1. Tình hình kinh tế và xã hội quá bi đát. Những thông tin kinh khủng đã lộ ra mới chỉ là dấu hiệu, báo động những tháng ngày tồi tệ sắp tới. Không thể đổ lỗi cho thiên tai, địch họa. Không thể dùng khủng hoảng kinh tế trên Thế giới để biện hộ.Lãnh đạo ở tầng cao nhất phải chịu trách nhiệm chính về thực trạng này, cả với tư cách tập thể lẫn tư cách cá nhân.Không thể dùng trách nhiệm tập thể để che chắn cho trách nhiệm cá nhân. Và ngược lại, không thể chỉ thí một vài cá nhân để bao biện cho cả tổ chức.
Đối diện với khủng hoảng trầm trọng, lãnh đạo Đảng CSVN đã tiến hành một chiến dịch kiểm điểm hiếm có. Dư luận chờ đợi có ai đó ở thượng tầng sẽ bị cách chức, hay buộc phải từ chức, để giải tỏa một phần bức xúc của Nhân dân và cho họ một lý do để hy vọng. Song kết cục còn bất ngờ hơn cả vở kịch đầy kịch tính nhất: Đa số Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI đã bỏ phiếu không chấp nhận đề nghị kỷ luật của Bộ Chính trị.
Nhiều người tưởng rằng: Chỉ vì cái đa số ấy mà ý định xử lý nghiêm túc của Bộ Chính trị đã không trở thành hiện thực. Thật ra, theo Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thì
“Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị.”
Nghĩa là Bộ Chính trị chỉ đề nghị Ban Chấp hành Trung ương “khiển trách về trách nhiệm chính trị”, chứ không hề đề nghị cách chức “một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Chỉ “khiển trách” tức là mọi người vẫn yên vị, vẫn làm việc với nhau trong quan hệ trên–dưới như cũ. Vậy thì “khiển trách” phỏng có ích gì? Và việc gộp “khiển trách” cả “tập thể Bộ Chính trị” với“khiển trách” cá nhân “một đồng chí trong Bộ Chính trị” thành một gói cũng khiến cho kết cục hạ màn càng trở nên tất yếu, không nằm ngoài ý đồ đạo diễn.
Kết quả của Hội nghị Trung ương 6 làm bao người thất vọng, nhưng không phải là hoàn toàn vô ích, vì nó giúp trả lời mấy câu hỏi then chốt:
- Bảo bối “tự phê bình và phê bình” có còn hiệu quả, hợp thời nữa không? Có thể dùng nó làm biệt dược để khử trùng, tẩy uế cho bộ máy cầm quyền, khi tham nhũng là quốc nạn, hay không?
- Đội ngũ lãnh đạo hiện nay có đủ thiện tâm và năng lực để tự cải tạo, khắc phục lỗi lầm và đáp ứng được đòi hỏi của nhiệm vụ điều hành đất nước hay không?
2. Để lý giải với dư luận về kết quả nửa vời của cuộc đọ sức trong giới lãnh đạo, họ thường biện hộ rằng đó chỉ là hoạt động phê bình “trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ”, nhằm mục đích “giáo dục, răn đe”, nên cuối cùng thì không cách chức, mà còn cho đồng chí… “thêm một cơ hội”. Nghe có vẻ bao dung và nhân ái, nhưng ngẫm kỹ thì thấy ngược lại.
Tại sao một nhóm nhỏ lại dành hết mọi cơ hội về mình, rồi ban phát cho nhau, hết lần này đến lần khác, trong khi hầu hết90 triệu Dân, kể cả hàng triệu đảng viên, đều không hề nhận được một cơ hội nào cả?
Tại sao những người đã gây ra quá nhiều thiệt hại cho Dân, cho Nước, lại được nhận thêm cơ hội để tái diễn tội lỗi, màkhông cho 90 triệu Dân cơ hội để thoát khỏi tai họa do những người đó gây ra?
Trớ trêu thay, lãnh đạo
- càng bao dung với nhau bao nhiêu, thì càng ích kỷ với Dân bấy nhiêu, và
- càng nhân ái nội bộ bao nhiêu, thì càng tệ bạc với Dân bấy nhiêu.
3. Khi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã quyết định không cách chức ai, thì Quốc hội, với đa số là đảng viên, cũng không thể ra nghị quyết cách chức ai. Thành thử, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chỉ có thể ám chỉ xa gần về chuyện “từ chức”, và ông đã kết thúc đoạn chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng hai câu hỏi:
Chất vấn kể trên gây chấn động dư luận. Mọi người thường tập trung bàn luận về “văn hóa từ chức”. Nhưng còn hai khía cạnh nữa cũng đáng lưu tâm.
Căn cứ vào lời văn, câu hỏi thứ nhất chứa đựng nội dung: Có trách nhiệm với Đảng CSVN không có nghĩa là có trách nhiệm với Dân, mà có thể còn ngược lại. Điều đó có nghĩa là: Đảng không còn vì Dân. Bởi lẽ, nếu “Đảng vì Dân” thì “vì Đảng” cũng kéo theo “vì Dân”, và “có trách nhiệm với Đảng” cũng có nghĩa là “có trách nhiệm với Dân”. Đối với nhiều người thì đấy không phải là điều mới lạ, nhưng vẫn mới ở chỗ là nó được nói ra tại diễn đàn Quốc hội và không có ý kiến nào phản đối.
Câu hỏi thứ hai chứa đựng đề nghị “đoạn tuyệt với lời xin lỗi”. Tại sao lại nên “đoạn tuyệt với lời xin lỗi”, trong khi “xin lỗi” là một biểu hiện của nếp sống văn minh? Trước kia thì khó mà nghe được lời xin lỗi của các vị lãnh đạo. Bây giờ thì đã… loáng thoáng lời xin lỗi, nhưng chỉ xin lỗi khi không thể thoái thác. Xin lỗi để thoát tội, thoát khỏi vòng chất vấn, chứ không phải thành tâm, để rồi sửa lỗi. “Xin” nhưng dù Dân “không cho” thì họ vẫn mặc nhiên coi như đã xong chuyện, như thể đã hết lỗi, để rồi lại vênh vang mắc tội tiếp. Nói theo dân dã thì đó là một kiểu “xin… đểu”. Điều mà các vị lãnh đạo cần phải đoạn tuyệt là “xin lỗi” kiểu như vậy.
4. “Văn hóa từ chức” chỉ tồn tại khi có lòng tự trọng và có tinh thần trách nhiệm, không chỉ trách nhiệm với đảng của mình, mà trách nhiệm với cả Dân, với cả Nước. Nhưng nếu có lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm thì đã không phạm tội lỗi triền miên và liên tiếp gây ra bao hậu quả cực kỳ nghiêm trọng như vậy. Tức là: Mong có “văn hóa từ chức” để khắc phục thực trạng, nhưng chính thực trạng lại chỉ ra rằng không thể tồn tại “văn hóa từ chức” trong hoàn cảnh ấy.
5. Sở dĩ mong ai đó từ chức, hay bị cách chức, là vì hy vọng rằng người kế nhiệm sẽ tử tế hơn. Trong hoàn cảnh lành mạnh thì kỳ vọng đó là hoàn toàn hiện thực, bởi lẽ dù vị đương nhiệm cao siêu đến đâu đi nữa, thì trong xã hội luôn tồn tại những người còn hơn cả tài lẫn đức. Song, nếu rơi vào một hoàn cảnh kỳ dị, khi chỉ tuyển chọn người kế nhiệm từ một vòng cực hẹp, trong đó không tồn tại một ai có tài đức nhỉnh hơn vị đương nhiệm, thì thay “vỏ dưa” bằng “vỏ dừa” để làm gì? Phải chăng cũng chính vì vậy, mà bất chấp tội lỗi trầm trọng, họ cũng chỉ rón rén đề xuất “khiển trách”, chứ không dám biểu quyết “cách chức”, hay nhẹ nhàng hơn là gợi ý “từ chức”?
6. Đáp lại câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về chuyện “từ chức”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời rằng:
Khẳng định trên làm cho hàng triệu đảng viên sững sờ, bởi lẽ ai trong số họ cũng đã từng “xin” ít nhất một lần, ấy là lần viết “Đơn xin vào Đảng”. Nó làm cho hàng chục triệu người dân ngỡ ngàng, bởi họ thường chứng kiến nạn mua quan–bán chức, đã trở thành thông lệ phổ biến. Nếu ông chưa bao giờ “xin”, kể cả trong đợt kiểm điểm ma-ra-tông gay cấn vừa qua, thì khi Thủ tướng giãi bày tại Quốc hội, sao các đồng chí gần gũi không chăm chú lắng nghe và gật gù tán thưởng, mà mắt lại tròn xoe, hay lơ đãng quay đi, hoặc giả tảng cúi đầu, làm như thể đang mải miết đọc gì đó?
Để lý giải tại sao không khước từ chức vụ, tại sao không từ chức, ông Nguyễn Tấn Dũng lập luận rằng:
Nghe có vẻ đúng chuẩn, nhưng đó là chuẩn của mấy chục năm về trước. Khuôn mẫu “không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì…” chẳng còn phù hợp với cuộc sống hôm nay,
- khi so sánh trình độ giữa người dân và lãnh đạo thì chưa biết ai hơn ai,
- khi không tồn tại ai có đủ khả năng để tư duy thay cho toàn dân, và
- khi Đảng và Nhà nước hay bị mạo danh để mưu lợi cá nhân, thay vì lo cho Dân, cho Nước.
Nếu một người luôn chấp nhận bất cứ việc gì được giao, kể cả những nhiệm vụ mà bản thân không đủ khả năng hoàn thành, tức là thuộc loại “chỉ đâu đánh đấy”, thì người đó chỉ phù hợp với cương vị lính gác, chuyên thi hành những mệnh lệnh đơn giản, chứ không thể “đứng mũi chịu sào”, không thể làm lãnh đạo được.
Giữa thời “chính trị thị trường”, những người đã leo lên đến thượng tầng lãnh đạo thì không thể ngụy biện là “tổ chức đặt đâu, tôi nằm đấy”.
Trong bài “Thủ tướng – Quyền lực cho che khuất thuở hàn vi?” nhà báo Minh Diện đã bình luận rằng:
“Trong lĩnh vực phân công công tác, giao nhận nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay, có một cặp phạm trù luôn luôn song hành, đó là nhận nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ.”
“Có điều qua những lời phân trần của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thấy ông chỉ quan tâm đến việc nhận đề bạt, nhận phân công công tác, mà không quan tâm đến hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông đã tách cặp phạm trù ra, lờ đi cái cơ bản nhất của một cán bộ là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”
Rõ ràng, hùng biện không thay thế nổi trung thực, nên càng cố biện minh thì càng không thuyết phục. Đó là biểu hiện của sự đuối lý. Nhưng chẳng hề chi, khi yếu tố quyết định là lực, chứ không phải là lý. Thế lực còn đủ mạnh thì vẫn còn tại vị.Nói trắng ra như vậy thì khó nghe, nhưng có khi lại vớt vát được chút lòng tin.
7. Từ chức là chuyện thường gặp trong các chế độ văn minh. Đối với những người có lòng tự trọng và có tinh thần trách nhiệm cao, thì từ chức là một văn hóa. Họ tự giác từ chức nếu xảy ra sự cố trong lĩnh vực do mình quản lý, ngay cả khi họ không hề dính líu trực tiếp đến nguyên nhân gây ra sự cố.
Đối với phần lớn các nhà chính trị, quản lý, thì từ chức là một tập quán mang tính bắt buộc, được quyết định bởi tình thế. Nếu không từ chức đủ sớm, thì không thể yên thân và hậu quả phải gánh chịu có thể còn nặng nề hơn. Hoặc nếu không từ chức thì sẽ gây hậu quả xấu cho tổ chức đang tham gia, nên dù cá nhân không muốn thì tổ chức cũng ép buộc phải từ chức.
Tình huống kể trên là đặc sản của chế độ dân chủ, pháp quyền. Còn ở chế độ độc quyền, cưỡi lên pháp luật, thì các nhà lãnh đạo thần thế không lo bị trừng phạt, và đảng của họ cũng không lo bị mất quyền lãnh đạo. Nghĩa là tình thế không bắt buộc. Trong khi đó, lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm ngày càng teo biến. Vì vậy, trong thể chế ấy, chuyện từ chức thuộc phạm trù… viễn tưởng.
Hà Nội, 2.12.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét