Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

HÔM NAY, BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ ĐƯỜNG LÂM NHƯNG KHÔNG GẶP DÂN




Theo tin từ bà con Đường Lâm: Sáng nay Ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội lên thăm và làm việc với TX Sơn Tây và Làng cổ Đường Lâm rất sớm. 

Người dân cho biết, Bà Thuần và những người dân bức xúc muốn gặp ông Nghị nhưng không được gặp. (?) Ông chỉ đến nhà ông Thể - chủ một ngôi nhà cổ (và hiện đang trùng tu), và là người không có bức xúc gì! 

Cánh nhà báo nháo nhào tiếp cận để phỏng vấn nhưng cũng không thể tiếp cận ông.

Nhưng ông Nghị có đến thắp hương ở Đình Cam Thịnh - là một ngôi đình cổ đang sắp đổ sập. Xong,ông về họp với UBND Thị xã Sơn Tây. Trong cuộc họp, ông tuyên bố đầu tư cho Đường Lâm khoảng500 tỷ đồng trong 3 năm 2013- 2015.  

Xin cảnh báo ông Nghị, việc chi tiêu cho bảo tồn Làng cổ Đường Lâm không thể ngon ăn như hồi Đại lễ 1000 năm Thăng Long đâu ông ạ. Không phải ông có tiền cứ vung lên là ngon lành cành đào đượcđâu! Có khi lại là tàn phá di sản đó! Đền Và - Thành cổ Tuyên Quang - Thành cổ Sơn Tây - Đình Thụy Phiêu v.v..nhãn tiền còn cả đấy!

Đây, ông Nghị hãy cho THANH TRA ngay vụ này đã: Cho đến nay, ngoài ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm thì chưa một ai biết (kể cả UBND thị xã Sơn Tây) số tiền bán vé tham quan Đường Lâm từ năm 2008 đến nay là bao nhiêu và tiêu những việc gì. Được biết, Thành phố HN đã có văn bản do PCT Nguyễn Huy Tưởng ký, cho phép BQL Làng cổ Đường Lâm tự thu chi và không phải nộp ngân sách  số tiền này.  

Rồi chuyện trùng tu nhà cổ nữa! Mỗi cái hết một hai trăm triệu đồng. Xong công trình, đưa giấy đến để chủ nhà ký khống, công bố với báo chí mỗi cái hết hơn một tỷ đồng!
Mời chư vị xem bài tường thuật cuộc làm việc, trên Hà Nội Mới:
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: 
Phải tập trung tháo gỡ vướng mắc ở làng cổ Đường Lâm
Thứ Ba 16:40 21/05/2013 
.
(HNMO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại buổi làm việc với thị xã Sơn Tây về việc tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, ngày 21-5.  
.
Bí thư Phạm Quang Nghị đến thăm công trình nhà cổ đang được tu bổ tại làng Mông Phụ, Đường Lâm.
Bí thư Phạm Quang Nghị đến thăm công trình nhà cổ đang được tu bổ tại làng Mông Phụ, Đường Lâm.

Làng cổ Đường Lâm được xếp hạng “Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 28-11-2005. Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, hiện có 1.500 hộ với hơn 6.000 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực di tích làng cổ. Một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất là vẫn chưa xây dựng được quy chế, quy định và cơ chế chính sách hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Kinh phí và các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích làng cổ còn rất hạn chế. 
 


Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Đặng Vũ Nhật Thăng, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Trong đó, tiến độ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị làng cổ và quy hoạch xây dựng khu giãn dân còn chậm. Trong 8 năm qua, chưa thực hiện giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ (Hiện nay có khoảng 320 hộ cần phải giãn dân; dự kiến đến năm 2020 có khoảng 300 hộ nữa cần giãn dân). Đây là vấn đề lớn, cần phải có vốn và chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức giãn dân, sửa chữa nhà ở, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ; chưa xây dựng được phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch…
 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ghi nhận những cố gắng của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà nhân dân địa phương đã gặp phải trong thời gian qua. 

 

Bí thư Thành ủy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay tại làng cổ Đường Lâm. Trước tiên, cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, hoàn thành dự án quy hoạch xây dựng khu tái định cư để tổ chức giãn các hộ dân trong khu vực di tích làng cổ; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí trong việc giao đất giãn dân, tu sửa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình trong khu vực làng cổ. 
 

Đối với nguồn vốn cần thành phố hỗ trợ để tu sửa, tôn tạo và đầu tư các công trình tại làng cổ Đường Lâm (khoảng 508 tỷ đồng trong 3 năm 2013-2015) như khái toán của UBND thị xã Sơn Tây, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần phải huy động từ nhiều nguồn lực… Tuy nhiên, đối với các công trình đang xuống cấp nghiêm trọng như đình Cam Thịnh vẫn cần tập trung xử lý khẩn cấp. 
 

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, việc phấn đấu để được công nhận xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia, trên cơ sở đó đến năm 2017được tổ chức UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cần phải có lộ trình phù hợp và thận trọng. Hiện nay cần phải tập trung vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để có được sự đồng thuận của nhân dân. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến