Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Tưởng nhớ trận hải chiến Trường Sa 1988


Bức tranh minh họa trận hải chiến Trường Sa 1988
Có lẽ khác với những ngày tháng hai vừa qua khi cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam từ phía Trung Quốc hồi ngày 17 tháng hai năm 1979 đã 34 năm; nhưng rất ít truyền thông chính thống của chính quyền Việt Nam loan tin nhắc đến sự kiện đau buồn đó; cuộc tấn công của hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam hồi ngày 14 tháng 3 năm 1988, nay được một số báo trong nước đề cập đến.
Tờ Thanh Niên số ra ngày 25 tháng 2 loan tin về cuộc gặp gỡ của các cựu binh Trường Sa do Ban Liên lạc Truyền thống Bộ Đội Trường Sa, thuộc Hội Cưu Chiến binh tỉnh Khánh Hòa tổ chức hồi ngày 24 tháng 2. Sang tháng ba Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh loan tin vào ngày 14 tháng 3 sẽ có cuộc gặp gỡ giữa những cựu binh Trường Sa. Tiếp theo một số báo như Người Lao động, Thanh Niên cho đăng loạt bài về cuộc hải chiến ở Trường Sa 25 năm về trước.
Những bài viết nhắc lại cuốc chiến đấu giữa các binh sĩ hải quân trên các chiếc HQ-604, HQ- 605, HQ-505 của Việt Nam tại đảo Gạc Ma và đá Colin. Thông tin từ báo chí Việt Nam cho biết trận hải chiến hôm ngày 14 tháng 3 năm 1988 đó khiến Việt Nam thiệt hại ba tàu, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người mất tích.
Vào năm 1991, phía Trung Quốc trao trả lại cho Việt Nam 9 người mà họ bắt. Đến nay có 64 người vẫn mất tích và được xem đã hy sinh trong trận hải chiến hôm đó.

Lính chiến trở về

Trong số chín người được phía Trung Quốc trả về, chúng tôi tiếp chuyện được với hai người. Một là anh Trương Văn Hiền và người kia là anh Lê Minh Thoa.
Anh Trương Văn Hiền cho biết thuộc Đoàn Đo Đạc được điều ra Trường Sa trên chiếc HQ-604. Hiện anh sinh sống tại thành phố Buôn Mê Thuột. Để kiếm sống hằng ngày anh phải đi làm thuê.
Trong cuộc chiến hồi tháng 3 năm 1988 anh bị thương nhưng may mắn sống sót, bị phía Trung Quốc bắt rồi giữ cho đến năm 1991 được trả về Việt Nam.
Anh kể lại những điều còn trong trí về cuộc chiến năm nào:
“Ngủ một đêm thì sáng mai sự cố xảy ra. Sáng mai chở hàng lên đảo để xây dựng thì ‘tự nhiên’ xung đột diễn ra. Quân Việt Nam đông khoảng 50-60 người; Trung Quốc cho 3 xuồng nhỏ xuống uy hiếp một lúc không được thì quay về tàu lớn đánh mình. Toàn vũ khí lớn, pháo, hạng nặng đánh, đánh chết hết toàn bộ, tơi bời mà…”

Khi bị một quả pháo làm khu máy cháy, cháy rồi chìm tàu, tôi ngoi lên và thấy tàu chìm và các đồng đội đã hy sinh. Những người nổi lên biển thì thấy Trung Quốc thả xuồng xuống dùng AK bắn những anh em nổi lên trên chết hết.
- Anh Lê Minh Thoa 
Còn anh Lê Minh Thoa là một binh sĩ phụ trách máy nên ở dưới tàu khi trận chiến xảy ra. Anh thú nhận không rõ gì xảy ra khi tàu bị tấn công:
“Lúc đó tôi trực dưới khu máy nên không biết gì hết. Khi bị một quả pháo làm khu máy cháy, cháy rồi chìm tàu, tôi ngoi lên và thấy tàu chìm và các đồng đội đã hy sinh. Những người nổi lên biển thì thấy Trung Quốc thả xuồng xuống dùng AK bắn những anh em nổi lên trên chết hết.”
Anh Thoa hiện nay ở tại Qui Nhơn và hằng này kiếm sống bằng quán phở bán vào buổi sáng.
Dù tin nói sẽ có cuộc gặp các cựu binh Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 14 tháng 3 năm nay; thế nhưng đến ngày 12 tháng 3 khi chúng tôi hỏi hai anh Trương Văn Hiền và Lê Minh Thoa thì cả hai đều cho biết chưa nhận được lời mời nào.
Cả hai biết được nhau nhân dịp gặp gỡ mang tên ‘Vòng tròn bất tử’ do Trung tâm Dữ Liệu Hoàng Sa tổ chức tại Khu Du lịch Suối Lương, Đà Nẵng  hồi tháng 9 năm 2011.
Sau lần gặp mặt đó họ cũng chẳng mấy khi liên lạc được với nhau.

Công ơn liệt sĩ


P1010098-250.jpg
Từ trái qua: Trương Văn Hiền hiện ở thành phố Buôn Ma Thuộc Đắc Lắc; Dương Văn Dũng hiện ở Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng và Lê Minh Thoa hiện là chủ tiệm phở số 5 Tăng Bạt Hổ thành phố Quy Nhơn.

Tuy nhiên theo hai cựu binh Trường Sa may mắn sống cho đến ngày hôm nay, ngày 14 tháng 3 là ngày mà họ nhớ về những anh em đồng đội đã hy sinh trong ngày đó.
Anh Lê Minh Thoa cho biết: “Ngày đó mình nghĩ về đồng đội của mình đã hy sinh vì tổ quốc.”
Còn cựu binh Trương Văn Hiền thì chia xẻ một số suy nghĩ về chuyện 25 năm về trước, cũng như tình hình hiện nay ngoài Biển Đông của Việt Nam nơi mà một số đồng đội của anh đã bỏ mình:
“Em nghĩ đó là một thiệt thòi lớn cho cả dân mình. Nói chung việc đi làm nhiệm vụ thì mỗi công dân phải làm tròn trách nhiệm của người dân. Đất nước mình thì mình phải giữ lấy không để người ta chiếm được.”
Cô Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân lương tâm hiện đang bị quản chế, người từng đến thăm gia đình các ngư dân bị Trung Quốc bắn chết ở Vịnh Bắc Bộ trước đây, đưa ra nhận định về sự tri ơn đối với các liệt sĩ bỏ mình ngoài biển khơi lâu nay như sau:
“Trên báo chí cách đây vài năm có nói về một người lính năm xưa trở về sau trận Gạc Ma, đó là ông Trương Văn Hiền. Tôi xin trích dẫn một câu của ông khi được hỏi nếu sau này xảy ra một trận chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa thì ông đã nói rằng ‘chắc không bao giờ đi nữa, có cảm giác tủi thân vì đổ xương máu không được gì, cũng hơi buồn. Đời mình không quan trọng, chỉ mong giúp cho hai đứa con có tương lai.’
Em nghĩ đó là một thiệt thòi lớn cho cả dân mình. Nói chung việc đi làm nhiệm vụ thì mỗi công dân phải làm tròn trách nhiệm của người dân. Đất nước mình thì mình phải giữ lấy không để người ta chiếm được. 
- Anh Trương Văn Hiền
Với một lời tự sự, tâm sự, bộc bạch như thế thì tôi cho rằng chúng ta đủ để có thể hiểu bản chất của vấn đề.”
Hồi ngày 17 tháng 2 vừa qua, nhân dịp 34 năm Trung Quốc xua quân đánh sang Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, một số người vì lòng yêu nước, tri ân những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến nhằm bảo vệ tổ quốc đó đã đến đặt vòng hoa tại một số Đài Liệt sỹ nhưng bị ngăn cản. Trước tình hình đó, giáo sư Tương Lai có thư cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lên tiếng ở Vĩnh Phúc hồi cuối tháng hai cho rằng có những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khi góp ý cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 với những yêu cầu bỏ điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, tam quyền phân lập…
Trong thư, giáo sư Tương Lai đặt vấn đề rằng sự suy thoái mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra được biểu hiện quá rõ ai cũng thấy trong ngày 17 tháng 2 năm 2013. Theo giáo sư Tương Lai đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng quân Trung Quốc xâm lược.
___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến