Trần Đông Đức (BBC) - Một nhóm người gồm thân nhân các nhà đấu tranh dân chủ và các blogger nổi tiếng từ Việt Nam đã đến Hoa Kỳ để vận động dư luận về quyền con người.
Theo họ, đây là chuyến đi diễn ra trong dịp Việt Nam đang có chân trong hội đồng nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, họ đã đưa được cha của ông Trần Huỳnh Duy Thức, mẹ của luật sư Lê Quốc Quân, và mẹ của anh Đinh Nguyên Kha đến Hoa Kỳ.
Trong nhóm đi vận động và đến được Hoa Kỳ hôm nay, còn có cả ký giả Đoan Trang và sinh viên Nguyễn Anh Tuấn, người nổi tiếng trong vụ “yêu cầu công an khởi tố chính mình” vì có cùng quan điểm như luật sư Cù Huy Hà Vũ.
Tất cả đều phải đi “lách” qua những con đường xuất cảnh tuy hợp pháp nhưng rất khó khăn vì cấm đoán của nhà chức trách ở Việt Nam.
Ban đầu họ âm thầm đến một trong những nước có chính sách miễn thị thực với Việt Nam trong khối Đông Nam Á, rồi từ đó họ xin visa vào Hoa Kỳ và Âu Châu.
Mẹ đi theo con
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha còn cho biết cá nhân bà hiện nay cũng đã trở thành một con người tranh đấu sau khi con trai bị bắt.
“Từ một bà mẹ quê, vì cứu con mà tôi đã trở thành blogger và biết dùng cả Facebook”, bà chia sẻ với mọi người trong một cuộc họp báo tại trụ sở báo Người Việt hôm 14/1/2014 ở Quận Cam, California.
Bà Kim Liên cũng nói lên lời mạnh mẽ rằng, bà nhận biết bây giờ đấu tranh cho dân chủ tự do ở Việt Nam là một sứ mệnh không chỉ giải cứu con trai bà mà còn cứu rất nhiều người có cùng cảnh ngộ.
Trong chuyến đi này, bà đã làm bạn với mẹ của luật sư Lê Quốc Quân và thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức.
Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ của nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức cũng nói rằng ông không còn cảm thấy đơn độc để tranh đấu cho con trai của riêng mình mà phải tiếp tục con đường tranh đấu một xã hội dân chủ và công bằng cho Viêt Nam.
Nói tiếng Anh tốt, ông Trần Văn Huỳnh sẽ điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và tiếp tục lên đường sang Geneve để vận động với dư luận Âu Châu.
Họp báo về các vấn đề nhân quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ hồi tháng 07/2013
Trải nghiệm và hướng đi mới
Đến với Quận Cam, nơi có cộng đồng người Việt đông nhất ở hải ngoại, chuyến sang Mỹ bất ngờ này đã trở thành một trải nghiệm đặc biệt cho mọi người.
Ký giả Đoan Trang cũng đến Hoa Kỳ trong sự trải nghiệm đó và còn tạo nên sự bất ngờ về mặt thời điểm.
Vốn là người từng gióng lên tiếng nói về tranh chấp Biển Đông từ năm 2001 và chịu nhiều phiền nhiễu trong trong nghề nghiệp làm báo ở Việt Nam, cô đã trả lời về chủ đề Biển Đông với các giới quan tâm ở Quận Cam trong dịp tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa.
Được biết, Đoan Trang dự kiến sẽ nêu ra các ví dụ về việc nhà báo bị sách nhiễu ra sao và cách báo chí ở Việt Nam bị cấm đoán như thế nào.
Sự xuất hiện của những nhân vật có dấu ấn xã hội, mang tính chứng nhân bị đàn áp ở Việt Nam xuất hiện các diễn đàn quốc tế cũng tạo nên tiếng nói mới cho phong trào tranh đấu cho tự do nhân quyền cho Việt Nam vừ bước sang một giai đoạn thiết thực theo mô hình hoạt động của các nhóm NGO thuộc các tổ chức phi chính phủ.
Trước đây các phái đoàn điều trần vận động quốc hội Hoa Kỳ phần đông đều do các nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đảm trách.
Bài do nhà báo tự do Trần Đông Đức gửi tới BBC từ California.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét