Cập nhật: 10:00 GMT - thứ bảy, 11 tháng 5, 2013
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI bế mạc ngày 11/5 với hai tân ủy viên Bộ Chính trị.
Đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chủ đề liên quan
Thông tin về hai vị ủy viên mới thực ra đã được các mạng xã hội loan tải từ một tuần trước.
Dư luận đặc biệt chú ý tới việc hai ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương và Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, không được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Vị trí trong Bộ Chính trị là điều kiện cần thiết để các ông có thể lên các chức lãnh đạo cao hơn.
Hai ông Thanh và Huệ từng được cho là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế ủy viên Bộ Chính trị.
Với ông Nhân và bà Ngân, Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng CSVN, nay có 16 ủy viên. Thông thường con số ủy viên được hướng tới là số lẻ để việc bỏ phiếu dễ dàng hơn, do vậy cũng có nhận định sẽ còn tiếp tục bổ sung thêm một vị trí Bộ Chính trị nữa trong thời gian tới.
Một chi tiết khác đáng chú ý, là ngoài ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, quân đội Việt Nam không có thêm nhân vật nào lọt vào Bộ Chính trị.
Trong quân đội hiện nay có hai nhân vật được cho là có khả năng kế nhiệm ông Thanh: Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu, Thứ trưởng, và Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương 7, có tin nói vị trí thứ ba được bầu vào Bộ Chính trị có thể là ông Ngô Xuân Lịch.
Nhưng với kết quả chính thức vừa công bố, chưa có ứng viên tiềm năng thay ông Thanh trong nhiệm kỳ tới.
Ngoài ông Nhân và bà Ngân, chỉ có một vị trí mới sau hội nghị là ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương được đưa vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Học ở Mỹ
Ông Nguyễn Thiện Nhân, 60 tuổi, đã nhận bằng thạc sĩ về Quản lý công ở Đại học Mỹ Oregon và cũng học một khóa đào tạo chuyên gia thẩm định dự án đầu tư tại Đại học Harvard, chi tiết khiến ông nên nhân vật đặc biệt trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản.
Trước đó, theo tiểu sử, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg – Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).
Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam từ Úc, Carlyle Thayer, nhận định việc vào Bộ Chính trị có thể khiến ông trở thành ứng viên Thủ tướng tại Đại hội Đảng lần sau.
Giáo sư Thayer nói: "Kỹ năng chính của ông Nhân được cho là đối phó với phương Tây. Đây là nhân vật có mạng lưới liên lạc quốc tế lớn."
Nói với hãng tin Bloomberg, ông Fred Burke, Giám đốc Điều hành Công ty luật Baker & McKenzie ở TP. HCM, cho hay ông đã một số lần đi cùng ông Nhân sang Mỹ.
"Ông ấy thuyết trình bằng PowerPoint cho những người muốn đầu tư, và cách tiếp cận của ông thật xuất sắc."
"Ông ấy thuộc thế hệ mới đã tiếp xúc nhiều với quốc tế."
Đại hội Đảng gần nhất diễn ra hồi tháng Giêng 2011 và theo thông lệ, được tổ chức năm năm một lần.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, là thành viên nữ thứ hai trong Bộ Chính trị, sau bà Tòng Thị Phóng, được bầu hồi năm 2011.
Một số nhà quan sát cho rằng bà Ngân sẽ là ứng viên cho chức Chủ tịch Quốc hội khóa sau.
Các nội dung khác
Sau phiên họp kéo dài tới 10 ngày, các ủy viên Trung ương cũng bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Trong bài diễn văn bế mạc, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nói "củng cố, kiện toàn, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị là công việc rất lớn, hệ trọng và phức tạp, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm".
Ông cũng kêu gọi tiếp tục đổi mới.
"Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống..."
Hội nghị 7 nhấn mạnh tầm quan trọng của dân vận, cho đó là mối liên hệ "máu thịt" mang lại sức mạnh cho Đảng Cộng sản.
Về sửa đổi Hiến pháp 1992, Trung ương Đảng CSVN cho rằng quá trình lấy ý kiến nhân dân đã diễn ra "chu đáo" và "tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân tán thành với nội dung của dự thảo" mà Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đưa ra.
"Qua đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng này, nhân dân ta một lần nữa thể hiện cao độ lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng."
Hội nghị cũng đề cập đến cái gọi là "các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch" về Hiến pháp và kiên quyết bác bỏ.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được mang ra trình kỳ họp sắp tới trong tháng Năm của Quốc hội, cho dù theo hạn định, việc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân vẫn tiếp tục tới tháng Chín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét