Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Lãnh đạo hay đại diện?

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Cuộc chuyển hóa ngoạn mục của đất nước Miến Điện sang lộ trình dân chủ làm phấn khích và hy vọng cho cả thế giới và khu vực.

Sau một thời gian dài bị Hoa kỳ và Phương Tây phong tỏa và cấm vận làm đất nước Miến Điện kiệt quệ về kinh tế và lệ thuộc về ngoại giao với Trung cộng, giới quân nhân cầm quyền đã ngộ ra con đường sai lầm của mình có thể đưa đất nước đến bờ vực diệt vong và họ đã có thiện chí khi quyết định chọn lựa quyền lợi quốc gia thay cho quyền lợi của chế độ.

So với những cuộc cách mạng tại Trung Đông và Bắc Phi, cuộc chuyển mình của Miến Điện đặt ra trước các chế độ độc tài một viễn cảnh tốt đẹp nếu họ có viễn kiến và thành tâm thay đổi.

Người dân Việt Nam và giới bất đồng chính kiến đang đấu tranh để dân chủ hóa đất nước vẫn mở rộng tấm lòng và bàn tay để chờ đợi những người cộng sản thức tỉnh, hy vọng rằng vì quyền lợi quốc gia, vì tiền đồ tổ quốc và sự an nguy của cả dân tộc trước hiểm họa Trung cộng mà họ sẽ thay đổi, thực hiện dân chủ, từ bỏ độc quyền, và đặc quyền đặc lợi, trả lại cho người dân VN quyền làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.

Nhưng suốt cả năm 2012 (và những ngày đầu của năm 2013), khi đất nước Miến điện đạt được những tiến bộ to lớn về dân chủ như thả tù nhân chính trị, cho tự do báo chí và tôn trọng sinh hoạt đa nguyên và đa đảng, làm thay đổi cục diện quốc gia, làm cả thế giới vui mừng và ủng hộ thì đảng CSVN lại phá nát nền kinh tế, gia tăng đàn áp, bắt bớ những người yêu nước, những người đòi hỏi quyền làm người.
Những điều này làm người dân VN thất vọng, các nước trong khu vực và quốc tế coi thường đất nước chúng ta. Trong con mắt cộng đồng nhân loại văn minh, đất nước VN chỉ là xứ sở của bọn “man di mọi rợ” vì nơi đó đảng CS cầm quyền lấy súng đạn dùi cui, nhà tù và khủng bố để cai trị và áp đặt sự lãnh đạo.

Đất nước chúng ta đang ở vào một tình thế nguy hiểm khi an ninh quốc gia bị đe dọa, quyền lợi đất nước đang bị ngoại bang chiếm đoạt, con đường mở ra biển lớn mà tổ tiên người Việt đã bằng trí tuệ, xương máu và dũng lược để mở mang đang bị đóng lại, chúng ta đã mất biển Đông và trở thành một quốc gia bị cô lập và bị đe dọa, nhưng đảng cầm quyền không hề quan tâm đến việc sinh tử của quốc gia mà chỉ lo đấu đá nội bộ, tranh ăn, tranh quyền và đàn áp những ai yêu nước đã vì sự an nguy của quốc gia mà lên tiếng, đã vì tương lai thịnh vượng của dân tộc mà đòi quyền làm người.

TẠI SAO NHƯ VẬY?

Có rất nhiều lý do để giải thích việc này, trong đó có sự ngoan cố, tham lam, độc tài, tàn bạo và vô trách nhiệm đối với đất nước của đảng CSVN, sự thờ ơ của nhân dân VN và sự non yếu của lực lượng dân chủ.

- Sự thờ ơ của người dân VN:

Cái lý do làm cho người dân VN thờ ơ trước vận mệnh của quốc gia và sự chuyển biến của quốc tế và khu vực vì đảng CSVN từ khi cướp được chính quyền vẫn chủ trương cách ly người dân với những vấn đề chính trị. Họ nghiêm cấm người dân không được phát biểu ý kiến và quan điểm của mình bằng bất cứ phương tiện và hình thức nào về những vấn đề mà đảng CS cho là “nhạy cảm”. Không được bàn bạc trao đổi về những vấn đề chính trị vì chính trị là độc quyền của đảng CS.

Để cách ly người dân với chính trị ngoài những biện pháp mạnh như áp đặt điều 88 và điều 79 của bộ Luật hình sự để bỏ tù những nhà dân chủ, đàn áp, khủng bố những ai can đảm hành xử những quyền tự do được ghi trong Hiến pháp và Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị như bày tỏ quan điểm, biểu tình, lập hội, đảng CS còn nắm độc quyền thông tin và bưng bít thông tin.

Đảng CS dùng một nguồn lực khổng lồ của quốc gia để nuôi dưỡng 700 tờ báo, hàng trăm đài phát thanh và truyền hình, họ tước đoạt quyền tự do ngôn luận và thông tin của người dân bằng cách độc quyền sử dụng những công cụ này để tuyên truyền mị dân và khi cần như một công cụ để đe dọa khủng bố tinh thần.

Người dân VN chỉ được biết những gì đảng CS muốn cho họ biết, và tư duy theo tư tưởng chỉ đạo của đảng.

Nhưng thâm độc nhất vẫn là hệ thống giáo dục nhồi sọ và định hướng. Đảng CSVN kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục, dùng giáo dục như phương tiện để “trồng người”. Cái mà họ muốn có là một dân tộc sống trong sợ hãi, ích kỷ và vô cảm. Người dân chỉ biết sống cho mình, cho gia đình mình, tìm mọi thủ đoạn và phương tiện để vinh thân phì gia, không hề quan tâm đến xã hội và tha nhân. 

Dân tộc và tổ quốc chỉ còn là những ý niệm mơ hồ và phù phiếm?!

Đây là những lý do làm cho Phong trào Dân chủ (PTDC) không phát triển được vì PTDC không được tiếp sức, không được ủng hộ. Giá trị Nhân quyền và Dân chủ quá cao xa, viển vông và ngầm chứa nguy cơ trong con mắt của người dân Việt cho dù trong tâm thức họ vẫn khát khao tự do vì đó là bản năng của con người.

VỀ LỰC LƯỢNG ĐỐI LẬP.

Sau năm 1975, tại miền Nam có hàng trăm tổ chức đấu tranh hình thành, từ đấu tranh vũ trang đến đấu tranh chính trị bất bạo động, nhưng chưa bao giờ lực lượng đối lập dân chủ đủ mạnh để trở thành một đối trọng thật sự với đảng CS. 

Những ai quan tâm đến đất nước và dân tộc từ quốc nội đến hải ngoại đều nóng lòng và tự hỏi: Tại sao Phong trào đấu tranh dân chủ chưa thành công?

Tôi cũng nhiều lần đặt ra câu hỏi đó với chính mình, và hôm nay nhân dịp đất nước bước qua năm mới 2013 với những chuyển biến như vũ bão đã và sẽ xảy ra xin mạo muội đưa ra đánh giá của mình, hy vọng như một đóng góp ý tưởng để cùng tìm ra hướng đi cho PTDC trong tương lai.

Chúng ta chưa thành công vì chúng ta thiếu đoàn kết và thiếu tổ chức.

Lực lượng dân chủ hiện nay hoạt động rời rạc và manh mún. Một số góp phần vào công cuộc đấu tranh mang tính cá nhân vì họ chưa tìm thấy một tổ chức hay đảng phái nào phù hợp với quan điểm của họ và đường lối nào là khả thi. 

Còn những tổ chức và đảng phái chính trị dân chủ từ quốc nội đến hải ngoại mạnh ai nấy làm, không có được tiếng nói chung trong một tổ chức Thống nhất để phối hợp hành động.

Cho nên tổ chức nào, đảng phái nào cũng chỉ lo phát triển thực lực cho bản thân mình – điều này không có gì sai – nhưng vô tình đã dẫm chân lên nhau, có khi cạnh tranh ráo riết làm ảnh hưởng đến nguồn lực chung.

Chính những nỗ lực đơn phương và thiếu phối hợp trên bình diện lớn (quốc nội và quốc tế) đã hạn chế sức mạnh tổng lực của PTDC.

Khi nào lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh, chưa trở thành lực lượng đối trọng với đảng CSVN thì ngày đó sẽ chưa thể tranh thủ được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, chưa thể tạo lập được niềm tin trong lòng người dân - nhất là những thanh niên yêu nước - đang ở trong tình trạng manh mún chưa định hướng.

Phong trào Dân chủ không phát triển được trong thời gian dài để trở thành đối trọng với đảng CS làm nhụt chí nhiều người, làm mất niềm tin ở những người dân khao khát tự do và cả những đảng viên CS có tư tưởng tiến bộ.

Và cũng từ nguyên nhân này bị một số người cơ hội lợi dụng như một cái cớ để biện minh cho ý tưởng, mưu đồ “đối thoại” với nhà cầm quyền CS nhằm trục lợi cá nhân.

Muốn thay đổi tương quan lực lượng của chúng ta - PTDC - với đảng CS theo tôi phải thực hiện những việc sau:

- Lực lượng Dân chủ ở quốc nội và hải ngoại nên tiến hành đối thoại để hình thành một lực lượng chung, một tiếng nói chung và dưới một danh nghĩa như kiểu “Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ” của Miến Điện

Những cá nhân đơn lẽ sẽ yếu, những tổ chức đảng phái hoạt động đơn lẽ cũng không có hiệu quả không tạo được tiếng vang, uy tín và tương lai để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Nhưng khi chúng ta đoàn kết lại dưới một tập hợp với danh nghĩa chung, và có tiếng nói chung thì chắc chắn tình hình sẽ thay đổi và quốc tế sẽ nhìn chúng ta với con mắt khác, người Việt trong và ngoài nước sẽ nhìn chúng ta với thái độ khác.

- Khi chúng ta đã có một Tổ chức thống nhất và một tiếng nói thống nhất rồi, việc phải làm tiếp theo là bầu lên một người “lãnh đạo”.

Theo tôi việc tìm kiếm một người lãnh đạo cho PTDC hiện nay không dễ dàng đạt được sự đồng thuận vì nhiều lý do và thật sự là không cần thiết.

Chúng ta chỉ cần có một người đại diện ở quốc nội và một đại diện ở hải ngoại, để chúng ta danh chánh ngôn thuận vận động sự hậu thuẫn quốc tế.

Cuộc đấu tranh của chúng ta (PTDC) ngày hôm nay trong một thế giới toàn cầu hóa không thể thiếu sự ủng hộ của quốc tế, nhất là của chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ.

Miến Điện là một điển hình một kinh nghiệm quý báu cho chúng ta. Chúng ta có lợi thế là cộng đồng VN tại Hoa Kỳ là một cộng đồng lớn và thành đạt, đây là sức mạnh ngoại giao của chúng ta, ngoài ra chúng ta còn có cộng đồng VN tại Úc, Canada, Pháp, là những hậu thuẫn không hề nhỏ.

- Trong nỗ lực vận động sự hậu thuẫn quốc tế rộng lớn và đa dạng, quan trọng nhất hiện nay là vận động để giành giải Nobel Hòa bình.

Từ trước đến nay PTDC chúng ta thiếu sự phối hợp nên thực lực bị phân tán, không hội tụ lại một điểm để đạt hiệu quả. Tổ chức nào cũng muốn người của mình đạt được giải Nobel hòa bình mà chưa nghĩ đến đại cuộc của dân tộc, một mục tiêu chung để hướng tới. 

Một khi chúng ta có một tổ chức và một danh nghĩa thống nhất với một đại diện thì chúng ta sẽ dồn mọi nỗ lực vào một ứng cử viên duy nhất để vận động, tạo ra cơ may và khả năng lớn nhất để đạt được giải thưởng cao quý này. Không cần phải giải thích thì ai cũng biết với giải Nobel Hòa bình chúng ta sẽ có lợi thế vô cùng to lớn để tiếp tục vận động hậu thuẫn quốc tế và tập hợp quần chúng, tập hợp những người yêu nước để cho tiến trình dân chủ hóa VN nhanh chóng trở thành hiện thực như Miến điện.

Từ trước đến nay chúng ta thất bại vì chúng ta vận động cho quá nhiều nhân vật nổi tiếng của chúng ta trong đó có BS Nguyễn Đan Quế, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý... tôi không nghi ngờ gì là cả ba vị này đều xứng đáng, nhưng theo tôi chúng ta nên dồn mọi nỗ lực cho một người trước đã.

Trước nhu cầu cứu nước và dân chủ hóa đất nước cấp bách hiện nay theo tôi BS Nguyễn Đan Quế là nhân vật xứng đáng để trở thành người Đại diện cho PTDC tại quốc nội và cũng là người phù hợp nhất và có lợi nhất cho sự nghiệp chung để chúng ta dồn mọi nỗ lực vận động cho giải Nobel Hòa bình.

Bs Nguyễn Đan Quế có uy tín quốc tế, có học vị cao, có tư duy và phong cách của một nhà chính trị hiện đại, có viễn kiến, có bề dày đấu tranh và lập trường kiên định nhưng ôn hòa.

Để cứu nước và cứu dân tộc đòi hỏi chúng ta phải hy sinh rất nhiều, trong đó có khả năng lớn là bị tù đày, khủng bố, đàn áp, cướp đoạt tài sản và cũng có những hy sinh tinh tế như hy sinh cái tôi của mình, địa vị và quyền lợi của mình và của tổ chức cho đại cuộc.

Riêng cá nhân mình tôi sẵn sàng làm một người đứng sau cùng, người giúp việc nhỏ mọn trong PTDC để cứu nguy đất nước.

Chúng ta đã mất một thời gian quá dài và đã bỏ mất nhiều cơ hội để thành đạt mục tiêu Dân chủ hóa đất nước. Nếu chúng ta không đoàn kết để làm việc, không chịu hy sinh quyền lợi và cả danh tiếng của cá nhân và tổ chức của mình cho đại cuộc thì mãi mãi chúng ta sẽ thất bại, đừng để mất 5 năm hay 10 năm nữa!

Chúng ta nhìn tấm gương Miến Điện không phải để ngưỡng mộ mà để thực hiện như họ.

Người dân VN sẽ tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của một PTDC lớn mạnh, có tổ chức thống nhất, đoàn kết, được quốc tế ủng hộ và điều vô cùng quan trọng là có một đại diện sáng giá với giải Nobel Hòa bình như bà Aung San Suu Kyi.

Người dân VN không bao giờ “lãng mạn”, họ chỉ ủng hộ chúng ta nếu chúng ta đủ mạnh, có hậu thuẫn quốc tế và có một tương lai tươi sáng.

Kêu gọi người dân không bằng thu hút người dân.

Còn với đảng CS, họ sẽ từ bỏ ý định đàn áp chúng ta nếu chúng ta đủ mạnh, có hậu thuẫn quốc tế và có tương lai, và họ sẽ tự nhận ra rằng đàn áp không phải là lựa chọn đúng đắn và khôn ngoan.

Cơ hội đang chờ chúng ta, nhưng cơ hội sẽ không làm thay cho chúng ta!

Tam Kỳ 05/01/2013




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến