Đào Tiến Thi
Mấy ngày đầu khi đội tàu khủng của Trung Quốc còn đang trên đường đến vùng biển Trường Sa (13 – 15-7-2012), nhiều báo lề phải lẫn lề trái còn tích cực đưa tin và bình luận. Nhưng từ hôm chúng đến (chiều 15-7) cho đến hôm nay (18-7), khi đội tàu cá này đã chính thức thả lưới xuống biển của Việt Nam đến ngày thứ ba[i] thì tin bài thưa dần. Cho đến hôm nay đã cảm thấy vắng bóng. Các báo lề phải, ngay cả tờ Tuổi trẻ, một tờ có tiếng nói mạnh bạo hơn cả, hôm nay trên trang nhất cũng quay trở lại chuyện đời thường “cướp - giết - hiếp” với không ít các tin nóng: Công an điều tra vụ giết người dã man, 17 năm tù cho kẻ hiếp dâm con ruột, Từ chuyện game sex bước vào thế giới của con,... Không có bài nào về tình hình Trường Sa trong số 9 bài “tin nóng”, còn ở mục “tuyển tin nóng”, trong 10 bài cũng chỉ có 2 bài về Biển Đông, trong đó có một bài về tranh chấp Trung Quốc – Philipine. Tờ Thanh niên chỉ có một bài về Hoàng Sa, không có bài nào về Trường Sa.
Biểu tình tuần qua không có, ngược lại hoạt động (hay “thị trường”, nói như Blogger NBG) chống biểu tình thì được mùa. Sau khi ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nổ phát súng lệnh, có ít nhất 4 cơ quan truyền thông vào cuộc: An ninh thủ đô, Kinh tế và đô thị, Hà Nội mới, Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Kết quả là hai biểu tình viên tích cực – cụ Lê Hiền Đức và LS. Lê Quốc Quân bị hạ nhục, lực lượng chống biểu tình thắng lợi giòn giã. Các “thế lực thù địch” cũng thôi không “xúi giục, kích động” biểu tình nữa.
Một số trí thức có tên tuổi quan tâm đến đất nước, thường lên tiếng những dịp như thế này thì lần này cũng chả thấy ai. Cũng chả thấy kiến nghị, tuyên bố, tuyên cáo, lấy chữ ký gì cả.
Báo “lề trái” cũng ể oải một vài bài bình luận, với giọng chủ đạo là bi và hài, báo hiệu một sự thất vọng ở ngay bộ phận tích cực chống xâm lược nhất.
Phải chăng đa số dân chúng, trong đó có cả những trí thức lớn đã bị “thuyết phục” như đưa tin của HTV ngay sau cuộc biểu tình ngày 1-7, cho nên thôi biểu tình, thôi phản biện, thôi tranh đấu để tránh “làm phức tạp tình hình”, và yên tâm là đã có “Đảng và Nhà nước lo”?
Không thấy ông Lương Thanh Nghị lên tiếng “cực lực phản đối” như mọi lần. Lần này chỉ thấy Hội Nghề cá Việt Nam và Ủy ban Biên giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao lên tiếng. Cái phát ngôn của Ủy ban Biên giới (13-7, lúc tàu Trung Quốc đang trên đường đi, chứ lúc nó chính thức đánh cá thì chưa thấy) nghe “hòa bình” đến mức không thể “hòa bình” hơn được nữa:
"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế". (Vietnamnet)
Cho nên tôi thử đặt ra hai khả năng:
Hoặc đây là phương pháp “đấu tranh hòa bình”, nó tế nhị khôn khéo đến mức mà người trần mắt thịt như tôi không thể biết.
Hoặc bó tay bất lực, chỉ còn biết trông chờ lòng tốt của quân kẻ cướp? Nếu vậy ít nữa nó cho ngư dân lên hẳn quần đảo Trường Sa làm nhà làm cửa (không cần quân đội đánh chiếm) thì mình cũng chỉ “yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân” mà thôi?
Nhân dùng chữ “bó” mà nhớ ngay đến câu thơ Nguyễn Du 200 năm trước:
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Nghĩ mà nản quá. Mượn mấy câu thơ của cụ Võ Liêm Sơn cách đây gần một trăm năm để an ủi vậy:
Trời không cùng đất không cùng
Núi người chồng chất
Bể người mênh mông
Ờ sao núi toan thành vực
Bể toan thành đồng
Tấn tuồng tranh cạnh xông mưa gió
Giọt máu oan cừu đỏ núi sông
Thôi thôi, thôi Thánh hiền, thôi Tiên Phật
Thôi hào kiệt, thôi anh hùng
Ngàn năm sự nghiệp nước về Đông...
ĐTT
[i] Chúng dự định đánh bắt ngay đêm 15-7, nhưng gặp mưa lớn nên phải để sang đêm 16-7-2012.
(Bài do tác giả gởi đến)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét