TBT Trọng nói về sửa đổi Hiến pháp
Cập nhật: 04:04 GMT - thứ ba, 26 tháng 2, 2013
Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng vừa nói rằng nhiều đóng góp sửa đổi Hiến pháp của dân là 'suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức'.
Truyền hình Việt Nam trong chương trình thời sự tối thứ Hai 25/2 đã phát bài phát biểu của ông Trọng khi ông làm việc tại tỉnh Phú Thọ vào cùng ngày.
Chủ đề liên quan
Nội dung buổi làm việc của ông Tổng Bí thư với Ban Thường vụ tỉnh ủy chủ yếu nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, kiểm điểm phê bình và tự phê bình. Tuy nhiên ông Nguyễn Phú Trọng cũng đưa ra chỉ đạo về quá trình thu thập ý kiến sửa đổi Hiến pháp 92.
Ông nói về các "luồng ý kiến" trong sửa đổi Hiến pháp: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…"
Các ý kiến mà ông gọi là "suy thoái" đó bao gồm đóng góp về Điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội....
Ông nói: "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?"
"Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”
'Không có vùng cấm'
Hiện Quốc hội Việt Nam đang tổ chức lấy ý kiến của người dân cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi, dự tính tới cuối tháng Ba sẽ khóa sổ.
Quá trình đóng góp ý kiến bị chỉ trích là quá chóng vánh (ba tháng) và không thực chất.
Huấn thị trước Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Trọng yêu cầu giới chức Đảng địa phương tổ chức cho nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhưng "không để một số cá nhân lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Đảng, Nhà nước ta".
"Vừa rồi đã có các luồng ý kiến [về sửa đổi Hiến pháp] cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…"
TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng
Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng có phát biểu "điểm mặt chỉ tên" những ý kiến mang tính trái chiều về sửa đổi Hiến pháp mà thời gian gần đây đã được một số giới kiến nghị lên Quốc hội, cũng như mang ra thảo luận trên các diễn đàn.
Một bản kiến nghị do 72 nhân sỹ trí thức chủ xướng đã đề xuất b̉o Điều 4 Hiến pháp cũng như bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam và tôn trọng sở hữu tư nhân về đất đai...
Bản kiến nghị này nay đã có trên 5.600 chữ ký.
Việc người đứng ở vị trí cao nhất của Đảng Cộng sản gọi các đóng góp sửa đổi Hiến pháp trên là "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức" dường như trái ngược với tuyên bố của đại diện Quốc hội Việt Nam trước khi bắt đầu thu thập ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý, người cũng là Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hồi cuối tháng 12/2012 nói: "Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”.
"Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả."
Ông cũng hứa rằng mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu và giải trình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét