Song Hà
Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết kêu gọi như sau: “Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”. - trích Nghị quyết số 38/2012/QH13, về việc “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các nhân sĩ trí thức và đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam đã hưởng ứng bằng Bản Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp với 7 điểm cơ bản do 72 nhân sĩ, trí thức, công dân Việt Nam đứng đầu gửi đến Quốc hội.
Quốc hội – được xác định là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra, tất cả mọi người dân, mọi thành phần dân tộc phải có nghĩa vụ hưởng ứng và thực hiện. Những công dân quan tâm đến tình hình đất nước đã nhanh chóng hưởng ứng và Bản Kiến nghị đã có gần vạn người ký tên ủng hộ. Trong một đất nước, một xã hội mà sự vô cảm đã trở thành bình thường, thì việc hàng vạn người nhanh chóng ủng hộ một văn bản do một nhóm trí thức, nhân sĩ đưa ra là một sự kiện đáng quan tâm vì nó thể hiện tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam.
Lẽ ra, tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được mệnh danh là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài” “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ…” phải có trách nhiệm ủng hộ những tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước đi lên phồn vinh, hạnh phúc. Thế nhưng, ngược lại, tờ báo này đã dẫn đầu trong việc chống phá ý nguyện của nhân dân Việt Nam bày tỏ ý kiến của mình theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đi vào nội dung bài viết, người đọc chẳng thấy được tư liệu gì ngoài “sự ám ảnh” bởi hàng loạt chữ ký đông đảo của nhân dân vào bản Kiến nghị 7 điểm của 72 nhân sĩ, trí thức nói trên. Chắc hẳn là vì tờ báo của Mặt trận đã thừa hiểu rằng, với sự vô cảm hiện nay đang phổ biến trong toàn xã hội do lối sống vật chất, thực dụng và suy thoái đạo đức mấy chục năm qua nên việc một bản Kiến nghị được sự hưởng ứng rầm rộ của nhân dân đã làm những người làm công tác Mặt trận phải giật mình. Nhưng, kết quả điều tra là gì ngoài việc về địa phương xa lắc lơ nào đó gặp một vài nông dân để hỏi họ có góp ý Hiến pháp không, để họ trả lời rằng thì là không biết Hiến pháp là cái gì. Điều đó được thể hiện qua đoạn sau:“Ra đồng, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Phúc đang cặm cụi cấy lúa, sau một hồi trò chuyện, phần nào chúng tôi đã hiểu nhau. Nhân đà câu chuyện đang rôm rả, tôi hỏi chị là xã có triển khai lấy ý kiến của người dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không, chị Phúc thật thà: "Có đó, các ông ấy cũng có tuyên truyền và bảo ai có góp ý thì gửi về xã, nhưng mà tụi tui quanh năm mần ruộng, có biết mô mà góp ý...”. Còn một người khác thì được trả lời như sau về đời sống nông dân hiện nay: "Răng các chú hỏi thật hay trêu tui vậy? Mần 5 sào ruộng đã vất vả, còn công việc ở xã nữa, thời gian mô vào mạng internet, mà lắp chi cho tốn tiền...”.
Vậy là đã rõ, chỉ vài đoạn của bài viết đã cho thấy rất rõ cuộc sống người nông dân đầu tắt, mặt tối làm không đủ ăn và lạc hậu đến mức ngay cả cán bộ xã cũng không thể có tiền lắp mạng Internet. Đó phải chăng là cái mà Mặt trận Tổ Quốc muốn và đã thấy? Có phải để cho người dân lo lắng cho cuộc sống tất bật vất vả của mình mà quên đi những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, để một nhóm người mặt sức làm mưa làm gió trên xương máu và hiện tại, tương lai của họ là mục đích và thực tế hiện nay?
Thế nhưng, tờ báo vẫn lớn giọng kết luận: “bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, với những điều đi ngược lại nguyện vọng của đa số người dân Việt Nam”. Đại đa số người dân Việt Nam là những ai khi mà người dân được mô tả là “tụi tui quanh năm mần ruộng, có biết mô mà góp ý...”? Có phải là mấy ông trong Trung ương Đảng cầm quyền, ông TBT Đinh Đức Lập của Báo Đại đoàn kết là đại diện cho “đa số người dân Việt Nam”?
Với tư duy dối trá của mình, tờ Đại Đoàn kết mắc cái bệnh suy bụng ta ra bụng người với lối suy diễn như sau: “Ai cũng hiểu, nếu chỉ đưa ra một cái tên, ở tại một tỉnh rộng tới 6.055,6 km² (Hà Tĩnh), 5.903,940 km2 (Đồng Nai)... thì bất cứ ai cũng có thể đưa hàng triệu cái tên như vậy lên trên mạng internet”.
Có thể ông Đinh Đức Lập nghĩ rằng giữa trùng khơi biển người, muốn nói gì thì nói, lấy tên ai thì lấy chứ không ai biết ai là ai. Cách nghĩ này của ông đã là một sai lầm. Ông hãy ngẫm lại mà xem, giữa hàng chục triệu người dân Việt Nam, hàng triệu trí thức, học sinh, người ta vẫn có thể lôi ra chính ông đã gian lận bằng cấp, chính ông đã bị kỷ luật, chính ông chưa một ngày làm báo mà vẫn được bổ nhiệm làm TBT tờ báo Đại Đoàn Kết đó thôi.
Thưa ông Đinh Đức Lập, lòng yêu nước không phải dùng để lên lương, để bổ nhiệm quan chức hòng kiếm ăn, do vậy chẳng ai cần và không thể mạo danh.
Việc hàng vạn người có tâm với đất nước ký tên vào bản Kiến nghị đã được công bố, hẳn rằng những người có tri thức, tâm huyết và đặc biệt chưa mất lòng tự trọng, còn liêm sỉ làm người không hề bịa đặt mà có đủ cơ sở hẳn hoi. Tại sao ông Đinh Đức Lập không cho điều tra, hỏi han ngay tại những nơi đã đưa danh sách mà phải chạy vào hỏi một nông dân đang đầu tắt mặt tối làm ruộng ngoài đồng? Phải chăng đó chỉ vì ông chưa làm báo ngày nào nên nghiệp vụ báo chí của ông không có và đã hại ông? Ông lại còn đưa cả cơ quan an ninh ra để hù dọa những người có tâm huyết và dám lên tiếng như đã từng làm với những người ký tên phản đối Dự án Bauxite Tây Nguyên? Có phải ông Đinh Đức Lập đang muốn điều tra hộ cho cơ quan công an những ai đã ký danh sách này để sau đó cơ quan công an có việc làm? Xin thưa, những sự hù dọa đó đã quá ấu trĩ và lạc hậu, người dân đã dám đứng thẳng và nói thẳng thì sự hù dọa là chuyện trẻ con. Hãy quan tâm đến con số hàng ngàn người ký tên công khai vào bản “Tuyên bố công dân tự do” để thấy người dân Việt Nam ngày nay không còn là đàn cừu của đảng, để có thể giao phó số phận và tương lai đất nước cho bất cứ kẻ nào làm hại dân tộc.
Họ đã không còn sợ hãi trước bạo quyền, thưa ông Đinh Đức Lập.
Khi đã không đủ khả năng tranh luận bằng trí tuệ, sự thật mà chỉ dùng súng đạn, bạo lực để hù dọa, trấn áp nhân dân thì điều đó chỉ thế hiện sự suy vong tất yếu của một chế độ không được lòng dân.
Còn vì sao, thì chắc hẳn ông Đinh Đức Lập sẽ không hiểu và không thể hiểu nổi vì sao trong một xã hội đầy sự gian lận, dối trá mà lại còn có cả vạn người quan tâm đến xã hội, đến đất nước. Đó là điều mà ông Đinh Đức Lập không thể hiểu nổi. Với lối tư duy và cách sống của ông, chắc ông không ngạc nhiên nếu hàng vạn thanh niên, học sinh khóc lóc khi đón thần tượng âm nhạc T-Ara đến Việt Nam. Sẽ không ngạc nhiên khi đoạn phim sex của Hoàng Thùy Linh được sự quan tâm đến ngột thở của toàn xã hội. Nhưng ông sẽ ngạc nhiên vì người Việt Nam mà vẫn còn lòng yêu nước?
Sau bản Kiến nghị 7 điểm của trí thức, nhân sĩ và công dân Việt Nam đưa ra, bản Góp ý và kiến nghị sửa đổi, hàng loạt các tổ chức Tôn giáo, tuổi trẻ Việt Nam trong và ngoài nước đã công khai lên tiếng. Hội đồng Giám mục Việt Nam đại diện tinh thần cho 8 triệu giáo dân, chiếm 1/10 dân số Việt Nam đã khảng khái nói lên tâm nguyện của nhân dân đối với chế độ chính trị qua bản Góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Đó mới thực sự là “Nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam, thưa ông Đinh Đức Lập.
Chúng tôi không ngạc nhiên khi những người như ông Đinh Đức Lập lên tiếng đi ngược lại cao trào xã hội, đi ngược lại lịch sử, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Bởi những người như Đinh Đức Lập, lấy đâu ra tư cách để nói với mọi người.
Những lời nói lấy được, bịa đặt và kết tội mang kèm theo súng đạn và nhà tù, đó là những lời nói thiếu chính nghĩa và sự thật.
9/3/2013
S.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét