Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Vụ ông Chấn: 'Rất khó phát hiện ép cung'

Ông Trương Hòa Bình kêu gọi Quốc hội "chờ các cơ quan chức năng giải quyêt đúng đắn vụ án"

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao nói 'rất khó' để phát hiện ra ép cung, nhục hình trong quá trình xét xử trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nhưng cũng khẳng định hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm liên đới vì đưa ra quyết định sai.
Phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày thứ Năm 21/11, ông Trương Hòa Bình nói cáo buộc ép cung, dùng nhục hình trong vụ ông Chấn phải "được chứng minh" và cho biết "Bộ Công an đang cho tiến hành kiểm điểm lại vụ việc."
"Trong trường hợp cụ thể này thì có hay không có còn phải chứng minh, không thể khẳng định ngay là có ép cung," ông Bình nói.
"Nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của viện kiểm sát. Luật sư nếu phát hiện có ép cung nhục hình thì phải chứng minh."
"Việc một hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó. Điều này phải được bị can có yêu cầu xem xét, viện kiểm sát xem xét, luật sư có yêu cầu xem xét thì tòa án mới có điều kiện phát hiện được."
"Tuy nhiên, với trách nhiêm của hội đồng xét xử, dù không phát hiện được nếu có ép cung mà xét xử để oan sai thì vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới ," ông cho biết thêm.

'Dư luận chỉ là dư luận'

Tại phiên chất vấn, ông Bình đã kêu gọi Quốc hội "chờ các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết đúng đắn vụ án."
"Nếu thực sự có oan sai trong từng giai đoạn xét xử thì tùy theo từng gia đoạn, từng vụ việc thuộc trách nhiêm của cơ quan nào, thì về nguyên tắc chung, người đứng đầu cơ quan đó phải có trách nhiệm."
Ông này cũng nói tình trạng oan sai là vấn đề của "bất cứ nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có pháp luật tiên tiến" và "Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó".
"Mặc dù vậy, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan và oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất: 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được," ông này nói.
"Tuy nhiên, để xác định có oan sai hay không thì phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ. Còn dư luận thì chỉ là dư luận."
"Có oan hay không oan thì nó là theo quy định của pháp luật."
Ông Nguyễn Thanh Chấn đang nhờ tư vấn pháp lý để đòi đền bù thiệt hại
Sáng 19/11, ông Chấn cùng người thân đã tìm đến văn phòng luật sư Công Lý Việt tại Hà Nội và chính thức mời văn phòng này bảo vệ quyền lợi trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã gây ra cho ông và gia đình.
Ông Chấn, sinh năm 1961, bị bắt năm 2003 và sau đó bị tòa án tỉnh Bắc Giang tuyên tội giết người, án chung thân.
Nhưng ngày 25/10 năm nay, một người tên Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Ngày 6/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn, đồng thời yêu cầu điều tra lại từ đầu vụ án.
Trong thời gian thụ án, ông Chấn cũng đã gửi nhiều đơn tố cáo đến Viện kiểm sát tối cao, tố cáo việc bị ép cung, đánh đập, bắt phải nhận tội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến