Nguyễn Tường Thụy - Trước hết, cần mở rộng khái niệm đĩ. Không phải cứ bán trôn nuôi miệng mới gọi là đĩ. Phàm những ai bán danh dự để kiếm tiền đều có thể gọi là đĩ cả.
Đĩ theo quan niệm hẹp tạm gọi là đĩ tình. Còn theo khái niệm mở rộng thì có đĩ buôn người, đĩ môi giới (hối lộ, chạy chọt), đĩ báo chí … Có loại đĩ hiến thân không trực tiếp lấy tiền mà là để tiến thân do khát quyền lực (loại này mới kinh) người ta thường gọi là đĩ cao cấp.
Tóm lại có nhiều loại đĩ lắm. Trong đó, loại đĩ dễ kiếm tiền nhất là đĩ chính trị. Loại đĩ này hơn hẳn những loại đĩ khác là không những kiếm bộn tiền mà còn có cả danh vọng nữa.
Vào Đảng CSVN (sau đây gọi tắt là Đảng) là để hy sinh cho lý tưởng cộng sản, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là những đảng viên chân chính, mặc dù tôi chẳng thích phấn đấu cho cái gọi là “lý tưởng cộng sản”. Tuy vậy, tôi vẫn cứ kính trọng thành phần đảng viên này dù không biết họ là ai, ở đâu, có hay không có.
Nhưng vào Đảng với mục đích để thăng quan tiến chức, bóc lột nhân dân, vơ vét cho bản thân, gia đình và họ hàng được nhiều chứ không phải như những gì họ tuyên thệ khi vào Đảng thì gọi là đĩ chính trị.
Dưới đây, tôi không dám nói đến những đảng viên chân chính mà chỉ nói đến đĩ chính trị thôi.
So với đĩ tình thì đĩ chính trị nguy hiểm hơn rất nhiều. Người ta cứ hay nói đến chuyện chân dài với các đại gia. Xét cho cùng thì đám chân dài chỉ vi phạm về đạo đức, về thuần phong mỹ tục thôi. Việc họ làm chẳng chết ai, chẳng ảnh hưởng đến bố con thằng nào. Của họ thì họ cho hay đổi chứ có phải của chính quyền đâu.
Nhưng đĩ chính trị thì có sức tàn phá ghê gớm. Nó làm khánh kiệt ngân sách quốc gia vì tham nhũng; tàn phá đất nước; phá hoại giá trị văn hóa, tinh thần của nòi giống; làm băng hoại đạo đức xã hội; làm suy giảm lòng tin của dân chúng đối với chế độ. Tóm lại, nó làm suy yếu đất nước và có thể dẫn đến mất nước bất cứ lúc nào.
Cứ bảo vào Đảng là để hy sinh, khổ trước nhân dân, sướng sau nhân dân nhưng hãy để ý mà xem, thông thường ai cứ vào Đảng là được đề bạt nhanh, tỉ lệ thuận với số tiền kiếm được. Hy sinh gì.
Vậy trong số 3,6 triệu đảng viên, bao nhiêu phần trăm đảng viên vì lý tưởng cộng sản, bao nhiêu vì động cơ vị kỷ. Điều này mọi người đều có thể đoán được. Nếu có một cái máy thẩm định được chính xác thì kết quả hẳn sẽ cho một con số kinh ngạc.
Có đảng viên cộng sản nào dám trả lời thật những câu hỏi sau:
Đồng chí có tin vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin không?
Đồng chí có phấn đấu cho lý tưởng cộng sản không?
Đồng chí vào Đảng có phải để hy sinh nhiều hơn quần chúng, sướng sau quần chúng không?
Vân vân …
Tôi đoán có 99% nói dối. Nếu còn 1% nói thật, tức là bằng 1% x 3600000 = 36000 (ba mươi sáu nghìn đảng viên) cũng là đã quá nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc loại ra một lúc 36 nghìn đảng viên vì Đảng đâu chấp nhận những đảng viên không có lý tưởng cộng sản. Không có lý tưởng cộng sản thì sao gọi là đảng viên cộng sản.
Vào đảng CSVN không khó mà cũng chẳng dễ.
Không khó là Đảng không kén chọn văn hóa, đại học cũng được, lớp mấy cũng xong. Chỉ cần cứ im im làm việc, chăm chỉ tham gia các phong trào, đừng bày tỏ thái độ gì. Lâu thì vài năm, mau thì một năm, tự dưng người ta cho đi học một buổi rồi bảo viết đơn, thế là vào.
Chẳng dễ tức là khó. Nhất là đối với mấy anh gọi là có học như có bằng đại học là dễ bị soi nhất. Anh nào có chí thì cũng trầy trật lắm mới đạt được nguyện vọng. Họ thường có tật như hay nói thẳng, nhiều lúc mải chuyên môn, không có thời gian hút thuốc lào, tán chuyện vặt thì bị coi là không quần chúng. Cánh này lại ưa sạch sẽ, hay tắm gội, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, đó là nhiễm phong cách tiểu tư sản.
Chả thế mà cơ quan tôi trước đây cứ thấy năm nay kết nạp một cô nhà bếp, năm sau kết nạp một cậu lái xe hay bảo vệ. Không kết nạp thì không đạt chỉ tiêu còn mấy cậu kỹ sư cứ đợi hết đợt nọ đến đợt kia. Thỉnh thoảng tổ chức lại cho anh ta đi học lớp đối tượng do ông bí thư trình độ 4/10 giảng về đường lối của Đảng, về chủ nghĩa duy vật biện chứng, về các cặp phạm trù, về kinh tế chính trị Mác – Lê Nin hay chủ nghĩa xã hội khoa học để nuôi hy vọng cho anh ta cho anh ta đừng phá. Loại này mà vào Đảng là nguy hiểm lắm, vì nó đe dọa cái ghế của sếp.
Có là đảng viên thì mới đề bạt được. Vì vậy mới sinh ra sếp văn hóa lởm khởm chỉ đạo kỹ sư làm việc. Mà cánh này thấy chỉ đạo sai khó mà không cãi nên cứ thế tiếp tục đóng vai quần chúng.
Cuối cùng thì một anh kỹ sư tư chất thông minh với bao nhiêu công lao học hành, tốn bao nhiêu tiền của vẫn không bằng anh nhân viên tạp vụ không cần đi học, không biết viết cái đơn vào đảng mà phải đi nhờ mấy đứa quần chúng. Vì vậy mới có chuyện sếp xuất thân từ công nhân, từ cán bộ phong trào. Đến cỡ nào đó vẫn có đủ bẳng cử nhân, thạc sĩ mặc dù không biết sếp học vào lúc nào và có làm nổi toán cấp 2 không.
Sau này, tình trạng ấy có đỡ đi. Tỉ lệ sếp không biết chữ dần dần co lại. Nhưng về cơ bản vẫn lấy tiêu chuẩn có phải là đảng viên hay không để đề bạt, cất nhắc.
Nói thế để thấy rằng, đầu tư vào chính trị là có hiệu quả nhất, tuy không phải ai cũng làm được vì có người thạo nghề này nhưng không thạo nghề khác hoặc bị con lương tâm nó cắn rứt.
Nhân dịp có cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tôi chỉ đề nghị một việc đơn giản là cứ đảng viên nào không tin vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin, không vì lý tưởng cộng sản thì cho ra khỏi Đảng hết. Chỉ e rằng nếu làm đúng như thế thì không biết “Đảng ta” còn lại được người nào không, nếu còn thì mấy người lơ thơ này có đủ số lượng để gọi là một đảng chính trị không.
27/7/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét