Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Liệu Việt Nam sẽ thay đổi theo Miến Điện?


2012-04-05
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể đi theo con đường của Miến Điện để thay đổi?
RFA PHOTO
Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện với người ủng hộ tại trụ sở NLD ở Rangoon, hôm 02 Tháng 4 năm 2012.



Việc bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vừa thắng trong cuộc bầu cử bổ sung và sắp sửa chính thức bước vào hệ thống lãnh đạo Miến Điện đã mở ra nhiều hy vọng thay đổi chính trị, dân sự cho các nước khác, bao gồm Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể đi theo con đường của Miến Điện để thay đổi? Quỳnh Chi tìm hiểu và tường trình.

Đường dẫn của sự thay đổi?

Lần đầu tiên sau khoảng 5 thập kỷ nước này bị thống trị bởi quân đội, lá phiếu của người dân Miến Điện mang đúng ý nghĩa. Chiến thắng này cùng với những thay đổi gần đây của Miến Điện hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho nước này, đặc biệt là vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền. 
Nói về sự thay đổi thì những nhà lãnh đạo Miến Điện thấy rằng sự thay đổi là có lợi cho nước họ và cho họ. Và có một số điều kiện khiến cho họ thay đổi được. 
Nguyễn Mạnh Hùng
Mặc dù chính phủ Việt Nam luôn khẳng định quyền con người được bảo đảm trong Hiến pháp và thực tế, những lời kêu gọi cải thiện nhân quyền của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, từ EU, và các tổ chức bênh vực nhân quyền trên thế giới cùng tình trạng đàn áp các tiếng nói đối lập tại Việt Nam phần nào cho thấy cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam còn chưa kết thúc. 
Con đường tiến đến dân chủ của Miến Điện được đánh giá là đang chỉ ở bước sơ khởi và còn khá nhiều ý kiến dè dặt bằng chứng là cấm vận từ phương Tây vẫn chưa được bãi bỏ. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề nhiều người Việt Nam đang đặt trọng tâm thắc mắc mà là liệu con đường dẫn đến sự thay đổi tại Miến Điện sẽ là một con đường dẫn đến sự thay đổi tại Việt nam?
Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ phải nhìn đến những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến sự thay đổi của Miến Điện. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc khoa Quan hệ Quốc tế trường ĐH George Mason cho biết nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hàng loạt những đổi mới gần đây của Miến Điện:
“Nói về sự thay đổi thì những nhà lãnh đạo Miến Điện thấy rằng sự thay đổi là có lợi cho nước họ và cho họ. Và có một số điều kiện khiến cho họ thay đổi được. Trước hết, áp lực từ phía bên ngoài rất mạnh nên kinh tế Miến Điện bị “kẹt”, bị cô lập và bị lệ thuộc quá nhiều từ Trung Quốc. Muốn làm như thế họ phải hướng ra nước ngoài  - Tây phương. Nếu muốn vậy họ phải thực hiện một số công việc mà Tây phương yêu cầu như dân chủ nhân quyền. Làm như vậy thì họ không bị cô lập ngoại giao và có triển vọng phát triển kinh tế của nước.”
pollingstation-250.jpg
Một người phụ nữ Miến Điện kiểm tra tên mình trong danh sách cử tri trước khi đi bầu tại một trạm bỏ phiếu ở Kawhmu, hôm 01 tháng 04 năm 2012. AFP PHOTO.
Từ khi quân đội lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1962 và hủy bỏ chiến thắng vẻ vang của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ NLD năm 1990; nền kinh tế Miến Điện ngày càng suy sụp và rơi vào thế cô lập. Trong quyển sách “Địa ngục Miến Điện”, xuất bản năm 1993 của tác giả McGowan William, ông nhận định con đường xã hội chủ nghĩa của Miến Điện là một “sự thất bại xơ xác”. Dựa vào thực tế Miến Điện vẫn là một trong những nước nghèo và bị cô lập nhất thế giới, nhận định của ông McGowan William vẫn còn giá trị. Bị rơi vào thế cô lập, kinh tế bị cấm vận và ngoại giao bị hạn chế là một rào cản lớn nhất cho đất nước nói chung và cho giới cầm quyền nói riêng. Đó là một trong những điều kiện đầu tiên khiến giới lãnh đạo Miến Điện tìm cách bức phá ra. Bà Nyein Shwe, giám đốc ban Miến Điện của đài RFA cũng nhận định tiến gần đến thế giới là việc mà Miến Điện phải làm:
“Thứ nhất, những người lãnh đạo muốn cấm vận được bãi bỏ. Thứ hai, với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới, những nhà lãnh đạo không thể không thay đổi.”

Áp lực không đủ mạnh?

Việt Nam đã thực hiện đổi mới kinh tế từ năm 1986 và bắt đầu gia nhập quốc tế từ giữa thập niên 90 với việc trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN), ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật với Liên minh Châu Ấu và bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ. 
Những người lãnh đạo muốn cấm vận được bãi bỏ. Thứ hai, với những thay đổi đang diễn ra trên thế giới, những nhà lãnh đạo không thể không thay đổi.
Bà Nyein Shwe
Cho đến nay, sự đột phá về kinh tế dù chưa được đánh giá là vững chắc, cũng đủ tạo một khoảng cách để kinh tế Việt Nam bỏ xa người bạn láng giềng 20 năm và cũng đủ để tạo một khoảng trống để Việt Nam có thể phát triển kinh tế nếu đi đúng hướng. Đó là điểm khác biệt đầu tiên cho thấy áp lực của thế giới lên Việt Nam dù có nhưng không đủ mạnh để có thể thúc đẩy sự thay đổi diễn ra nhanh hơn mức mà những người cầm quyền không kiểm soát được.
Thứ hai, tại Miến Điện tồn tại một phe đối lập đủ mạnh và có tổ chức để có thể trở thành một lực lượng thực sự đối trọng với chính phủ. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ NLD đã thành lập từ năm 1988, với vai trò Tổng thư ký của bà Aung San Suu Kyi. Năm 1990, đảng này thắng cuộc tổng tuyển cử áp đảo với 82% số ghế trong Quốc hội. Điều này phần nào cho thấy đây là một tổ chức được tổ chức chặt chẽ, được quần chúng ủng hộ và có một sức mạnh đủ gây quan ngại cho những người cầm quyền. 
Đó là cách lực lượng đối lập chính trị Công đoàn Đoàn kết ("Solidarność") tiến đến cuộc bầu cử ở nghị viện Ba Lan năm 1989 và đưa ông Lech Walesa lên ngôi Tổng thống hai năm sau đó. Thực tế, hình thành một lực lượng đối lập đủ mạnh để chia quyền là cách dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông Âu (trừ Romania). Trong quyển sách “Kháng chiến dân sự trong cuộc cách mạng Đông Âu và Liên Xô” của tác giả Adam Roberts viết vào năm 1991, ông cũng nhận định rằng việc sử dụng rộng rãi các chiến dịch của lực lượng đối lập chống lại chế độ độc đảng đã “góp phần gây áp lực với sự thay đổi” tại Đông Âu và Liên Xô. 
burma-aungsan-250.jpg
Người dân Miến Điện bán các áp phích của vị anh hùng, Tướng Aung San và con gái của ông bà Aung San Suu Kyi tại Rangoon, hôm 13 Tháng 12 năm 2011. AFP PHOTO.
Lịch sử từ cuộc cách mạng của những nước Đông Âu thập niên 90 đã chứng minh một khi lực lượng đối lập đủ mạnh, thì khả năng thương thuyết với những người cầm quyền là khả dĩ. Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh sự thương thuyết hay chia quyền chỉ có thể diễn khi hai bên đều hướng đến một sự hợp tác. Sự hợp tác không nhất thiết nghĩa là có cùng chung quan điểm mà có thể là việc tìm một mẫu số chung để cùng đi tới và chắc chắn là không phải là việc loại bỏ lẫn nhau.  GS Nguyễn Mạnh Hùng nói về phe đối lập – Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ như sau:
“Quan trọng nhất đối với họ là tại Miến có thể tồn tại một lực lượng đối lập. Đối lập có tổ chức và quan trọng là họ biết hòa hoãn. Bà Aung San Suu Kyi không có chủ trương loại bỏ hết họ (thành phần quân đội trong hệ thống lãnh đạo). Bà cũng đồng ý là cuộc bầu cử vừa qua là chỉ có tính cục bộ, chỉ có một số ghế trong QH. Nghĩa là tự do có kiểm soát. Bà chấp nhận một phần bánh rất nhỏ trong phấn bánh lớn. Bà Suu Kyi được cả thế giới ủng hộ và nhân dân ủng hộ. Phe đối lập chấp nhận làm việc chung với chính phủ và đất nước có cơ hội tiến lên thì những người lãnh đạo đã thực hiện thay đổi”.
Hiện tại, trong tổng số khoảng 600 ghế trong QH, đảng NLD chỉ chiếm 43 ghế. Nếu có thể cởi mở hơn để mang đến lợi ích cho đất nước mà không bị loại trừ thì đó có lẽ không phải là một việc bất khả thi đối với người cầm quyền. 
Lý do cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng góp phần mang đến sự thay đổi nhanh chóng tại Miến Điện là nước này có bà Aung San Suu Kyi. 
Phần lớn thời gian 22 năm qua bà bị ở tù hoặc giam lỏng cho thấy sự sắt đá của bà Aung San Suu Kyi đối với nền tự do, dân chủ, nhân quyền của Miến Điện. Cuộc sống cá nhân cùng những giải thưởng cao quý trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1991 đã làm người ta biết đến hình ảnh của bà. Tuy nhiên, cái làm bà trở thành một nhà lãnh đạo tuyệt vời với danh hiệu “Biểu tượng dân chủ” có lẽ không phải là số năm bà bị giam cầm hay số giải thưởng quốc tế bà đạt được – mà đó chính là tư tưởng dân chủ của một người đấu tranh dân chủ.
Trả lời BBC Anh ngữ vào tháng 11 năm 2010, sau khi được trả tự do 2 ngày, bà vẫn khẳng định không muốn thấy chính phủ quân đội sụp đổ mà cái bà muốn là nhìn thấy những người lãnh đạo ấy “đứng ở mức cao nhất về mặt chuyên nghiệp và niềm đam mê để làm tất cả những gì tốt nhất cho đất nước”. 
Bà còn khẳng định muốn nhìn thấy chính phủ quân đội trở thành anh hùng, là người mang đến những thay đổi cho Miến Điện. Theo bà, lúc đó “chính phủ quân đội sẽ lấy được sự tự tin và vết thương dân tộc cũng được chữa lành”. Lý lẽ của bà Aung San Suu Kyi cho thấy sự đoàn kết, hoà hợp đến từ tất cả các bên và sự hoà giải đến từ người có lỗi. Trả lời báo Ý La Stampa, số ra ngày tháng 02/2012, bà Aung San Suu Kyi cũng tuyên bố chống lại “công lý trả thù”. Tư tưởng nhất quán này đã làm bà Suu Kyi trở thành một người lãnh đạo được cả thế giới ủng hộ. Bà Nyein Shwe, giám đốc ban Miến Điện của đài RFA nói về bà Aung San Suu Kyi:
“Miến Điện có một lãnh tụ đối lập mà cả thế giới tôn trọng. Bà được cả người dân trong nước và quốc tế ủng hộ”.
Trong khi Việt Nam theo chủ nghĩa cộng sản, người bạn láng giềng lại theo chủ nghĩa xã hội. Và dĩ nhiên sẽ tạo ra sự khác nhau trong đường lối kinh tế, chính trị, dân sự. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở chế độ đa đảng tại Miến Điện, trong khi dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, các tiếng nói đối lập, các nhóm chính trị và các đảng phái không có cơ hội tồn tại. 
Sự áp lực từ quốc tế, một lực lượng đối lập đủ mạnh và một người lãnh đạo có tư duy dân chủ là những điều kiện rõ ràng nhất tạo điều kiện cho những thay đổi của Miến Điện. Và xét đến những điểm không tương đồng giữa hai bên, khó có thể thấy con đường dân chủ tại Miến Điện hiện tại là con đường Việt Nam có thể đi, mặc dù theo đuổi dân chủ, tự do, nhân quyền là mục đích chung của hai nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến