Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Khả năng Việt Nam phải nhờ đến sự trợ giúp của IMF



Thanh Phương (RFI) - Trong một báo cáo công bố trên trang web của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam ngày 05/09/2012, ủy ban này cho rằng Việt Nam có thể phải cần đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và phải nhanh chóng giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn, nếu không kinh tế Việt Nam có nguy cơ trì trệ lâu dài.

Trong bản báo cào dày 298 trang, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị hai điều mà chính phủ cần làm ngay. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải đưa ra các văn bản pháp lý rõ ràng về các hoạt động mua bán nợ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Uỷ ban, đây là một yêu cầu « rất quan trọng » để giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn.

Thứ hai, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam đề nghị chính phủ thành lập một quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quỹ này có thể được hình thành từ nguồn vốn vay từ IMF hoặc các quỹ quốc tế khác mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, quỹ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có thể sử dụng tiền tiết kiệm từ chi tiêu chính phủ hoặc từ việc bán trái phiếu của chính phủ. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam thẩm định rằng cần phải huy động thêm ít nhất 12 tỷ đôla vào việc giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg News hôm nay, 06/09/2012, chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang cố khôi phục sự tín nhiệm của Việt Nam sau vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nhà tài phiệt sáng lập ngân hàng ACB, ngân hàng lớn thứ tư ở Việt Nam tính về giá trị, vào tháng trước.

Trước đó, công an cũng đã bắt giữ ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tuột dốc mạnh ngày 27/08/2012, vì người ta sợ rằng những vụ bắt giữ có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam thêm bất ổn định, trong khi Việt Nam hiện đã có mức nợ xấu cao nhất Đông Nam Á.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,47% cuối tháng 5 vừa qua. Nhưng chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tháng 4 vừa qua nhìn nhận rằng tỷ lệ nợ xấu trên thực tế cao hơn con số chính thức, còn ngân hàng Mizuho thẩm định là có đến 20% nợ ở Việt Nam là nợ xấu.

Hãng tin Bloomberg News trích lời ông Peter Ryder, giám đốc điều hành công ty Indochina Capital ghi nhận : « Việt Nam nay đã đến mức cần phải tìm phương cách tái cấp vốn cho các ngân hàng và tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng ». Tuy nhiên, ông Peter Ryder nghĩ rằng, Việt Nam nhờ IMF trợ giúp ngay mà không tính đến những giải pháp khác thì quả là điều rất đáng ngạc nhiên, vì người Việt Nam vẫn có truyền thống bảo vệ độc lập.

Theo Bloomberg News, bên cạnh việc giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy việc sát nhập những ngân hàng yếu kém với nhau. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ra lệnh cho các lãnh đạo ngành tiền tệ giải quyết tình trạng thiếu vốn vay, khiến hàng hàng ngàn công ty đã phải phá sản.

Nhưng như nhận định của Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo nói trên, nguyên nhân sâu xa của những bất ổn hiện nay là do mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hoạt động rất kém hiệu quả, nhưng vẫn được giao cho « vai trò chỉ đạo » nền kinh tế Việt Nam.

Thanh Phương

* Xem thêm:

VN có thể phải xin IMF cứu trợ

Cập nhật: 13:47 GMT - thứ năm, 6 tháng 9, 2012
Ngân hàng VN
Hệ thống tài chính Việt Nam sẽ có thể cần đến gói vay cứu trợ khổng lồ để có thể khắc phục khó khăn
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ phải xin cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF để giải quyết nợ xấu.
Như vậy Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn nhất Đông Á phải cầu viện tổ chức này từ sau những năm 1990.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 'đặt hàng' và đăng tải trên trang web của ủy ban này ngày 4/9 cho thấy Việt Nam sẽ cần phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hành động thật nhanh để giải quyết khối nợ xấu.
Theo bản báo cáo dài gần 300 trang, hệ thống tài chính của Việt Nam có thể sẽ cần phải vay vốn cứu trợ từ 250 nghìn tỷ đồng (12 tỷ đôla) đến 300 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên giới quan sát cũng đặt nghi vấn cho việc liệu chính phủ Việt Nam có thực sự lựa chọn cách cầu cứu IMF.
Ông Peter Ryder, giám đốc điều hành bộ phận quản lý quỹ và phát triển bất động sản của Indochina Capital, bình luận với hãng tin Bloomberg:
"Việt Nam đang ở trong tình thế phải tìm kiếm những con đường nhằm điều chỉnh vốn và tái cơ cấu nền móng của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, nhất là khi nhìn vào lịch sử độc lập mãnh liệt của họ, việc phải tìm đến IMF trước khi đã cạn kiệt những cách khác là một điều đáng ngạc nhiên."
Ngoài việc vay vốn IMF, nhóm kinh tế gia làm báo cáo còn gợi ý có thể phát hành trái phiếu thời hạn từ 3-5 năm, cắt giảm chi tiêu Nhà nước và thu hút vốn hoặc đầu tư từ các công ty nước ngoài.
Loại trái phiếu 3-5 năm này có thể sử dụng với mục đích huy động tiền dư thừa từ các ngân hàng thương mại chứ không phải để Ngân hàng Nhà nước mua lại và cần phải được trích từ việc cắt giảm khoản chi thường niên lên đến 20-21% GDP của ngân sách Nhà nước.
Bản báo cáo cho biết, nếu giảm tỷ lệ chi tiêu xuống mức cách đây 5-10 năm (16-17% GDP) thì có thể dư ra khoảng 3%, tức khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng nên lập một công ty để mua nợ xấu. Tuy nhiên bản báo cáo cho rằng công ty này phải sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài.
"Tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn đang ở mức báo động, trong lúc mức dự trữ nợ xấu của Ngân hàng là không thích đáng", trích bản báo cáo.

Niềm tin đổ vỡ

Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm đẩy khối nợ xấu xuống dưới 3% trước năm 2015
Bloomberg trong tin ra ngày 6/9 nhận xét: "Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang lao đao trong việc khôi phục lại niềm tin tại Việt Nam sau khi vụ bắt nhà tài phiệt (Nguyễn Đức Kiên) hồi tháng trước làm lộ ra tính mỏng manh của hệ thống tài chính, bị làm khốn đốn thêm bởi khối nợ xấu cao nhất Đông Nam Á."
"Tăng trưởng Việt Nam tụt xuống 4,4% trong nửa đầu năm so với mức 8,5% hồi năm 2007 khi các khoản vay bị đình trệ, kìm hãm doanh thu quốc gia và bẻ gãy khả năng giải cứu các ngân hàng của nước này."
Nợ xấu hiện tại đang ở mức 8,6%-10% theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.
HSBC trong báo cáo ngày 4/9 cho rằng, khối quốc doanh đóng vai trò lớn trong việc gieo rắc gánh nặng lên nền kinh tế.
Từ năm 2009, khối tín dụng rẻ khổng lồ được bơm vào các Tập đoàn Nhà nước đã đẩy tăng trưởng tín dụng tăng lên đến mức chóng mặt.
Tuy nhiên các Tập đoàn Nhà nước, với sự quản lý yếu kém, thống kê thiếu minh bạch và những sai phạm nghiêm trọng trong đầu tư đã dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, kèm những khoản thất thoát vốn Nhà nước và những khối nợ khổng lồ, góp phần tăng khối nợ xấu.
Hiện tại, Việt Nam đang có kể hoạch cắt giảm khối nợ xấu xuống dưới 3% trước năm 2015, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cho biết đã sẵn sàng để ép buộc các ngân hàng yếu kém sát nhập.
HSBC cho biết ngân hàng này tỏ ra khá lạc quan về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách nền kinh tế nhưng cũng nhấn mạnh tính cần thiết của sự kiên nhẫn trong việc cải cách để dọn dẹp nợ xấu, đồng thời thiết lập một nền kinh tế đền đáp xứng đáng cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến