Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Giáo dân “Nói Không” với trò dân chủ giả hiệu trong Góp ý sửa đổi Hiến Pháp

Kể ra thì đảng cũng đã khôn, nhưng không ngoan. Nhìn tờ phiếu lấy ý kiến của nhân dân, người dân không khỏi bật cười nhớ câu chuyện chia phần: “Hoặc là Tao bảy, mày ba. Nếu không đồng ý thì mày ba, tao bảy”. Trò tháu cáy này của đảng chứng tỏ cái dân chủ “gấp vạn lần dân chủ tư sản” là chỗ này đây. Và cũng thể hiện rằng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ nhân loại” là ở đây?
Gần đây, nhà cầm quyền CSVN đã bày trò “Góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992”, một chương trình khá tốn kém bằng tiền của của nhân dân, với mục đích là tăng thêm sự “hợp hiến” của đảng cộng sản độc tài và độc trị ở Việt Nam. Một nhà báo nổi tiếng đã đặt ra câu hỏi: Sửa hiến pháp hay xây lô cốt cho Đảng?
Vở tuồng bị cháy
Người dân Việt Nam và cả thế giới vốn không lạ gì cái gọi là “dân chủ” ở Việt Nam, vốn đã được Phạm Văn Đồng quảng cáo rằng “gấp triệu lần dân chủ tư sản” còn Nguyễn Thị Doan – Phó CT nước hiện thời – thì hạ giá xuống còn “gần vạn lần dân chủ tư sản” nhưng về thực chất là gì trong chế độ độc tài cộng sản. Để vở tuồng này diễn ra như thật, Phan Trung Lý, chủ nhiệm UB Luật Pháp Quốc Hội khẳng định “Không có vùng cấm”. Ai cũng biết rằng vùng cấm ở đây, chính là việc đụng tới việc đảng cố tình đưa vào hiến định quyền lực cướp được của mình để tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nhân dân, hòng thực hiện nhiệm vụ của mình trong vai trò là bộ phận của Cộng sản Quốc tế, sẵn sàng hi sinh và bán rẻ lợi ích dân tộc và đất nước này cho Cộng sản Trung Cộng.
Đây tiếp tục là một trò bịp, mị dân xưa nay vốn diễn ra liên tục như Góp ý Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng, Góp ý Hiến pháp, Góp ý luật… kèm theo hù dọa, súng đạn và nhà tù nên đảng vẫn thu được kết quả mỹ mãn là không ai dám lên tiếng trái chiều. Và lần này, đảng tiếp tục dùng lại chiêu bài cũ.
Ngờ đâu, lòng dân đã như sóng tràn, ý dân như nước vỗ bờ, ý thức người dân đã thay đổi. Rất nhanh chóng và hiệu quả, những trí thức, nhân sĩ trong nước đã tận dụng cơ hội “hợp hiến và hợp pháp” này để lên tiếng, nói lên nguyện vọng của nhân dân. Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp do 72 nhân sĩ, trí thức đứng tên đưa ra nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi, con số chữ ký tăng vùn vụt từng ngày. Các trí thức, nhân sĩ đã đàng hoàng, công khai đưa đến Quốc hội bản Kiến nghị 7 điểm, trong đó nêu rõ ý nguyện của nhân dân, đặc biệt điều hết sức thô bỉ và vô lý là cưỡng chế nhân dân bằng điều 4 quy định “sự lãnh đạo của đảng” và mớ học thuyết Mác – Lênin đã hoàn tòa bị vứt bỏ. Đó cũng là ý nguyện của đông đảo nhân dân Việt Nam đã quá thấm thía với chiếc gông cùm CS bán nước hại dân mấy chục năm qua mà không dám mở miệng vì nó đồng nghĩa với nhà tù và trấn áp.
Hoảng hốt trước một thực tế lòng dân đã thay đổi được thể hiện rõ ràng, Nguyễn Phú Trọng TBT Đảng CS – người mà nhân dân Việt Nam trìu mến đặt tên là Trọng Lú – đã phải xuất đầu lộ diện nhằm hãm lại con sóng trào có nguy cơ quét sạch mọi sự dối trá giả hiệu của vở tuồng bằng cách hù dọa, mạt sát nhân dân là “suy thoái chính trị, tư tưởng và đạo đức”. Thậm chí, Nguyễn Sinh Hùng – biệt danh là Hùng Hói – với vai trò Chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhất của cả nước, lại xông ra cứu đảng bằng cách đe dọa những người khác ý là “chống đảng, chống chế độ, chống nhà nước’ và yêu cầu xử lý. Thảm hại thay, con bài dọa dẫm của Trọng Lú và con bài cứu chúa của Hùng hói ngay lập tức đổ dầu vào lửa. Cơn thịnh nộ của nhân dân được dịp bùng phát.
Ngay lập tức, một nhà báo trong hàng ngũ báo chí Quốc doanh đã không kìm được lòng mình, Nguyễn Đắc Kiên đã có lời phản biện nhanh chóng đầy lý luận đập thẳng vào mặt ông tiến sĩ xây dựng đảng Trọng Lú. Cũng gần như ngay lập tức, đòn thù của đảng giáng xuống trên đầu anh bằng quyết định buộc thôi việc kèm theo những nguy cơ nhằm nắn gân và đe dọa những tiếng nói cương trực tiếp theo.

Thế rồi đồng loạt những tiếng nói can đảm đã cất lên, vượt qua sợ hãi, vượt qua những lời đe dọa, đồng hành và sát cánh với Nguyễn Đức Kiên trong phong trào Tuyên bố Công dân Tự do đã chứng tỏ người dân Việt Nam đã vượt qua sợ hãi và đe dọa. Hàng loạt ý kiến, bài viết trên mạng đã lập tức mổ xẻ, truyền đi các thông điệp cho đảng CS biết rằng: Đã đến lúc người dân đồng loạt không còn sợ hãi, màn đe dọa bạo lực và thực thi bạo lực của bạo quyền đã không làm người dân nao núng. Thế là hệ thống báo chí quốc doanh được huy động, nào là ý nguyện nhân dân rằng là phải giữ lại đảng lãnh đạo, là phải có đảng quang vinh, rồi kể công lao như truyền thống tranh công đổ lỗi xưa nay đảng vẫn làm. Nhiều bút nô với đủ mác giáo sư, tiến sĩ đã thi thố những bài lý luận cực kỳ… cùn. Trên các bài bình luận của cộng đồng Blogger hết sức sôi nổi và thẳng thắn, đập thẳng vào mớ lý luận kiểu A.Q của đảng. Với những lý luận sắc bén và thực tiễn, những nhà báo nhân dân đã bẻ gãy không thương tiếc và vạch trần sự u mê, đoản trí nơi những nhà lý luận của đảng. Thậm chí, nhiều cây viết của đảng nuôi dưỡng bấy lâu nay dịp này được huy động như để chứng tỏ sự bí bách và luẩn quẩn, thậm chí ở trạng thái tâm thần của họ.
Ý nguyện của nhân dân: Đòn quyết định của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Trong không khí đảng cố đưa ra những lời dọa nạt đối với nhân dân, rằng thì là đảng có công lao trời biển, rằng thì là thế lực thù địch lợi dụng chống đảng chống nhà nước, rằng thì là nghiêm trị v.v… nhằm chặn đứng việc người dân bộc lộ suy nghĩ nguyện vọng của mình, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khảng khái đưa ra Bản Nhận xét và Góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Bản góp ý như một tiếng sấm giữa trời quang đã nói lên đầy đủ những ý nguyện của 8 triệu giáo dân Việt Nam và kiến nghị thay đổi hoàn toàn những điều mà đảng muốn bám giữ bằng mọi cách. Bản nhận xét nói rõ: “Trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định một cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào, vì chủ thể của quyền bính chính trị chính là nhân dân”. Văn bản cũng đã chỉ ra trò dân chủ giả hiệu vẫn tồn tại như sau: “Một đàng, điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; đàng khác, điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?”.

Bản Nhận định và góp ý của HĐGMVN
Bản Nhận xét và Góp ý kiến lập tức được sự ủng hộ của 8 triệu giáo dân như truyền thống xưa nay của Giáo hội Công giáo hiệp nhất, tông truyền, Thánh thiện và nhất là để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người giáo dân tốt cũng là công dân tốt” cho giáo hữu tại Việt Nam.
Điểm lại thời gian qua, những nhận định của HĐGMVN về các hiện tượng xã hội Việt Nam đã được chứng minh là có những  giá trị đặc biệt, là tiếng nói ngôn sứ không chỉ cho Giáo hội Công giáo, mà là cho cả dân tộc và đất nước. Điều này được xác định qua những sự kiện cột mốc như sau:
Năm 2002, HĐGMVN có Thư ngỏ gửi các  lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam, ở đó lần đầu tiên nêu rõ thực trạng xã hội Việt Nam và chỉ rõ những nguyên nhân của thực trạng đó chính là ở Chủ nghĩa tiêu thụ, không quan tâm đời sống và phẩm giá người lao động, biến con người thành phương tiện sản xuất và sự tự do được sử dụng tùy tiện của những kẻ có quyền thế.
Đặc biệt, HĐGMVN đã chỉ ra chính cơ chế bất công và tha hóa con người. Cơ chế Xin – Cho lần đầu tiên được nêu lên bằng văn bản chính thức. Văn bản viết: “Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan…  cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích”.
HĐGMVN đã không ngần ngại chỉ rõ trong đó rằng: “Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.
Năm 2008, trước cơn sóng bạo lực cuồng nộ của bộ máy công quyền CS đang ra sức cướp bóc tài sản Giáo hội, đánh phá bằng nhiều cách các giáo dân, giáo sĩ Hà Nội qua vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, HĐGMVN ra văn bản “Quan điểm của Hội đồng GMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” ở đó nêu rõ quyền tư hữu của người dân về ruộng đất phải được tôn trọng. Có lẽ đây cũng là tiếng nói chính thức và đầu tiên trong xã hội đỏi hỏi cách công khai và chính đáng quyền tư hữu về ruộng đất cho người dân. Bản văn viết: ”Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17)”
Năm 2012, trong bản Nhận định của Ủy Ban Công lý Hòa Bình thuộc HĐGMVN đã nêu ra đầy đủ thực trạng mọi mặt, chỉ ra nguyên nhân những mặt bất ổn và những nguy cơ đối với xã hội Việt Nam. Ở đó cũng chỉ rõ: “Luật đất đai hiện hành, vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Đó là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước”.
Đến nay, tiếp tục thi hành vai trò Ngôn sứ của mình Bản Nhân xét và Góp ý kiến của HĐGMVN đã ra đời đáp ứng nguyện vọng của thời đại và của dân tộc.
Và giáo dân lên tiếng
Ngay sau khi Bản Nhận xét và Góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra, sự đồng lòng đã thể hiện rộng rãi khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại, từ giáo dân đến các trí thức, các tầng lớp nhân dân khác trong và ngoài công giáo. Một số trang mạng đã lập tức hưởng ứng bằng việc ký tên biểu thị sự ủng hộ Hội Đồng Giám mục Việt Nam.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc kêu gọi ký tên là việc tốt thể hiện sự nhiệt tình của giáo hữu và các địa hạt tôn giáo khắp nơi, nhất là ở ngoài nước, song không cần thiết cho giáo dân trong nước ở trường hợp này. Bởi lẽ ai cũng thừa biết rằng tiếng nói của Hội Đồng Giám mục Việt Nam luôn là tiếng nói được sự thống nhất gần như tuyệt đối của mọi tín hữu, là tiếng nói đại diện cho 8 triệu giáo dân Công giáo Việt Nam. Bất cứ bản chữ ký nào, dù đạt con số cả 3 triệu chữ ký, cũng không thể nói hết sự thống nhất đoàn kết của 8 triệu giáo dân Việt Nam xung quanh Hội đồng giám mục Việt Nam từ xưa đến nay.
Trước các phong trào như sóng dâng, như bão nổi, nhà cầm quyền hết sức lúng túng và sợ hãi. Một mặt ra sức tuyên truyền lấy được, một mặt tìm những chiêu bài mị dân mới. Một mặt nhà cầm quyền CSVN hoãn thời hạn góp ý thêm một thời gian, mục đích nhằm pha loãng sự chú ý của dư luận nhân dân trước làn sóng phản ứng gay gắt và thẳng thắn chỉ rõ sự vô lý, áp đặt và cưỡng chiếm bất nhân của đảng CS trên dân tộc. Mặt khác dùng những chiêu bài mới nhằm đạt được ý đồ của mình. Một trong những việc làm đó là đưa bản Dự thảo Hiến pháp xuống từng gia đình để “lấy ý kiến”.
Nhưng, chỉ nhìn bản mẫu Góp ý cho Dự thảo được nhà nước đưa ra, người dân không khỏi không bịt mũi trước trò đểu một cách lộ liễu được thể hiện trong đó. Tờ Phiếu lấy ý kiến nhân dân được làm theo mẫu với hai đề mục như sau: “- Đồng ý với toàn văn Dự thảo Hiến pháp 1992 (Xin ghi rõ hai chữ “đồng ý”)  – Đồng ý với những nội dung khác trong Dự thảo Hiến pháp 1992 và có ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi bổ sung ở những Chương, Điều, Khoản hoặc từ ngữ cụ thể”. Như vậy, dù người dân có hiểu biết đến đâu, có ý kiến khác như thế nào, thì cả hai lựa chọn đều là “Đồng ý” (Sic). Đằng sau, còn phải ghi rõ tên, địa chỉ và số điện thoại. Chắc hẳn là để công an tìm đến nhà cho dễ dàng hơn?
Kể ra thì đảng cũng đã khôn, nhưng không ngoan. Nhìn tờ phiếu lấy ý kiến của nhân dân, người dân không khỏi bật cười nhớ câu chuyện chia phần: “Hoặc là Tao bảy, mày ba. Nếu không đồng ý thì mày ba, tao bảy”. Trò tháu cáy này của đảng chứng tỏ cái dân chủ “gấp vạn lần dân chủ tư sản” là chỗ này đây. Và cũng thể hiện rằng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ nhân loại” là ở đây?
Đảng cũng chắc mẩm rằng, trong tình hình thóc cao gạo kém, khi mà người dân được tờ báo Đại Đoàn kết mô tả là “Nhân đà câu chuyện đang rôm rả, tôi hỏi chị là xã có triển khai lấy ý kiến của người dân cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không, chị Phúc thật thà: “Có đó, các ông ấy cũng có tuyên truyền và bảo ai có góp ý thì gửi về xã, nhưng mà tụi tui quanh năm mần ruộng, có biết mô mà góp ý…”. Thì con bài của Đảng sẽ hiệu quả là dựa vào sự ít hiểu biết và không quan tâm của người dân đang lo từng miếng ăn nên bảo đồng ý thì đồng ý, bảo ký thì ký, nhất là công an và súng đạn đe dọa thì ký cho nó lành. Thế là đảng thắng lợi, vừa được tiếng là dân chủ, vừa được sự đồng ý của “tuyệt đại đa số nhân dân”(sic).
Nhưng, giáo dân đã không mắc mưu đảng. Ngay từ khi đảng mới phát động gửi đến từng nhà những bản in nặng dày cộp, người dân đã thắc mắc là không biết dự án này, đảng đã tiêu bao tiền của dân. Và họ đã thể hiện ý kiến của mình.
Hàng loạt các nhà thờ đã đọc, đưa lênbảng tin giáo xứ, in và phát tận các gia đình giáo dân Văn bản của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tại Sài Gòn, sau khi nhận được tập Dự thảo và “Phiếu lấy ý kiến”, người giáo dân đã đồng lòng ghi như sau:
- Mục – Đồng ý với toàn văn Dự thảo Hiến pháp 1992 (Xin ghi rõ hai chữ “đồng ý”)Người dân ghi rõ: KHÔNG ĐỒNG Ý
- Mục – Đồng ý với những nội dung khác trong Dự thảo Hiến pháp 1992 và có ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi bổ sung ở những Chương, Điều, Khoản hoặc từ ngữ cụ thể”, người dân ghi rõ:
1- Không đồng ý với những nội dung trên
2- Gia đình tôi chỉ đồng ý theo bản “Nhận định và Góp ý Sự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) của Hội Đồng Giám mục Việt Nam ngày 1/3/2013 đã ký và gửi đi. Đó là nguyện vọng của gia đình tôi nói riêng và của giáo dân, Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung. Chúng tôi gửi kèm theo đây”.
Đó là câu trả lời thỏa đáng cho trò tháu cáy trong vở tuồng của Đảng.
Không biết đảng có biết nhục nữa không?

Lấy ý kiến: "Tao bảy, mày ba..."

12/3/2013
  • Song Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến