Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Những phụ nữ nông dân quyết tâm giữ đất

2012-05-22
Công việc đồng áng vốn là một công việc nặng nhọc vất vả nhưng lại được đảm đương phần lớn bởi phụ nữ.
AFP photo
Những phụ nữ nông dân trên một thửa ruộng ở miền Bắc Việt Nam

Có lẽ cũng chính bởi vậy mà sự gắn bó giữa đất đai và người phụ nữ là rất lớn. Họ sống dựa vào đất, tranh đấu đến cùng để bảo vệ đất, vì đó là nguồn sống của họ, của con cái và gia đình họ. Họ là những người phụ nữ đã dũng cảm đứng ra bảo vệ ruộng trong những vụ cưỡng chế đất tại nhiều địa phương ở Việt Nam thời gian qua.

Buổi sáng kinh hoàng

Đã gần hai tuần trôi qua kể từ sau buổi sáng cưỡng chế đầy bạo lực của huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, bà Phúc vẫn chưa thể đi lại bình thường trở lại. Người bà vẫn đau ê ẩm vì những cú đấm vào mặt, và những cú đánh bằng dùi cui vào khắp người của lực lượng cưỡng chế dành cho người dân trong buổi sáng hôm đó.
Bà nhớ lại: “Tôi hôm đó đang đứng ở đường thì không biết từ đâu có người đấm vào mặt tôi tối tăm mặt mũi xong tôi xỉu xuống, bà con phải khênh về. Bây giờ vẫn cứ đau”.

Những người có mặt tại hiện trường vụ cưỡng chế vẫn còn nhớ hình ảnh bà Phúc ngã khuỵu xuống đường, bị dẫm đạp, đau đớn quằn quại như một con sâu. Bà tưởng mình đã chết cho đến khi có hai phụ nữ khác trong xã đến khiêng bà ra khỏi đám đông và đưa bà về nhà.
Năm nay 65 tuổi, bà Phúc vẫn là người làm ruộng chính trong nhà vì chồng bà mắt kém không còn nhìn rõ đường, con cái đã ở xa. Một mình bà suốt từ năm 1994 đến nay phải lo chăm sóc gần 8 sào ruộng của gia đình. Vào mùa cấy, bà đi làm ruộng từ sáng sớm tinh mơ có khi từ 1, 2 giờ sáng và chỉ kết thúc công việc khi trời tối mịt. Có những hôm sáng trăng, bà cấy cả tối.
Công việc vất vả nhưng với 8 sào ruộng, bà Phúc cũng lo đủ cái ăn cho hai vợ chồng già và một đứa cháu nội 9 tuổi:
“Cấy nhiều làm nhiều thì đủ ăn. Một năm ăn uống rồi tôi cứ bán 1 tấn, hơn 1 tấn thóc để mua thuốc sâu, rồi việc lớn nhỏ trong nhà, đình đám ma chay, tin vui trong làng thì cứ bán thóc đi.”
Cuộc sống bình lặng của bà Phúc cứ trôi đi như vậy cho đến cái ngày 9 tháng 5 đau thương, khi chính quyền tỉnh Nam Định huy động hàng trăm công an, cảnh sát cơ động và dân phòng với trang bị dùi cui, lá chắn và chó săn đến cưỡng chế nốt số đất ít ỏi còn lại trong số 160 ha đất của 120 hộ dân huyện Vụ bản, tỉnh Nam Định, trong đó có 8 sào ruộng của nhà bà Phúc. Chính quyền địa phương cưỡng chế số đất này để lấy mặt bằng cho dự án khu công nghiệp Bảo Minh, nhưng lại đền bù quá ít ỏi cho người dân.
Từ sáng sớm ngày hôm đó, bà Phúc cùng rất đông các chị em phụ nữ khác trong xã đã lật đật chạy ra đồng, tay không để giữ ruộng. Họ không ngờ mình lại bị đánh đập, đẩy lùi khỏi những thửa ruộng của mình một cách nhanh chóng:
“Có ngờ đâu là người dân bị đòn, chúng tôi phải chịu thôi chứ biết sao bây giờ. Chúng tôi phụ nữ chân yếu tay mềm, vũ khí trong tay chỉ là đất với cát làm sao thắng được những người được trang bị từ đầu tới chân.”
Không chỉ bà Phúc mà còn rất nhiều người phụ nữ khác của huyện Vụ Bản đã bị đánh đập. Họ bị đánh bằng dùi cui, bị xô đẩy, ném lên đường.
Một hình ảnh lan truyền trên mạng một ngày sau đó cho thấy một phụ nữ bị vứt lên đường nhựa nằm bất động. Người phụ nữ đó sau này được xác định là bà Ngô Thị Vệ, 70 tuổi, bị đánh đến ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu. Cho đến tận bây giờ, trên người của rất nhiều phụ nữ đã tham gia bảo vệ đất vào ngày hôm đó vẫn còn những vết thâm tím của dùi cui.

Nặng lòng với đất

Vậy sức mạnh nào đã khiến những người phụ nữ nông dân chân yếu tay mềm có thể dũng cảm đứng lên bảo vệ ruộng đất của mình, chịu đau đớn về thể xác? Nữ nhà văn Thùy Linh, người đã theo dõi các vụ cưỡng chế vừa qua, nhận xét:
“Bởi vì văn minh lúa nước thì vai trò của người đàn bà gắn với ruộng đồng nhiều hơn người đàn ông cho nên đối với họ thì mảnh đất nuôi sống gia đình là nặng lòng nhất. họ phải đổ mồ hôi nhiều nhất. Một thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay, đàn ông cũng phải bươn chải ra thành phố kiếm sống nên ở lại làng quê hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Nên nặng lòng với đất thì người đàn bà hiểu hơn ai hết tại sao họ phải hành động như vậy.”
Chị Ngô Thị Ánh, 46 tuổi, người đã tham gia bảo vệ đất trong một vụ cưỡng chế khác tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, cho biết:
“Bây giờ người phụ nữ chúng tôi chỉ nghĩ là mình chỉ sống về đồng ruộng, phải nuôi con cái ăn học. Chúng tôi là phụ nữ không biết buôn bán gì, chỉ biết giữ ruộng để có miếng cơm để con và ấm bụng này. Công an hỏi tại sao tôi giữ ruộng thì tôi chúng tôi bảo chúng tôi không buôn bán gì, không làm mướn được nên phải giữ ruộng, phải tranh đấu.”
Chị Ánh đã rất nhiều lần tham gia các đoàn nông dân của huyện Văn Giang lên Hà Nội ăn trực nằm chờ cả ngày trời để nộp đơn xin các cấp trung ương giải quyết các khiếu kiện đất đai. Chị không đếm được chị đã đi bao nhiều lần như thế với không biết bao nhiêu chị em khác trong xã, trong huyện. Chị cũng đã bị đánh đập không thương tiếc trong vụ cưỡng chế đất tại địa phương. Mệt mỏi, đau đớn nhưng chị vẫn cố bám lấy đất. Chị nói:
“Mệt mỏi chứ, nhưng không gì bằng giành được đất của mình. Kể cả mệt mỏi đến đâu mà giành được đất của mình thì cũng không mệt mỏi. Tiếp theo bọn chị sẽ vẫn phải giữ đất, vẫn phải đi đòi hỏi để giữ đất nuôi con cái.”
Và để chứng minh cho sự cương quyết bảo vệ đất của mình, chỉ 2 ngày sau cưỡng chế, chị Ánh cùng nhiều chị em phụ nữ khác ở Văn giang đã lại ra cánh đồng cưỡng chế để ươm trồng những cây cảnh mới vào chính những thửa ruộng đã bị máy ủi, máy xúc đào bới tan tành trước đó.
Trong hầu hết các vụ cưỡng chế, chính quyền địa phương luôn giành phần thắng vì họ có lực lượng cảnh sát đông đảo với trang bị vũ khí tận răng. Họ giành được đất cho các dự án khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại. Trong khi đó, những người dân bị ép nhận mức đền bù quá ít ỏi không đủ để cho họ nuôi cả gia đình trong một năm, nói gì đến tương lai lâu dài.
Với bà Phúc, kể từ sau vụ cưỡng chế, 8 sào ruộng của gia đình bà mất sạch. Cả cuộc đời bà chỉ biết làm ruộng, giờ ngoài 60 tuổi, cái độ tuổi đáng nhẽ bà phải được nghỉ hưu, ở nhà vui với con với cháu nhưng bà không thể:
“Tôi chỉ có làm ruộng, ngoài ruộng ra chả có nghề ngỗng gì. Bây giờ ruộng mất rồi đang nghĩ đến đoạn đi làm thuê bế con cho nhà người ta kiếm ngày vài bữa cơm.”
Bà dự định sẽ lên thành phố Nam Định để trông con cho các gia đình. Sáng thứ hai đi, đến sáng chủ nhật về. Có người nói với bà thu nhập một tháng khoảng 1 triệu đồng, tính ra vẫn ít hơn so với ở nhà làm nông nghiệp. Bà cứ nghĩ khi bà đi, ông cụ ở nhà mù lòa với đứa cháu nhỏ có ai trông nom. Nhưng rồi bà biết tính sao khi ruộng đất không còn?
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về địa chỉ www.facebook.com/vietharfa hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến