Ngày 4 tháng 4 và Cù Huy Hà Vũ
Một phiên tòa và một người hồn nhiên bất trị
Phạm Toàn
1. Lao động và lao động trí óc
Những điều bàn luận về khái niệm trí thức, về người trí thức, giới trí thức, về sự dấn thân của người trí thức … dường như có thể trở thành bất tận … Nếu không thay đổi cách thảo luận, nếu cứ tiếp tục viết những lời áp đặt theo kiểu “trí thức là thế này …” hoặc “trí thức thì phải thế này …” hoặc “nước ta chưa có giới trí thức” cùng vế đối của nó “nước ta chỉ có trí thức cận thần” … thì rất khó gặp gỡ nhau, là mục đích của mọi cuộc luận bàn.
Nghĩ rằng sở dĩ có những cuộc “thảo luận đẻ ra thảo luận” thay vì “thảo luận đẻ ra chân lý” lâu nay là vì ta chưa mổ xẻ chính đối tượng trí thức đang cần được mổ xẻ, phân tích.
Bài viết này thử thay thế khái niệm trí thức bằng khái niệm người lao đông trí óc rồi thử xem xét điều lâu nay vẫn gọi là “vấn đề trí thức” theo cách phân tích đặc tính những người lao động trí óc trong mối quan hệ với lao động chân tay – hoặc lao động xuông thôi – nghĩ rằng có khi lại thuận tiện hơn cho việc nhận chân một giá trị.
Lao động …
Nếu tra từ travail trong từ điển Robert (bản của Tàu chụp in năm 1972, trang 1824) thì thấy tác giả giải nghĩa như sau. Chữ travail bắt đầu xuất hiện trong ngôn ngữ Pháp từ năm 1210. Từ này có nguồn gốc từ tiếng latin trepalium, một biến thái của chữ tripalium, có nghĩa là “công cụ tra tấn”. Cái công cụ tra tấn này lại có gốc gác từ chữ tripalis có nghĩa là “công cụ ba chân cọc”. Cái công cụ có ba chân cọc này là một thiết bị dùng để giữ chặt những con vật to lớn như ngựa, bò (không đến mức to như voi) khi cần tiến hành những việc gì đó liên quan tới con vật to xác kia: khi đóng móng cho nó chẳng hạn, còn khi thiến chẳng rõ thiết bị đó có dùng được không!
Thứ lao động phái sinh trong lịch sử từ quan điểm “tra tấn” như thế có thể là sự mô tả trung thực lao động nói chung của con người. Thứ lao động đó có ít nhất mấy đặc điểm sau. Một là, bao giờ nó cũng nặng nhọc, nặng nhọc như bị “tra tấn”. Ngay như nó có là “lao động nhẹ” mà cứ bị cầm tù vào nó ngày lại ngày, thì quả tình đó cũng là một thứ tra tấn! Sau này, nhất hạng là ở những nước có danh hiệu là xã hội chủ nghĩa, sự mị dân là hết sức cần thiết để việc lao động có bản chất vất vả nặng nhọc được chấp nhận như một niềm vui! Vui đấy, vinh quang đấy, hết lòng thi đua đấy, nhưng vẫn thích được tăng lương và nâng bậc – do đó, ta sẽ thấy trong khái niệm lao động còn có một đặc điểm thứ hai, hễ đã lao động thì phải được trả công.
Chỉ cần mở cuốn sách xưa cũ nhất của loài người là Kinh Thánh của đạo Gia-Tô là thấy ngay từ chương đầu đã nói đến nỗi cực nhọc của lao động mà loài người không sao vùng vẫy thoát ra được.
Chàng Adam dại dột nghe vợ ăn vụng quả táo cấm, chàng liền bị Chúa đuổi ra khỏi Khu Vườn Cực Lạc, và Người chỉ phát lệnh miệng không kèm theo văn bản như sau: “Vì ngươi đã nghe lời vợ nên đã ăn trái cây ta ra lệnh cho ngươi không được ăn, nên từ đây vì ngươi mà đất cũng bị nguyền rủa theo. Kể từ nay, ngươi phải làm lụng cật lực mới có cái ăn và phải làm lụng như thế trong suốt đời mình, mà ngay như vậy thì đất cũng chỉ mọc lên cho ngươi những cỏ cùng gai thôi, ngươi phải ăn cỏ mọc trên đồng. Ngươi đổ mồ hôi sôi nước mắt để có miếng bánh mì mà ăn cho tới khi thân ngươi từ cát bụi lại trở về với cát bụi”. (Kinh Thánh, bản tiếng Pháp của Louis Second, Khải nguyên, 3:17, 18,)
Lao động vất vả khổ sai mà loài người vẫn không xa rời lao động, cái ấy mới lạ! Hình như có lần tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy nhắc cho tôi ý kiến nhà triết học Nietzsche hoặc Deleuze chi đó mà chị để tâm nghiên cứu, từ nguồn sách này mà có nhận xét rằng “lao động trả công là ông cảnh sát bậc thượng thặng để duy trì trật tự xã hội (…) nó là dây cương kìm giữ con người, nó ngăn chặn hết sức mạnh mẽ sự phát triển năng lực tư duy, năng lực và ý chí sống độc lập của con người”.
Lao động trí óc…
Thế mà, người lao động trí óc tuy cũng là kẻ làm công ăn lương, có khi đó còn là người lao động nô lệ nữa, nhưng thân phận lại hoàn toàn khác nếu không nói là hoàn toàn ngược lại với hoàn cảnh lao động mô tả như khổ sai suốt đời nói trên.
Đặc điểm thấy ngay của người lao động trí óc ấy là họ tự giao việc cho mình, không nề hà, không toan tính.
Chẳng ai ra lệnh cho nhà vật lý học Marie Curie phải làm việc trong hoàn cảnh bị hạt phóng xạ bắn phá – hình chụp cuốn sổ tay trong hộc bàn của bà bị “bắn” lỗ chỗ làm ta xúc động ngưỡng mộ cái vầng trán thanh khiết thiên thần của người phụ nữ nhỏ nhắn ấy.
Chẳng ai ra lệnh cho chàng nô lệ xấu xí Aesope cả, và ngay trong khi lao động khổ sai chàng vẫn quan sát cuộc đời và nghĩ thầm trong đầu rồi kể ra những câu chuyện ngụ ngôn tồn tại cả chục thế kỷ sau khi chàng qua đời – và ta có thể nói không sợ sai rằng có Aesope thì mới có nhà làm thơ ngụ ngôn La Fontaine nước Pháp, và nếu không có Aesope và La Fontaine thì cũng không có nốt dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh của Việt Nam.
Trong hàng ngũ những người lao động trí óc ấy, rất lạ kỳ là những nhà thơ! Và cũng rất lạ kỳ là họ hay lắng nghe tiếng đêm, lắng nghe tiếng mưa. Nguyễn Trãi trằn trọc cả đêm nghe mưa (Thính vũ) – Trương Kế thì cả đêm không ngủ ngồi nhìn những ngọn lửa thuyền chài và những ngọn gió trên sông (giang phong, ngư hỏa đối sầu miên) – Trần Tế Xương thì nửa đêm vẫn “vẳng nghe tiếng ếch bên tai, giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò” ở bến con sông đã bị lấp … Đến đời sau, một Hoàng Cầm cũng đau đáu nghe Mưa Thuận Thành, nghe mưa của lịch sử những cung phi những hoang phế và những nỗi đau quê nhà … Không ai giao việc vò võ mất ngủ ấy cả. Họ tự giao việc cho mình.
Nếm náp một vài thí dụ về người lao động trí óc cốt để thấy căn cốt của họ không gì khác hơn là một thứ tinh thần tự do. Những người lao động sau này được thu gom vào giai cấp vô sản không có thứ tinh thần tự do ấy. Người nông dân muôn thuở lụi cụi trên mảnh đất tiểu nông không thể có thứ tinh thần tự do ấy.
Thật viển vông khi suy diễn việc những nhà văn tập hợp quanh Emile Zola để cứu Dreyfus là sự khởi đầu cho việc dùng từ “intellectuel” hay là “trí thức”! Người trí thức không có thời điểm ra đời tập thể. Tinh thần tự do ra đời với từng cá nhân. Vì thế mà rất khó tập hợp các ông trí thức thành một giới trí thức. Cũng không nên dùng sự xuất hiện chữ “intelligentsa” gốc tiếng Nga để “mở rộng” khái niệm người trí thức và giới trí thức vào một sự chuẩn mực là sự dấn thân trí thức. Không! Người trí thức đã có từ rất xa xưa, từ khi kẻ nô lệ như Aesope có tinh thần tự do. Chàng nô lệ Spartacus chắc cũng nhiều đêm nghe mưa như Nguyễn Trãi nước Việt nên mới có cuộc đại khởi nghĩa ở Roma xưa lập nên một “nước cộng hòa” ảo tưởng đầu tiên của người nô lệ có tên Thành bang Mặt trời, cũng đầy tinh thần tự do như cuộc “lên đàng” của Nguyễn Trãi khi trốn khỏi thành Đông Quan để lên rừng tìm Lê Lợi. Người trí thức chỉ làm được cái việc riêng mình thích thú do đó mà tự ra lệnh cho mình thực hiện. Người trí thức đích thực là con người cá thể. Cái người đi xin đề tài nghiên cứu, xin luôn cả đề cương nghiên cứu, xin luôn cả một hội đồng … thì sau đó dù có “bảo vệ thành công” rực rỡ thì cũng chỉ là anh thư lại đi giành giật mảnh bằng đóng mác khoa học, không phải người trí thức.
Nếu bây giờ muốn thay lao động trí óc bằng thuật ngữ trí thức thì chắc là ta vẫn phải giữ cái điều cốt lõi tinh thần tự do mà nếu thiếu nó thì sẽ chẳng có gì hết, chẳng có trí thức, chẳng có dấn thân, xin nhắc lại: chẳng có gì hết.
Người trí thức không bao giờ đòi kẻ khác cho mình “được cởi trói”, “được” tự do – người trí thức tự nó là tinh thần tự do. Người trí thức không bao giờ thèm khát vật chất như trong câu chuyện tiếu lâm hiện đại “Phở là gì” – một câu chuyện được đặt ra sau khi cất giọng run run nhớ nhung Chiều Mát-xít-cơ-va để xin xỏ tí phở, tí bậc lương, tí giáo sư, tí xe, tí nhà công vụ … Hoàn toàn không thấy trong “chuyện vui” ấy một chút gì tinh thần tự do của người trí thức. Vui ấy bao nhiêu đau bấy nhiêu.
Vậy lấy tiêu chí gì để đo tinh thần tự do của người trí thức?
Chỉ có một câu trả lời: thành tựu công việc theo chuyên môn hẹp mà người trí thức đã chọn. Thành quả nhiều ít to nhỏ, danh tiếng đồn gần đồn xa bao nhiêu cũng được. Giải Nobel không phải là sung chín để lúc nào cũng hái một cách dễ dàng. Cốt ở công việc làm đều đặn, kiên trì, một lòng một dạ. Cốt ở công việc trước lạ sau quen, trước sai nhiều đúng ít sau sai ít đúng nhiều, trước màu mè hoa hòe hoa sói sau ngày càng gắn với thực tiễn cuộc sống và càng gần với lòng dân.
Trí thức gắn với những ngành nghề đặc biệt, khi khoa học khi công nghệ, khi nụ cười khi nước mắt, khi tinh vi khi lại sần sùi cuộc đời thậm chí có cả mùi bùn và mùi thuốc súng, gì cũng được, miễn đã là người trí thức thì nhất định phải có chút gì đó chính tay mình dâng lên nhân dân và dâng lên dân tộc.
Trí thức là như vậy. Không phải cái danh.
2. Phản biện xã hội
Ở trên kia, có nói tới đặc điểm của người trí thức là anh ta tự giao việc cho mình. Nay phải nói thêm: việc mà anh ta tự giao cho mình bao giờ cũng là việc lớn, có tầm vĩ mô. Nói thêm nữa: hễ đã tự giao việc cho mình, anh ta bao giờ cũng tin chắc như đanh đóng cột rằng đó là việc lớn, có tầm vĩ mô. Cuộc sống sẽ phán xét cái việc tự giao đó vĩ mô tới đâu, lớn tới đâu … và thành tựu tới đâu. Nhiều khi đánh giá trái với sự tự đánh giá của chủ thể tự giao việc lớn, việc vĩ mô! Vì thế mà minh triết cộng với trí thức Pháp có câul’homme propose, Dieu dispose để sẻ bớt gánh nặng cho bề trên!
Vì nhãn giới do học và trải nghiệm mà có, và vì tinh thần tự do cố hữu có thể là từ khi chào đời, mà người trí thức thường sớm nhận ra những điều bất thường trong xã hội thuộc các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và nhiều địa hạt chi tiết khác nữa. Có đặc điểm là, hễ người trí thức phát hiện thấy điều gì khác lạ trong xã hội, thì bao giờ họ cũng nhìn vấn đề tốt xấu theo một viễn cảnh xa và rộng như thói quen nghiên cứu của họ. Nhiều người có ý kiến sai, nhiều người có ý kiến đúng, nhiều người gửi đầy những ảo tưởng trong giải pháp họ đưa ra, nhưng có đặc điểm này cần phải ghi nhận: người trí thức không bao giờ nhìn nhận vấn đề và đưa ra giải pháp nhằm thu gom tư lợi.
Giải pháp của Einstein gửi tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt về việc làm bom nguyên tử là một thí dụ luôn luôn nhỡn tiền dù cả gần một trăm năm đã trôi đi! Nguyễn Trường Tộ hoàn toàn không tơ hào chút lợi lộc gì khi đề nghị canh tân đất nước, sao cho cả nước đầy như sao sa những ngọn đèn treo ngược. Nhuận bút của Truyện Kiều rõ ràng không rơi vào túi Nguyễn Du. Tranh Tô Ngọc Vân chỉ làm đẹp nhà Bảo tàng chứ không làm cho tài khoản của người họa sĩ tài hoa đó căng phồng. Những cuộc chấn hưng văn hóa (dù thất bại) thời Pháp thuộc do Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe … và biết bao nhà trí thức khác đứng ra chủ trương đều cho thấy tính chất “phi lợi nhuận” của các công trình họ là tác giả. Thơ của Tản Đà và Tú Xương đầy những ý tưởng giúp đời, nhưng chúng chưa bao giờ giúp các ông hết nợ – và trong khi Nguyễn Văn Vĩnh chết vì nợ nần và vì sốt rét ở đất Lào xa cố hương, thì Nguyễn Bính cũng chết bên cầu ao nhà một người bạn ông tới vay tiền vào một chiều ba mươi Tết.
Khổ thế ấy, vậy mà các nhà trí thức vẫn không bao giờ nản. Một mặt, họ phản biện xã hội bằng các kiến nghị này khác, sự nở rộ của báo chí dưới thời thuộc Pháp là một thí dụ. Nhưng một mặt khác, và là điều quan trọng hơn, ấy là người trí thức còn dùng chính công trình khoa học, nghệ thuật, kinh tế, và xã hội của họ như là những cái mẫu cho sự tiến bộ trình ra cho xã hội – làm việc đó với tâm lý không tin tưởng vào những nhà cầm quyền, dù là nhà cầm quyền biết học cách cười mỉm với họ. Phản biện xã hội của Hoàng Xuân Hãn nằm ngay trong công việc nhà bác học này nghiên cứu cách đánh vần chữ quốc ngữ cho Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Nhà cầm quyền Pháp chưa bao giờ khuyến khích các hoạt động chấn hưng văn hóa này, trái lại có nhiều chiến sĩ trong phong trào dạy cho toàn dân biết chữ đã bị bọn mật thám quấy rầy – sắp tới Cách mạng tháng Tám 1945, tức là gần tới ngày bọn phản động cảm nhận được chung cục tất yếu của chúng, khi đó ngay cả những chiến sĩ Truyền bá chữ Quốc ngữ cũng bị bắt giam!
Tinh thần tự do của người trí thức luôn luôn cảnh báo cho họ rằng một Nhà nước toàn trị, nói trắng là một Nhà nước độc tài, dù đóng dấu Minh Mạng hay Hitler-Stalin, dù đóng dấu Pétain-Decoux hay đóng triện son kiểu Mao Trạch Đông-Gaddafi, thì bao giờ cũng bưng tai bịt mắt trước mọi ý kiến đóng góp. Các nhà cầm quyền kiểu đó đều giống nhau ở ngôn từ tử tế, ở những khẩu hiệu ngày càng biết làm cho bớt sỗ sàng, nhưng lúc nào ta cũng vẫn có thể thấy dấu hiệu của sự khước từ “giao thiệp” với giới trí thức ở chỗ có hay không có trong xã hội những cơ chế cho sự tiếp nhận ý kiến phản biện, có hay không có những đối thoại xây dựng giữa nhà trí thức phản biện và giới cầm quyền ngoan cố.
3. Kết luận gì đây …
Nếu thực sự là người trí thức thì lúc nào và ở đâu kẻ ấy đều cồng kềnh vụng dại. Vì tập trung vào chuyên môn hẹp và sâu, nên kẻ đó bao giờ cũng mang một thiên kiến rằng mình đúng hơn, cao hơn, xa hơn, nhanh hơn và sáng giá hơn. Vì lúc nào cũng lo xa cho những triển vọng hụt hơi nên kẻ đó bao giờ cũng thấy những kẻ khác là cận thị, tụt hậu, lạc hướng, và thiếu giải pháp. Vì tập trung vào hiệu quả nên kẻ đó thấy đâu đâu cũng toàn là những chuyện tào lao. Và vì rất chân thành nên kẻ đó bao giờ cũng hay vô tình làm người khác mất thể diện – nhất hạng là khi chê người khác … nói nhịu, nói ngọng.
Giá ví thử những nết hư tật xấu tốt đẹp đó, hoặc giá như cái tinh thần tự do thể hiện như những tật xấu đó mà lại là thuộc tính của một tên cơ hội dẻo mỏ, và nếu cơ sự đó là phổ biến, thì …
Thì sao?
Thì sẽ là điều hoàn toàn dễ hiểu khi mở trang báo ra chả thấy có gì đáng đọc, khi bật máy lên toàn thấy những điều thấy mặt tắt ti vinhư dân gian đang huyên truyền ồn ào và kín đáo, khi trai thanh gái lịch chẳng có thơ hay chép tặng nhau, chẳng có sách hay tặng nhau ngày sinh nhật …
Lúc đó, vâng chính lúc đó, ta sẽ thấy cần thiết biết bao nhiêu là những kẻ tự do bất trị bị người đời gọi là trí thức chỉ vì một sơ sểnh ngờ nghệch mang tính chất như là tội tổ tông của Adam: tinh thần tự do và tự do đến tuyệt đối.
P.T. 2-4-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét