Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Thịt chuột “Vì tương lai con em chúng ta”

 basamvietnam on 12/01/2013
Đôi lời: Cách đây chừng ba chục năm, cố Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, từng là Bộ trưởng Y tế Chính phủ CHMNVN, một trí thức đáng kính, từng tuyên bố trả thẻ đảng, đã nói trước diễn đàn Quốc hội VN, đại ý rằng “Chúng ta đã hy sinh Giáo dục, Y tế”.  
Thực tế cho tới hôm nay đã trả lời cho nhận xét đó, mà cũng như là một chân lý về hình mẫu chế độ. 
Mấy ngày nay, liên tục có những câu chuyện đau lòng liên quan giáo dục, từ vụ 80 giáo viên bỗng nhiên bị mất biên chế cho tới đời sống cùng cực của các cháu học sinh nội trú miền núi. Xin đăng lại đây 2 đoạn video phóng sự của VTV, một bài thơ của độc giả – Nhà giáo Hà Văn Thịnh viết và gửi lên phần phản hồi, ngay sau khi xem bản tin của VTV trưa nay, một bài viết ngắn của một nhà báo mới gửi tới, làm rõ thêm và có chút thắc mắc nhỏ về cách làm báo, đồng thời giới thiệu 2 bài báo trước đó của Tiền phong/PLVN và 24h/Bee.
Thiết nghĩ Giáo dục như nền tảng cho phát triển toàn xã hội, mà với thực trạng mấy chục năm qua và còn tiếp tục chưa biết tới bao giờ, thì sẽ di hại cho cả Dân tộc này có lẽ cả trăm năm sau cũng không khôi phục nổi. 

.


.

THIÊN ĐƯỜNG CHUỘT

Người ta dạy cho tôi
Thiên đường nơi xa kia là mịt mù, ảo ảnh
Còn “chúng ta” có cả ngàn sao lấp lánh
Rực sáng “Thiên đường của các con tôi”(1)
Bao nhiêu năm của đời say ơi
Tôi sống với ngu ngơ những năm tháng tuyệt vời
Cho đến ngày hoảng hốt
Không phải ngày 12 tháng Một(2)
2013
Tin nghe buồn hơn cả đám ma:
Lũ trẻ con ở Sơn La phải tìm về với chuột
Bởi cơm ăn chẳng có gì cùng nuốt
Ngoài những hạt sương giá buốt năm độ âm…
Cũng chẳng phải ngày tôi phải hóa thành câm
Muốn nói chỉ ư hừ ngọng nghịu
Nghe chính trị ngợi ca cái “vạn lần”(3) hơn lá đa nhỏ xíu
90 triệu con người cong mình ngất xỉu
Với niềm tin bong bóng ngọt lành
Và chẳng phải là ngày tôi nghe Trần Đăng Thanh
Hắn nói rằng phải mang ơn xâm lược
Hàng vạn máu xương của ngày này 34 năm trước
Chẳng thể sánh với sổ hưu, canh cặn, cơm thừa
Của cái gọi là “nghĩa tình”
“Sớm nắng chiều mưa”(4)…
Đó là ngày tôi chợt tỉnh với suy tư
Rằng bịp bợm của Goebel chưa phải
Là tận cùng dối trá
“Sự thật” của ông ta chỉ một phần đồ giả
Nhưng thiên đường của tôi lũ bợm ngập tràn…
Thiên đường ư, sao dậy tiếng kêu than
Sao cái ác cứ lộng hành mãi thế
Sao các quan cứ béo phì, bụng phệ
Khi lớp lớp sinh viên mỗi năm đến giảng đường
Cứ thấp dần, cứ ỏng eo hơn?…
Có thể
Những điều vội viết kém văn chương
(Ai đó đừng vội cười, vội bỉu)
Bởi ngay cả thiên đường cũng có trò tài xỉu
Người ta đánh bạc đất nước này
Bằng những nụ cười tươi…
Sắp đến Tết rồi , ông X ơi
Nghe ông nói cười ra nước mắt:
“Phải đảm bảo mọi nhà có tết”(5)
Ông có tin không
Lũ chuột nhạo cười
Và lũ trẻ nghẹn lời
Nước mắt tuôn rơi…
Huế, 14:00, 12.1.2013.
1) Thơ Tố Hữu, “Miền Bắc thiên đường của các con tôi”
2) VTV1, Chào Buổi Sáng, 12.1.2013
3) Bà NTD nói dân chủ của ta gấp vạn lần tư bản
4) Thơ Tố Hữu: Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa/ Chợ trời thật giả đâu chân lý/ Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa…
5) Thủ tướng NTD tuyên bố.
—–

Trẻ dân tộc nội trú, thịt chuột và truyền thông

Trưa ngày 12/1, bản tin của VTV1 đưa phóng sự về việc trẻ em một điểm trường dân tộc nội trú ở huyện Bắc Yên- Sơn La ăn thịt chuột để cải thiện bữa ăn, cách đưa tin làm nhiều người xót xa.
Cách đây hơn 1 năm, tháng 10/2011, theo chương trình “Mùa đông không lạnh”, đoàn công tác gồm tổ chức RED và bạn bè đã chuyển ít quà Hà Nội đến bản vùng cao Suối Sát (xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên- Sơn La).
Vào thời điểm đó, tìm hiểu về các đối tượng khó khăn, anh Vũ Xuân Hùng (Bí thư xã Hua Nhàn- nguyên cán bộ phòng giáo dục huyện Bắc Yên) nói về trẻ em dân tộc đi học nội trú, bán trú. Đối tượng này, lên lớp 3 lớp 4 lớp 5 thì mỗi bản có dăm em, phải tụ về học tại các điểm trường ở xã, cách vài ba chục km, thường cuối tuần mới về nhà.
Đây là đối tượng đặc biệt khó khăn, ngoài thực tế kinh phí hạn hẹp, còn một phần còn do văn hóa đồng bào Mông. Ở nhà thì có ăn có ấm, chứ xuống trường thì phụ huynh cũng ít quan tâm.
Bữa ăn, sinh hoạt của các em như thế nào thì mời tham khảo Chương trình Bữa cơm có thịt của bác Trần Đăng Tuấn. Ngắn gọn là cơm thì có, nhưng không có thức ăn, còn ở và mặc thì sơ sài phong phanh.
Nhưng phải lưu ý ở đây một thực tế: với đồng bào người Mông khó nói thế nào là ấm no, vì quanh năm suốt tháng, trên đỉnh núi, tại bản của họ, vào mùa gió rét mà mấy đứa trẻ vẫn cởi truồng, ăn bữa cơm lèo tèo?!
Lại nói về thịt chuột, sau mùa ngô, chuột là đặc sản ở Bắc Yên. Anh Vũ Xuân Hùng cho biết, nếu đoàn RED đến Bắc Yên mùa này, chắc chắn sẽ được đãi một bữa chuột tẩm nướng, rán, nấu kiểu đồng bào ngon tuyệt. Chuột đây là chuột rừng, tầm khoảng 5-6 con 1kg, thỉnh thoảng có bán ở chợ Bắc Yên.
Hỏi gặng anh Hùng rằng thịt chuột đồng bào còn nấu những món nào nữa, thì anh bảo vào Gu Gờ hỏi “món ngon thịt chuột” thì biết. Ghé qua Gu Gờ thì không những ra nhiều món thịt chuột mà còn ra vài bài báo từ hơn 1 năm trước đã viết về việc trẻ em dân tộc nội trú vùng cao cải thiện bằng món thịt chuột.
Đọc các bài báo này, dễ thấy hoàn cảnh của trẻ dân tộc nội trú và việc ăn thịt chuột là 2 việc khác nhau. Tuy nhiên trên VTV hôm nay, không hiểu vô tình hay cố ý, thì 2 việc trên đã bị lồng vào thành 1 phóng sự sốc: trẻ em vùng cao đói rét phải bắt chuột để ăn!!!
Hỏi ra thì “Bữa cơm có thịt” của bác Trần Đăng Tuấn còn chưa ghé qua đây. Cái Quỹ người ta góp thịt gửi cho bọn trẻ vẫn còn luẩn quẩn ở Bộ Nội vụ chưa xong, thành ra từ năm ngoái đến năm nay bọn trẻ vẫn bắt chuột…
Mắt Đỏ đã hẹn với bác Tuấn sắp tới sẽ tổ chức một Hội thảo báo chí truyền thông với công tác xã hội, nếu tiếp thu được sáng kiến giải pháp gì mang tính căn bản cải thiện đời sống bọn trẻ, Quỹ Mùa đông không lạnh đang tồn 14 triệu xin gửi gắm cả.
Mắt Đỏ
———

Cận cảnh học trò vùng cao săn chuột để thoả cơn thèm thịt

Dựng lều tạm, chiều bẫy chuột, sáng lấy chuột về làm thịt ăn… là cuộc sống hằng ngày của các em nhỏ vùng cao Kim Bon, Phù Yên, Sơn La trên con đường học chữ.
1
Lều tạm do học sinh tự làm để ở.
Những căn lều tạm
Đến được nơi mà các em nhỏ Kim Bon sống và học tập chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ đi từ chân núi, vượt qua nhiều dãy núi. Đường lầy lội vào mùa mưa, mùa hè thì bụi mù dày đặc. Cuộc sống của các em nhỏ nơi đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Xã Kim Bon là một trong những xã lớn nhất ở huyện Phù Yên, xã chủ yếu có hai dân tộc sinh sống là người H’Mông và người Dao. Cư dân ở đây sống rải rác ở các ngọn núi khác nhau. Để tìm kiếm được con chữ, các em nhỏ phải vượt mấy chục cây số để đến trường.
2
Chỗ trọ 70 nghìn một tháng của học sinh vùng cao.
Do trường cách quá xa nhà nên việc vận động học sinh ở bán trú để đến trường đối với các thầy cô giáo và cán bộ xã vô cùng khó khăn.
Cô Hồng, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon, cho biết: “Các thầy cô giáo trong trường phải đến tận từng nhà, từng bản cách trường mấy chục cây số để vận động các em đi học, nhưng cứ mùa thu hoạch ngô và lúa nương đến thì phụ huynh bắt con ở nhà đi làm nương, thầy cô giáo không thấy học sinh đến lớp lại đến tận nhà vận động phụ huynh cho các em đến trường”.
Cách trường mấy chục cây số, không có tiền thuê trọ, những cậu học trò người Dao phải vác gỗ, nứa từ nhà đến làm lều tạm cách trường gần 2 km. Căn lều tạm quá đơn sơ, ngoài những cây gỗ dựng lên thành khung, lấy những tấm mên làm từ tre chắn xung quanh, nền nhà bằng đất và chỉ bỏ mấy tấm gỗ làm phản để ngủ. “Lạnh buốt chân và tay mỗi khi đi ngủ vào ban đêm” – Đặng Văn Cường – một học sinh trọ học thỏ thẻ.
Còn những em nhỏ có điều kiện hơn thì thuê nhà người dân để ở, “Mỗi tháng chúng em mất 70 nghìn/người tiền chỗ ở, tiền điện tính riêng. Mà tháng này không hiểu sao lại tăng giá điện, em mất 9 nghìn đồng trong khi đó tháng trước có 7 nghìn. Mỗi tháng bố mẹ cho em hơn 100 nghìn đi học”, cậu học trò Đặng Văn Khánh kể.
Những căn nhà tạm bợ như thế này không thể che mưa, chắn gió ở nơi có thời tiết khắc nghiệt như ở vùng cao Kim Bon được. Mùa đông ở đây nhiệt độ luôn dưới 10 độ mỗi khi đêm về, kéo theo đó là sương mù dày đặc.
Săn chuột cải thiện bữa ăn
“Thèm ăn thịt” là cảm giác chung của những em học trò nơi ở nơi đây. Bởi có về nhà thì các em cũng chỉ được bố mẹ cho một ít gạo, mấy mớ rau, vài quả bí đỏ và một hộp muối để ăn với cơm.
Bạn nào sang hơn thì bố mẹ cho thêm một lọ măng muối chát đắng vì mặn. Vì vậy mà thịt chuột là món ăn được các em chọn làm thức ăn “sang” mỗi ngày và nhất là để giải tỏa cơn “khát” thịt.
3
Cơm trắng ăn với cá khô rang muối.
Bẫy chuột là công việc hằng ngày của các em nhỏ sau mỗi giờ học. Các em chia từng tốp nhỏ, chia luôn những nương lúa, ngô, sắn để bẫy chuột. Chiều học về lúc 16h, các em lại rủ nhau đi đặt bẫy, sáng sớm tinh mơ tầm 5h sáng rủ nhau đi lấy chuột.
Đặng Văn Cường vừa mới nhập học cách đây mấy hôm mặt buồn rượi khi kể về sự thất bại liên tiếp của mình. “Em chưa quen với cách bẫy chuột ở nơi đây nên mấy hôm liên tiếp theo các bạn đi bẫy nhưng em không bắt được con nào, nên em ăn cơm rau hoặc ăn với muối”.
Về cách làm thịt chuột như thế nào Cường chia sẻ: “Em đập chết chuột, xong lột da nó ra và hơ lên bếp, rồi mổ bụng nó ra, vứt hết bộ lòng, để lại gan và xào lên ăn với cơm”.
Với những học sinh ở khu bán trú thì nếu không bắt được chuột thì các em mua cá khô để ăn cơm. Có cá khô để ăn với cơm là quá sang với các em nhỏ nơi đây, Thầu A Sếnh đang rửa cá khô cho vào nồi phấn chấn nói: “Cá này em mua 5 nghìn, cho hai người ăn với cơm, em rang với muối”.
Chân trần, áo mỏng… và rét
Đến thăm những học sinh trường tiểu học, không ít người mủi lòng khi thấy các em mong manh trong áo mỏng, chân đất đỏ ửng. Khi được hỏi các em có lạnh không, cả nhóm xôn xao tiếng H’Mông “No no” (rất lạnh – PV).
4
Những đứa trẻ chân trần, áo mỏng chống chọi với giá rét.
Áo ấm, tất chân… đối với các em là thứ quá xa xỉ. Một bà mẹ người H’Mông bế con trên tay, đứa bé chỉ có một cái áo, không có quần… Những đứa trẻ chân trần đỏ ửng, đứng run lên từng hồi vì lạnh. Các em vẫn đang mơ ước có một cái áo ấm chống rét.
Theo Hồ Sỹ Anh
Pháp Luật Việt Nam
—————–

Bữa cơm thịt chuột của trẻ vùng cao

Thứ Năm, 17/11/2011, 09:45 AM (GMT+7)5
.
(Giao duc) – Thịt chuột trở thành món ăn “cải thiện” hàng ngày của các em học sinh người Mông thuộc diện nội trú xã vùng cao Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Là một trong ba xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Kim Bon là địa bàn cư trú chủ yếu của người Mông và Người Dao. Tại trung tâm xã, có 3 điểm trường chính gồm mầm non, tiểu học và trung học. Ngoài ra còn có các điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường tới 18 cây số. Do điều kiện đi lại khó khăn, nhiều học sinh cấp 1 và 2 phải ở nội trú và được gia đình chu cấp tiền, lương thực hàng tháng.
Mỗi tháng được “phát” vài chục nghìn đồng
Thào A Sênh đã học tới lớp 5 nhưng không thể nhớ mình bao nhiêu tuổi. Biết gia đình khó khăn nên: “Bố mẹ cho bao nhiêu chỉ biết lấy bấy nhiêu thôi!” – Sênh nói.
Sênh cho biết, số tiền nhận được hàng tháng từ gia đình thường chỉ vài chục nghìn đồng. Với ngần ấy tiền, việc duy trì bữa ăn đã khó, chuyện mua sắm quần áo hay những đồ dùng phục vụ sinh hoạt càng trở nên xa xỉ.
Thờ A Chang, 17 tuổi, đang học lớp 9 tại trường trung học cơ sở Kim Bon, thì khá khẩm hơn. Bản Đá Đỏ của Chang cách trường tới 10 cây số, thêm phần đi lại khó khăn nên ở nội trú là lựa chọn duy nhất để cậu học sinh người Mông được học văn hóa. Mỗi tháng từ 2 đến 3 lần về thăm gia đình và lấy thêm gạo nên Chang thường không phải chịu đói.
Số tiền mà gia đình Chang chu cấp đều đặn nằm trong khoảng 200 nghìn đồng một tháng. Dù biết số tiền ấy không đủ để chi tiêu cho sinh hoạt và học tập, nhưng Chang không hề có ý đòi hỏi thêm.
6
Thịt chuột được Giàng A Ninh làm sạch trước nguồn nước chính của học sinh nội trú
Thịt chuột “cải thiện”
Chủ nhật, nhiều học sinh tại cụm trường Kim Bon tranh thủ về thăm gia đình và lấy thêm đồ dùng. Trong khi đó, Thào A Sênh, Thờ A Chang và một số ít học sinh ở lại. Các em đang loay hoay trong khu bếp kí túc với lũ chuột vừa bẫy được tối hôm trước.
Thờ A Chang kể lại, buổi chiều sau giờ tan học, đám học sinh nội trú chia nhau đi vào các ngả rừng hay những ruộng nương của bà con khu vực gần trường để đặt bẫy thú rừng. Sáng hôm sau, chúng lại chia nhau tìm tới những bẫy và hầu như chẳng có mấy học sinh phải về tay không.
7
Cơm đủ no, nhưng không phải lúc nào cũng được ăn thịt
Bẫy chuột của học sinh Kim Bon rất đơn giản. Một chiếc kẹp sắt có hình bán nguyệt, một mẩu ngô hay một mẩu sắn kẹp vào chính giữa chiếc bẫy để làm mồi nhử.
“Bẫy chuột dễ lắm!” – cậu học trò Thào A Sênh hào hứng. Nhiều em học sinh không cần dùng bẫy cũng có thể bắt được chuột ngay trong kí túc của trường.
Hôm nay, Thờ A Chang được giao nhiệm vụ làm thịt chuột. Đầu tiên, Chang hơ qua con chuột trên bếp củi. Sau khi chuột đã cháy trụi lông, Chang mang ra vòi nước phía sau khu kí túc để mổ bụng, làm sạch và chặt ra thành từng miếng nhỏ.
Cạnh hai nồi cơm đầy, đám bạn của Chang và Sênh đã có thêm hai món ăn cải thiện từ thịt chuột. Chang có món thịt chuột xào với hành tây, còn Sênh đun lên để nấu với mì tôm. Đám bạn không còn lạ lẫm nên không vây quanh nhìn chúng nấu nữa. Chỉ có những vị khách từ miền xuôi lên là vây kín Chang và Sênh cùng hai nồi thịt chuột đang được đun trên bếp với những ánh mắt đầy lạ lùng.
Khi nhóm bạn của Chang và Sênh vừa ăn xong bữa sáng thì Giàng A Ninh, 15 tuổi, học sinh lớp 9 mới bắt đầu chế biến món thịt chuột của mình. Nước từ trong khe núi chảy từng giọt, Ninh kiên nhẫn chờ đợi để rửa cho bằng được món thịt. Hôm nay, Ninh và các bạn của mình vừa bẫy được 3 con chuột, số thịt chuột ấy sẽ được rang lên và ăn trọn trong bữa cơm sáng.
Hơn 3 năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy Hà Trọng Nghĩa, hiệu trưởng trường cấp 2 Kim Bon cho biết: “Hầu hết gia đình của các em chỉ có thể chu cấp gạo. Ngoài việc tự nấu cơm hàng ngày, học sinh nội trú ở cụm trường Kim Bon tự kiếm thêm thức ăn ở rừng vì số rau quả các em tự trồng không đáp ứng đủ”.
1400 học sinh trong tổng số hơn 5000 dân của Kim Bon vẫn đang kiên trì đến lớp. Chưa một em học sinh nào kêu lấy một tiếng khổ. Các thầy cô tại điểm trường chính Kim Bon cũng không thể làm gì giúp các em, vì bản thân thầy cô và nhà trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Bùi Trang (Bee.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến