Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Việt Nam Tuần Qua

Kỳ họp lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương đảng CSVN diễn ra từ đầu tuần này trong bối cảnh cả nền kinh tế và chính trị Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu xáo trộn đã khiến cho dư luận đưa ra nhiều nhận định, đồn đoán khác nhau về những gì đang xảy ra trong nội bộ ban lãnh đạo đảng, nhất là vị thế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

AFP photo
Các ông Nguyễn Phú Trọng (trên, trái), Nguyễn Tấn Dũng (trên, phải), Trương Tấn Sang (dưới, trái) và Nguyễn Sinh Hùng(dưới, phải)

Tranh giành quyền lực

Theo thông báo chính thức, tại kỳ họp này “Ban chấp hành trung ương đảng CSVN sẽ bàn thảo quy hoạch thành phần nhân sự lãnh đạo chủ chốt của đảng cho thời gian tới”.
Tuy nhiên, trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng: “Trước tình hình thực tế của đất nước, có rất nhiều vấn đề rất quan trọng và phức tạp cần được lãnh đạo đảng bàn thảo và giải quyết, trong đó cần phải tập trung ưu tiên cho ổn định, lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô.”
Nhận xét về điều này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại Hà Nội, nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Bộ máy nhà nước là cái đã đẻ ra chủ trương, đã đứng ra cho phép các doanh nghiệp hoạt động. Tôi nghĩ rằng hiện nay đã hình thành lợi ích nhóm giữa một số quan chức nhất định nào đấy trong bộ máy nhà nước với một số quan chức trong doanh nghiệp nhà nước, và những người này họ không muốn cải cách.”
Chưa bao giờ có một Thủ tướng bị công khai chỉ trích nặng nề về thất bại kinh tế và tham nhũng như thế. Vì thế có thể hiểu rằng đây là cuộc đấu giữa một bên là thế lực có tiền và bên kia là thế lực có quyền.
Một cán bộ đảng
Theo dõi những diễn biến tại thượng tầng lãnh đạo Việt Nam thời gian gần đây, giới phân tích cho rằng, bên trong những tuyên bố chung chung về tình hình đất nước, tại kỳ họp kéo dài đến nửa tháng trời này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ mổ xẻ trách nhiệm của lãnh đạo đảng trước những vụ đổ bể dây chuyền trong hệ thống các tập đoàn kinh tế quốc doanh, mà cụ thể là vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Hãng thông tấn Pháp AFP trích lời Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng tại hội nghị lần này, các đối thủ chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tìm cách giảm bớt những quyền hành quá lớn mà phe của ông Dũng đã thâu tóm được trong thời gian qua.
Cũng trong bản tin đánh đi từ Hà Nội hôm thứ Tư 3 tháng 10, AFP trích lời một cán bộ đảng cho rằng: “Chưa bao giờ có một Thủ tướng bị công khai chỉ trích nặng nề về thất bại kinh tế và tham nhũng như thế. Vì thế có thể hiểu rằng đây là cuộc đấu giữa một bên là thế lực có tiền và bên kia là thế lực có quyền.”
Theo nhận định của AFP, rất khó xảy ra khả năng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải ra đi sau hội nghị trung ương lần này. Nhưng chí ít, với việc bị tập trung chỉ trích những sai lầm trong chiến lược phát triển kinh tế của ông Nguyễn Tấn Dũng, căn cứ vào các vụ đổ bể ở Vinashine, Vinalines, và mới nhất là scandal tài chính ngân hàng, chắc chắn là sau Hội nghị Trung ương lần này, quyền lực của Thủ tướng Dũng sẽ bị suy giảm.

Kinh tế tiếp tục suy giảm

NH-VIB-250.jpg
Ngân hàng Quốc tế VIB tại Hà Nội. RFA photo
Trong lúc tại nghị trường, các nhà lãnh đạo đảng CSVN tiếp tục bàn thảo về các vấn đề vĩ mô; thì trên thực tế, kinh tế Việt Nam đang có những bước lùi đáng báo động.
Liên tiếp trong các ngày đầu tuần này, Việt Nam phải đón nhận nhiều tin tức gây lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế quốc gia.
Đầu tiên là việc công lượng giá tín dụng quốc tế Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam do những quan ngại về khu vực ngân hàng. Tiếp đến là việc Ngân hàng Phát triển Châu Á ABD hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay xuống còn 5.1%, so với mức 5.7% cũng do chính ADB đưa ra cách đây 5 tháng.
Giải thích cho quyết định hạ mức tăng trưởng của Việt Nam, các chuyên gia ADB cho rằng, chính những biện pháp bình ổn được chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian qua đã làm suy yếu nhu cầu nội địa và làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Địa điểm Sông Tranh 2 có vấn đề

images661309_250.jpg
Đập thủy điện Sông Tranh 2. File photo.
Về xã hội, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận những phản biện của giới khoa học liên quan đến tình trạng động đất liên tục và kéo dài ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Trong bản cáo cáo“Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2”, công bố hôm thứ Tư 3 tháng 10, nhóm các nhà nghiên cứu do GS Cao Đình Triều, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý VN đứng đầu, cho rằng “việc chọn Sông Tranh 2 làm khu vực xây nhà máy thủy điện là một sai lầm”.
Sau quá trình khảo sát thực địa cũng nhu tổng hợp dự liệu, các nhà nghiên cứu phân tích: “Hiện tượng nứt và sụt lở đất trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện rất mạnh dọc theo đới đứt gãy. Cụ thể, đá granite tại lòng hồ Sông Tranh 2 bị cà nát, đập vỡ mạnh dọc đới đứt gãy, tạo nên nguy cơ về tai biến trượt và sạt lở đất rất cao, có thể gây ảnh hưởng tới các công trình dân sinh và hoạt động an toàn của đập cũng như gây lấp lòng hồ, chặn dòng chảy… mỗi khi có động đất mạnh xảy ra.”
Tôi không thể tưởng tượng vì sao chủ đầu tư lại lựa chọn địa điểm này để xây thủy điện Sông Tranh 2. Chúng ta có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này.
TS Nguyễn Trường Tiền
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, GSTS Nguyễn Thế Hùng giảng dạy ở Khoa Xây dựng Thủy lợi Thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề cao sự cần thiết của những phản biện độc lập của giới khoa học. Ông nói:
“Trách nhiệm của các nhà khoa học là phải nói lên tiếng nói trung thực để từ đó Nhà nước, các cơ quan hữu trách họ nghe thấy tiếng nói trung thực đó để tìm ra nguyên nhân tháo gỡ những khó khăn. Bây giờ thủy điện bỏ ra số tiền lớn với mục đích thu lại lợi nhuận, nhưng các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng thấy nó nguy hiểm thì cũng phải bỏ chứ không có cách gì khác. Bởi vì tính mạng con người là quan trọng bậc nhất chứ không thể làm ra để lấy tiền rồi gây thiệt hại sinh mạng người dân. Sinh mạng là quí nhất, công trình xét thấy cần bỏ là phải bỏ.”
Cùng chia sẻ những băn khoăn này, phát biểu với báo chí trong dịp công bố bản báo cáo, TS Nguyễn Trường Tiền, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN, bày tỏ: “Tôi không thể tưởng tượng vì sao chủ đầu tư lại lựa chọn địa điểm này để xây thủy điện Sông Tranh 2. Chúng ta có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này”.

Cuộc thi Vua đầu bếp Việt Nam

christine-ha-250.jpg
Cô Christine Hà đang nếm món cá kho tại cuộc thi MasterChef. Screen captured by RFA.

Lấy cảm hứng từ sự kiện cô gái Mỹ gốc Việt, Chirstine Hà, xuất sắc giành giải quán quân trong cuộc thi MasterChef ở Hoa Kỳ, tuần này Việt Nam cũng thông báo chính thức khởi động cuộc thi “Vua đầu bếp Việt Nam”.
Được biết, chương trình Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam sẽ gồm 20 tập, được phát sóng vào lúc 8 giờ tối thứ sáu hằng tuần trên VTV3, với các giám khảo là đầu bếp gốc ngưới Úc gốc Việt Luke Nguyễn và doanh nhân Hoàng Khải – chủ hệ thống nhà hàng Cham Charm và Tajmasago.


Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến