Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

HÈN HẠ KHIẾP NHƯỢC

Trương Duy Nhất
le-dinh-chinh-300x193Hôm nay 6/1/2013, các báo đồng loạt đưa tin cải táng hài cốt Lê Đình Chinh, người anh hùng liệt sĩ  đầu tiên trong cuộc chiến biên giới Việt- Trung 1979. Điều kỳ lạ là hầu hết các báo đều không dám nhắc đến cái tên kẻ thù của cuộc chiến tàn khốc bi thương đó. Duy nhất một tờ Thanh Niên(có lẽ do lọt sàng)  đã nêu được đích danh tên kẻ thù- đó là “quân xâm lược Trung Quốc”.
hưa có thời nào bi hề và nhục nhã thế. Thủ tướng thì phải gọi trại ra là “đồng chí X”. Tàu của bọn cướp biển thì phải gọi là “tàu lạ”. Kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, bắn chết Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh trong cuộc chiến Việt- Trung 35 năm trước thì không dám gọi thẳng tên mà phải bóng gió xa xôi ám chỉ bằng những cách chung chung khôi hài như: “quân xâm lược từ bên kia biên giới”, “những tên côn đồ từ bên kia biên giới”…

Đến mức mấy chữ “quân Trung Quốc” khắc trên tấm bia ghi chiến tích của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 cũng bị đục nát như bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời:
Xin đừng ngụy biện bằng những “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt”. Hà Nội, Điện Biên, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên… trên khắp nước Việt này vẫn còn nhiều chứng tích của các cuộc chiến tranh Việt- Pháp, Việt- Mỹ, những dòng chữ  khắc ghi “tội ác thực dân Pháp, đế quốc Mỹ”…  vẫn còn đầy ra đấy. Có ai đục bỏ đâu, có “mười sáu chữ vàng” với “bốn tốt” đâu mà tình hữu nghị Việt- Pháp, Việt- Mỹ vẫn nồng thắm. Thậm chí  bao thế hệ người Pháp người Mỹ còn thích tìm đến những nơi chốn đó, thắp hương quỳ lạy và cảm thấy yêu cái nước Việt này hơn.
Thế nhưng tại sao cái chữ “quân Trung Quốc xâm lược” lại phải đục bỏ. Đến mức người dân biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo cũng bị đàn áp, bắt giam. Đến cái tên kẻ thù xâm lược bắn giết đồng bào mình cũng không dám gọi tên. Húy kỵ đến hèn hạ, tránh né đến khiếp nhược như thế nhưng tại sao quan hệ Việt- Trung vẫn chẳng lúc nào yên.
35 năm nằm im trong lòng đất, liệt sĩ anh hùng Lê Đình Chinh và hàng vạn đồng đội của anh đã ngã xuống, thấm máu vùng biên cương kia, có ngờ được rằng hôm nay tổ quốc của các anh lại không dám gọi thẳng cái tên kẻ thù đã nã đạn vào đầu các anh ngày ấy.
Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay? Có ai phải nghiến răng bóp chặt tay thành nắm đấm căm giận…
Không có sự hèn hạ nào hèn hạ bằng. Không có sự khiếp nhược nào khiếp nhược đến thế.
* Xem thêm:

Tôn vinh liệt sĩ, tránh nhắc Trung Quốc?

Cập nhật: 16:29 GMT - chủ nhật, 6 tháng 1, 2013
Ảnh của báo Thanh Niên
Lễ an táng hài cốt liệt sĩ Lê Đình Chính diễn ra ngày 6/1
Đang có tranh cãi trên mạng quanh cách tường thuật của truyền thông Việt Nam về lễ an táng hài cốt liệt sĩ đầu tiên trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung.
Buổi lễ an táng hài cốt Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh, được xem là người lính đầu tiên hy sinh trong giai đoạn hai nước căng thẳng ở vùng biên giới 1978-79, vừa diễn ra sáng 6/1 ở nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.
Tuy vậy, hầu hết các báo trong nước đều chỉ nói ông Chinh hy sinh khi “chiến đấu chống quân xâm lược”, chứ không nhắc hai chữ “Trung Quốc”.
Bảo vệ biên giới
Theo báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, đơn vị của ông Lê Đình Chinh “được điều động lên tỉnh Lạng Sơn bảo vệ biên giới phía bắc” vào năm 1978.
Tờ báo nói ông hy sinh ngày 25/8/1978 “trong chiến đấu chống quân xâm lược” và được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 30 cùng tháng đó.
Báo Tiền Phong thì viết ông “đã hy sinh khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội và người dân khỏi quân xâm lược từ bên kia biên giới”.
Một tờ báo phía Nam, tờ Tuổi Trẻ, tường thuật “khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội và cán bộ của mình, anh Lê Đình Chinh đã hi sinh”.
Một trang mạng khác, báo Dân Trí, nói ông bị sát hại vì “những tên ‘côn đồ’ từ bên kia biên giới kéo sang”.
Dường như báo Thanh Niên là cơ quan truyền thông nhà nước duy nhất viết ông Chinh “hi sinh tại biên giới phía Bắc khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc”.
Chỉ trích
Một luồng dư luận trên mạng đang lên tiếng chỉ trích cách đưa tin này.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập hỏi: “Vì sao báo Dân Trí không chỉ đích danh kẻ sát hại anh hùng Lê Đình Chinh là bọn Trung Quốc xâm lược mà gọi đó là côn đồ?”
“Ai, kẻ nào đã cấm báo Dân Trí không được nhắc đến hai tiếng Trung Quốc, kẻ đó nhất định là đồng bọn của lũ bán nước cầu vinh,” ông phẫn uất.
Trong khi đó, trang điểm báo Ba Sàm đặt câu hỏi cho Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi quản l‎ý báo chí trong nước: “Có hay không chuyện cấm các báo nhắc tới hai chữ ‘Trung Quốc’ khi nói về người anh hùng mà thế hệ trẻ đã và đang học tập tấm gương, nhưng lại không được biết kẻ nào đã giết anh?”
"Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay?"
Trương Duy Nhất
Một blogger khác, Trương Duy Nhất, gọi cách đưa tin hôm 6/1 là “bi hề và nhục nhã”.
“Đọc những dòng tin trên báo hôm nay, có ai nhận ra mình đã khóc, nước mắt sót cay? Có ai phải nghiến răng bóp chặt tay thành nắm đấm căm giận…”
“Không có sự hèn hạ nào hèn hạ bằng. Không có sự khiếp nhược nào khiếp nhược đến thế,” ông viết.
Thi hài của ông Lê Đình Chinh, sau khi ông hy sinh, được đặt Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhưng bây giờ được đưa về Thanh Hóa.
Ông Lê Đình Chinh, lúc hy sinh, đang là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng trong đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (sau này là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).
Khi chiến tranh biên giới Việt – Trung chính thức nổ ra tháng Hai năm 1979, tên của ông được nhắc đến rộng rãi qua bộ máy tuyên truyền của Việt Nam.
Một ca khúc nổi tiếng giai đoạn ấy là bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” do Phạm Tuyên sáng tác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến