Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Cướp giật Sài Gòn: Vấn nạn thành đại nạn

(VTC News) – Cướp giật ở Sài Gòn không chỉ còn tụ tập thành băng nhóm mà thậm chí đi một mình thấy "mồi ngon" chúng cũng ra tay hành động. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những tên cướp giật táo tợn. 


Trong loạt bài này, ngoài những vụ cướp táo tợn, điển hình thời gian gần đây trên đường phố, chúng tôi còn chuyển đến độc giả video clip cận cảnh các cuộc rượt đuổi, vây bắt của "hiệp sỹ bắt cướp" trên đường phố Sài Gòn, mổ xẻ nguyên nhân vì sao cướp giật ngày càng lộng hành, lấy ý kiến của cơ quan chức năng, của người dân và những nạn nhân của các vụ cướp về vấn nạn này.

Bài 1: Cướp đi "ăn lẻ"

Tối 18/3/2012, một tổng biên tập thuộc một cơ quan báo chí lớn tại Hà Nội vào TP.HCM công tác đã bị giật chiếc điện thoại trên con phố được coi là rất an toàn tại Sài Gòn. 

"Tôi nghe điện thoại ở sau xe máy nhân viên của mình trên đường Út Tịch, quận Tân Bình. Lúc đó, chiếc xe chạy chậm đã áp sát vỉa hè để chúng tôi định hướng đường về khách sạn. Từ phía sau, một chiếc xe máy áp sát bên tay phải (vỉa hè). Tên cầm lái giật mạnh chiếc điện thoại của tôi. Quá bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy đó là một thanh niên đi chiếc wave alpha, nẹt pô rất lớn. Chúng tôi liền đuổi theo nhưng không kịp." - Vị tổng biên tập cho biết.

"Một người bạn là công an nói với tôi, bọn cướp đã không chỉ tụ tập thành băng nhóm đi cướp nữa mà chúng giờ còn "ăn lẻ", nghĩa là đi đường thấy tiện cũng ra tay cướp luôn." - Nhà báo trên cho biết thêm.

Vào ngày 13/12/2011, anh Yan Kit Kay và bạn gái của mình là Ka Kel Doris đang đi tản bộ trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) vào giữa trưa, bất ngờ có 1 thanh niên đi xe gắn máy ép sát, cướp đi toàn bộ tiền, giấy tờ cần thiết, các vật dụng có giá trị của 3 vị khách nước ngoài này ngay trước số nhà 160 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Vì đã bị mất hết toàn bộ tài sản, sau đó 2 bạn trẻ đến từ Hồng Kông này đã phải đi bán danh thiếp tại khu vực phố Tây Q.1 để kiếm tiền, trả tiền cho các chi phí phát sinh như phòng trọ, ăn uống và chi tiêu hàng ngày.
“Bọn chúng đã cắt dây túi xách rất nhanh chóng, gọn lẹ, chỉ trong tích tắc là đã xong. Khi tôi và bạn chưa kịp định thần là chúng có bao nhiêu người thì hành động đã xong, không kịp biết bọn chúng là ai, có bao nhiêu người. Bọn cướp đã ra tay quá nhanh…” – Kit Kay kể lại với VTC News khi sự việc mới xảy ra.

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến trong 1 lần bắt đối tượng cướp điện thoại di động của người đi đường.  

Khi VTC News đề nghị Kay và Doris phát biểu cảm nhận về nạn cướp giật ở TP lớn nhất Việt Nam này, Doris khi ấy đã nói rằng: Không cẩn thận thì bạn có thể bị cướp giật bất cứ lúc nào. 

“Vấn đề là mỗi người trong chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác, đề phòng cao nhất trước nạn cướp giật trên đường phố, dù rằng bạn đang ở bất cứ nơi nào” – Doris nói tiếp.

Vào đầu năm 2012, khi đang mua sắm ở 1 Trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất ở TP.HCM vào 1 buổi chiều, anh Nguyễn Ngọc Loan (nhân viên 1 Công ty truyền thông ở Q.1) khi vừa lấy chiếc điện thoại Iphone 4S mình vừa mua được 2 tháng ra nghe, bất ngờ có 1 thanh niên trẻ tuổi đi ngang giật phăng chiếc điện thoại này từ tay anh Loan rồi nhanh chóng trốn thoát.

Dây chuyền và điện thoại di động là 2 vật dụng thường hay bị bọn trộm cướp đi nhiều nhất của người đi đường (Ảnh: Minh Tiến)  

Dù sự việc đã trôi qua được 2 tháng, nhưng khi kể lại với chúng tôi, nét mặt của anh Loan vẫn chưa hết hốt hoảng cũng như buồn rầu. Anh Loan tâm sự: “Thật sự mình cũng không thể ngờ rằng, nạn cướp giật ở Sài Gòn lại có thể xảy ra ở tại chính 1 trung tâm thương mại vào loại cao cấp nhất được…” 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Loan cũng có lên trình báo với lực lượng bảo vệ tòa nhà và Công an phường quản lý địa bàn. Thế nhưng, theo anh Loan thì đây là giải pháp rất may rủi, chứ 1 ngày ở TP này xảy ra không biết bao nhiều là vụ trộm cướp. Thật khó mà có thể tìm lại tài sản cho người bị mất.

Không chỉ nội thành, mà ngay cả ngoại thành ở TP.HCM như quận Thủ Đức cũng là nơi mà bọn trộm cướp tài sản thường xuyên “ra tay”. Nguyễn Như Đức (SN 1992), Trần Ngọc Long (SN 1980), Nguyễn Thanh Liêm (SN 1996) là 3 đối tượng trong 1 băng nhóm thường xuyên cướp tài sản ở trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). 

Như Đức - Ngọc Long, 2 trong 3 tên cướp tài sản trên đường phố đã bị Công an quận Thủ Đức bắt giữ.  

Thủ đoạn của bọn chúng là khi phát hiện thấy “con mồi”, Long sẽ là người dùng xe máy ép sát đối tượng, Đức sẽ “ra tay” hành động cướp tài sản, và khi nhìn thấy đồng bọn của mình có nguy cơ bị phát hiện thì Liêm sẽ là người “cản địa” cho bất cứ ai muốn giúp nạn nhân. 

Khi đã có “sản phẩm”, bọn chúng thường sử dụng các quán café xung quanh khu vực quận Thủ Đức để bán, chia nhau “chiến lợi phẩm”. Đây là những đối tượng sống bụi đời, nghiện ma túy, và thậm chí là có người đã nhiễm HIV, đã từng gây ra rất nhiều các vụ cướp tài sản có giá trị của người đi đường trên địa bàn quận Thủ Đức.

Sau vài ngày theo dõi khi nhận được sự trình báo của nạn nhân, cơ quan CSĐT – Công an quận Thủ Đức đã bắt gọn toàn bộ các thành viên của băng nhóm nói trên để lập hồ sơ, xử lý tội “cướp tài sản”. 



"Ngày càng táo tợn, tinh vi"

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trung bình 1 tháng, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có đến hàng trăm vụ trộm cướp tài sản với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, hầu hết các tài sản vẫn là những vật dụng thiết thực nhất đối với đời sống hàng ngày của người dân như laptop, điện thoại di động, đồng hồ, vòng vàng lắc, dây chuyền…Đó là những tài sản dễ cướp và dễ bán cho những đường dây chuyên đi tiêu thụ hàng “đen”.

Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an TP.HCM (PC 45) khuyến cáo người dân sinh sống tại TP.HCM: “Hiện nạn trộm cướp vẫn diễn ra rất thường xuyên ở TP.HCM. Thủ đoạn của bọn chúng ngày càng táo tợn, tinh vi. Đã có không ít trường hợp người dân vừa bị mất tài sản, vừa mang thêm thương tật vào người do chống trả. 

PC 45 cùng với các cơ quan có trách nhiệm vẫn luôn tích cực tổ chức tuần tra, giữ vững địa bàn, nhưng người dân cũng vẫn phải tự biết bảo vệ tài sản của mình, luôn cảnh giác trước những hành động, cử chỉ “lạ” của người đi đường, nhất là các thanh thiếu niên tuổi mới lớn.



Kỳ sau: "Video những cuộc rượt đuổi cướp của hiệp sỹ" đăng vào sáng mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến