Cập nhật: 11:17 GMT - thứ sáu, 16 tháng 8, 2013
Một số nhà hoạt động ở trong nước đang đưa ra lời kêu gọi 'thành lập một đảng mới để thúc đẩy dân chủ, xã hội công dân mạnh lên'.
Chủ đề liên quan
Ý tưởng thành lập chính đảng mang tên đảng Dân chủ Xã hội được luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM, đưa ra trong một bài viết mới ra vào giữa tháng Tám này.
Trong bài viết tựa đề "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…", ông Lê Hiếu Đằng, người được biết lâu nay với nhiều ý kiến đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa ở trong nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của đa nguyên, đa đảng.
Ông cho hay: "Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định".
Jonathan Head, phóng viên BBC
Giới chức cộng sản tại Việt Nam chừa rất ít khoảng trống cho giới bất đồng, và việc gần 40 blogger đang bị cầm tù là minh chứng rõ ràng.
Chỉ riêng việc đặt câu hỏi về sự độc nắm quyền lực của đảng đã bị coi là tội phạm nghiêm trọng rồi. Cho nên các nhà hoạt động, những người tuyên bố sẽ lập một đảng mới, Đảng Dân chủ Xã hội, đang chấp nhận rủi ro lớn.
Việc hai trong số họ là các thành viên hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc, là tổ chức chính thức được Cộng sản ủng hộ - có thể sẽ đem lại cho họ sự bảo vệ nào đó.
Tuyên bố của họ được đưa ra sau hàng tháng có cuộc tranh luận bất thường về hệ thống chính trị, sau khi đảng cầm quyền lấy ý kiến nhân dân về đề án cải cách bản hiến pháp theo mô hình Liên Xô.
Một nhóm các học giả đã soạn thảo bản kiến nghị kêu gọi có dân chủ đa đảng – mà nay đã thu thập được hàng ngàn chữ ký.
Niềm tin của người dân đối với giới lãnh đạo đất nước đã bị tổn hại do sự quản lý yếu kém đối với nền kinh tế, và Đảng Cộng sản đã bị phân rẽ do cạnh tranh phe phái.
Nhưng vẫn chưa có mối đe dọa thực sự đối với sự cầm quyền của đảng. Đảng mới vẫn mới chỉ là tưởng – và ngay cả khi nó được thành lập thì cũng khó mà đoán được là đảng mới sẽ được phép hoạt động tới đâu, hay sẽ được cho tồn tại bao lâu.
"Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó."
Ông nói tới nay, sau khi cải cách cho phép nhiều thành phần kinh tế thì "một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau, thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ".
"Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là vô nghĩa."
Điều 4 của Hiến pháp hiện hành quy định quyền lãnh đạo bao trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo ông Lê Hiếu Đằng, "trước sau gì các vị lãnh đạo của Đảng CS phải chấp nhận thách thức này: các Đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với Đảng CS trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm".
Luật không cấm
Luật gia Lê Hiếu Đằng lập luận rằng "chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng [CSVN] chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này".
"Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta," ông khẳng định.
Từ đó, ông Đằng kêu gọi các đảng viên CSVN đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng cùng "tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội".
"Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được."
Ông cũng khuyến cáo cuộc đấu tranh phải được thực hiện "với phương châm công khai, minh bạch, ôn hòa, bất bạo động, phản đối tất cả mọi hành động manh động, bạo lực khiêu khích gây chiến tranh".
Ủng hộ ý tưởng trên của ông Lê Hiếu Đằng, một nhân vật đương chức khác của MTTQ Việt Nam cũng ra lời kêu gọi người dân "đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới ngày nay".
Ông Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, nói với BBC chính đảng mới sẽ không nhằm chống đối Đảng CSVN, mà cùng hợp tác để thúc đẩy "xây dựng dân chủ cho nước Việt Nam".
"Có một đảng thì không thể có dân chủ. Một đảng cầm quyền từ năm nay qua năm khác, nắm hết mọi thứ, mọi tổ chức, thì không thể gọi là có dân chủ."
Ông Nhuận cho rằng các đảng viên CS kỳ cựu như ông Lê Hiếu Đằng đã hết sức "kiên nhẫn" nhưng Đảng CSVN ngày càng tỏ ra "độc đoán, độc tài, chuyên chế".
Đảng Dân chủ Xã hội sẽ "góp sức làm việc, xây dựng dân chủ" với Đảng CSVN.
Phản ứng tích cực
Theo ông Hồ Ngọc Nhuận, nếu như các đảng viên CSVN giống như ông Lê Hiếu Đằng "ở trong Đảng mà chán nản, không muốn tham gia nữa thì thành lập Đảng mới để̀ đối lập với Đảng CSVN và xây dựng nền dân chủ thật sự".
"Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng [CSVN] chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này."
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Ông cũng cho biết việc thành lập Đảng Dân chủ Xã hội đang còn ở những bước sơ khởi đầu tiên là vận động hình thành, nhưng lời kêu gọi của ông nhận được phản ứng rất tích cực.
"Tôi nghe phản hồi từ nhiều người, cho tới giờ này ai nấy đều tán đồng, ủng hộ, chỉ có một trường hợp phản đối."
Tuy nhiên ông Nhuận cũng nói cần chờ đợi mới biết rõ phản ứng thế nào.
"Chính quyền chưa có phản ứng gì," ông nói.
Việt Nam cũng đã từng có các đảng Dân chủ và Xã hội, tồn tại song song sau 1975 với Đảng Cộng sản, nhưng giải thể năm 1988.
Năm 2006, nhà hoạt động bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính tuyên bố phục hoạt Đảng Dân chủ Việt Nam, nhưng có ý kiến cho rằng nên coi đây là một đảng mới.
Ông Chính qua đời năm 2008.
Cũng đã có một số nỗ lực kêu gọi thành lập chính đảng đối lập ở Việt Nam, và một số đảng cũng tuyên bố ra đời, nhưng chưa có lực lượng nào thực sự tỏ ra có khả năng thách thức Đảng CSVN trong tiến trình chính trị-xã hội ở trong nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét