Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Thông tin phát lộ di cốt liệt sĩ Mậu Thân cũng “mật”?!

Chuyện lạ ở Khánh Hòa: Thông tin phát lộ di cốt liệt sĩ Mậu Thân cũng “mật”?! 
Võ Văn Tạo
Chiều 23-3-2012, do trục trặc máy xúc, dân mót phế liệu và công nhân thi công đoạn tránh đèo Rù Rì ở phía Bắc nội thành Nha Trang (Khánh Hòa) tình cờ phát hiện 2 sọ người cùng một số di vật của bộ đội ở mép Tây QL1A, gần chân phía Nam đèo.
Tin loan đến Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Khánh Hòa và Thành đội Nha Trang.
Bồi hồi bên di cốt đồng đội
Sáng 24-3, các tổ chức trên đề nghị tiếp tục tìm kiếm, thấy thêm 4 sọ cùng nhiều di vật như vỏ đồng hồ Poljot (Liên Xô), vịt dầu súng AK, kẹp rút cùng quai dép cao su, mảnh dù, cúc áo bộ đội…
Trong số 6 di cốt tìm thấy chiều 23 và sáng 24-3, có 3 sọ nguyên vẹn và 3 sọ đã vỡ (có thể do máy xúc), cùng 12 hàm răng.
Sau 1975, nhiều người dân Nha Trang báo tin:
Sau Mậu Thân 1968, từ 11-17 tháng Giêng, đơn vị “5 Tiếp vận” (căn cứ tại sân bay Nha Trang) của quân Sài Gòn liên tiếp cho xe đi gom hàng trăm xác Việt cộng bỏ lại trong nội thành Nha Trang, chở ra chân phía Nam đèo Rù Rì, đổ xăng đốt, rồi lấp cát sơ sài trong các hố do công binh Mỹ ủi dài như mương nước. Sau đó, rác sinh hoạt lại được chở ra đổ chồng lên. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, việc khai quật, tìm kiếm không được tiến hành kịp thời.
Công binh Khánh Hòa tìm di cốt, di vật
Mãi đầu 2008, nhân kỷ niệm 40 năm Mậu Thân, đề nghị khai quật của Hội CCB tỉnh Khánh Hòa mới được chuẩn thuận. Theo chỉ dẫn của ông Trầm Long – một người dân ở huyện Ninh Hòa, công nhân hãng RMK (Mỹ) trước đây và nhà ngoại cảm “nức tiếng” Nguyễn Văn Liên (qua điện thoại từ miền Bắc), cuộc khai quật được chính thức tổ chức, có mời các nhà sư đến lập đàn khấn tế tại điểm khai quật trong khuôn viên hãng RMK trước đây (nay là Xí nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc Công ty 505, ở phía Đông QL1A). Sau 3 ngày khai quật, chỉ thấy xương động vật và rác! Liên tiếp điện thoại nhờ chỉ dẫn tiếp, ông Liên không nghe máy(!).
Trong khi đó, ông Nguyễn Lý – thợ sửa xe gắn máy ở 66 đường Mùng 2 tháng Tư (ngày giải phóng Nha Trang) mách bảo:
Hồi đó ông 17 tuổi, đang học nghề, thấy xe chở xác đi chôn, bèn ra đèo Rù Rì xem cùng hơn 1 chục người hiếu kỳ khác, thấy 2 hố chôn tập thể cách nhau 5-6m ở phía Tây QL1A. Ông Lý có chỉ hướng (vì thời gian quá lâu, địa hình thay đổi nhiều, không thể chỉ vị trí thật chính xác) 2 hố chôn này. Ông không chứng kiến việc chôn lấp ở phía Đông QL1A. Mách bảo của ông bị cán bộ hạch sách: “Nếu đào mà không thấy, ông chịu trách nhiệm đấy?”. Biết phận dân “ngụy”, nghĩ tù oan như chơi, ông Lý thụt lui, “đổ keo miệng”(!).
Di cốt được xếp riêng từng bộ vào quách
Sáng 25-3, phóng viên được nhiều CCB cho biết vụ phát lộ di cốt, lập tức quan tâm. Thế nhưng, họ nói “trên” ngăn cản báo chí tiếp cận đưa tin.
Sáu bộ di cốt cùng di vật đang được quàn tạm tại UBND phường Vĩnh Hải. Hiện trường bị phong tỏa nghiêm ngặt bởi phường đội Vĩnh Hải.
Họ “tiết lộ”: ông Thủy – Tuyên huấn Hội CCB tỉnh có chụp được ảnh làm tư liệu. Đầu chiều 25-3, điện xin ảnh để đăng kèm bản tin, ông Thủy nói phải thỉnh ý kiến ông Bùi Đức Phổ – Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Điện Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Tuân. Ông Tuân xác nhận vụ phát lộ di cốt đã được báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, không hề có ý ngăn cản báo chí đưa tin.
Giữa chiều 25-3, đến hiện trường thấy máy xúc ngừng làm việc, điểm phát lộ phủ bạt, có bàn thờ dã chiến bằng chiếc bàn làm việc, không còn lính phong tỏa nữa, phóng viên bèn chụp ảnh. Liền đó,  đến UBND phường Vĩnh Hải để chụp ảnh di cốt, di vật. Cậu dân phòng trực cơ quan duy nhất (vì là ngày Chủ nhật) dứt khoát không cho, nói theo lệnh của Chủ tịch phường. Liên lạc với Chủ tịch phường, ông nói Thành đội cấm.
Các phóng viên sục tìm, thấy 6 chiếc quách (tiểu) phủ cờ đỏ  trên bàn thờ tạm trong hội trường phường ở tầng 2, nhưng cậu dân phòng kiên quyết cản trở, lập tức đuổi ra.
Mất hơn 1 tiếng rưỡi, liên lạc khắp nơi, vô vọng vì chỉ nhận được thông tin “trên” yêu cầu “bảo mật”, chưa đưa tin(!?!), phải ra về. Cuối chiều 25-3, ông Thủy vẫn không cho ảnh, đành đưa tin kèm ảnh chụp hiện trường phát lộ.
Hiện trường khai quật
Tối 25 và sáng 26, các báo lục tục lên tin. Ngày 27, hàng loạt báo đồng loạt đưa tin.
Nhiều người trong cuộc nói, cản báo chí đưa tin vì “trên” sợ lại “nhầm”(?!) như đợt khai quật 2008 và nếu nhân dân biết được, có thể ào ào kéo đến đòi hài cốt người thân, rất “phức tạp”(?!) (thực tế cả tuần qua, chưa gia đình nào đến yêu sách). Chứng kiến cảnh cấm cản báo chí, CCB Vũ Song Tê, nguyên Phó GĐ sở Y tế Khánh Hòa, một trong những người đến hiện trường sớm nhất, phản ứng gay gắt. CCB đại tá Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Tổ chức – Chính sách Hội CCB tỉnh, nguyên tỉnh đội phó (trung đội trưởng hỏa lực C88 – đặc công trinh sát Tỉnh đội Khánh Hòa hồi Mậu Thân), cùng nhiều CCB khác cũng rất bức xúc. Ông Thành cho biết, nhiều khả năng đây là số liệt sĩ C2, D7, E20 (trung đoàn Sao Thủy, thuộc Phân khuNamcủa Quân khu V) hy sinh khi chốt giữ trên đồi Trại Thủy (chùa Long Sơn). Các đơn vị tham chiến Mậu Thân ở Nha Trang gồm C88 (đánh đài phát thanh; chốt giữ vòng ngoài), C90, C91 – Tỉnh đội Khánh Hòa (đánh Tỉnh đường Khánh Hòa); C2, D7, E20; Biệt động thị xã Nha Trang (căn cứ Đồng Bò) và Biệt động nội thành Nha Trang. Ngoài các mục tiêu trên, bốt Ông Đề (phường Phước hải) cũng bị D7 (không rõ C), E20 tập kích. Có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh dịp Mậu Thân ở nội thành Nha Trang. CCB Hoạt, nguyên Trưởng ban Chính sách Tỉnh đội cho biết, dịp Mậu Thân, có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa.
Do có chuyện chức sắc địa phương bưng bít báo chí, mới xảy ra chuyện một số báo đưa tin sai ở chi tiết trung đoàn Sao Vàng (nhầm phiên hiệu E20) tham chiến Mậu Thân ở Nha Trang. Thực tế, E20 là trung đoàn Sao Thủy. Chi tiết này tưởng không mấy quan trọng, nhưng lại gây bức xúc lớn các CCB, đòi báo chí phải đính chính. Hơn nữa, việc đưa tin kịp thời còn nhằm mục đích chuyển tải ý nguyện kêu gọi các CCB thuộc các đơn vị tham chiến Mậu Thân ở Nha Trang và người dân giúp xác định danh tính, đơn vị các liệt sĩ vừa phát lộ, để có thể trao lại chính xác di cốt cho gia đình nào có nguyện vọng hoặc làm bia chính xác trên mộ trong nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Một số di vật quân giải phóng tìm được sáng 29-3
Đến cuối chiều 30-3, đã có 23 bộ di cốt cùng rất nhiều di vật được tìm thấy. Nhưng đào tiếp thì không phát hiện gì thêm, cuộc khai quật phải tạm ngưng, chờ họp với các CCB và nhân chứng vào sáng 2-4, tại hội trường số 1 UBND tỉnh, để xác định hướng triển khai tiếp.
Tuy nhiên, mặc dù Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương cho thử AND (nếu cần) để xác định danh tính liệt sĩ, nhưng cách thức khai quật như những ngày qua sẽ gây khó khăn rất nhiều trong việc thử AND. Lực lượng khai quật dùng máy xúc, gây xáo trộn và vỡ vụn các bộ di cốt (dẫn đến xếp lầm sọ liệt sĩ này với xương chi, xương sườn liệt sĩ kia vào một quách). Nếu được moi thủ công cẩn thận như khai quật khảo cổ, các bộ di cốt sẽ phát lộ khá nguyên vẹn và không bị xáo trộn.
Một nguồn tin cho hay, rất có thể không tìm đủ di cốt, vì trước đây vị trí này từng bị đào, đổ nơi khác. Thậm chí có người còn cho xe đến xin đất, mang về tôn nền xây nhà!
V.V.T.
* Mời tham khảo: + Phát hiện di cốt liệt sĩ Mậu Thân ở Nha Trang (Tuổi trẻ, 25/3/2012); +  Phát hiện hài cốt liệt sĩ (Quân đội nhân dân, 26/3/2012); + Phát hiện và quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh từ Tết Mậu Thân 1968 (Lao động, 29/3/2012); + Tìm thấy 23 hài cốt liệt sĩ ở đèo Rù Rì (Công an nhân dân, 31/3/2012);  + Tìm thấy 23 bộ hài cốt quân giải phóng (Pháp luật TP, 1/4/2012).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến