Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

KHÔNG DÁM DỪNG BÔ XÍT NHÂN CƠ LÀ MỘT SAI LẦM LỚN!

“Không dám dừng bô xít Nhân Cơ là một sai lầm lớn!”
Thứ Ba, 21/05/2013 - 08:39

 

(Dân trí) - “Đào bô xít Tây Nguyên xuất khẩu với thuế 0% là biếu không tài nguyên cho nước ngoài. Còn nói không dám dừng dự án Nhân Cơ là một sai lầm lớn vì ai cũng thấy càng làm càng lỗ”, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng.

>>  Việt Nam đã từng từ chối khai thác bô xít Tây Nguyên

Trao đổi với phóng viên Dân trí về mức thuế xuất khẩu alumina Tây Nguyên chỉ 0% và việc “dự án Nhân Cơ không thể dừng vì sẽ gây nhiều thiệt hại”, TS. Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng -Vinacomin cho rằng đây là tư duy theo kiểu sự đã rồi nên đành “đâm lao thì phải theo lao” của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV).

TS. Nguyễn Thành Sơn: Đối với TKV ngành than quan trọng hơn rất nhiều so với hai dự án alumina
TS. Nguyễn Thành Sơn: "Đối với TKV ngành than quan trọng hơn rất nhiều 
so với hai dự án alumina"
Thuế xuất 0% là biếu không tài nguyên cho nước ngoài

Theo TKV mức thuế xuất 15-40% được áp dụng cho quặng sắt và nhôm, không áp dụng cho alumina. Vậy theo ông, mặt hàng alumina áp mức thuế xuất khẩu 0% có làm cho ngân sách nhà nước thất thu hay không?

Bô xít có tỷ lệ quặng nhôm là 50%, nhưng đã là alumina tỷ lệ nhôm lên đến 98%. Như vậy, bô xít là tài nguyên thiên nhiên, sở hữu toàn dân, khi sử dụng trong nước thì không có vấn đề gì nhưng đã xuất khẩu phải thu thuế xuất khẩu. Việc áp mức thuế 0% cho alumina khác nào cho không nước ngoài tài nguyên.

Như vậy có nghĩa là ngân sách nhà nước chịu thất thu để cho dự án bô xít đạt hiệu quả, hay nói cách khác là hiệu quả có điều kiện. Khi thuế xuất khẩu bằng 0%, không những Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam hưởng lợi mà cả bên nhập khẩu cũng có lợi rất lớn. Với cách tính như vậy, mỗi năm nhà nước bị thất thu hàng chục triệu đô la. Còn nghĩa vụ đóng các khoản thuế như phí môi trường, thuế tài nguyên, thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp… thì không thấm vào đâu so với thuế xuất khẩu tài nguyên. Theo tôi, cách tính đó là đánh lừa dư luận, đánh lừa lãnh đạo và cần phải xem xét lại.

Những con số như tổng mức đầu tư cho hai dự án bô xít ở Tây Nguyên tăng hơn 30%; giá thành sản xuất alumina cũng tăng khá nhiều; thời gian lỗ và thu hồi vốn cũng được kéo dài; đặc biệt dự án được đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cũng bị chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra, nói lên điều gì, thưa ông?

TKV hơi chủ quan và chưa nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị trong thông báo 245 về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô xít giai đoạn 2007-2015. Thông báo này nêu rất rõ việc triển khai thế nào? Lấy cái gì làm trọng tâm? Làm thí điểm nhưng thí điểm thế nào? Qua 4 năm triển khai dự án, tôi thấy TKV không làm như vậy.

Thứ nhất, về công nghệ, Bộ Chính trị đã lưu ý: “Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới”. Thế nhưng TKV đã có lựa chọn sai lầm là nhà thầu Trung Quốc, không có kinh nghiệm làm bô xít dạng á núi lửa như ở Tây Nguyên. Vì vậy, nhà thầu Trung Quốc phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm ở cả hai dự án, và việc chạy thử nghiệm của dự án Tân Rai bị kéo dài.

Công nghệ nhà thầu Trung Quốc lạc hậu được thể hiện rõ qua việc phải sử dụng than tốt đưa từ Quảng Ninh vào. Phân xưởng khí hóa than sử dụng công nghệ cách đây nửa thế kỷ. Vì vậy, riêng chi phí cho than đã chiếm 26,5% giá thành alumina. Công nghệ của nhà thầu Trung Quốc thải bùn đỏ vừa lạc hậu, vừa nguy hiểm. Công nghệ này cũng sử dụng lượng nước lớn và tổn thất tài nguyên rất lớn.

Thứ hai, Bộ Chính trị cũng đã lưu ý rất rõ: “Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bô xít, sản xuất alumina, vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng này”. Theo chỉ đạo thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Tây Nguyên phải có trước nhưng ở đây TKV lại làm ngược lại, họ chỉ quan tâm đến việc xây nhà máy sản xuất alumina và khai thác bô xít. Bây giờ, bô xít Tây Nguyên đang tắc về vận tải, nước, còn nhiệt điện phải chở than từ tận Quảng Ninh vào…

Chính vì vậy, tổng mức đầu tư cho hai dự án bô xít ở Tây Nguyên tăng hơn 30%; giá thành sản xuất alumina cũng tăng khá nhiều; thời gian lỗ và thu hồi vốn cũng được kéo dài; đặc biệt dự án được đầu tư hàng tỷ đô la cũng bị chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Dừng dự án Nhân Cơ đem lại cơ may

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, họ không dám dừng dự án Nhân Cơ vì những thiệt hại phải gánh vác rất nhiều. Nhưng chỉ vì sự đã rồi đó, nếu họ vẫn cứ “đâm lao thì phải theo lao”, theo ông thiệt hại sẽ đi đến đâu và liệu dự án bô xít có hết lỗ và thu hồi vốn nhanh như kỳ vọng không?

Rõ ràng cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ không hiệu quả. Về dự án Tân Rai do đã “chạy đến phút chót” nên phải tính đến chuyện nghiệm thu để có cơ sở đánh giá, hiệu quả của dự án.

Đối với Nhân Cơ, TKV nói không dám dừng là một sai lầm lớn. Đây là tư duy theo kiểu sự đã rồi và “đâm lao thì phải theo lao”. Dự án Nhân Cơ đã triển khai ồ ạt 92/93 hạng mục (duy chỉ còn hạng mục trồng cây xanh là chưa triển khai), theo tôi là sai lầm của TKV, khi làm hạng mục nào cũng nhoe nhoét ra thì vốn tăng lên là phải. Nếu không muốn thiệt hại nặng nề, theo tôi dự án này càng dừng sớm càng tốt. Khi đã không hiệu quả thì phải dừng, chi phí ấy sẽ nhỏ hơn nhiều việc “đâm lao thì phải theo lao”. Còn nếu sau này nhà máy Tân Rai chạy tốt thì có thể dỡ tất cả thiết bị ở Nhân Cơ về đó (theo thiết kế Nhân Cơ phải nhân đôi công suất).

Băng tải chuyển quặng tinh dự án bô xít (ảnh NLD)
Băng tải chuyển quặng tinh dự án bô xít (ảnh NLD)
Hơn nữa, việc tôi đề xuất dừng dự án Nhân Cơ cũng dựa trên xu thế giá nhôm ngày càng tăng lên. Vì vậy, càng lùi Nhân Cơ lâu bao nhiêu thì càng có cơ may đem lại hiệu quả cho dự án. Còn TKV càng đẩy nhanh, làm mạnh thì càng thua lỗ.

Theo những con số TKV đưa ra, tôi tính toán ngay cả vòng đời dự án bô xít có kéo dài đến 50 năm với thuế xuất chỉ 15% thì đến cuối đời nó cũng không thu hồi được vốn.

Phía TKV cũng cho rằng đánh giá hiệu quả kinh tế dự án không chỉ dựa vào hiệu quả kinh tế đơn thuần mà còn phải tính đến sự lan tỏa kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh dự án bô xít Tây Nguyên chưa thấy khả quan, ông có đồng ý với lập luận đó không?

Một dự án muốn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, điều ai cũng biết trước tiên bản thân dự án phải hiệu quả đã. Ví như: anh muốn nuôi được cha mẹ mình và những người em trong gia đình thì bản thân phải đủ ăn. Ở đây, bản thân dự án bô xít chưa “đủ ăn” thì làm sao nói chuyện hiệu quả kinh tế - xã hội được. Cụ thể, thuế xuất khẩu bằng 0% thì lấy đâu ra mà phát triển. Thậm chí, người dân đóng thuế phải chi thêm tiền để bô xít duy trì sản xuất.

Còn nói dự án Tân Rai tạo ra được 1.500 lao động thì cũng không bõ bèn gì vì con số đó cũng chỉ bằng dân số của một làng. Nếu cả hai dự án đi vào hoạt động, thử hỏi với tổng mức đầu tư tương đương 1,5 tỷ đô la mà chỉ tạo ra khoảng 3.000 lao động thì quá đắt đỏ vì phải mất 500 nghìn đô la cho một suất lao động.

Thay vì làm bô xít, nếu có 1,5 tỷ đô la trong vòng 5 năm đầu tư cho 6 tỉnh Tây Nguyên phát triển cây công nghiệp, phát triển hạ tầng xã hội thì bộ mặt nơi đây thay đổi rất nhiều.

“Không có vài tấn alumina, nền kinh tế không chết”
Theo TS. Nguyễn Thành Sơn nếu TKV cứ lao theo bô xít, nguy cơ rất lớn cho ngành than là không rút được vốn về. “Đối với TKV ngành than quan trọng hơn rất nhiều so với hai dự án alumina. Nhiệm vụ chính trị của TKV là khai thác than làm ra điện phục vụ cho an ninh năng lượng chứ không phải làm alumina rồi xuất với mức thuế bằng 0%. Không có vài tấn alumina nền kinh tế chưa việc gì!”, TS. Sơn nhận định.


Quang Phong (thực hiện)
Nguồn: Dân trí. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến