Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Quy trình xử lý đảng và chính quyền đối với Thủ tướng


Trong lịch sử gần đây của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị phải nhận hình thức kỷ luật và bị khai trừ khỏi Trung ương có đồng chí Trần Xuân Bách, đồng chí Nguyễn Hà Phan. Một người có bài phát biểu được cho là đi ngược lại đường lối của Đảng. Một người thì bị tố cáo từng làm việc cho bên kia. Trong trường hợp hai đồng chí này, đầu tiên Thường trực Bộ Chính trị họp, đánh giá, lấy biểu quyết nhất trí là là “có vấn đề”. Sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác minh củng cố. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị họp lại, đánh giá, biểu quyết có kỷ luật hay không và nhất trí hình thức kỷ luật.

Sau đó, Tổng bí thư thay mặt Bộ Chính trị báo cáo trước Ban Chấp hành Trung ương. Trong trường hợp của hai đồng chí nói trên, việc Trung ương nhất trí khai trừ chỉ là thủ tục. Sau đó, đảng bộ và các cơ quan chính quyền có liên quan sẽ thực hiện những bước tiếp theo. 
Tuy nhiên, hai đồng chí Bách và Phan chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị. Nếu trường hợp là tứ trụ hay có chân trong thường trực Bộ Chính trị thì khá phức tạp mà chưa có tiền lệ xử lý hay kỷ luật. Vừa qua, đây chính là chỗ khiến Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lúng túng (xin không đề cập chuyện lợi ích nhóm với mua bán phiếu trong bài này).
Lấy trường hợp của Thủ tướng. Câu chuyện bắt đầu từ Tự kiểm điểm, một sinh hoạt chính trị thông thường của đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4. Trong sinh hoạt này, nội dung tự kiểm điểm phải được cấp ủy quản lý thông qua (tức là Bộ Chính trị) bằng hình thức lấy phiếu. Khi xem xét, đánh giá thông qua thì một vài Ủy viên Bộ Chính trị thấy nội dung tự kiểm điểm của Thủ tướng “có vấn đề” nên chưa thông qua được. Nội dung quan trọng nhất và yếu nhất trong bản tự kiểm điểm là Tư tưởng chính trị trong đó có việc người thân chấp hành các chủ trương, có vi phạm 19 điều cấm Đảng viên, trách nhiệm cá nhân trong lĩnh cực công tác … Thế là bản tự kiểm điểm của Thủ tướng chưa thể thông qua được.
Vậy là những “vấn đề” này cần xác minh. Tổng Bí thư giao cơ quan chức năng của Đảng là Ủy Ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, báo cáo Bộ Chính trị. Để thận trọng, Bộ Chính trị còn thành lập Bộ phận giúp việc, huy động thêm 2 Ủy viên Bộ chính trị khác tham gia. Trong khi đang thẩm tra thì xảy ra nhiều vụ bắt bớ Bố già, soái mà dường như đều có liên quan đến người thân và liên quan trực tiếp đến đối tượng đang thẩm tra. Như vậy là càng “có vấn đề”. Đấy là chưa nói tới một trang blog ngày đêm tung các thông tin có giá trị như những cú điểm huyệt chết người.
Báo cáo thẩm tra có trong tay rồi, Tổng Bí thư triệu tập mấy cuộc họp liền mà Bộ Chính trị chưa thông qua được nội dung tự kiểm điểm của đồng chí Thủ tướng. Quả bóng được “khéo léo” đưa sang chân Trung ương. Chỗ này chính là chỗ mà Bộ Chính trị chưa làm tròn nhiệm vụ bởi trách nhiệm thông qua nội dung tự kiểm điểm Ủy viên là của Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư.
Triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành, Bộ Chính trị đưa toàn bộ tài liệu ra báo cáo trước Trung ương. Sau khi nghiên cứu, đánh giá, Trung ương bỏ phiếu nhất trí đề nghị Bộ Chính trị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nội bộ. Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm, (nếu tín nhiệm thấp) Bộ Chính trị đề xuất hình thức kỷ luật hay xử lý để lấy biểu quyết trước Trung ương. Trên cơ sở kết quả biểu quyết (nếu quá bán nhất trí kỷ luật), Tổng Bí thư thay mặt Ban Chấp hành ký thông báo kỷ luật tới toàn thể Trung ương.
Khi có thông báo kỷ luật này, về mặt đảng, số phận chính trị của đồng chí này coi như đã xong. Tuy nhiên, quy trình xử lý về mặt chính quyền thì chưa hoàn tất.
Theo Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng là chức danh do Quốc hội bầu ra và miễn nhiệm/bãi miễn trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước. Do vậy, phải chờ tới khi Quốc hội họp kỳ họp kế tiếp (kỳ họp thứ 4 – cuối tháng 10/2012) thì đồng chí mới chính thức bị tước hết quyền lực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến