Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Từ bỏ thế giới duy ác để thành Phật

“Chao ôi thành Phật rồi sao nhỉ?” (thơ T.M.H.)

Trần Mạnh Hảo (Danlambao) Viết nhân kỷ niệm 2637 năm ngày Phật đản: (15-04 Âm lịch Quý Tỵ) dương lịch ngày 24-05-2013) 

Chúng tôi viết bài báo này trước hết để mừng lễ Phật Đản lần thứ 2637. Nhân đây cũng xin thỉnh các thầy của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, một giáo hội của “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, một nhà nước vô thần, theo thuyết Marx-Lenine chủ trương diệt tôn giáo, rằng với tiêu chí: “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM - Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” liệu có đúng với tôn chỉ đạo cứu khổ, đạo từ bi của Phật Tổ hay không?

Đạo Phật chủ trương duy thiện, chủ nghĩa Marx - Lenin chủ trương duy ác (xin xem thêm hai bài viết của chúng tôi: “Bàn qua về hội chứng tuyệt đối trong chủ nghĩa duy ác của Marx”và bài “Karl Marx ông là ai mà đầy đọa dân tộc tôi mãi thế?” – quý vị chỉ cần đánh tên hai bài viết này vào công cụ tìm kiếm http://google.com là có thể đọc được). Cũng xin quý bạn đọc xem qua tiêu chí của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, một giáo hội chủ trương hòa trộn Phật vào Marx, hòa trộn thiện vào ác, hòa trộn từ bi vào chủ trương bạo lực (giết người) của thuyết đấu tranh giai cấp, hòa trộn việc tôn nghiêm phát triển chùa chiền vào hành vi phá chùa, ném trôi sông tượng Phật (sẽ dẫn chứng sau): 

Trụ sở Giáo hội PGVN tại chùa Quán Sứ, HN 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội Phật giáo duy nhất được chính phủ Việt Nam công nhận hiện nay [1] và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội được thành lập sau Đại hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại tùng lâm Quán Sứ, Hà Nội vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 nhằm thống nhất tất cả sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, phật tử Việt Nam. Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI (2007-2012) là đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Phương châm của Giáo hội là: "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội." (1)

Trên báo “Văn Nghệ” của Hội nhà văn Việt Nam số mừng tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, trong bài: "Năm tháng gọi về"của nhà văn Đỗ Chu (người vừa được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), có đoạn viết về việc các nhà lãnh đạo của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam hồi năm 1955, 1956 mở chiến dịch triệt phá chùa chiền tàn khốc, cụ thể là việc phá chùa ở vùng núi Yên tử, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông khai mở thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Đại Việt, như sau: 

“Hỏi các vị bô lão trong vùng mới biết có chùa là do Tây đốt, có chùa là do ta đốt, ta đốt phá mới nhiều mới dữ. Một cụ chống gậy lọm khọm bước đến trước tôi kể, chính tôi hồi ấy đã được cấp trên gọi đi đốt phá cả chục ngôi chùa, tượng lớn tượng nhỏ cho trôi sông tuốt. Rồi ông cụ tặc lưỡi cười rất thành thực, thì cái thời nó thế, tôi lúc đó trẻ đang hăng lắm, được phong làm trưởng ban phá hoại huyện.” (Trích bài “Năm tháng gọi về” – Đỗ Chu) (2)

“Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đã bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa” (Trích trong tác phẩn “Chuyện Làng Ngày Ấy” của nhà văn Võ Văn Trực” do NXB Lao Động ấn hành tháng 6 năm 1993.) 

Người viết bài này do trình độ yếu kém nên chưa hiểu được chuyện uyên thâm của các quý thầy lãnh đạo “Giáo hội Phật Giáo Việt Nam” ngoài việc thờ Phật, các vị còn thờ cả học thuyết duy ác của Marx-Lênine trong hệ thống hàng nghìn (có khi hàng vạn?) ngôi chùa trên khắp đất nước ta là sao? Kính xin chư thầy chỉ giáo cho kẻ vô minh này, xin cám ơn quý thầy (!) 

Ngài (Đức Thế Tôn) đến thế giới này không để làm vua, mặc dù Ngài là thế tử sẽ nối ngôi vua cha. Ngài đến thế giới này không để làm thần linh nắm cả trời đất trong lòng bàn tay, đặng ban phát chân lý cho mọi người. Ngài đến thế giới này không để làm một tiên tri biết trước mọi sự, hay làm một anh hùng cứu thế, làm một thánh nhân ngụ trong linh hồn trường tồn bất diệt. 


Vâng, Ngài đến thế giới này chỉ để làm một con người, hơn nữa là một con người nghèo khổ, một con người bình thường như mọi con người vô danh ẩn mình trong thế giới khổ đau. Có điều, con người mà Ngài đạt tới là một con người được tu luyện bằng thiền định vươn tới một trí tuệ trác việt, vươn tới sự giác ngộ vượt thoát mọi khổ đau sinh diệt vô thường. Từ con người bình thường đến Phật chừng như chỉ cần vượt qua lằn ranh của một sợi tóc, hay một khoảng thời gian nhỏ nhất gọi là sát-na... Dường như Ngài (tồn tại trong phần thiện căn của Tâm tha nhân) dẫn dắt chúng sinh đến bờ của sợi tóc ấy, sát na ấy để chúng sinh tự mình vượt qua bản ngã (ảo ngã, hư ngã), giữ lấy chân ngã mà thành Phật. Ngài đã vượt qua trùng trùng trở ngại để tự mình đến tới bờ của sợi tóc ấy bằng 35 năm trầm tư mặc tưởng, khổ luyện tu hành; và trong một sát na lóe sáng đốn ngộ, Ngài thăng hoa giác ngộ, bước qua sợi tóc kia mà thành Phật. Sợi tóc mà Ngài đã vượt qua sau 49 ngày thiền định dưới gốc bồ đề kia, với chúng sinh có khi là nghìn trùng sông núi... 

Phật chỉ cho ta con đường đến cõi giác ngộ nằm ở chính trong ta mà sao ta không tìm thấy? Khi tâm ta và thân ta lạc mất nhau thì sao ta ngộ được điều kỳ diệu: “Phật tại tâm”? Hãy ngồi xuống trong tĩnh lặng, quên đi mọi khổ đau dục vọng muộn phiền tìm lại tâm mình đang trôi giạt ngoài cõi ta bà, để tâm nhập làm một với thân ta mà thiền định, sẽ thấy Phật trong từ bi hỷ xả nơi chính tâm hồn mình...

Không có môi trường đa nguyên tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do chính trị của thời đại Ngài- tiểu vương quốc Kapilavatsu, tuyệt nhiên không thể có Phật giáo. Ngày ấy, khi Ngài trốn (cùng đệ tử Xa-nặc) khỏi lầu son gác tía đi tìm con đường giải thoát khỏi bể khổ trần gian vô thường, ở thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, ngoài tư tưởng chính thống của Bà-la-môn, còn có hai trào lưu tư tưởng khác không chính thống nhưng không bị chính quyền xua đuổi hay cấm cản là các hiền giả không theo thuyết chân lý tuyệt đối Bà-la-môn mà tu theo trường phái khổ hạnh hành xác; ngoài ra, một số hiền giả còn chủ trương duy vật vô thần, chỉ tin vào chủ nghĩa khoái lạc gọi là học phái Carvaka/Lokoyata… 

Năm 35 tuổi sau 49 ngày thiền định đạt tới sự giác ngộ triệt để để thành Phật, Ngài trả lời Bà Tất Tra trong kinh Trường A Hàm, quyển 16 như sau: 

“Nếu Bà La Môn thông Tam Minh kia không thấy Thượng Đế (Brahman), tiên sư của Bà La Môn thông Tam Minh cũng không thấy Brahman, các Bà La Môn thông Tam Minh, những cựu tiên nhân như A Tra Ma… cũng không một ai thấy Brahman. Thế thì biết rằng nhũng điều Bà La Môn thông Tam Minh nói không phải sự thật”. 

Ngài thiền định để phá bỏ tiểu ngã (Atman) và đại ngã (Brahman) của Bà La Môn, phá bỏ những gì bất biến trường tồn để thành Phật, lẽ nào khi vừa sinh ra, Ngài đã tự phụ trỏ vào ngực mình mà nói một câu không hề có tính Phật: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” như người đời tôn sùng Ngài quá mà gán cho Ngài lời nói của phàm phu tục tử tự cao tự đại dường ấy? 

Không, Phật không hề lộng ngôn như thế: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” là ai đó ngụy tạo gán cho Ngài, đi ngược lại bản chất từ bi hỷ xả khiêm cung giản dị của Ngài. Trong bài: “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn ám chỉ điều gì?” của tác giả Master Duy Tuệ viết trên Internet ngày 24/01/2010 lại xuyên tạc câu nói kia mà có ai đó từ xa xưa đã gán cho Đức Phật, bằng cách giải thích không đúng rằng: 

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là câu nói của con người. Câu nói này nhằm mang lại lợi ích cho người nghe, để cho người nghe thức tỉnh về giá trị làm người của họ. Cho nên câu nói trên có thể giải thích rằng là: Trên trời dưới đất này, đời sống của con người là đặc biệt có giá trị, là đặc biệt hay! Hãy tìm hiểu giá trị đặc biệt của mình chứ đừng tìm hiểu giá trị đặc biệt nào nằm ngoài con người của mình, trước nhất là cần tìm giá trị đặc biệt nơi chính mình trước. Khi mình đã tìm thấy giá trị đặc biệt nơi chính mình rồi thì hãy đem giá trị đặc biệt ấy để ứng dụng vào cuộc sống mà chúng ta đang hiện hữu. Nếu chúng ta không hiểu được giá trị đặc biệt của chính mình thì mình sẽ bị lầm lạc trong cuộc sống, mình sẽ rắc rối trong cuộc đời.” (3)

Thần thánh hóa Ngài đến mức hoang đường như bịa chuyện bà mẹ Ngài mộng thấy một con voi trắng từ trời chui vào bụng bà thành sự hoài thai thái tử Tất Đạt Đa là không đúng bản chất và giáo lý của Ngài, rằng: 

”Hoàng hậu Ma Da (Maya), vợ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), trong lúc ngủ đã có một giấc mơ tuyệt diệu. Bà mơ thấy một luồng ánh sáng trắng từ bầu trời chiếu xuống thân thể mình, theo luồng ánh sáng này là một con voi chiến, thân hình trắng xóa với sáu chiếc ngà. 

Luồng ánh sáng và con voi này bay càng lúc càng gần và cuối cùng nhập vào thân bà. Lúc ấy Hoàng hậu Ma Da tỉnh dậy với một niềm hoan hỷ tràn đầy, chưa từng có trước đây... 

Sau đó vào đêm trăng tròn tháng tư, năm 625 trước Tây lịch, Đức Phật ra đời tại vườn Lâm-tì-ni. Sau khi sinh ra, Ngài bước bảy bước, mỗi bước có hiện ra một hoa sen nâng đỡ chân Ngài. Ngài tuyên bố là Ngài là người đáng tôn thờ nhất (duy ngã độc tôn).” (4)

Phật không công nhận Phạm Thiên (Brahman), Ngài coi đấng Đại Ngã này là sự bịa đặt như vừa dẫn trên, lẽ nào chúng sinh sau này lại hoang đường nói chính Brahman và Tứ đại Thiên vương (mà Ngài không cộng nhận) đã nhờ Ngài giáng trần như quan niệm thiếu Phật tính sau đây: 

“Trước khi giáng trần, thái tử Tất-đạt-đa (Siddhattha) đã trải qua nhiều kiếp tu hành chứng quả vị Bồ-tát, hiệu là Hộ Minh, an trú tại cung trời Đâu-suất. Theo lời thỉnh cầu của Phạm Thiên và Tứ Đại Thiên Vương, Bồ-tát giáng trần” (5

Chúng tôi xin quý Phật tử và quý Tăng Ni: “Cái gì của Phật hãy trả về cho Phật, cái gì của Bà La Môn (đạo hữu thần) hãy trả về cho Bà La môn”; rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục thần thánh hóa Đức Phật, chúng ta sẽ không thể nào tới được cõi GIÁC NGỘ của Ngài. Xin dẫn ra đây mấy lời Phật dạy: 

"Hỡi các Tỳ Kheo, khi mà Ngã hay bất cứ cái gì thuộc về Ngã không có, thì quan điểm tư duy này: Vũ trụ là linh hồn, ta sẽ là linh hồn sau khi chết, sẽ trường cửu, tồn tại, vĩnh viễn bất biến, và ta sẽ hiện hữu như thế cho đến vô tận thời gian - quan điểm ấy có phải là hoàn toàn điên rồ chăng?" - (Trung Bộ Kinh

"Hết thảy các hành là vô thường và khổ đau"
"Hết thảy các Pháp là vô ngã" .

Ngay cả khi cúng bái niệm Phật, hay trong những lúc nguy nan, người Việt hay khấn, ví dụ: “ Cầu xin Trời Phật độ trì cứu giúp”, hoặc: “Cầu xin Thần Phật độ trì chúng sinh”… Đức Phật, hay đạo Phật không công nhận có Thượng Đế (Trời), không công nhận có thần linh, sao lại ghép cái không có làm một với Phật như thế? 

Nên nhớ, khi thái tử Tất Đạt Đa đi tìm sự giải thoát, Ngài đã thử tìm trong một số lối hành đạo cực đoan, ví dụ việc suốt 06 năm ngài tu theo phái hành xác của trường phái khổ hạnh nhưng không đạt đạo; Ngài bèn tìm ra con đường trung đạo (xóa cực đoan) để tìm giải thoát đích thực sau này. 

Đọc kinh Phật ta thấy một số điều cực đoan, quá trớn được cho là lời Phật dạy, thậm chí có những điều trái ngược nhau được chép trong cùng một pho kinh cũng được cho là lời Phật. Có lẽ còn khá nhiều bộ kinh do các tổ đời sau trước tác, viết ý chủ quan, thiếu tính Phật của mình để lộng giả thành chân biến thành lời Phật dạy chăng? Ví dụ như câu nói về diệt dục rất cực đoan, rất dung tục sau đây lại được gán cho lời Phật dạy: 

Ký giả Mỹ Simon Alex hỏi vị sư Tích Lan Bhante Gunaratana câu nói dưới đây có phải lời Phật dạy không: “Thà rằng đưa dương vật vào miệng một con rắn độc hay một con rắn hổ mang kinh tởm có lẽ còn tốt hơn là đưa nó vào một người đàn bà". Nhà sư thường đi giảng kinh Phật trên khắp các đại học danh tiếng trên thế giới thừa nhận rằng đúng là lời này có ghi trong kinh Phật. (Trích bài: "Thời Đức Phật, nhiều người tin rằng tình dục rất thánh thiện" - Ký giả Simon Alev của tờ "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ phỏng vấn một nhà sư Tích Lan, ngài Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.) (6)

Dục nghĩa là ham muốn, mà ham muốn lớn nhất trong dục là ái dục, tức tình yêu trai gái. Dục (ham muốn) là bản năng của sinh vật nói chung, con người nói riêng. Khát nước đòi uống là dục, đói đòi ăn là dục, ham muốn ái tình là dục, thở khí oxy vào để sống là dục, tham giàu là dục, tham chức quyền là dục (nằm trong bản năng thống trị kẻ khác của sinh vật), tham sống sợ chết là dục, ham muốn được giải thoát, được giác ngộ cũng có thể được coi là dục...

Nói tóm lại, DỤC phần lớn là bản năng tự nhiên, sinh ra đã có trong con người. Cho nên về nguyên tắc DỤC KHÔNG THỂ DIỆT vì DỤC là bản năng con người, chỉ có thể TIẾT DỤC mà thôi. Ngay đến cả Đức Thích Ca Màu Ni sau khi giác ngộ thành Phật lúc 35 tuổi, cho tới khi Ngài viên tịch năm 80 tuổi vẫn còn bị DỤC đeo đẳng; vì Ngài vẫn chưa thoát khỏi vô thường đói ăn khát uống, còn phụ thuộc vào các hành như phải thở, phải ăn, phải uống, phải làm các hành vi trao đổi chất của con người, thì sao lại đề ra tiêu chí DIỆT DỤC cực đoan như thế? Nên nhớ là Đức Phật tổ năm 80 tuổi đã viên tịch vì ngộ độc thức ăn; chính Ngài khi tại thế cũng chưa thoát khỏi vô thường... Sau khi viên tịch, Ngài nhập Niết Bàn. Còn Niết Bàn là gì, ở đâu, tồn tại trong dạng thức nào thì Phật không nói. Chúng sinh phải tự tìm ra Niết Bàn trong tâm mình khi đã giác ngộ thoát khỏi tham, sân, si, đạt tới cõi từ bi hỷ xả... 

Việc một số kinh sách được gán cho là lời Phật dạy (ngụy tạo) có thái độ lên án gay gắt, thậm chí phỉ nhổ, nguyên rủa hành vi tính giao của con người là một sự vô lối, một ứng xử thiếu văn hóa người, mà thiếu văn hóa người thì cũng thiếu văn hóa Phật... Thử hỏi ai trong chúng ta, kể cả Đức Thế Tôn không được sinh ra bởi hành vi giao phối giữa cha và mẹ mình? Nên nhớ là từ thời Đức Phật còn theo đạo Bà La Môn, Ngài cũng từng quỳ lạy hiện thân của thần Siva là Linga (dương vật) và Yoni (âm vật)? Một số chi nhánh của đạo Bà La Môn (Ấn độ giáo sau này) còn coi hành vi tính giao là hành vi giúp con người được giải thoát, là hành vi đạt đến cõi thần Siva, biểu hiện của nhập thể Atman vào đại thể Brahman. Người viết bài này từng được chiêm ngưỡng nhiều phù điêu đắp nổi trong các đền thờ Ấn độ giáo mô tả cảnh thần Siva trần truồng làm tình với vợ mình là thần Uma trong rất nhiều kiểu dáng giao hợp khác nhau, một biểu tượng giải thoát hữu hiệu giúp tiểu ngã (linh hồn cá nhân) nhập vào đại ngã là linh hồn vũ trụ (Brahman)…Ngay cả Đức Phật ngày còn trong cung điện chưa đi tìm đạo giải thoát cũng có vợ (nàng Da-đu-đà) có con (La-hầu-la), có cung tần mỹ nữ hầu xung quanh Ngài...

Nếu hành vi tính dục phải bị triệt tiêu trong chúng sinh như nhiều ngụy thư mạo lời Phật dạy thì than ôi, ngày nay làm gì còn chùa chiền, làm gì còn đạo Phật, làm gì còn PHẬT PHÁP TĂNG? Vì ngụy thư kia cho hành vi truyền giống là nhơ bẩn nên con người đã bị tuyệt diệt từ ngót hai nghìn năm nay rồi? Phật không cấm hành vi tính dục trong hôn nhân. Phật chỉ dạy con người cần tiết dục và không được hoang dâm vô độ, không được ngoại tình. Chuyện một số kinh sách ngụy tạo lời Phật dạy cho rằng chỉ có các vị chân tu trong chùa, không có hành vi tính giao mới có thể giác ngộ, còn những người tu tại gia có vợ có chồng thì không thể giác ngộ, không thể thành Phật là những lời sàm tấu thiếu tính Phật...

Không phải bỗng dưng mà nhà bác học Albert Einstein đã vinh danh đạo Phật như sau: 

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật." (Albert Einstein, 1954) From Albert Einstein: The Human Side, edited by Helen Dukas and Banesh Hoffman, Princeton University Press) (7)  

Khoa học càng phát triển càng gần với Phật giáo về vũ trụ luận, về thuyết nhân quả, về tính không của vạn vật, về sự không thể cắt rời của vạn pháp, về sự vô thường của tự nhiên và con người… Khoa học lấy sự hiểu biết làm mục đích. Phật giáo lấy sự giác ngộ, sự giải thoát của con người làm mục đích. Đạo Phật nói cho cùng là một liệu pháp tâm lý để giúp con người diệt khổ. Còn khoa học dùng tư duy để tìm kiếm chân lý của thế giới vật chất. 

Hãy nhìn Đức Phật như nhìn một con người, một con người đã giác ngộ, đã bỏ được tham sân si, chứ đừng nhìn Ngài như nhìn một vị thần linh hay một đấng cứu nhân độ thế. 

Nhận thức đầu tiên của thái tử Tất Đạt Đa về thực tại khi Ngài có dịp ra ngoài cung điện của vua cha là thế giới này là một thế giới khổ đau. Càng tiếp xúc với chúng sinh, Ngài càng cảm thấy trần gian này là bể khổ. Con người từ sinh, lão, bệnh, tử... cái nào cũng khổ. Làm sao tìm ra một con đường cứu khổ cho chính Ngài và cho chúng sinh? Một vị thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, sống với cung tần mỹ nữ, với vợ đẹp con khôn như Ngài làm sao lại có thể gọi là khổ? Vâng, nỗi khổ tinh thần giày vò Ngài khi Ngài nhìn thấy chúng sinh khổ đau. Lấy nỗi đau khổ của tha nhân làm nỗi đau khổ của bản thân mình, thái tử Tất Đạt Đa, một tín đồ Bà La Môn chỉ còn biết trầm tư mặc tưởng đắm mình vào bản thể tuyệt đối của vị thần tối cao (Thượng Đế) Brahman để cầu cứu đấng toàn năng giúp Ngài và chúng sinh thoát khỏi bể khổ...

Với trí thông minh trác việt, Ngài hầu như đã thuộc lòng bộ kinh Vệ Đà, kinh “Áo nghĩa thư- Upanisad” khởi nguồn cho thần học Bà La Môn. Thế giới trong kinh Vệ Đà là một thế giới thần linh ở lẫn giữa con người, thực hư lẫn lộn, đàn bò thì bay như mây còn mây thì gặm cỏ như bò, các vị thần cũng hoan lạc, yêu đương, làm tình như chim muông, các đạo sĩ hóa phép thần thông trong sự biến hóa của Atman như những con sứa bay nhảy trong biển cả Brahman vô tận vô cùng... Nơi khổ đau và khoái lạc thay đổi cho nhau như thần linh thay áo... Nơi sống chết hoán vị cho nhau trong hòa điệu tuyệt đối của các linh hồn (Atman) trường cửu li ti như sao trời trong vòng tay các thiên hà vũ trụ Brahman...

Thái tử Tất Đạt Đa ngồi kiết già kiểu Bà La Môn để thoát khỏi ý thức, đặng nhập tiểu ngã (Atman) là linh hồn mình vào làm một với Đại ngã tuyệt đối Brahman. Nhưng sau hàng nghìn buổi kiết già kia, thái tử Tất Đạt Đa vẫn thấy mình cô đơn ngồi giữa vũ trụ vô cùng, vẫn thấy nỗi sợ, nỗi khổ vây bủa Ngài như giặc. Và cái quan trọng nhất, Ngài buồn vì đấng Thượng Đế toàn năng Brahman đã bỏ rơi Ngài, bỏ rơi chúng sinh trong bể khổ mà không hề đưa tay cứu vớt...

Ngài đã cầu nguyện, nhập thiền, đã hòa tan linh hồn mình (Atman) vào linh hồn tuyệt đối Brahman như giọt nước hòa vào biển cả. Nhưng tiếng cầu xin, tiếng kêu thương của Ngài xin Thượng Đế tam vị nhất thể Brahman- Shiva- Vishnu cứu khổ chúng sinh vẫn chừng như vô vọng...

May mà truyền thống Vệ Đà là một truyền thống mở, khá tự do cho người ta lựa chọn tín ngưỡng, chấp nhận trong niềm tin tuyệt đối vẫn còn sự hoài nghi. 

Ngay cả trong kinh Rig – Veda ca ngợi tuyệt đối thần sáng tạo vũ trụ Brahman vẫn thấy nỗi hoài nghi day dứt con người về sự tồn tại của vị Chúa tể của Bà La Môn giáo: 

Buổi đó, hoàn toàn chẳng có gì cả, mặt trời rực rỡ kia không có, 
Mà vòm trời là cái khăn phủ mênh mang kia, cũng không có. 
Vậy thì cái gì trùm lên, che phủ, chứa chất vạn vật? 
Phải chăng là vực nước sâu thẳm? 
Thời đó không có chết - vậy mà không có gì là bất tử, 
Không phân biệt ngày và đêm, 
Cái Nhất, cái Độc Nhất, không có hơi mà tự thở lấy được. 
Ngoài Cái đó ra không có cái gì khác nữa. 
Tối tăm, và hồi đầu cái gì cũng chìm trong cảnh tối tăm mù mịt - như biển không ánh sáng - Cái mầm khuất trong cái vỏ 
Bỗng nẩy ra, duy nhất, dưới sức nóng nung nấu. 
Thế là lần đầu tiên, lòng thương yêu xuất hiện, nó là dòng suối mới 
Của tinh thần, các thi sĩ suy tư và thấy được trong lòng mình 
Mối liên lạc giữa cái không được tạo ra với những vật được tạo ra. 
Tia sáng đó chiếu ra, xâm chiếm hết, nó phát xuất từ trời hay từ đất? 
Giống đã gieo và người ta thấy các năng lực cao cả xuất hiện 
Ở dưới thấp là thiên nhiên, ở trên cao là quyền năng và ý lực. 
Ai là người vén được màn bí mật? Ai là người cho ta biết 
Sự sáng tạo muôn vật đó từ đâu mà có? 
Chính các thần linh cũng chỉ xuất hiện sau này. 
Vậy thì ai là người biết được sự sáng tạo mầu nhiệm đó từ đâu mà có? 
Đấng nào đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó. 
Là do vô tình hay hữu ý? 
Đấng Tối Cao trên tầng trời cao nhất kia 
Biết được - nhưng biết đâu chừng, có thể chính Ngài cũng không biết nốt." 

(Lịch sử văn minh Ấn Độ, NXB Văn Hóa, năm 1996, tt 58- 59 phần thơ trên do Nguyễn Hiến Lê dịch) 

Từ khi biết chúng sinh ngoài cung điện của vua cha đều chìm trong bể khổ, thái tử Tất Đạt Đa đã cầu nguyện Thượng Đế Brahman cứu giúp, rằng chỉ cần đấng tuyệt đối búng ngón tay là chúng sinh thoát khổ liền. Chẳng lẽ đấng tuyệt đối của vũ trụ này không biết thương xót con người ư? Nỗi hoài nghi về sự tồn tại của Brahman trong lòng thái tử Tất Đạt Đa mỗi ngày mỗi lớn; cho đến lúc Ngài kết luận dứt khoát: không hề có Thượng Đế, không hề có thần linh, chỉ có con người đau khổ phải tự cứu mình và cứu đồng loại cùng thoát khổ, đặng tìm ra niềm vui sống bằng sự giác ngộ của tâm thức mà thôi. 

Trong quyết định lìa bỏ tất cả để theo con đường khổ hạnh tìm chân lý giải thoát thì sự từ bỏ Thượng Đế nơi thái tử Tất Đạt Đa là sự từ bỏ khó khăn nhất, đau khổ nhất, quằn quại nhất. Barhman đã bao nhiêu năm là máu thịt, là khát vọng của Ngài về một sự bất tử của linh hồn (tiểu ngã) hòa cùng tuyệt đối đại ngã Thượng Đế...

Vĩnh biệt Thượng Đế, vĩnh biệt ngai vàng mà vua cha đã dành cho Ngài, vĩnh biết cha mẹ, vĩnh biệt vợ con, vĩnh biệt cung vàng điện ngọc... thái tử Tất Đạt Đa cùng với đệ tử Xa-Nặc nửa đêm trốn khỏi cung điện để làm một nhà tu khổ hạnh, chân đất, áo vải gai, không nhà không cửa, một mình khất thực đi tìm con đường giải thoát cho chính Ngài và cho chúng sinh...

Mỗi chúng sinh cần phải đi lại con đường gian khó chông gai tìm đạo của Ngài không phải trên trần gian mà chính ở ngay trong tâm mình. Ngài đã dùng 80 năm trong cuộc tại thế của mình để mở cho chúng sinh con đường tìm ra Niết Bàn ngay chính trong lòng mình. Con đường ấy Ngài đã phải đi qua 06 năm tu hành theo phái khổ hạnh, hành hạ thân xác mình đến tàn tạ, héo khô như rơm rạ, xuýt đã mất mạng nếu không có một người con gái dâng cho Ngài bát cơm trộn sữa. 

Ngài đã đi qua con đường của vua chúa để chuẩn bị làm vua mà vẫn không thoát khổ 

Ngài đã đi qua con đường xa hoa khoái lạc với cung tần mỹ nữ mà vẫn không thoát khổ. 

Ngài đã đi qua con đường hôn nhân của một gia đình tuyệt mỹ với vợ đẹp con khôn, giàu sang không ai sánh mà vẫn không thoát khổ 

Ngài đã tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế Brahman mà Thượng Đế vì không có thật nên vẫn không thoát khổ 

Ngài đã bỏ cung điện ra đi làm người hành khất để tìm chân lý qua sự hành xác là con đường tu khổ hạnh mà vẫn không thoát khổ 

Ngài bèn ngồi dưới gốc bồ đề để từ bỏ mọi con đường trên mặt đất, đặng ngồi kiết già, dùng tâm chiếu rọi vào bên trong, tìm ra con đường vào chính mình bằng sự thiền định suốt 49 ngày đặng thoát khỏi vọng ngã, thoát khỏi mê lầm vọng tưởng...

Và Ngài đã giác ngộ, đóa sen đốn ngộ đã xòe nở dưới chân Ngài. Ngài đã vượt qua sinh diệt, vượt qua sắc không, vượt qua mọi giới hạn vô thường... mà thành Phật...

Đức Thích Ca Mầu Ni một con người vĩ đại nhất nhưng khiêm cung giản dị nhất trần gian đã đến thế giới khổ đau này để ban tặng chúng sinh niềm vui. Đạo từ bi của Ngài là từ bi trong hỷ xả, trong niềm vui sống trút hết lòng ta vào với lòng người. Trong toàn cõi Ấn Độ cách đây hơn 2600 năm, sự phân biệt giai cấp còn rất kinh khủng và tàn khốc. Đa số dân nghèo ở đẳng cấp nô lệ còn khổ hơn súc vật. 

Ngài đã đến thế giới này để xóa bỏ mọi rào ngăn giai cấp, chẳng lẽ lại để một giai cấp vô sản (không có thật) giết hại các giai cấp khác để độc tôn cầm quyền như lý thuyết Marx - Lenine đang được các vị thầy chùa của “Phật giáo quốc doanh” có tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” đưa vào thờ chung với Phật bằng tiêu chí: “Đạo pháp-Dân tộc- chủ nghĩa xã hội” hay sao? Ngài đã đến thế giới này để xóa bỏ cái ác, xác lập chân thiện mỹ trong loài người, lẽ nào lại để các để tử của Ngài rước chủ nghĩa duy ác Marx - Lenine vào chùa hòa cùng tiêu chí diệt ác của Ngài sao? 

Trong bài: “Một nơi an lành cho Bác” (8) của Tưởng Năng Tiến in trên website Dân Làm báo, viết về chiến dịch thần thánh hóa ông Hồ Chí Minh theo kiểu Dũng Lò Vôi đưa tượng ông Hồ vào chùa của “Lạc cảnh Đại Nam quốc tự” để thờ như một ông Phật, tác giả viết: 

“Sự kiện này được phóng viên của Đàn Chim Việt, thường trú tại Varsovie, tường thuật như sau: 

“Trong phần nghi lễ chính, đại sứ Nguyễn Hoằng và phu nhân đã cùng làm lễ hô thần nhập tượng chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nghi lễ, việc ‘mời’ linh hồn Hồ Chí Minh để nhập vào tượng trực tiếp từ Lăng trên quảng trường Ba Đình hay từ hang Pác bó, và Bác sang Ba Lan bằng phương tiện giao thông nào là một điều bí hiểm thuộc ‘bí mật ngoại giao’ mà ông Hoằng đại sứ giữ kín không tiết lộ.” 

Ông đại sứ và phu nhân trong nghi lễ nhập hồn vào tượng. Ảnh: ĐCV. 

Cũng theo bài báo trên, quận ủy quận Tây Hồ Hà Nội đã chỉ thị cho các làng xã đưa tượng ông Hồ Chí Minh vào các đình làng thờ như thành hoàng của các làng trong toàn quận, như sau: 


“Thiên hạ đang xôn xao về việc “Hồ Chí Minh sẽ làm thành hoàng tại các đình làng. Theo chỉ đạo của Quận ủy & UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý đình làng Phú Xá (làng Sù – phường Phú Thượng, Tây Hồ, HN) đưa tượng Hồ Chí Minh vào đình làng này để thờ cùng thành hoàng làng (vốn ngự ở đình đã gần 300 năm). Cũng theo chỉ đạo, 3 nhà sư trong trang phục Phật giáo đã sử dụng 1 đầu trâu và 3 bát máu tươi để cúng cho hồn tượng thêm ‘linh.’ 

“Dự buổi lễ khánh thành tượng Hồ Chí Minh ở đình làng vào sáng hôm sau có các quan chức: Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đại diện các ban ngành đoàn thể của quận, phường. Tổng giám đốc Khu đô thị Nam Thăng Long, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bao bì xuất khẩu (hai đơn vị tài trợ chính) đã tham dự. Giá trị bức tượng khoảng hơn 2 tỉ đồng.Tới đây, quận sẽ chỉ đạo các Ban quản lý đình làng trên địa bàn quận học tập và làm theo để phấn đấu mọi đình làng đều phải có tượng Hồ Chí Minh được thờ cùng thành hoàng làng.” (8, 9)

Cứ đà này, chẳng mấy chốc, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” với tiêu chí: “ĐẠO PHÁP - DÂN TỘC - CHỦ NGHĨA XÃ HỘI” nhất định sẽ đưa tượng ông Hồ Chí Minh vào các chùa quốc doanh để thờ như thờ một vị Bồ Tát; lấy đà đưa tượng các ông Marx, Lenine, Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn-Pốt, Kim Nhật Thành... vào chùa để thờ như những vị Phật cộng sản, những vị “Phật” đã từng ra lệnh giết chết hàng trăm triệu người dân vô tội mà thế giới văn minh đã từng lên án. 

Nhân dịp mừng ngày Phật đản năm nay 24-5- 2013, kẻ viết bài này xin thỉnh các thầy của“Giáo hội Phật giáo Việt Nam” rằng có phải nền Phật học Việt Nam vốn nhân đạo thâm sâu, cao vời thánh thiện, siêu việt viên mãn đức từ bi hỷ xả từ độ Lý Trần, liệu có phải đang đến thời kỳ mạt pháp? A Di đà Phật, xin cám ơn các quý thầy và chờ sự thỉnh giáo của các quý thầy trên Internet... 


Sài Gòn ngày 22-5-2013 



______________________________________

Chú thích:









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến