Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

BBC - Y án 4 năm tù cho công an 'đánh chết dân'


Gia đình Trịnh Xuân Tùng không hài lòng với bản án phúc thẩm dành cho Nguyễn Văn Ninh

Phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Văn Ninh, trung tá công an đã gây ra cái chết của ông Trịnh Xuân Tùng, vào sáng thứ Ba ngày 17/7 đã y án sơ thẩm đối với ông này.
Ngoài ra những người công an trực ban và dân phòng có liên quan đến vụ bắt giữ ông Tùng được tòa án quyết định không truy cứu nữa.
Ông Ninh bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử về tội danh Làm chết người khi thi hành công vụ.
Hồi đầu năm 2011, ông Trịnh Xuân Tùng bị ông Ninh bắt giữ vì không đội mũ bảo hiểm khi tham giao thông và bị đưa về đồn. Tại đây, ông Tùng đã chết với các thương tích do bạo hành.
Bản khám nghiệm tử thi của Viện pháp y Quân đội kết luận nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ kèm theo liệt tủy.
Gia đình và bạn bè nạn nhân Trịnh Xuân Tùng đến tham dự phiên xét xử được loan báo là công khai này đã đồng loạt mặc đồng phục đen có in khẩu hiệu bằng tiếng Anh dịch ra tiếng Việt là ‘Hãy chấm dứt tình trạng công an giết dân’ và ‘Công lý cho mọi người’.

‘Bảo vệ bị cáo’

Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng, đã nói với BBC sau khi kết thúc phiên tòa rằng gia đình cô phản đối bản án 4 năm dành cho bị cáo và rằng đây là ‘một kết quả bất công’.
"Viện kiểm sát cứ lặp đi lặp lại rằng quy trình xử sự của những người công an trực ban hôm đó là đúng, rất đúng và rằng họ không có lỗi gì ngoài việc không báo cáo lên và không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời."
Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng
Cô cho rằng bản án này không khác gì bản án sơ thẩm và cáo buộc rằng đây là bản án ‘được dàn dựng sẵn’.
Theo như cô nói thì ở phiên tòa sơ thẩm này thì cả Viện kiểm sát và hội đồng xét xử đều có thái độ bảo vệ bị cáo Nguyễn Văn Ninh.
“Viện kiểm sát cứ lặp đi lặp lại rằng quy trình xử sự của những người công an trực ban hôm đó là đúng, rất đúng,” cô nói.
“Họ không có lỗi gì ngoài việc không báo cáo lên và không đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời,” cô thuật lại lời của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
Tuy nhiên cô Tiến phản bác các lập luận này của Viện kiểm sát với bằng chứng là công an đã giam giữ bố cô ‘trái pháp luật’.
“Họ không thông báo cho gia đình em biết, không có giấy tờ rõ ràng, hồ sơ thì tạo dựng,” cô giải thích.
Cô cho biết chủ tọa phiên tòa phát biểu rằng ông Ninh có nhiều đóng góp cho ngành công an và hỏi ông này ‘có bao nhiêu các bằng khen và huân chương’.
“Ông Ninh trả lời có hai huân chương còn bằng khen thì không nhớ, vậy mà họ vẫn dùng như là yếu tố giảm nhẹ tội cho ông ta,” cô bức xúc.
“Họ nói việc này cũng có lỗi của bố em và việc xảy ra như thế là không mong muốn,” cô nói thêm.

‘Dẫn dắt lời khai’

Bạn bè thân hữu của gia đình Trịnh Xuân Tùng trước tòa án
Bạn bè gia đình Trịnh Xuân Tùng muốn kêu gọi công lý cho tất cả những nạn nhân của công an
Cô Trịnh Kim Tiến cũng than phiền về một số điểm mà cô cho là khuất tất trong phiên tòa phúc thẩm hôm thứ Ba 17/7.
“Phiên tòa công khai mà chỉ có bốn người trong gia đình được tham dự còn người thân và bạn bè của gia đình không được vào,” cô nói.
Một điều bất thường nữa, theo cô Tiến, là phiên tòa vẫn diễn ra bất chấp sự vắng mặt của một số nhân chứng quan trọng dù gia đình cô đã đề nghị phải triệu tập các nhân chứng này trong phiên tòa trước đó.
Cô Tiến không được phép công khai đối chất và phải thông qua hội đồng xét xử để hỏi những người liên quan đến vụ án, cô cho biết.
Tuy nhiên, “câu trả lời không hề rõ ràng,” cô kể lại, “Họ nói là không nhớ, quá lâu rồi hoặc chối cãi những gì đã khai trong hồ sơ vụ án.”
“Những điểm bất công phi lý trong hồ sơ vụ án họ không hề giải thích được mà Tòa không hề để ý đến trong khi Viện kiểm sát phản bác những quan điểm của gia đình em,” cô cho biết.
"Em có cảm giác như là có sự dẫn dắt để những người này khai. Câu hỏi gợi ra những câu trả lời có lợi (cho bị cáo Ninh)."
Trịnh Kim Tiến, con gái nạn nhân Trịnh Xuân Tùng
Cô nghi ngờ những nhân chứng được triệu tập đến tòa ‘bị ép cung, mớm cung’ vì ‘lời khai mâu thuẫn vô lý’.
“Em có cảm giác như là có sự dẫn dắt để những người này khai. Câu hỏi gợi ra những câu trả lời có lợi (cho bị cáo Ninh),” cô nói.
Cô lấy dẫn chứng khi tòa chất vấn việc ông Ninh đã hết thời gian làm nhiệm vụ lại dẫn dắt ông vào ý là ông có quyền xử lý tình huống ngay tại chỗ để ông Ninh trả lời.
Dẫn chứng nữa về lời khai ‘không đúng sự thật’ à nhân chứng Trần Đức Lợi nói ‘chắc chắn rằng bố em đi giày màu đen nhưng hôm đó bố em đi dép có quai hậu’.
“Nhân chứng Lê Văn Hiếu khai rằng ông Tùng bị say rượu dù ông đứng xa đến cách 17 mét,” cô kể, “Ông Hiếu có giải thích rằng vì ông thấy bố em to tiếng với ông Ninh khi bị bắt nón bảo hiểm.
“Tôi nghe thì tôi biết là có uống rượu,” cô thuật lại lời của nhân chứng này và nói rằng tòa đã dựa vào ‘lời khai giả định’ này mà kết luận là ông Tùng có uống rượu trong ngày xảy ra vụ việc.
"Phiên tòa này không chỉ thể hiện công lý cho gia đình em mà là công lý chung vì tình trạng công an đánh chết dân ngày càng nhiều và không có sự chế tài của pháp luật thật nghiêm khắc."
Trịnh Kim Tiến, con gái nạn nhân Trịnh Xuân Tùng
Cô cũng than phiền việc tòa bác bỏ yêu cầu của gia đình xét xử ông Ninh về tội ‘cố ý gây thương tích làm chết người’.
Cô lập luận rằng ông Ninh chủ ý bạo hành với bố cô khi ‘túm tóc giật mình về phía sau một người đang trong tư thế đứng và đè sấp xuống đất’ vì ‘ông Ninh biết rõ rằng hành vi này có thể gây tổn thương tính mạng con người.’
Bên cạnh đó, ông Ninh còn ngăn chặn việc cứu chữa kịp thời nạn nhân dù ‘gia đình đến van xin cho được đưa đi cấp cứu’.
Khi được hỏi có tiếp tục kháng cáo không, cô Tiến trả lời rằng ‘phiên tòa này không chỉ thể hiện công lý cho gia đình em mà là công lý chung vì tình trạng công an đánh chết dân ngày càng nhiều và không có sự chế tài của pháp luật thật nghiêm khắc’.
“Sau phiên tòa này em chưa thể trả lời sẽ làm gì tiếp theo,” cô nói, “Nhưng công lý thì phải luôn đấu 
tranh để giành lấy.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến