Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Góa phụ mặc đồ tang khiếu nại ngành y tế


BBC Vietnamese: Góa phụ mặc đồ tang khiếu nại ngành y tế

Cập nhật: 13:31 GMT - thứ bảy, 26 tháng 1, 2013
Góa phụ khiếu nại
Góa phụ Đặng Thị Liên yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh điều tra về vụ chồng bị chết 'sau khi mổ' ở một bệnh viện
Một góa phụ 'gây xôn xao dư luận' khi mặc đồ tang tới trước cơ quan quản lý y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh để khiếu nại và đòi Sở Y tế điều tra về việc chồng bà thiệt mạng sau khi bị một bệnh viện 'mổ sai,' theo truyền thông trong nước.
Hôm thứ Sáu, 25/1, bà Đặng Thị Liên năm nay 51 tuổi, cư trú ở TP. Hồ Chí Minh đã "mặc áo tang, mang băng rôn" tới trước cổng trụ sở Sở Y tế thành phố yêu cầu làm rõ cái chết của chồng bà là ông Đinh Văn Thường, người đã được Bệnh viện Bình Dân mổ sỏi "nhưng không có viên sỏi nào" và đã qua đời hôm 31/7/2012, theo tờ Người Lao Động.
Tờ báo nói đây là lần thứ ba góa phụ này mặc áo tang đi khiếu nại về cái chết của chồng và cho hay ngày 21/7 năm ngoái, ông Thường đến khám tại Bệnh viện Bình Dân vì "đi tiểu dắt kèm đau thận."
Hai ngày sau khi được mổ sỏi 'không có kết quả rõ ràng', các bác sĩ thông báo bệnh nhân này 'bị ung thư ống mật' và 'phải đặt ống dẫn lưu,' tới ngày ngày 21/11 thì bệnh nhân qua đời, một tờ báo khác, Phụ nữ Online, cho biết.
Tờ này trích lời góa phụ nói: “Sau ca phẫu thuật, dù sức khỏe của chồng ngày càng suy sụp nhưng phía bệnh viện vẫn cho xuất viện mà không cần phải đóng viện phí."
Bà Liên cho hay rằng qua những lần tái khám, khi thấy chồng bà ở trong tình trạng nguy kịch, bà đề nghị cho nhập viện trở lại "nhưng Bệnh viện Bình Dân kiên quyết từ chối."
"Đường cùng, tôi phải cầu xin Bệnh viện 115 và chấp nhận giải thích của bác sĩ rằng chồng tôi có thể sẽ tử vong tại đây,” bà được trích thuật nói.
Trước đó, đơn khiếu nại của gia đình bà Liên gửi đến Sở Y tế TP đã được cơ quan này tiếp nhận thụ lý từ ngày 29-8-2012, theo tờ Tuổi trẻ Online hôm thứ Bảy 26/1.
Nội dung đơn khiếu nại của góa phụ cáo buộc 'bác sĩ Bệnh viện Bình Dân tự ý mổ đặt ống dẫn lưu ống mật chủ cho bệnh nhân' mà không hỏi ý kiến người nhà, dẫn đến ông Thường tử vong.

'Không có sai sót?'
"Kết luận của các hội đồng nói bác sĩ của bệnh viện 'không có sai sót về phẫu thuật' cũng như không sai khi đặt ống dẫn lưu 'giải áp ống mật chủ.'"
Truyền thông trong nước cho hay Sở Y tế TPHCM đã mở hai hội đồng chuyên môn để xem xét vụ việc. Kết luận của các hội đồng nói bác sĩ của bệnh viện 'không có sai sót về phẫu thuật' cũng như không sai khi đặt ống dẫn lưu 'giải áp ống mật chủ.'
Hội đồng chuyên môn của Sở nhóm ngày 26/12 phán quyết 'giữ nguyên nội dung quyết định giải quyết đơn khiếu nại của bà Liên' trên cơ sở hội đồng chuyên môn cấp Bệnh viện Bình Dân họp ngày 24/8 năm ngoái.
Tuy nhiên, hội đồng gần nhất cho rằng "bác sĩ có thiếu sót không thông báo và tư vấn cho thân nhân người bệnh khi phát hiện có bất thường trong lúc mổ so với chẩn đoán trước lúc mổ" và yêu cầu giám đốc Bệnh viện Bình Dân "nghiêm khắc xử lý các bác sĩ chưa thực hiện tốt việc tiếp xúc, giải thích tư vấn cho người nhà về tình trạng bệnh nhân trong điều trị dẫn đến khiếu nại."
Về phần mình, góa phụ có vẻ đã không thỏa mãn trước các kết luận và vẫn tiếp tục thu hút dư luận khi hơn một lần xuất hiện cùng với các thân nhân khác trong bộ tang chế và yêu cầu có câu trả lời cuối cùng về cái chết và trách nhiệm, cũng như cách ứng xử của bệnh viên trong cái chết của chồng bà.
Thời gian gần đây, truyền thông trong nước cho hay đã có nhiều vụ khiếu nại về các ca tử vong mà ngành y tế ở trung ương và địa phương được cho là có liên can trách nhiệm.
Nhiều vụ việc trong đó, người nhà các nạn nhân nói bệnh viện và các giới chức ngành y tế 'đã tác trách,' hoặc 'có sai sót trong chuyên môn' khi chẩn đoán, điều trị.
Nhiều vụ khác cáo buộc ngành này có những hành vi được cho là 'phân biệt đối xử với bệnh nhân' có thu nhập thấp hoặc thuộc các 'thành phần xã hội dế bị tổn thương' và qua đó 'hạn chế các cơ hội' được cứu chữa, chẩn đoán, chăm sóc, cấp cứu, điều trị kịp thời dù 'ở mức tối thiểu đối' với họ, điều 'có thể đã là nguyên nhân' trong một số ca tử vong hoặc ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng ở bệnh nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến