất.”
Phải dựa vào lòng dân
“Tôi cho rằng nhà nước phải dựa vào hai cái, một là thế trận lòng dân, phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của dân Việt Nam, vì vậy phải để cho người dân bày tỏ thái độ của mình trước những hành động bách hại dân Việt Nam.”
Kính thưa quý vị, cũng trong nỗ lực chung sức bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông trước mộng bành trướng của Trung Quốc, hôm thứ Sáu tuần này một phái đoàn 5 nhà sư Việt Nam đã lên đường ra Trường Sa tu tập, cũng như ủng hộ về mặt tinh thần cho đồng bào và chiến sĩ trên đảo.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do hồi tháng trước, khi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi này, Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết ý nghĩa và mục đích của chuyến đi:
Tôi cho rằng nhà nước phải dựa vào hai cái, một là thế trận lòng dân, phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của dân Việt Nam, vì vậy phải để cho người dân bày tỏ thái độ của mình trước những hành động bách hại dân Việt Nam.LS Lê Hiếu Đằng
“Chúng tôi phát nguyện ra ngoài đó để tu tập và hướng dẫn bà con Phật tử ngoài đó tu tập. Chúng tôi đã được ba lần ra ngoài đó để làm lễ cầu siêu cho anh hung liệt sĩ nhân dân đồng bào trải qua các thời đại đã nằm xuống. Mình đem tình thương của đạo Phật, đem lòng từ bi của đạo Phật và đem sự oai thần của Tam Bảo để cầu nguyện cho họ siêu thoát.
Qua các buổi lễ đó người dân và Phật tử quân dân ngoài đó đã yêu cầu mời chúng tôi ra đó và sau đó chúng tôi phát nguyện ra đó để duy trì tu học cho bản thân cũng như hướng dẫn Phật tử ngoài đó tu học. Đồng thời là tâm lên để cầu nguyện cho các hương linh, anh linh của những con người dân Việt Nam đã nằm dưới Biển Đông được siêu thoát. Đó là nguyện vọng duy nhất của chúng tôi hướng về mảnh đất thiêng liêng của mình."
Được biết, các nhà sư sẽ tái thiết lại 3 ngôi chùa bị bỏ hoang từ năm 1975, nhưng gần đây được phục hồi như là một phần của sự minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Lại khẳng định thiện chí
Về mặt chính thức, chuyến thăm của phái đoàn quân sự Việt Nam do tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn sang Trung Quốc nhằm “khẳng định thiện chí và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân và quân đội hai nước”; tuy nhiên đặt trong bối cảnh chung của những diễn biến tình hình, giới phân tích cho rằng Biển Đông cũng sẽ là một trong các đề tài được bàn thảo giữa phái đoàn chỉ huy quân đội Việt Nam với phía Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn quân sự Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục cầm giữ 21 ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ đã từ một tháng nay, khi những ngư dân này đang đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bất chấp việc Bộ ngoại giao nhiều lần lên tiếng yêu cầu thả ngư dân Việt Nam, phía Bắc Kinh đến nay vẫn khăng khăng cho rằng các ngư dân Việt Nam đã vi phạm lãnh hải Trung Quốc và đòi phải nộp số tiền phạt lên đến hàng chục ngàn đôla.
Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào giờ này tuần sau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét